LINH HỒN, TÁI SINH VÀ GIẢI THOÁT
Lê Sỹ Minh Tùng
Trước khi Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tìm đạo, nhân dịp dạo chơi bốn cửa thành cung thành Ca tỳ la vệ, Ngài nhận thấy những cảnh khổ như sinh, già, bệnh, chết. Từ đó trong tâm của Thái tử nẩy sanh ra ba nghi vấn:
1) Con người chúng ta từ đâu đến đây? 2) Sau khi chết thì chúng ta sẽ đi về đâu? 3) Cuộc đời nầy đầy dẫy khổ đau do đó nếu muốn thoát khổ và ra khỏi vòng sanh tử thì phải làm sao?Vì nhận thức như thế Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh cốt là để đi tìm chân lý cứu khổ, một con đường giải thoát. Ngài đã ra đi, bỏ lại tất cả, viễn ly mọi ràng buộc thế tình, trở thành một nhà tu khổ hạnh và phải tranh đấu với những hoàn cảnh khắc nghiệt để mong tìm thấy được ánh sánh chân lý. Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ-đề, Ngài đã tìm ra con đường giải thoát, có được thanh tịnh Niết bàn và giác ngộ viên mãn. Vì thế đạo Phật mới gọi là đạo giải thoát. Giải là cởi mở nghĩa là cởi mở những trói buộc để thoát ra khỏi mọi hình thức đau khổ của cuộc đời.
Trong đêm lịch sử mùng tám tháng chạp cách đây trên 2500 năm thì Ngài đã thành đạo sau khi chứng được tam minh và lục đại thần thông. Tam minh đó là:
1)Túc Mạng Minh: Túc là đời trước, mạng là sinh mạng còn minh là sáng suốt. Do đó túc mạng minh là sáng suốt để thấu hiểu rõ ràng những đời trước của mình. Đây là lời giải đáp câu hỏi thứ nhất là con người chúng ta từ đâu mà đến? Đức Phật đã thấy rõ vô số tiền kiếp của mình như việc mới xảy ra hôm qua. Đời trước Ngài là ai? Tên gì? Và sống ở đâu? Từ đó vô số kiếp hiện ra trước mắt Ngài, một kiếp qua đi thì kiếp khác lại đến. Vì sự trực tiếp nhớ về đời quá khứ của chính mình nên về sau đệ tử của Phật gom góp tất cả các đời quá khứ để làm thành kinh Bổn Sự cho Đức Phật.
2)Thiên Nhãn Minh: là con mắt sáng suốt thấy rõ ràng những gì rất xa một cách tường tận. Ngài đã thấy sự sanh tử của chúng sanh dựa trên cái nghiệp mà chính họ đã tạo ra. Sự thấy biết của Ngài như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng. Đức Phật thấy rằng con người chết rồi không phải là hết mà phải theo nghiệp để thọ sanh trong Lục đạo Luân hồi. Đây là câu trả lời cho nghi vấn thứ hai là sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu.
3)Lậu Tận Minh: Lậu là rơi rớt, tận là chấm dứt, là hết. Do đó lậu tận minh là biết tường tận để không còn rơi rớt vào trong lục đạo luân hồi. Đức Phật đã thấy nguyên nhân nào chúng sinh có sanh tử và phương cách nào chấm dứt sự sanh tử nầy để không còn rơi rớt, trầm luân trong sáu nẻo luân hồi. Đây chính là chân lý Tứ Diệu Đế. Con người không còn sanh tử tức là vĩnh viễn không còn đau khổ và đây là câu trả lời cho nghi vấn thứ ba.
Ngoài tam minh, Đức Phật còn chứng cả lục đại thần thông, đó là:
1) Thiên nhãn thông: có nhãn lực nhìn thấy khắp muôn loài cùng sự sanh hóa trong thế gian bao la rộng lớn.
2) Thiên nhĩ thông: có nhĩ lực để nghe khắp mọi nơi bao gồm loài người và loài vật.
3) Tha tâm thông: có tâm lực biết được tâm nguyện sở cầu của kẻ khác.
4) Túc mạng thông: có trí lực hiểu biết các đời trước của mình.
5) Thần túc thông: có thần lực để bay cao hay độn thổ.
6) Lậu tận thông: có trí tuệ thông suốt ba đời để không còn đau khổ, phiền não và sanh tử luân hồi.
Thế thì điều kiện để thành Phật là chứng tam minh, đắc lục thông chớ không hề có Bát Nhã. Nhưng trong Bát Nhã Tâm Kinh đã khẳng định rằng chư Phật ba đời cũng phải y vào Bát Nhã Ba La Mật Đa mà được đạo quả Bồ Đề. Vậy hư thật thế nào? Vào thời Đức Phật còn tại thế, chính Đức Phật và biết bao vị A La Hán chỉ cần đắc tứ thiền, chứng tam minh là có giải thoát. Mãi 700 năm sau ngày Đức Phật nhập diệt, Bồ Tát Long Thọ mới giới thiệu tư tưởng Bát Nhã vào trong Phật giáo và từ đó mới có Bát Nhã Tâm Kinh mà về sau khi Ngài Huyền Trang qua Ấn Độ thỉnh kinh đem về và dịch lại Bát Nhã Tâm Kinh của Long Thọ mà chúng ta có được ngày nay. Vậy thế nào là trí tuệ Bát Nhã? Đây là lời giải thích dựa theo lối văn tự mới của Phật giáo Đại thừa để xác định rằng hành giả một khi có trí tuệ Bát Nhã nghĩa là người đó có đủ trí tuệ để thấy biết rốt ráo rằng vạn pháp là vô ngã, không có tự thể tức là không. Vì thế người đắc đạo là người thực chứng chân lý Vô Ngã (ngã không) nghĩa là trong họ không còn khái niệm về “cái tôi” và “cái của tôi” nữa cho dù là vi tế.
Túc Mạng Minh và Thiên Nhãn Minh đã cho chúng ta một nhận định rõ ràng rằng con người có tái sinh cũng bởi do nghiệp (karma) mà chính họ tự tạo trong đời quá khứ và dĩ nhiên chết không phải là hết, mà cuộc đời của chúng sinh cũng giống như một như một sợi dây thẳng, không có điểm bắt đầu và không có điểm cùng tận.
Thế nào là tái sinh?
Theo tinh thần Phật giáo, mỗi chúng sinh là sản phẩm của chính mình, con người chúng ta hiện tại là sản phẩm do chính chúng ta tạo nhân trong quá khứ và bây giờ chúng ta đang tạo ra cuộc đời cho chính mình trong tương lai. Cuộc sống là một quá trình liên tục chỉ tạm thời gián đoạn mỗi khi thân xác vật lý biến đổi không còn phù hợp cho việc tiếp tục tồn tại và dừng hoạt động, chúng ta tạm rơi vào trạng thái không còn thân xác cho đến khi có cơ hội kết hợp đủ các yếu tố cần thiết thì một chu kỳ sống mới với thân xác mới lại bắt đầu. Tuy nhiên khái niệm về sự tái sinh không phải là đặc thù của Phật giáo mà rất nhiều tôn giáo khác nhau xưa và nay cùng đưa ra học thuyết chủ trương sự đầu thai mà trong đó họ cho rằng một linh hồn có thể luân chuyển trong nhiều thân xác khác nhau.
Vậy linh hồn là gì? Linh hồn có bất tử không?
Linh hồn, tiếng Hy Lạp là “Psyche”, nghĩa là sự sống, tinh thần, ý thức. Socrates cho rằng linh hồn là tinh thể (Essence). Platon lý luận rằng linh hồn bao gồm lý trí (Logos), tình cảm (Thymos) và ái dục (Eros). Trong khi đó, Aristote định nghĩa linh hồn là hoạt tính của một cơ thể sống và cho rằng linh hồn sẽ mất đi khi cơ thể không còn nữa, giống như hoạt tính của con dao là cắt, khi con dao bị hư hoại thì hoạt tính cắt không còn nữa. Mỗi tôn giáo, mỗi tín ngưỡng có quan niệm khác nhau về “linh hồn”, nhưng thông thường linh hồn thường được hiểu là phần tinh anh, cái tinh thể, phần tinh thần của con người. Xa hơn nữa, các tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi Giáo đều cho rằng linh hồn là phần thiêng liêng, bất diệt. Linh hồn là do Thượng đế ban cho mỗi người như là sự sống. Nếu một người biết thờ kính Thượng đế thì khi chết linh hồn đó sẽ được về sống hạnh phúc đời đời trên Thiên đường. Ngược lại, nếu làm ác, không tin vào Thượng đế thì linh hồn đó khi chết chắc chắn sẽ bị đọa vào địa ngục để gánh chịu mọi sự khổ đau.
Nói chung, các tôn giáo hữu thần đều cho rằng có một linh hồn bất tử trong con người. Nếu khi sống làm như lời Chúa dạy, thì sau khi chết người ấy được Chúa cứu rỗi lên Thiên đường hoặc ngược lại thì bị đày xuống hoả ngục. Cái phần phi vật chất được lên thiên đường hay xuống hoả ngục đó, họ gọi là linh hồn.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, Bà la môn giáo (Ấn độ giáo ngày nay) tin rằng có một linh hồn hay bản ngã (Atman)(tiểu ngã) trường tồn. Đối với Ấn độ giáo, cặp phạm trù cơ bản nhất là tiểu ngã (Atman) và đại ngã (Brahman). Đại ngã là cái bản ngã vũ trụ, cái tuyệt đối. Nếu nhìn dưới góc độ tôn giáo, đại ngã là yếu tố thần linh được bao chứa và thấm nhuần trong vạn vật. Còn tiểu ngã là cái bản thể của mỗi con người. Ấn độ giáo cho rằng tiểu ngã và đại ngã là nền tảng của vũ trụ quan, trong khi đó thuyết nghiệp báo và luân hồi là nền tảng nhân sinh quan. Thuyết luân hồi của Ấn độ giáo quan niệm rằng cái chết của con ngưởi là sự chuyển hóa sang kiếp sống khác, sự tái sinh trong luân hồi là do nghiệp báo mà ra. Nói cách khác, bất cứ hành động nào của con người cũng phải trả giá, nó toàn năng ngoài ý muốn con người và nó theo đuổi con người không bao giờ lầm lẫn. Sau cùng thuyết giải thoát cho rằng tuy rất khó, nhưng con người có thể tránh khỏi luân hồi nghiệp báo bằng cách nỗ lực gắng sức dập tắt động lực đẩy bánh xe nghiệp báo thì có thể đi đến giải thoát. Và lúc đó tiểu ngã sẽ hòa đồng vào đại ngã của vũ trụ. Tóm lại, Bà la môn giáo cho rằng thờ phượng các Thượng đế (đại ngã) cũng chính là thờ phượng tiểu ngã (Atman) của mình cho nên tiểu ngã là linh hồn và đại ngã (Thượng đế)(Brahman) là chúa tể các linh hồn đó.
Trong khi Ấn Độ giáo (Bà la môn giáo) tuyệt đối tin vào một linh hồn, một tiểu ngã thường hằng bất biến thì sự xuất hiện của Đức Phật đã thổi một luồng sinh khí mới vào trong xã hội Ấn độ lúc bấy giờ. Thuyết Duyên Khởi của Đức Phật với chân lý “Vô Ngã” , một trong ba pháp ấn (Vô thường, Vô ngã, Khổ) của giáo lý Phật Đà, đã phủ định cái Ngã trong Ta của Bà la môn giáo. Ấn Độ giáo càng phát triển vun bồi cho “tiểu ngã” bao nhiêu thì giáo lý đạo Phật chủ trương càng xa lìa, đánh đổ nó để trở về với trạng thái không dính mắc mà có thanh tịnh tự tại Niết bàn. Vì thế con đường giải thoát của đạo Phật là phải phá chấp, trong thì phá chấp ngã, ngoài thì phá chấp tướng, trong ngoài tự tại là có thanh tịnh Niết bàn.
Trong khi đó, người Trung Hoa tin rằng sau khi chết thì linh hồn sẽ bị ngưu đầu mã diện đưa về cõi âm. Sau khi được sự phán xét của Diêm vương, linh hồn thiện đi đầu thai ở dương thế còn linh hồn ác bị đọa đày đời đời trong hỏa ngục. Do đó, người Trung Hoa quan niệm rằng “sinh ký tử quy” nghĩa là “sống gửi, thác về” cho nên dương thế chỉ là cõi tạm trong khi cõi âm mới là cõi sống thật sự do vậy mới có tập tục đốt giấy vàng bạc để cho linh hồn ông bà tiêu xài ở cõi âm. Nhưng thử nghĩ lại đã ở trong hỏa ngục thì làm sao tiêu xài? Cùng quan niệm đó, vào thế kỷ thứ 18, thi hào Nguyễn Du (Tố Như) có viết trong truyện Kiều như sau:
“…Rằng: Những đấng tài hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh”.
Phách mà thi hào Nguyễn Du nói ở đây là thân tứ đại sẽ tan rã, tiêu mất. Cái duy nhất còn lại của con người mà thi hào gọi là “tinh anh” thì chính là “linh hồn” vậy.
Tuy có rất nhiều học thuyết về Thượng đế, linh hồn, nhưng Phật giáo phủ nhận tất cả. Đối với Phật giáo không chấp nhận khái niệm về một linh hồn bất tử hay một bản ngã thường tại. Vậy Phật giáo giải thích hiện tượng này thế nào?
Đức Phật dạy rằng con người là sự tập hợp của hai thành phần chính gọi là danh và sắc. Danh là phần tư tưởng gồm có 4 hợp tố, đó là thọ, tưởng, hành và thức. Sắc gồm có hai, đó là nội sắc và ngoại sắc, nhưng đại để là sự kết hợp của đất, nước, gió, lửa.
Theo quan điểm của đạo Phật, mọi sự vật hiện tượng, trong đó có cả con người, đều chịu sự chi phối của quy luật biến dịch, thay đổi của vũ trụ. Định luật đó gọi là “vô thường”. Chính vì bản chất của mọi sự vật hiện tượng là không thật, do các duyên hội tụ mà thành, nên chúng mới chịu sự chi phối của định luật vô thường nầy. Thân (sắc) hay tâm (danh) của con người cũng phải chịu sự chi phối, tác động này. Tất cả mọi sự vật hiện tượng, dù là các ý niệm hay tư tưởng đều luôn luôn thay đổi nên không có một cái gì gọi là một linh hồn bất tử được.
Do vậy, Phật giáo phủ nhận những quan niệm về linh hồn bất tử vì những quan niệm đó hoàn toàn không phù hợp với thuyết “duyên sinh, duyên diệt” của đạo Phật. Thật ra trên thế gian này không có cái gì gọi là trường tồn, bất tử cả bởi vì tất cả mọi sự vật đều sinh diệt vô thường. Cho dù to lớn như những hành tinh, những dãy Thiên hà hay bé nhỏ như hạt bụi, nguyên tử thì không có một sự vật nào là không do nội nhân, ngoại duyên hội tụ mà tồn tại. Vì sự tồn tại là do nhân duyên cho nên mọi sự vật không có tự thể, không có tự tánh nghĩa là tất cả đều là vô ngã tức là không. Nhân duyên tụ hội gọi là sinh, nhân duyên ly tán, gọi là diệt thế thôi.
Không những luật vô thường áp dụng cho thế giới vật chất hữu vi, mà ngay cả trong thế giới tư tưởng (tinh thần) thì tất cả cũng đều sinh diệt vô thường cả. Nhân sinh vũ trụ thay đổi từng giây, từng phút, từng sát na, từng ý niệm. Ngày nào chúng ta còn trai trẻ tráng kiện mà bây giờ lưng mõi, gối mòn, lưng còng má hóp, nhớ trước quên sau, nếu không là vô thường thì còn là gì? Cái tâm trước đâu có giống cái tâm sau cho nên tư tưởng liên tục sinh diệt trong ta, thế không là vô thường thì là gì?
Theo Phật giáo, “linh hồn” là tính biết, cái biết, sự nhận thức, tư duy…, gọi chung là Thức. Thức bao gồm một nội dung được xem là những dấu ấn, những hạt mầm (chủng tử) được tạo nên bởi những hành tác của một người trong đời sống hiện tại và những đời sống trước kia, còn được gọi là nghiệp hay nghiệp thức.
Trong kinh Đại Duyên (Mahanidanasutta) của Trường Bộ (Dighanikaya), Đức Phật gạn hỏi Tôn giả A-nan rằng:
“Này A-nan, nếu Thức không đi vào trong bụng mẹ thì danh sắc có thể hình thành trong bụng mẹ được không?”
Tôn giả A-nan đáp:
“Bạch Thế Tôn, không”.
Thức dựa theo Phật giáo là dòng chảy liên tục của các ý niệm. Các ý niệm này tùy thuộc nhiều yếu tố khác mà phát sinh và Đức Phật gọi quá trình tùy thuộc phát sinh nầy là “duyên khởi” và “thức” chỉ là một mắc xích trong 12 mắc xích duyên khởi mà thôi. Chính sự tiếp nối của các ý niệm tương tục nầy mà thức đi tái sanh, lên xuống trong 3 cõi 6 đường, chứ không phải là một linh hồn bất tử, vĩnh hằng như các tôn giáo hữu thần khác. Do đó, khái niệm “thức” của Phật giáo hoàn toàn khác biệt với “linh hồn bất tử” của các tôn giáo khác.
Vào thời Đức Phật, chỉ có sáu thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Cho đến 700 năm sau ngày Đức Phật nhập Niết bàn, các luận sư như Long Thọ, Vô Trước và Thế Thân phân tích sâu rộng hơn công năng của ý thức (thức thứ sáu) và giới thiệu thêm Mạt na thức (thức thứ bảy) và A lại da thức (thức thứ tám). Chính A lại da thức là năng lượng, là sức mạnh gọi là nghiệp lực mà khi một người chết đi, nó đẩy A-lại-da thức nương gá vào một thân thể mới vừa tượng hình có hoàn cảnh phù hợp (tương ứng) với nó. Đó là ý nghĩa của “linh hồn đi đầu thai” mà Phật giáo gọi là Thức đi đầu thai.
Nói tóm lại, Phật giáo gọi “linh hồn” là “Thức” hay “Nghiệp thức” do vô minh từ vô thỉ mà có. Nó là vọng thức, luôn luôn vận hành, biến đổi theo hoàn cảnh và hành tác của một người, và là động lực khiến chúng sinh trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Ngược lại linh hồn thì cố định, không thay đổi, trường tồn.
Vậy sự biến hành của “Thức” như thế nào?
Bây giờ chúng ta hãy suy nghiệm ý nghĩa của “thức” dựa trên quan niệm của Phật giáo Đại thừa. Trên thực tế, tâm chỉ có một nghĩa là chủ thể của 8 thức chỉ có một, nhưng do phân tích công năng mà chia thành tám. Làm ác, làm thiện là bảy thức đầu, và đem các nhân thiện, ác đó ký gửi ở thức thứ tám. A lại da thức (thức thứ tám) là cái kho tàng chấp chứa tất cả hạt giống (chủng tử) của nghiệp tức là nghiệp nhân. Người tổng quản của kho tàng là thức thứ bảy (Mạt na thức). Lấy của ra, đưa của vào kho là thức thứ 6, còn 5 thức đầu là tạo nghiệp. Tuy có tám thức, nhưng Phật giáo chỉ lấy thức thứ tám là A lại da thức làm chủ thể của sinh mạng vì A lại da thức đưa con người vào biển sinh tử trầm luân và cũng chính A lại da thức này mà con người có thể huân tu để chuyển phàm hóa Thánh.
Như vậy công năng của thức thứ tám là tàng trữ, nhưng khác với ông Thần tài giữ của, chỉ cho nhập mà không xuất kho. Ở đây trong A lại da thức (thức thứ tám) thì tiến trình xuất và nhập kho nối tiếp không ngừng, nhập kho là các hành vi ảnh hưởng đến tâm lý, và để lại dấu ấn trong thức thứ tám gọi là “nghiệp nhân hay chủng tử”. Còn xuất kho là tâm lý dẫn tới hành vi tạo nghiệp hay cảm thọ, gọi là “nghiệp quả hay hiện hành”. Nói cách khác, nếu chủng tử thành hiện hành thì đó là xuất. Còn hiện hành thành chủng tử thì đó là nhập. Vì vậy trong suốt cuộc đời, tiến trình này tiếp nối không ngừng. Những đời quá khứ thì tiến trình này cũng vậy và dĩ nhiên những đời tương lai, tiến trình xuất nhập này cũng y như vậy. Tất cả đều không ra ngoài quy luật liên hệ giữa chủng tử và hiện hành. Cứ thế mà con người sinh tử tương tục, sinh mạng nối tiếp không gián đoạn.
Vì sự biến hành liên tục, không ngừng nghĩ giữa xuất và nhập, giữa chủng tử và hiện hành cho nên bản chất của A lại da thức luôn luôn biến động không ngừng. Nói cách khác tiến trình của A lại da thức là niệm niệm sinh diệt, niệm niệm biến đổi và đó chính là động cơ đưa con người vào chốn sinh tử trầm luân và đồng thời A lại da thức có chức năng giúp chúng sinh thoát ly sinh tử, chứng đắc thanh tịnh Niết bàn.
Hãy nghe lời giải thích của Bồ tát Thế Thân về A-lại-da thức như sau: “Dòng chảy của các biến cố tâm thần mà bạn trải nghiệm, để lại hạt mầm (chủng tử) của nghiệp trong thức lưu trử nên gọi là Tàng thức (A-lại-da thức). Các hạt mầm được tồn trử trong nhà kho đó cho tới sau cùng, khi hội đủ các điều kiện thích đáng, chúng chín muồi và rồi ảnh hưởng lên các biến cố về sau”.
A-lại-da thức chứa đựng mọi kinh nghiệm trong kiếp sống của mỗi con người và nguồn gốc của tất cả các quan niệm tinh thần. Theo quan niệm của Pháp tướng tông thì A-lại-da thức là nơi tập hợp mọi nghiệp quá khứ rồi tới một thời đểm nhất định, tác động lên kiếp tái sinh. Và cá thể thật ra chỉ là dòng sinh diệt tiếp nối của vô số chủng tử của nghiệp. Do đó, trong ta không có một bản ngã cố định.
Trong Thành Duy Thức Luận quyển ba giải thích thức A lại da thức có ba công năng như sau:
1)Giữ gìn (chấp trì) chủng tử của các pháp: Các pháp nói ở đây là chỉ cho tất cả các pháp hữu vi. Đó là “hữu lậu hữu vi” tức là các pháp tạp nhiễm thuộc về chúng sinh và “vô lậu hữu vi” tức là các pháp thanh tịnh thuộc về Thánh hiền. Tuy nhiên “chủng tử” chỉ có công năng tiềm tàng (ẩn núp) mà không khởi hiện. Nếu không có một cái gì để chứa giữ thì chủng tử của các pháp phải bị tản mất. Nếu chủng tử các pháp bị tản mất thì các pháp hiện hành ở thế gian và xuất thế gian cũng chẳng còn. Do đó phải có thức A lại da, tánh vô phú vô ký, nhất loại sinh diệt tương tục mới có thể duy trì chứa giữ chủng tử của các pháp.
2)Giữ chịu(chấp thọ) sắc căn và thế giới: Đây là muốn chỉ cho cái công năng giữ gìn báo thân của chúng sinh hữu tình được tương tục tồn tại trong một thời kỳ không tan hoại.
3)Giữ lấy(chấp thủ) việc kết nối đời sau tức là “kiết sanh tương tục” là do ba pháp: phiền não, nghiệp và sanh. Con người vì sống trong vô minh bất giác nên tạo ra nghiệp mà phải kết nối đời sau để thọ khổ. Chữ “kiết sanh” có nghĩa là thọ sanh tức là bắt đầu từ khi kết thai cho đến lúc sanh ra vậy. Tiến trình kết mối đời sau bắt đầu từ thân đang sống đến thân đang chết. Rồi từ thân đang chết đến thân trung ấm (thân mới chết chưa đầu thai). Và sau cùng từ thân trung ấm đến thân đời sau. Nếu các thân được tương tục không gián đoạn như thế ắt phải có một cái gì thường lưu hành và giữ gìn (chấp thủ). Cái đó chính là thức A lại da. Thật vậy, nếu không có thức thứ tám này để nắm giữ việc “kết nối đời sau” thì khi một người chết rồi phải mất luôn, không còn tái sanh được nữa. Như thế thành ra bị rơi vào thuyết Đoạn diệt của ngoại đạo rồi. Thêm nữa tất cả những chủng tử tốt xấu đều được gieo vào mảnh đất A lại da trong trạng thái tiềm ẩn. Các chủng tử này được huân tập, chuyển biến, tương sanh, tương duyên, tương diệt liên tục. Tất cả những sự chuyển biến này xảy ra liên tục và tức thời, chớp nhoáng và liên tiếp. Cái này diệt thì cái kia sinh, tương tức tương tục liên miên bất tận nên được gọi là Sát Na Sinh Diệt. Sát Na Sinh Diệt có thể được ví như những khối nước liên tục chuyển động chẩy trong dòng thác lũ. Khối nước trước đổ qua thì có khối nước khác đổ tới, tiếp nối liên tục không ngừng nghĩ và dĩ nhiên dòng nước cũ không thể chẩy trở lại nơi mà nó đã chẩy qua. Sự sinh diệt triền miên đó cũng có thể ví như những đợt sóng dạt dào trên biển cả. Đợt sống này đẩy đợt sóng kia, đợt sóng mới đẩy đợt sóng củ. Bởi có gió vọng tưởng thổi sóng dạt dào trên biển cả làm các ngọn sóng liên tiếp nhồi lên lặn xuống không ngừng nghĩ cho nên ngọn sóng này diệt thì ngọn sóng mới khởi sanh.
Nhưng làm thế nào để có giải thoát, viễn ly sinh tử luân hồi?
Như đã nói, công năng chính của A lại da thức là sự biến động liên tục không ngừng giữa chủng tử và hiện hành hay nghiệp nhân và nghiệp quả. Cũng như dòng nước chảy liên tục là do nước chảy mà có vì thế cứu cánh giải thoát của người tu Phật là làm thế nào cắt đứt dòng nước chảy sinh tử nhân quả liên tục đó. Một khi tác dụng của A lại da thức không còn nữa nghĩa là trong A lại da thức không còn chấp chứa gì, hiện hành cũng không và dĩ nhiên chủng tử cũng không thì lúc đó hành giả đã thành công chuyển “Thức” thành “Trí”, chuyển phiền não sinh tử luân hồi thành Bồ đề Niết bàn vậy. Khi chúng sinh biết tu tập làm cho tâm được thanh tịnh thì các chủng tử vô lậu được huân tập, tăng trưởng và phát sinh ra hiện hành. Các hiện hành này được huân tập trở vào thức A lại da thành các chủng tử vô lậu mới. Tùy theo tánh chất của các chủng tử vô lậu mới này mà chủng tử hữu lậu tiềm ẩn sẳn có trong tàng thức bị suy thoái và tiêu diệt hoặc các chủng tử vô lậu sẳn có ở trong đó được tăng trưởng và phát sinh thêm. Nếu chúng sinh trì công tu tập có nghĩa là tiếp tục huân tập các chủng tử vô lậu thanh tịnh đến khi tất cả các chủng tử và hiện hành hữu lậu hoàn toàn bị tiêu diệt thì lúc đó họ sẽ chứng đắc được bát địa Bồ-tát của Đại thừa. Đến đây thì tàng thức chỉ chứa toàn các chủng tử vô lậu. Các hạt giống hữu lậu của phiền não, nghiệp báo luân hồi sinh tử không còn nữa và A lại da thức bây giờ chuyển thành “Vô cấu thức”. Vô cấu thức cũng còn cái tên khác là Yêm-ma-la thức, Bạch tịnh thức, Thanh tịnh thức, Chân như thức, Như Lai tạng thức hay thức thứ chín. Tuy có rất nhiều tên như thế nhưng chung quy cũng chỉ có một ý nghĩa thanh tịnh, vô nhiễm.
Tóm lại, một khi chúng sinh đạt đến quả vị bát địa Bồ-tát thì các chủng tử hữu lậu làm chướng ngại chân tâm sẽ bị hủy diệt, nhưng thật ra vẫn còn những chủng tử hữu lậu vi tế nằm tiềm ẩn trong thức thứ tám này. Chỉ khi nào các vị bát địa Bồ-tát tiếp tục tiến tu pháp tối thắng vô phân biệt trí, được gọi là Thắng Pháp Không Quán, để vượt qua khỏi bậc Bồ-tát Thập địa mà đến bậc Đẳng Giác và khởi Kim Cang Dụ Định mà đạt tới Phật quả thì thức thứ tám này mới xóa tan hoàn toàn tất cả các vô lậu thậm thâm vi tế và chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí. Khi đó các chủng tử vô lậu, cấu nhiễm đã hết, thức này chuyển thành trí thanh tịnh chiếu khắp mười phương các cõi nhiều như vi trần nên gọi là Đại Viên Cảnh Trí. Đây chính là cái thể thanh tịnh của Chơn Tâm cũng như mặt gương sáng chiếu soi tất cả vạn pháp một cách chân thật mà nhà Phật gọi là “như thị bất khả tư nghì”.
Thế thì A lại da thức không thể nào là “linh hồn” được vì linh hồn bất biến vĩnh hằng, trong khi đó A lại da thức có khả năng siêu phàm, nhập Thánh, giải thoát sinh tử trầm luân. Đây là điểm đặc thù của Phật giáo, hoàn toàn khác hẳn với bất cứ tôn giáo nào trên thế gian bởi vì Thánh giả của Phật giáo là người hoàn toàn giải thoát, không còn mầm mống tham-sân-si cho dù là vi tế. Họ luôn sống trong tự tại thanh tịnh Niết bàn và quan trọng nhất là làm chủ sự sống chết. Đối với những Thánh giả Phật giáo, sống là tùy duyên, độ đời cho nên khi duyên hết họ vào thiền định (tứ thiền từ cao xuống thấp và ngược lại), tịnh chỉ hơi thở rồi nhập Niết bàn. Ngài Xá Lợi Phất dạy rằng:
Không cần tịch diệt, Cũng không cần trường sanh. Chưa phải lúc thì ở, Thời đến thì ra đi.Phật giáo “không bao giờ” có truyền thống phong Thánh cho ai cả vì ai tu người ấy chứng, ai ăn người ấy no, không bao giờ một người ăn mà người khác no được (Kinh Lăng Nghiêm). Đức Phật dạy rằng: “một người chết đuối thì không thể nào cứu một người chết đuối khác được” cho nên phàm nhân thì làm sao ai có đủ tư cách phong Thánh cho phàm nhân khác được?
Khi mê thì chấp có ta, có Bản Ngã nên mới tạo nghiệp để phải chịu sinh tử triền miên. Đến khi thức tĩnh giác ngộ, thức tâm vọng niệm biến mất, bản Ngã không còn thì chơn tâm, Phật tánh hiện bày. Con người thường nghĩ rằng trong họ phải có Cái Ta nên trong tâm thức lúc nào cũng cho rằng Cái Ta này phải khác với mọi sự vật và cho đến chết họ cũng bo bo giữ chặt “Cái Ta” đến cùng để chuyển từ thân này sang thân khác. Nhưng tâm thức thì cùng khắp mười phương thế giới, không hề đi đâu. Còn Cái Ta chỉ là ảo danh, không hề thật có mà con người bám vào kiến chấp mê lầm nên mãi trôi nổi trong sinh tử luân hồi. Hãy lắng nghe câu chuyện trong kinh Tỳ kheo Na Tiên như sau :
Vua Di Lan Đà bây giờ hỏi Tỳ kheo Na Tiên rằng :
– Bạch Đại đức! Con người sau khi chết rồi, cái gì sanh trở lại?
Tỳ kheo Na Tiên liền đáp :
– Tâu Đại vương! Đó là Danh (thọ, tưởng, hành, thức) và Sắc (thân tức là đất, nước, gió, lửa…).
– Phải chăng đó là Danh và Sắc-thân của người cũ sanh trở lại?
– Thưa không phải Danh cũ, cũng không phải Sắc-thân cũ sanh trở lại. Cái Danh Sắc-thân của đời này làm các việc thiện ác, do nghiệp thiện ác ấy mà chuyển sanh sang một Danh Sắc-thân khác để thọ lãnh phước báo hay tội báo đã gây ra.
– Như vậy là không phải cái Danh Sắc-thân cũ sanh trở lại. Thế thì đời này là điều ác, đời sau đâu có chịu quả báo được? Và nếu không sanh trở lại nữa thì tức là đã thoát khỏi luân hồi?
– Không phải như vậy! Nếu sống ở đời mà chỉ toàn làm điều thiện thì sau khi chết có thể không sanh trở lại. Nhưng thông thường thì làm điều thiện cũng có mà gây điều ác cũng nhiều, việc lành, việc dữ tiếp nối xen nhau không ngừng, cho nên phải sanh trở lại mà thọ báo. Làm sao thoát khỏi luân hồi được.
– Xin cho thí dụ về sự liên hệ giữa Danh Sắc-thân cũ với Danh Sắc-thân mới :
– Ví như người hái trộm xoài của kẻ khác. Chủ vườn xoài bắt được quả tang đem đến đầu cáo với Đại vương, yêu cấu Đại vương xử trị. Trước mặt Đại vương bị cáo cãi rằng : ”Tôi không hái xoài của anh ấy. Cây xoài của anh ấy trồng hồi trước là cây mầm tí xíu. Còn những trái xoài mà tôi hái bây giờ nằm trên một cành cây to lớn sum sê. Thế thì tôi đâu có ăn trộm”. Trước những lý lẽ viện ra như thế, Đại vương có cho rằng anh ta vô tội và xử cho anh ta được thắng kiện không?
– Không! Vua Di Lan Đà đáp. Anh ta có tội. Trẩm sẽ xử cho người trồng xoài được thắng kiện. Vì trước kia nhờ người này ra công trồng trọt bón xới cây mầm, cho nên ngày nay mới có cây xoài to lớn đơm hoa kết trái.
– Tâu Đại vương! Con người tái sanh trở lại cũng giống như thế. Với cái Danh Sắc-thân này, người ta sống trên đời mà làm các việc thiện ác. Nghiệp thiện ác nối tiếp không ngừng, chuyển biến hình thành để sanh ra một Danh Sắc-thân mới. Cũng như do công phu đào lỗ bỏ hột và vun bón cây mầm nên về sau mới có cây xoài sum sê cành lá với trái chín trĩu cây. Làm việc thiện ác trong đời này tức là gieo hột giống xuống đất và bón xới cây mầm. Đời sau không sao không thọ báo được.
Vua lại hỏi :
– Bạch Đại đức! trong con người cái gì làm chủ? Phải chăng đó là linh hồn thường tại?
– Tâu Đại vương! Cái linh hồn thường tại ấy như thế nào?
– Nó thường ở trong ta, dùng mắt mà nhìn hình sắc, dùng tai mà nghe âm thanh, dùng mũi mà ngửi mùi, dùng lưỡi mà nếm vị, dùng thân mà sờ mó nhám trơn, dùng ý mà hiểu biết và nhờ nghĩ. Nó cũng như Đại đức và trẩm hiện đang ở trong cung điện này nhưng vì bốn mặt đều có cửa sổ, nên ngang qua cửa sổ ấy chúng ta mới thấy được phong cảnh bên ngoài.
– Như vậy, ý Đại vương là muốn ví các giác quan nơi con người với các cửa sổ của cung điện này chăng? Ngang qua bất cứ cửa sổ nào, ta cũng thấy được cảnh vật bên ngoài. Thế thì ngang qua bất cứ giác quan nào, linh hồn thường tại cũng phãi thấy được ngoại cảnh giống như thế chứ gì? Vậy linh hồn thường tại có thấy được hình sắc bằng tai, mũi, lưỡi, thân và ý chăng?
– Thưa không.
– Linh hồn thường tại có nghe được âm thanh, có ngửi được mùi, có sờ biết nhám trơn, có suy nghĩ bằng mắt, mũi, lưỡi, thân và ý chăng?
– Thưa không.
– Như vậy thì lời lẽ của Đại vương trước sau không xứng hợp với nhau. Lại nữa, trong khi Đại vương và bần tăng cùng ngồi trong cung điện này, nếu phá bỏ hết tất cả các cửa sổ ở bốn phía thì tầm mắt của chúng ta rộng xa thêm ra không?
– Thưa có.
– Vậy, phá bỏ một cái cửa nơi thân ta là cặp mắt chẳng hạn thì linh hồn thường tại có thấy rộng xa thêm không?
– Thưa không.
– Và nếu phá bỏ thêm mấy cái cửa khác nơi thân ta là tai, mũi. Lưỡi, thân, ý thì linh hồn thường tại có nhờ đó mà nghe rộng thêm, ngửi nhiều thêm, nếm tăng lên, sờ nhiều ra và suy nghĩ rộng hơn không?
– Thưa không.
– Như vậy lời lẽ của Đại vương trước sau lại không xứng hợp nhau.
Na Tiên bèn giải thích rằng :
– Con mắt và hình sắc gặp nhau khiến tâm thần kích động. Tâm thần kích động thì liền sanh cảm thọ khổ vui. Với lỗ tai và âm thanh, hoặc với mũi và hương, lưỡi và vị, thân và nhám trơn, ý và điều nhớ nghĩ cũng như thế. Tâm thần kích động thì liền sanh cảm thọ khổ vui. Do cảm thọ khổ vui liền sanh ý niệm. Do ý niệm biến chuyển thành tựu cho nhau mà tạo nên một ông chủ vô thường là cái giả Ngã. Cái gọi là linh hồn thường tại đâu có dính dáng gì ở đây.
Dựa vào câu chuyện trên thì một người hiện tại đang sống tức là hiện giờ họ đang có đủ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Con người vì bị vô minh che lấp, lấy giả làm chơn nên nghĩ rằng trong họ phải có một cái Ngã (Cái Ta) thường hằng bất biến mà họ gọi là linh hồn để làm chủ lấy đời họ và khi chết cái linh hồn này sẽ chuyển sang thân khác ở đời sau. Vậy hãy nghiệm xem thật sự con người có cái linh hồn thường hằng bất biến chăng? Con người là sự kết hợp của ngũ uẩn tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức nghĩa là con người là do nhân duyên hòa hợp tạo thành, chớ tự chúng không thể có được vì thế, ngũ uẩn không có tự tánh, chủ thể nên nó là vô ngã tức là Không. Cái biết phân biệt của lục thức khi lục căn duyên với lục trần chỉ là những ý niệm thay đổi không ngừng trong tâm thức của con người trong khi đó linh hồn thì cố định đâu có thay đổi. Dựa theo lý luận của những tôn giáo hữu thần thì con người vừa mới kết tinh rồi sinh ra thì đã có sẳn một cái linh hồn. Đến khi lớn lên và cho đến lúc chết thì cái linh hồn này vẫn như thế, không tăng không giảm, cố định. Nhưng thật ra một người càng hiểu biết chuyện đời thì tâm thức càng nới rộng chớ đâu có cố định. Một ông bác sĩ, một vị kỹ sư, một nhà bác học thì chắc chắn sự hiểu biết của họ hiện giờ khác rất xa với lúc họ chưa thành đạt. Thêm nữa, tạo tác thiện ác, tốt xấu là bởi do Mạt na thức. Bởi vì Mạt na thức có tính hằng thẩm tư lương nên luôn chấp đó là mình, là của mình mà sinh ra tham đắm si mê. Vì còn phân biệt đối đãi nên thấy có ta có người và dĩ nhiên là thấy Cái Ta và Cái Của Ta là đúng, là đẹp, là hơn. Đây là những căn bản của phiền não khổ đau cũng bởi do chấp ngã mà ra. Vì thế mới gọi là Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn và Ngã Ái. Sau cùng tất cả những chủng tử thiện ác được cất giữ trong A lại da thức để chuyển sang đời sau. Nhưng tiến trình này như thế nào?
Con người vì sống trong vô minh bất giác nên tạo ra nghiệp mà phải kết nối đời sau để thọ khổ. Chữ “kiết sanh” có nghĩa là thọ sanh tức là bắt đầu từ khi kết thai cho đến lúc sanh ra vậy. Tiến trình kết nối đời sau bắt đầu từ thân đang sống đến thân đang chết. Rồi từ thân đang chết đến thân trung ấm (thân mới chết chưa đầu thai). Và sau cùng từ thân trung ấm đến thân đời sau. Nếu các thân được tương tục không gián đoạn như thế ắt phải có một cái gì thường lưu hành và giữ gìn (chấp thủ). Cái thường lưu hành và giữ gìn đó chính là thức thứ tám, là A lại da thức. Thật vậy, nếu không có thức thứ tám này để nắm giữ việc “kết nối đời sau” thì khi một người chết rồi phải mất luôn, không còn tái sanh được nữa. Do đó Phật giáo phủ nhận cái linh hồn thường hằng bất biến trong con người, bởi vì linh hồn thì không thay đổi nhưng con người mỗi giây mỗi phút luôn thay đổi theo thời gian và không gian. Tất cả những chủng tử thiện ác mà con người kết tập sẽ được cất giữ trong A lại da thức và sẽ chuyển qua thân khác khi nhân duyên hội đủ. Nên nhớ rằng thân xác là do kết hợp của thất đại (địa đại, thủy đại, phong đại, hỏa đại, kiến đại, không đại và thức đại) vì thế khi con người chết, thất đại tan rã thì đất trở lại với đất, nước trở về với nước, lửa trở lại với lửa… A lại da thức sẽ trở về với không đại trong không gian vô cùng vô tận này. A lại da thức hiện hữu trong hư không (không đại) không có nghĩa là nó không có. Nó lúc nào cũng có nhưng mắt thường không thấy được nên nhà Phật mới gọi nó là không. Ví cũng như gió, có ai thấy được gió đâu, nhưng gió lúc nào cũng có trong không gian địa cầu này. Không khí cũng thế, chỗ nào mà không có không khí, nhưng không khí không có mùi vị, hình sắc nên ngũ quan con người không nhận biết được. Một thí dụ khác là khí đốt. Khí đốt thì không có mùi vị, màu sắc mà lại rất độc cho nên khi dùng công tu hơi đốt mới cộng thêm mùi thúi vào để dễ nhận biết. Vì vậy khi hội đủ “nhân duyên” thì A lại da thức duyên khởi tác tạo ra con người mới tức là có tái sinh.
Một người mới chết, tuy thất đại từ từ tan rã, tay chân lạnh ngắt, tim ngừng đập, nhưng Tàng thức (A lại da thức) vẫn còn lưu lại trong thân xác người chết. Dựa theo Phật giáo thì khoảng 8 tiếng đồng hồ sau khi tim ngừng đập thì Tàng thức mới thoát ra khỏi thân xác. Tất cả hơi nóng trong người (hỏa đại) đi theo Tàng thức ra ngoài nên toàn thân người chết lúc đó mới thật sự lạnh ngắt. Chính A lại da thức là năng lượng gọi là nghiệp lực, là sức mạnh vô hình nhập vào Noãn bào của người mẹ trước khi thất đại được hình thành. Đó là ý nghĩa của “linh hồn đi đầu thai”. Nhưng đến lúc lâm chung, tất cả thất đại tan rã trước rồi Tàng thức mới thoát ra sau.
Có ai chết rồi mà không sanh trở lại không?
Nếu chúng sinh còn nặng nợ tham dục ái ân, kẻ đó còn sanh trở lại đời sau. Còn những ai đã thoát khỏi vòng tham đắm dục tình thì người đó sẽ không còn tái sanh trở lại. Nói cách khác còn tạo nghiệp là còn sinh tử, hết tạo nghiệp là thoát ly sinh tử, chứng nhập Niết bàn.
Cốt lõi của đạo Phật là gì?
Đến đây, Đức Phật đã giải thích xong hai nghi vấn đầu nói về luân hồi nghiệp báo, nhưng đây không phải là cốt lõi của giáo lý Phật Đà trong suốt thời gian 49 năm hoằng pháp của Ngài. Giáo pháp quan trọng nhất của đạo Phật là giúp chúng sinh thoát khổ và giải thoát mà không cần trông đợi vào bất cứ tha lực nào bởi vì Phật giáo là tín ngưỡng tự lực.
Nhưng tại sao con người phải khổ?
Bất cứ ai sinh ra trong thế gian này đều nghĩ rằng trong ta phải có một cái linh thiêng, làm chủ mạng sống của mình và gọi đó là “Cái Ta” tức là bản Ngã. Từ đó những vật sở hữu của họ thì gọi là “Cái Của Ta”. Khi cảm tính về “Cái Ta” hiện lên thì tính ích kỷ, tính tư lợi hay là tự xem ta là trung tâm (self-centered) cũng bắt đầu bùng phát. Ta thì lo ích kỷ cho riêng ta, người thì lo ích kỷ cho người vì thế con người bắt đầu tranh chấp, đố kỵ, hơn thua, lo bảo vệ Cái Ta và những cái thuộc về Ta. Cảm tính về Cái Ta và Cái Của Ta được xem là sự bám vúi, chấp thủ một khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần và nỗi khổ niềm đau cũng bắt đầu phát sinh từ đó.
Ngã chấp phát triển như thế nào?
Một đứa bé mới sinh ra đời chưa có cảm tính về một “Cái Ta” riêng biệt trong tâm thức của nó. Dần theo môi trường sống lớn lên, đứa bé được cha mẹ, những người thân chung quanh nhét vào trong tâm thức những ý niệm về Cái Của Ta. Đây là cha mẹ của nó, thức ăn của nó, cái giường ngủ của nó, đồ chơi của nó, cái phòng của nó, cái chén cái ly này là của nó, anh chị em của nó….Vì là của nó nên nó phải bảo vệ giữ gìn Cái Của Nó từ đó tâm thức bắt đầu phát triển những ý niệm ích kỷ hẹp hòi. Cái Ta ấy mỗi ngày tiếp tục biến đổi và sinh trưởng dưới tác động của những điều mà nó học hỏi mới và các kinh nghiệm mới trong cuộc sống và trong tâm thức của nó lúc nào cũng có Cái Ta mới khác hẳn với Cái Ta trước đó. Nói chung Cái Ta thay đổi từ lúc còn bé thơ, dần đến trưởng thành và sau cùng là đến lúc mạng chung. Mỗi thời điểm trong cuộc đời có một Cái Ta khác biệt, nào là Cái Ta lúc còn đi học, Cái Ta bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, Cái Ta của những cặp nhân tình, Cái Ta của những đấng cha mẹ, Cái Ta của những người lớn tuổi và cuối cùng Cái Ta của người sắp hấp hối. Nói chung, Cái Ta đang tuần tự biến dạng trong kiếp sống này qua những thể dạng khác nhau từ trẻ thơ, đến trưởng thành, rồi già nua và sau cùng nhờ vào cái chết để trở thành Cái Ta của một đứa bé khác dưới một cái tên gọi khác, vào trong một gia đình khác, một dòng họ khác, một quê hương khác, một tôn giáo khác và dĩ nhiên nó mang theo bao nhiêu kinh nghiệm, ký ức, kiến thức từ kiếp trước dưới hình thức những vết hằn ghi đậm trên dòng tri thức liên tục của nó.
Con người cố bám víu vào Cái Ta và Cái Của Ta dưới đủ mọi hình thức và họ quan niệm rằng Cái Ta chính là sự sống trong cuộc đời. Nhưng trên thực tế, mỗi khi xảy ra sự nắm bắt và bám víu vào bất cứ hiện tượng gì trên thế gian từ vật chất đến tinh thần, kể cả những thứ tốt đẹp nhất thì tức khắc nó sẽ sinh ra phiền não khổ đau.
Thí dụ nếu xem thân xác này là Của Ta thì chắc chắn chúng ta phải trau chuốt, chưng diện, phấn son, trang sức lấp lánh, áo lụa quần là, tạo công danh phú quý cho Cái Ta hưởng, mua nhà to đắt tiền cho Cái Ta ở, mua cao lương mỹ vị cho Cái Ta dùng, tranh công đoạt chức cho Cái Ta hãnh diện. Xa hơn nữa có người cắt bớt chỗ này, độn thêm chỗ kia cho cái thân thể Của Ta thêm hấp dẫn, rực rỡ huy hoàng…Nhưng thân này thực sự nó là Của Ta chăng? Nếu nó là Của Ta thì Ta phải làm chủ nó. Ta bảo nó đừng già, đừng bệnh, đừng chết…nó có nghe không? Nếu là Của Ta thì tại sao Ta không mang nó theo khi chết mà tứ đại trở về với cát bụi?
Tệ hại hơn nữa, nếu bây giờ nghĩ rằng tâm thức là Của Ta thì sự ích kỷ sẽ bùng lên, hận thù dấy khởi, tự ái dày vò, tham lam xúi dục, trong tâm dấy lên bao nhiêu hy vọng, ước mơ, mưu mô, tiếc nuối, thương yêu, ghét bỏ…từ đó phát sinh biết bao ảo giác và tưởng tượng không thiết thực và đây chính là đầu dây mối nhợ cho biết bao sự lo âu, phiền muộn và tranh chấp trong cuộc đời. Có chiến tranh giết chóc cũng bởi vì con người luôn bảo vệ những quan niệm rằng đây là nhà Của Tôi, gia đình Của Tôi, đất nước Của Tôi, quê hương Của Tôi, chùa Của Tôi, tôn giáo Của tôi, giáo hội Của Tôi…Bạn có biết trước khi đến thế giới này, kiếp trước bạn ở đâu không? Quê hương nào thực sự là của bạn? Quê hương bây giờ, quê hương trong kiếp quá khứ hay quê hương trong những kiếp tương lai? Cái nhà nào là cái nhà Của Ta? Nếu thật sự là Của Ta thì tại sao bạn không đem nó theo khi bạn chết mà phải bỏ lại hết cho thế gian? Có phải đó là con cái Của Ta, vợ chồng Của Ta, cha mẹ Của Ta chăng? Một khi ý niệm Của Ta tiềm ẩn trong tâm thức thì những khuynh hướng như ích kỷ, làm chủ, độc tài, độc đoán sẽ phát hiện khiến cho cuộc sống trong gia đình thiếu thăng bằng, mất hạnh phúc. Bạn có hài lòng (hạnh phúc) khi người khác làm chủ (control) bạn không? Có phải tờ giấy hôn thú bảo đảm bạn làm chủ cuộc đời của người hôn phối chăng? Nếu thế thì tại sao hằng ngày có biết bao cặp vợ chồng dắt nhau ra tòa ly dị? Nó là con cái Của Ta thì tại sao chúng nó không nghe lời Của Ta?
Dựa theo tinh thần Phật giáo, không có gì trên thế gian là Cái Ta hay Cái Của Ta cả. Tất cả chỉ là do nhân duyên tác tạo. Vợ chồng là do duyên nợ mà thành. Hai người đã có nợ nần từ tiền kiếp, bây giờ có đủ duyên gặp lại nhau thì kết thành vợ chồng trở lại để trả hết những nợ nần kiếp trước và dĩ nhiên tiếp tục tái tạo nợ nần cho mai sau. Nếu không có nợ mà chỉ có duyên thì họ chỉ yêu nhau qua một giai đoạn rồi gặp trắc trở và cuối cùng cũng phải chia tay. Tình yêu bên ngoài có thể che phủ bằng những bông hoa tươi thắm, nhưng thật ra bên trong nó được che lấp bằng những bản chất ích kỷ và hưởng thụ của con người. Chính bản năng hưởng thụ đã thúc đẩy trai gái tìm đến với nhau và cũng chính cái bản năng ích kỷ đó (Cái Của Ta) đã thúc đây họ làm khổ cho nhau. Do đó nếu con người biết đem tình thương chân chính của sự hy sinh, độ lượng và vị tha vào trong cuộc sống thì tình yêu đó sẽ không còn đậm màu sắc ảm đạm của bản năng ích kỷ. Thông thường, do lòng đố kỵ và ích kỷ, chúng ta ít chịu chấp nhận cái hay của người khác vì người khác nổi bật sẽ làm chúng ta bị lu mờ. Chúng ta thờ ơ trước những ưu điểm của kẻ khác và vui mừng khi tìm thấy khuyết điểm của người vì người lu mờ thì ta sẽ nổi bật. Do tâm vị kỷ chúng ta dễ dàng rơi vào cạm bẩy “tán kỷ, hủy tha”, tức là khen mình, chê người. Đây là cội nguồn phát sinh ra phiền não và tạo nghiệp cũng tại vì cái ngã mạn mà thôi. Phải đổi tính vị kỷ nầy bằng tinh thần vị tha thì cuộc sống sẽ an vui tự tại. Thấy người giỏi thì khen, thấy người giàu thì mừng, thấy người khổ thì giúp. Thực hành như vậy thì phiền não không còn và những nguyên nhân gây ra phiền não cũng chấm dứt.
Thêm nữa, trong đời quá khứ nếu kết duyên với con cái thì đời nầy chúng ta gặp lại chúng. Nếu là phước duyên thì chúng đến để báo đền ơn nghĩa ngày xưa. Chúng quan tâm, lo lắng và giúp đỡ mọi chuyện cho cha mẹ. Chúng cố gắng học hành, trở thành người tốt để đem niềm vui cho cha mẹ. Còn nếu là ác duyên có nghĩa là chúng đến để đòi nợ, gây khổ cho cha mẹ. Cha đau mẹ yếu chúng chả cần quan tâm. Chúng chỉ thích ăn chơi trác táng, phung phí tiền bạc, tương lai đen tối và gây phiền não cho gia đình. Thay vì cố gắng tạo dựng một tương lai tốt đep cho cuộc đời của mình thì trong tâm chúng chỉ để ý đến cái gia sản to lớn của cha mẹ mà thôi. Thế thì cái gì là con cái Của Ta?
Đức Phật sinh ra trong cung vàng điện ngọc nhưng Ngài thấy rằng những nỗi khổ lúc nào cũng tiềm ẩn phía sau tuổi trẻ, sức khỏe và đời sống của tất cả mọi chúng sinh. Nỗi khổ là hiện tượng vô hình, nhưng nó lại tác động không kém gì những nhát đao, những thanh kiếm xuyên suốt vào tâm của con người. Cái đau đớn trong tâm hồn nhất thiết không thương sót một ai. Người giàu sang phú quý cưu mang nỗi khổ của người giàu, kẻ nghèo khó cũng phải gánh chịu những nỗi bất hạnh đau đớn dành riêng cho họ. Ông hoàng bà chúa có những nỗi khổ niềm đau theo lối vua chúa, ngược lại kẻ bần cùng cũng có cái đau cái đớn chẳng khác gì. Nhưng tại sao chúng sinh lại phải khổ?
Trong bộ Trường A Hàm (Dĩgha Nikàya) Đức Phật dạy rằng:
–Ái dục bắt nguồn từ đâu và phát sanh ở đâu? Nơi nào có thỏa thích và dục lạc, nơi đó có ái dục bắt nguồn và phát sanh. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp có thỏa thích và dục lạc. Vậy ái dục bắt nguồn từ đó và phát sanh ở đó.
Con người vì bị vô minh che lấp nên không nhìn thấy biết đúng và từ đó ái dục có cơ hội phát sinh rồi chấp thủ, khư khư bám chặt lấy “Cái Ta” và những cái gì gọi là “Cái Của Ta”. Thí dụ bất cứ ai cũng có thể xây dựng một ngôi nhà, bằng gỗ, bằng gạch hay bằng xi măng cốt sắt, nhưng Đức Phật dạy rằng loại nhà ấy không phải thật sự là “Cái Của Ta mà chỉ là của ta trên danh nghĩa, theo quy ước, trong khái niệm. Nó là một hiện tượng mà chúng ta gọi cái nhà trong thế gian vậy thôi. Còn ngôi nhà thật sự của chúng ta là trạng thái an tĩnh trong tâm thức. Một cái nhà vật chất ở ngoại cảnh có thể thật đẹp, nguy nga tráng lệ, nhưng nó chính là nguyên nhân tạo từ lo âu này đến lo âu khác, băn khoăn tự lo nọ đến áy náy buồn phiền kia. Vì nó ở ngoài ta tức là vật ngoại thân nên sớm muộn gì rồi ta cũng phải bỏ lại cho nên càng bám víu vào nó thì càng khó dứt bỏ tức là càng khổ đau thêm. Nó không phải là nơi chốn mà ta có thể sống vĩnh viễn trong đó, bởi vì nó không thật sự thuộc về ta mà là một phần của thế gian. Do đó ái dục làm động cơ thúc đẩy con người đưa đến hành động tạo nghiệp bất thiện bằng chính thân, khẩu hay ý của ta. Chính ái dục, nằm trong phạm vi ảnh hưởng của vô minh, sai khiến con người luyến ái, đeo níu, bám chặt vào đời sống và lòng ham muốn khát khao ấy lôi cuốn con người lặn hụp triền miên trôi nổi từ kiếp sống này đến kiếp khác. Do đó có sống là có khổ.
Nói chung khổ là trạng thái không thỏa mãn, bất toại nguyện làm cho con người khó chịu. Hạnh phúc mà con người đeo đuổi cũng không thể tồn tại vì những điều kiện tạo duyên cho nó phát sinh luôn biến đổi vì thế không có hạnh phúc nào thật sự vững bền cả. Những điều mà chúng sinh mong muốn chỉ tồn tại nhất thời và những đối tượng mà con người khao khát mong mỏi chẳng qua chỉ là phù du tạm bợ, có đó rồi rồi mất đó chẳng khác nào như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương.
Thêm nữa, dựa theo thuyết “Nghiệp cảm duyên khởi” của đạo Phật thì tất cả những chủng tử thiện, ác chẳng những từ đời này mà còn bao nhiêu đời quá khứ phát xuất từ ý nghĩ, lời nói và hành động của con người đều được lưu giữ trong A lại da thức (nhân). Khi hội đủ duyên thì chủng tử thiện, ác đó sẽ biến thành quả và đây là những kết quả khổ, vui mà con người thọ báo trong đời này và cho những đời kế tiếp. Thí dụ mãnh vườn phía sau nhà, chúng ta gieo nhiều loại hạt giống (chủng tử) khác nhau (nhân). Vì chúng nằm dười lòng đất nên mắt thường không thấy được cho nên có lúc chúng ta nghĩ rằng những hạt giống đó không còn hay chết. Sau nhiều trận mưa rào và trời ấm áp (duyên) thì chúng bắt đầu nẩy mầm (quả). Điều quan trọng nhất là giống nào nẩy mầm theo giống nấy, không bao giờ lộn lạo. Thí dụ giống cây cải thì sinh ra cây cải, giống ớt thì sinh ra cây ớt…Tuyệt đối không bao giờ có chuyện trồng ngò mà thành cây ớt được nghĩa là nhân thiện thì thọ lãnh quả lành, ngược lại nhân ác thì chắc chắn sẽ thọ lãnh quã dữ. Vì thế, nếu con người biết huân tập nhiều hạt giống thiện thì những chủng tử lành đó có công năng dẫn dắt họ tái sinh vào những cảnh giới an lành để tiếp tục hưởng những quả báo tốt đẹp. Ngược lại thì phải thọ báo vào cảnh giới khổ não, đau thương. Nghiệp là hành động lập đi lập lại nhiều lần rồi thành thói quen tức là tập khí. Chính cái thói quen, hay tập khí này có sức mạnh phi thường mà Phật giáo gọi là nghiệp lực để tùy duyên, chiêu cảm đến môi trường thích hợp mà thọ sinh, nên gọi là nghiệp cảm. Tuy nhiên, đạo Phật là đạo chuyển nghiệp nghĩa là trong quá khứ cho dù con người vì sống trong vô minh bất giác tạo nên bao nhiêu tội nghiệp (nhân). Nhưng nếu bây giờ biết thức tĩnh, dừng lại, tu tâm dưỡng tánh, tránh xa ác nghiệp, tạo nhiều thiện nghiệp thì những ác nhân đó không có cơ hội tác tạo với ác nghiệp để gây ra cảnh khổ cho mình. Nhân (cause) mà không có duyên (conditions) thì tuyệt đối không bao giờ thành quả (effect). Cũng như gạo (nhân) mà không có nước, không nấu (duyên) thì không bao giờ thành cơm được (quả).
Ngày nay con người thay vì cố tìm cách thay đổi cuộc sống cho phù hợp với đạo đức nhân bản thì họ nhắm mắt đi tìm phước báo. Giáo lý của Đức Phật rất ngắn gọn, đó là nên tránh xa các việc ác và cố gắng làm các việc lành. Khi đã thành tựu rồi thì cố gắng giữ gìn tâm ý cho được thanh tịnh là có giải thoát. Nhưng đa số người tu Phật cừ lờ đi, tuy họ cũng làm việc thiện mà không muốn buông bỏ những thói quen xấu của mình. Do đó đi tìm phước báo mà không buông bỏ tánh ác thì không bao giờ có. Tất cả hành vi thiện, ác đều do từ thân, khẩu, ý mà ra cho nên đó là nơi mà bạn phải nhìn lại mình mà nhà Phật gọi là “Phản quang tự kỷ” nghĩa là soi xét lại mình, quán chiếu lại mình, từ thân thể cho tới nội tâm, thấy rõ thân thể, nội tâm như thế nào. Trong khi đó “Hồi quang phản chiếu” có tánh cách đặc biệt dành cho bậc thượng cơ, nhất là những vị tu thiền trong Phật giáo. Nhìn xem hành vi của bạn có sai trái hay không? Chúng ta hằng ngày cố gắng cực nhọc lo lau sạch nhà cửa, xe cộ, chén bát nhưng lại quên không nhìn lại sự dơ bẩn trong tâm của mình. Bởi vì không thấy chính mình, con người mới có thể làm đủ điều xấu. Khi trong tâm vừa thoáng lên một ý nghĩ xấu, họ nhìn chung quanh xem có ai nhìn thấy ý đồ đó không rồi họ mới làm. Nhưng họ quên rằng có người biết và người đó không ai khác là chính mình (lương tâm). Nếu biết nhìn vào chính mình thì bạn sẽ biết phân biệt thiện, ác rất rõ ràng. Nếu bạn sắp làm một việc ác, bạn nhìn vào chính mình đúng lúc thì bạn có thể dừng lại. Thông thường vì nhìn ở bên ngoài nên tâm con người chứa đầy tham vọng và ảo tưởng, nhưng bây giờ nếu nhìn vào bên trong, nhìn lại chính mình thì bạn sẽ thấy rất rõ điều thiện và điều ác. Thấy điều thiện nhắc nhở chúng ta cố gắng làm y như vậy. Buông bỏ điều ác, thực hành điều thiện là có phước báo ngay. Đức Phật dạy rằng: “ Chúng sinh nếu muốn vun bồi phước báo của mình cho được viên mãn thì hãy lánh xa điều ác” nghĩa là nếu mình không làm điều ác thì tất cả việc làm bây giờ đều trở thành thiện hết mà không cần phân biệt thiện, ác gì cả. Ngược lại tuy có làm vài điều thiện, nhưng vẫn còn làm điều ác thì vẫn còn lo lắng, ưu bi, khổ não triền miên. Do đó, nếu tâm của chúng ta thiện lành và đức hạnh thì đây là hạnh phúc trong đời này vậy. Đối với con người hạnh phúc là diễn tiến theo ý muốn của họ, là khi mà mọi người trên thế giới chỉ nói những lời tốt đẹp đối với họ, nhưng nếu thực sự đây là hạnh phúc mà bạn mong muốn thì chính bạn đã xây lâu đài trên cát. Không những người ngoài làm chúng ta bực bội mà ngay cả những người thân yêu quanh chúng ta đôi khi cũng làm cho chúng ta buồn phiền, ưu bi, khổ não. Thậm chí, chính chúng ta cũng làm cho chúng ta buồn bực, không vui. Vì vậy, nếu bạn biết nhìn lại chính mình để buông bỏ điều ác thì chính mình sẽ có hạnh phúc bởi vì tâm lành thì không có lo âu, phiền não. Khi tâm thanh thản, bạn nở một nụ cười. Ngược lại tâm rối ren, lo lắng thì lòng bực dọc, mặt khô cằn, hung hăng, tức giận.
Tôn chỉ của đạo Phật là giúp chúng sinh giải thoát ra khỏi mọi hệ lụy của phiền não khổ đau để có cuộc sống an vui tự tại mà muốn đạt đến cứu cánh này thì chúng sinh phải biết buông xả. Vì thế trong Kinh Trung A Hàm (Majjhima Nikaya), Đức Phật đã tóm gọn cốt lõi của đạo Phật trong một câu thật ngắn gọn cho những ai muốn đi trên con đường giải thoát giác ngộ, đó là”Không được bám víu vào bất cứ gì cả” mà Kinh Kim Cang gọi là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” nghĩa là một khi mắt, tai, mũi, lưởi, thân và ý tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà tâm không bám víu, chấp thủ.
Cùng ý niệm đó, trong kinh Bahiya Sutta, Đức Phật giảng giải cho một đệ tử tên là Bahiya về sự bám víu, chấp thủ một khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần như sau:
“Này Bahiya,
Khi nhìn thấy một hình tướng, thì đấy chỉ là cách trông thấy.
Khi nghe thấy một âm thanh, thì đấy chỉ là cách nghe thấy.
Khi ngửi thấy một mùi, thì đấy chỉ là cách ngửi thấy.
Khi nếm thấy một vị, thì đấy chỉ là cách nếm thấy.
Khi xảy ra một sự cảm nhận trên thân xác, thì đấy cũng chỉ là một sự cảm nhận.
Và mỗi khi có một tư duy hiện ra, thì đấy cũng chỉ là một hiện tượng tự nhiên hiện ra trong tâm thức.
Đấy là cách không có cái ngã.
Đấy là sự chấm dứt của dukkha (khổ đau). Đấy là nibbâna (niết-bàn).
Bài kinh trên tuy ngắn gọn, nhưng rất quan trọng. Vậy hãy nghiệm xem Đức Phật muốn dạy chúng ta những gì?
1)Khi mắt nhìn thấy hình tướng nào đó thì chỉ cần biết là mắt thấy hình tướng là đủ, đừng cho rằng mắt Ta thấy hình tướng đó thì sẽ vắng bóng Cái Ta và Cái Của Ta trong tâm thức. Tại sao? Thí dụ nếu mắt thấy chiếc xe thì chỉ là chiếc xe thôi cũng như mắt thấy trăm ngàn vật thể khác cho nên cái thấy đó không có dính mắc, cái thấy dững dưng không có gì quan trọng. Đó là thấy mà cũng như không thấy nên tâm không dao động. Ngược lại nếu cho là mắt Ta thấy chiếc xe thì cái thấy bây giờ là mình thấy, mình đem hình bóng chiếc xe đó vào tâm mình rồi ái dục phát sinh, lòng tham đắm nỗi dậy và nỗi khổ niềm đau cũng từ đó phát sinh. Nếu cố gắng làm đêm làm ngày để có tiền mua chiếc xe giống vậy thì quá khổ, còn muốn mà không được thì quá khổ tâm.
2)Khi tai nghe tiếng nhạc thì biết là tai đang nghe nhạc. Đừng cộng thêm ngã chấp vào mà nghĩ rằng tai Ta đang nghe nhạc.
3)Khi mũi ngửi mùi hương thì biết mũi đang ngửi mùi hương thế thôi.
4)Khi lưỡi nếm vị ngọt thì biết lưỡi đang nếm vị ngọt là đủ.
5)Khi thân đụng phải vật cứng hay mềm thì biết thân đang đụng vật cứng hay mềm chớ đừng cho rằng thân Ta đang đụng vật cứng hay mềm.
6)Cuối cùng khi có một tư tưởng hiện ra trong tâm thức thì biết có tư tưởng đang hiện ra trong tâm thức là đủ.
Thí dụ khi muốn làm một việc (thiện) gì cho người khác thì chỉ lo làm cho hoàn tất, tạo niềm vui cho kẻ khác là đủ thì tâm tự tại. Ngược lại, nếu cho rằng chính Ta làm việc đó thì trong tâm sẽ đặt ra vô số điều kiện tức là tâm còn dính mắc. Nào là muốn người trả ơn, nào là muốn người khác khen tặng, chụp hình, đăng báo thì phiền não tức thì phát sinh, không còn tự tại. Đây là sự khác biệt giữa việc làm vô ngã vị tha (vì người mà làm) và bản ngã tư lợi (mua bán, kinh doanh).
Nếu con người biết tư duy quán chiếu và thực hành đúng những lời dạy của Đức Phật ở trên thì trong họ cái tự Ngã dần dần bị tiêu diệt và những cảm tính về “Cái Ta” và “Cái Của Ta” cũng không còn. Đây là con đường thoát khổ, giải thoát tự tại Niết bàn tức là:
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” rồi vậy.
Vì vậy nếu con người sống trong chánh niệm tĩnh thức, không chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì những cảm tính về “Cái Ta” và “Cái Của Ta” sẽ biến mất và đúng vào thời điểm đó không còn hình bóng của khổ đau và dĩ nhiên Niết bàn thanh tịnh sẽ hiện bày.
Thế thì đắc đạo rồi có còn đau khổ không?
Trở lại với kinh Na Tiên Tỳ Kheo:
Vua Di Lan Đà hỏi:
— Bạch Ðại đức, bậc tu hành đắc đạo không còn tái sanh trong đời sau, nhưng trong đời nầy có còn thấy mình đau khổ nữa không?
— Tâu Ðại vương, tùy từng việc một. Có việc còn thấy đau khổ, có việc không.
— Có việc có, có việc không, là như thế nào?
— Ðau khổ của thân thì còn, đau khổ của tâm thì hết.
— Vì sao vậy?
— Sở dĩ thân còn đau khổ là vì nhân duyên sinh ra loại đau khổ nầy là thân, hễ nhân duyên ấy còn tồn tại thì đau khổ của thân còn. Sở dĩ tâm hết đau khổ là vì nhân duyên sinh ra loại đau khổ thứ hai là lòng tham dục, một khi tâm ý đã dứt trừ hết các điều dữ, tham dục không còn nữa, thì đau khổ của tâm hết.
— Bậc tu hành đã đắc đạo rồi mà không khiến thân lìa được khổ đau, như thế là chưa chứng đắc Niết Bàn chăng? Ðắc đạo rồi mà thân còn đau khổ thì làm sao gọi là đắc đạo? Còn nán ở lại trần thế làm gì để còn chịu khổ đau?
— Tâu Ðại vương, bậc đắc đạo không chuộng mà cũng không ghét, không tìm cầu mà cũng không xua đuổi. Bình thản mà sống giữa cõi đời nầy, không hấp tấp, không vội vả. Ví như chuối non không cần phải vú ép. Lại cũng không cần chờ chuối chín để chực hái. Vì vậy nên đức Xá Lợi Phất xưa có dạy rằng:
Không cần tịch diệt,
Cũng không cần trường sanh.
Chưa phải lúc thì ở,
Thời đến thì ra đi.
Vua nói:
— Hay thay! Hay thay!
.
Source: thuvienhoasen