TÌNH BẠN, MỐI QUAN HỆ VÀ LÒNG TỪ BI

Recent Pages:  1  2   4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14a

TUYẾT GIỮA MÙA HÈ
Sayadaw U. Jotika 
Tỳ kheo Tâm Pháp dịch Việt

CHƯƠNG 7: TÌNH BẠN, MỐI QUAN HỆ VÀ LÒNG TỪ BI

Đâu là chìa khóa mở cửa trái tim con người? Sự hiểu biết lẫn nhau.

Điều quý giá nhất trên đời là mối quan hệ…là tình bạn.

Cuộc đời không thể thực nếu các quan hệ của mình không thực (giả tạo).
.
Quan hệ giữa con người
với con người thật thiêng liêng.
Quan hệ giữa con người với nhau là nguồn gốc
của những niềm vui lớn nhất và những đau khổ
 lớn nhất trong tâm mỗi con người. Chất lượng
 cuộc sống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào
 chất lượng mối quan hệ giữa mình với
những người xung quanh. Điều tốt đẹp nhất tôi

có thể trao tặng bạn là tình bạn của tôi.

 

Thật vui khi có những người bạn tốt. Cuộc đời sẽ thật vô vị làm sao nếu không có những bậc thiện tri thức (những người bạn lành trong đạo, kalyāna mittas).

Có được một người bạn mới hiếm làm sao.

Bạn thân mến, tôi chẳng còn nhiều bạn nữa. Vì vậy tôi trân quý những người bạn vẫn còn lại với tôi.
Có được những người bạn là một trong những điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống. Phát triển sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về chính bản thân mình và về thế giới cũng là một điều vô cùng tuyệt diệu. Đối với tôi, sự hiểu biết là thứ làm cho tôi thỏa mãn nhất trên đời.
Tình bạn của chúng ta không có thời gian và không gian.
Tôi đã có thêm nhiều bạn mới mà mình có thể trao đổi, liên hệ được; tôi không mong đợi điều gì từ họ cả: chỉ với một trái tim hoàn toàn rộng mở, một sự giao tiếp hoàn toàn tự do, thoải mái.

Đúng thế, tôi cũng thực sự “khao khát có được một người bạn thực sự chân thành”.

Tôi muốn quan hệ giữa tôi với bạn, với anh ấy, với các con gái của tôi, với vợ cũ là những mối quan hệ tốt đẹp, bổ ích.

Quan hệ với mọi người, trong hầu hết các trường hợp, là rất khó tin tưởng được. Hầu hết các quan hệ chỉ như là những ván bài, những trò chơi. Một mối quan hệ thực sự chân thành, cởi mở, trung thực, không thao túng lẫn nhau, không áp đặt nhau, một mối quan hệ trân trọng và tin tưởng lẫn nhau, không có những mong đợi phi thực tế ở nhau –có thể có được một mối quan hệ như thế trên đời không nhỉ?

Tôi muốn trích dẫn một đoạn trong cuốn TỰ DO HỌC HỎI của C. Roger
“Hơn nữa, tôi không có ý định hướng dẫn độc giả hay gây ấn tượng với bạn về kiến thức của mình trong lĩnh vực này. Tôi không có ý định bảo bạn cần phải suy nghĩ, cảm nhận hay làm điều gì. Điều duy nhất chỉ có thể là tôi chia sẻ một vài điều của chính bản thân mình, một vài kinh nghiệm về các mối quan hệ, về tôi trong quan hệ giao tiếp với người khác.
…mối quan hệ giữa người với người hầu như không bao giờ là tốt đẹp cả, chỉ một phần nào đó mà thôi. Có thể bạn sẽ thấy người khác chẳng bao giờ hiểu đầy đủ về mình cả, và tôi cũng thế. Nhưng tôi cảm thấy cực kỳ mãn nguyện khi có thể, trong một số trường hợp, thể hiện mình ra một cách chân thực với người khác. Tôi cảm thấy thấy rất quý giá khi đôi lúc cảm thấy thực sự gần gũi và hiểu được người khác.
Tôi biết tại sao khi nghe người khác nói tôi lại cảm thấy thỏa mãn. Khi tôi thực sự lắng nghe, tôi hiểu được người đó. Nó làm cho cuộc sống của tôi thêm phong phú. (C. ROGERS)

 

Con người cần có một mối quan hệ tốt đẹp cho sự phát triển tâm lý của mình. Một quan hệ tốt đẹp là cần thiết trong cuộc đời một con người. Con người học hỏi và trưởng thành từ những mối quan hệ tốt đẹp đó. Không có những quan hệ tốt, chúng ta sẽ như những con robot; với những mối quan hệ tồi tệ, chúng ta sẽ trở thành những con quỷ hay còn tệ hơn cả quỷ nữa. Con người đang ngày càng trở nên mất nhân tính bởi vì họ không có được những quan hệ tốt đẹp với mọi người.
Mối quan hệ là mảnh đất để chúng ta

trưởng thành về mặt tâm lý.

 

Nếu đất cằn cỗi, chúng ta sẽ không phát triển tốt được hay là chỉ lớn còi cọc; đất tốt, chúng ta sẽ lớn mạnh và trưởng thành. Không thể có sự trưởng thành thực sự về tâm lý nếu không có những mối quan hệ tốt đẹp. Vì vậy, chúng ta cần có những mối quan hệ tốt đẹp, trong đó sự giao tiếp phải trung thực, dễ dàng, thoải mái, không có bất cứ sự lo sợ nào. Những quan hệ tồi tệ rất độc hại.

Với sự chân thành, cởi mở, hiểu biết lẫn nhau, với sự quan tâm chăm sóc, tâm từ và lòng kiên nhẫn, chắc chắn mối quan hệ ấy sẽ hiệu quả và tốt đẹp. Hầu hết các mối quan hệ không tốt đẹp bởi vì họ không có sự giao tiếp thoải mái (cởi mở), không có sự quan tâm lo lắng thật lòng, không thực sự tôn trọng lẫn nhau, và không hiểu biết rằng tất cả chúng ta chỉ là những con người (mỗi người chúng ta đều có những khiếm khuyết và hạn chế của riêng mình). Mong đợi quá nhiều ở người khác cũng có thể gây ra sự thất vọng, dẫn đến sự chối bỏ (nghĩ rằng con người này không phải là thứ tôi mong đợi, không chấp nhận được).

Với sự cởi mở, trung thực, nhã nhặn không làm người khác tổn thương, tâm từ (mettā) và sự hiểu biết, đó sẽ là một mối quan hệ tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển tâm linh và trưởng thành. Hầu hết các mối quan hệ đều trở nên nhàm chán sau một thời gian (không có sức sống, trì trệ).

Không có sự trung thực sẽ không thể có
 sự giao tiếp thực sự; không có sự giao tiếp thực sự
sẽ không thể có mối quan hệ thực sự;
không có quan hệ thực sự sẽ không thể có

sự giúp đỡ thực sự (trợ giúp, dạy dỗ…).

 

Bạn cần có một người bạn tốt (hay nhiều người bạn tốt, như thế sẽ tốt hơn, nếu có thể được). Không nên sống ở nơi nào đó không có bạn bè. Nhưng thế nào mới là bạn? Và bạn cần ở một nơi thích hợp với bản tính con người mình.

Với một con người đang đau khổ, chúng ta dễ khởi lên lòng bi mẫn, nhưng không dễ sống chung với người đó suốt cả cuộc đời được đâu.

Tình yêu không đủ để hai người chung sống với nhau;
Mà cần phải có sự hiểu biết lẫn nhau một cách sâu sắc.
Tình yêu không đủ trong một mối quan hệ;
 hiểu biết lẫn nhau một cách sâu sắc và trân trọng

lẫn nhau là điều cần phải có.

 

Hãy xem bạn có thể chấp nhận tất cả mọi điều xấu xa về anh ấy mà không muốn thay đổi anh ấy hay không, và xem bạn có thể tôn trọng anh ấy như anh ấy đang là bây giờ hay không. Những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau thường không mấy tốt đẹp.
Không nên sử dụng các mối quan hệ
như là những phương tiện; nó cần đem lại tình thương
 sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
 Không có ai trên đời là hoàn hảo cả.

Đôi khi các quan hệ trở thành trói buộc nếu nó không đặt nền tảng trên thái độ đúng đắn.

Đừng bao giờ sử dụng hôn nhân hay bất cứ mối quan hệ nào như là một phương tiện để giải quyết một vấn đề nào đó. Con người nên quan hệ với con người chỉ vì họ yêu thương, tôn trọng và trân quý (ngưỡng mộ) lẫn nhau như chính họ đang là như vậy. Nếu không sẽ không thể có được mối quan hệ đích thực.

Yêu thì được nhưng đừng vội vàng cưới. Con người thường hay thay đổi một khi họ đã có được quan hệ thân mật với ai đó.
Phải mất cả một đời người bạn mới biết được mình có thực sự yêu ai đó hay không.
Lửa rơm nhanh cháy nhưng chóng tàn,
Lửa trấu âm ỉ nhưng cháy lâu thật lâu.
Hôn nhân không phải là điều xấu xa hay tồi tệ. Tôi đã từng thấy nhiều cặp vợ chồng sống với nhau hòa hợp, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau thực hành Pháp. Mặc dù những trường hợp như vậy rất hiếm.
.
Thật hiếm tìm được một người nào thực sự
 quan tâm, lo lắng cho bạn. Chỉ yêu mà không cần
 hy vọng mối quan hệ sẽ dài lâu. Hãy ngắm hoàng hôn
 khi nó đang còn ở đó, nhưng bạn không thể
 níu giữ được hoàng hôn ở lại.

Chúng ta chưa bao giờ có quá nhiều tâm từ cả; thường là chúng ta có quá ít. Tâm từ thực sự không bao giờ làm bạn khổ. Chính là sự dính mắc và mong đợi mới làm bạn khổ. Bạn không thể mong đợi nhận lại tâm từ để đền đáp lại tâm từ bạn trao cho người; tâm từ không thể đem ra để trao đổi. Nếu có sự mong đợi ở đó, thì chứng tỏ ở đó có lợi ích cá nhân. Nếu chúng ta yêu thương một người nào đó bởi vì chúng ta muốn được người ấy yêu thương lại, thì chúng ta sẽ bị tổn thương khi không nhận được tình thương ấy đáp lại.

Tình cảm, cảm xúc đến rồi đi, và sự khao khát, tham ái đến rồi đi – hãy để chúng đến và đi. Đừng coi chúng là cái gì quá quan trọng. Hãy chỉ quan sát chúng. Nếu bạn đừng cố kiểm soát nó, và đừng mong muốn nó phải khác đi thì bạn sẽ không bị thất vọng. Chính mong muốn kiểm soát mọi việc mới làm cho chúng ta mệt mỏi và kiệt sức. Chúng ta không khổ vì mình có trái tim, mà chúng ta khổ vì lòng ham muốn và vì coi những ham muốn đó là quá quan trọng.
Tôi hy vọng bạn và anh ấy sẽ là những người bạn đạo trong suốt cả cuộc đời, giúp đỡ lẫn nhau trên con đường phát triển tâm linh này. Áp đặt ý kiến hay lý tưởng của mình lên người khác có thể gây ra xung đột lớn. Đánh giá phán xét và chỉ trích cũng chẳng có lợi ích gì; nó có thể mang lại sự cô đơn. Bạn không thể thay đổi được anh ấy và anh ấy không thể thay đổi bạn được. Mong đợi người khác phải thay đổi sẽ làm cản trở sự giao tiếp thoải mái giữa hai người.
Tốt nhất là đừng có mong đợi điều gì

 trong một mối quan hệ.

 

Sự chia sẻ và quan tâm chăm sóc bản thân nó đã có đủ tác dụng hàn gắn. Điều đó sẽ làm cho anh ấy giải tỏa được gánh nặng của những cảm xúc. Con người muốn giải tỏa tâm lý, nhưng họ lại sợ bị người khác coi thường; họ sợ mình bị hiểu nhầm hay bị người khác thao túng; họ sợ bị người khác bàn tán và không được yêu thương nếu mọi người biết hết chuyện của mình; họ sợ bị coi là lập dị… Vì vậy, họ mang theo tất cả nỗi đau, sợ hãi, thất vọng, và mong chờ suốt cả cuộc đời, họ sống cô đơn và hành động như một người cứng rắn, nhưng sẽ mềm lòng ngay khi gặp được một người không đánh giá phán xét họ, không bàn tán về họ; người vẫn yêu thương họ ngay cả khi biết hết mọi chuyện về họ, một người thực sự quan tâm đến họ.

Sự chấp nhận vô điều kiện là điều mà anh ấy đang cần. Bạn có thể cho anh ấy sự chấp nhận như vậy được không? Em sẽ lấy anh nếu…Em sẽ không lấy anh nếu… Cái nếu đó mới thật là kinh khủng, mới là những điều đáng sợ.

Khi có ai đó nói: “Anh yêu em”, chúng ta cảm thấy rất sung sướng, nhưng lại không thực sự tin vào điều đó. Chúng ta luôn luôn có nỗi sợ hãi trong tâm: “Nếu anh ấy biết nhiều hơn nữa về mình, anh ấy sẽ không yêu mình nữa. Mình phải chuẩn bị cho điều đó, nếu lỡ nó xảy ra thì sao. Mình phải chuẩn bị tinh thần nếu anh ấy không chấp nhận mình”. Chúng ta không có sự tin tưởng hoàn toàn; chúng ta luôn luôn không chắc chắn. Chúng ta có thực sự chắc chắn không khi nói “Em yêu anh”? Rất hiếm!

Hình như rất hiếm có người thực sự hiểu bạn. Khi không có người hiểu mình (hoặc ít nhất là cố gắng hiểu hay thông cảm với bạn), bạn cảm thấy rất cô đơn. Trong 5 tỷ người trên thế giới này, có bao nhiêu người cô đơn như thế? Có sự liên hệ thực sự giữa người này với người kia hay không? Chúng ta có thực sự hiểu một con người khác hay không? Và bạn có cho phép người khác hiểu mình hay không?

Nhiều người nói với tôi: “Thầy là người duy nhất hiểu được con”. Tôi ngạc nhiên là mình nghe câu đó lặp lại rất nhiều lần, và cách họ nói với tôi thật cảm động. Tôi cố gắng. Tôi ước gì mình có thể hiểu được mọi người một cách sâu sắc; tôi không mong là mình sẽ hiểu hết được tất cả mọi người – quá nhiều đối với tôi. Nhưng ít nhất tôi muốn hiểu các con gái tôi và mẹ của chúng; và những bạn bè thân thiết của tôi.

Tôi muốn có người nào đó yêu thương bạn. Nhưng khi bạn yêu một ai đó, bạn lại không cảm thấy mình xứng đáng với tình yêu của họ. Để bạn cảm thấy xứng đáng với tình yêu đó bạn phải hy sinh chính bản thân mình, nhưng loại quan hệ đó sẽ chẳng bao giờ an toàn và mãn nguyện đâu. Cảm giác an toàn trong một quan hệ: điều đó chỉ có thể có với những người trưởng thành và cảm thấy an toàn với chính mình. Những người có cảm giác không an toàn và không xứng đáng sẽ không bao giờ cảm thấy an toàn trong bất cứ mối quan hệ nào.

Con người ta thường không yêu những người
 đã hy sinh cho họ; họ không muốn bị mang nợ
 với bất cứ ai.
Và họ sẽ càng không yêu bạn khi bạn nhắc nhở họ về những gì bạn đã hy sinh cho họ. Lạ lùng quá phải không? Đúng vậy, con người lạ lùng như vậy đấy.
Nếu bạn đã từng giúp đỡ một người nào đó,
điều tốt nhất cho bạn là bạn hãy quên chuyện đó đi.
Nếu họ nhớ, thì họ thật đáng mến, nhưng nếu bạn nhắc nhở họ về những điều mình đã làm cho họ, họ sẽ ghét bạn lắm đấy!
“Nếu tôi hy sinh cho anh ấy, anh ấy sẽ yêu tôi mãi mãi”
Không! Đừng tự lừa dối mình như thế.
Mà nên: “Em yêu anh không phải vì những gì anh làm cho em, mà vì chính con người anh”.
“Tôi sẽ tha thứ cho anh ấy và anh ấy sẽ tha thứ cho tôi, và chúng tôi sẽ yêu nhau”

Không! Đó là một loại mặc cả.

Tôi không muốn bạn sống cuộc đời mình mà cứ luôn phải tự hỏi mình xem anh ấy có nói thật với bạn hay không; điều đó sẽ làm thân và tâm bạn cạn kiệt sức lực. Đúng thế, một kẻ nói dối có thể làm bất cứ điều gì. Tôi không muốn sống với một người mà tôi không tin tưởng. Tôi có thể tha thứ cho một lỗi lầm, nhưng tôi không muốn sống với một người không đáng tin. Hãy đọc cuốn SỰ TỈNH THỨC, ĐIÊN RỒ VÀ GIA ĐÌNH của R.D. Laing mà xem. Bạn biết đấy, bạn có thể phát điên khi phải sống với một người dối trá.

Giúp đỡ một người thì OK, nhưng quan hệ sâu sắc với một người không trung thực thì sẽ rất mệt mỏi. Bạn không thể có một quan hệ tốt đẹp với một người mình không tin tưởng và không tôn trọng.

Mọi người đều muốn được yêu thương, cả tôi và bạn cũng thế, nhưng những gì chúng ta làm để được yêu thương thì rất khác.
Được yêu thương vô điều kiện, đó là điều
 chúng ta thực sự mong muốn. Nhưng chúng ta đã
có thể tự yêu thương mình vô điều kiện được chưa?
Bạn có yêu thương chính mình không?
Một câu hỏi lạ lùng. Chúng ta không nghĩ đến điều ấy!

Yêu người dễ hơn là hiểu người, nhưng tốt hơn cả là có cả h.ai điều ấy cùng nhau.
.
Chúng ta phải học cách yêu thương
mà không trở nên phụ thuộc hay sở hữu người khác.
Tình yêu trong sáng, thuần khiết không bao giờ

gây đau khổ.

 

Tâm từ thực sự là cần thiết trong mối quan hệ; không có nó mối quan hệ chẳng có ý nghĩa gì nhiều cả. Có tâm từ thì sẽ có sự chấp nhận, hiểu biết và tha thứ, thông cảm. Chúng ta không hoàn hảo và chẳng có ai là hoàn hảo cả. Thấy rõ những khiếm khuyết của mình và cảm thấy OK về điều đó là điều rất quan trọng đối với hạnh phúc của chúng ta, và thậm chí đối với cả sự tiến bộ trong pháp hành nữa. Nếu không chấp nhận được những khiếm khuyết của chính mình, làm sao chúng ta chấp nhận nổi những khiếm khuyết của người khác?

Con người có thể sống hài hòa với nhau nếu họ sẵn lòng dành cho nhau tự do, càng nhiều càng tốt, nếu họ không gia trưởng và hay thao túng người khác.
“Năng lực của tâm từ thật lớn, ngay cả khi tâm từ ấy chỉ dành cho cá nhân một người nào đó thôi; và điều đó có tác động lớn đến cuộc đời tâm linh của một con người làm sao”. Đúng thế!
.
Tình yêu thương thực sự và sự hiểu biết sâu sắc
 còn đem lại sự mãn nguyện lớn hơn tiền bạc
 hay bất cứ một thú vui dục lạc nào.
Hơn thế nữa, một cách sống dựa trên chánh niệm
và trí tuệ chắc chắn sẽ làm cho cuộc đời chúng ta

trở nên thật đáng sống.

 

Bạn không thể có tâm từ với một người nào đó với mong đợi là họ sẽ tử tế với bạn. Bạn muốn hạnh phúc và bình an, vậy thì hãy trải rộng sự hạnh phúc và bình an ấy đến cho những người khác. Không có cách nào khác cả đâu. Bạn hãy nên ước nguyện rằng tất cả những điều tốt đẹp mà mình mong ước cũng sẽ đến với người.

Chúng ta cần tâm từ từ nhiều người, và nếu có thể được, từ tất cả mọi người xung quanh mình. Ngày nay, hầu hết tất cả mọi người đều đang mắc phải một căn bệnh gọi là hội chứng thiếu tâm từ. Hầu hết tất cả mọi người đều khùng khùng, điên điên bởi vì họ không có tâm từ (mettā), giới hạnh (sīla), chánh niệm (sati) và trí tuệ (paññā), họ dính mắc vào sự xa hoa và những thứ đồ chơi mới tậu, vì vậy họ đánh mất đi những đức tính tốt đẹp trong trái tim mình – họ đã bán linh hồn cho quỷ dữ, có thể nói như vậy.

Bạn có nghĩ mình sẽ tìm được một người nào đó có thể làm cho mình hạnh phúc không? Bạn có nghĩ mình sẽ tìm được một người yêu thương mình vô điều kiện mãi mãi không?
.
Quan tâm đến người khác là quan tâm
đến chính mình, đó là vinh danh cuộc đời mà
tất cả chúng ta cùng chia sẻ.
Điều đó đúng khi không có bản ngã, khi chúng ta thấy ra rằng tất cả mọi chúng sanh đều có mối liên hệ với nhau.
“Bạn không thể làm hại người khác

mà lại không tự làm hại đến chính bản thân mình”.

 

Vì vậy, khi bạn giúp người khác, tức là bạn đang giúp chính mình; sự quan tâm dành cho người khác cũng chính là sự quan tâm đến chính mình. Để thấy và cảm nhận được điều đó, điều đầu tiên là chúng ta phải mất đi cái ảo tưởng về bản ngã (cái tôi)[59].  Không có người khác, hẳn là cũng chẳng có tôi. Hãy tưởng tượng xem nếu trên đời này chẳng có cái gì và chẳng có bất cứ người nào tồn tại cả thì bạn sẽ như thế nào? Vì vậy, tất cả mọi người chúng ta biết đều có phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Bạn có tưởng tượng được bạn có ảnh hưởng thế nào đến tôi, đến cuộc đời tôi không? Và bạn có biết tôi có ảnh hưởng như thế nào đến bạn, đến tâm của bạn và cuộc đời bạn? Điều đó cũng đúng với tôi. Bạn cũng có một ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi; bạn đã làm cho cuộc sống của tôi phong phú hơn trên nhiều phương diện.

Một người phụ nữ với cái tâm của riêng mình có thể yêu một người đàn ông với cái tâm riêng của anh ta. Hai con người trưởng thành, độc lập về tâm lý, chín chắn về nhân cách, tôn trọng tự do và cá tính của nhau, có thể có được một quan hệ sâu sắc, lâu dài, đầy ý nghĩa và nuôi dưỡng lẫn nhau.
Con người ta có thể mua một con người làm nô lệ,

nhưng không thể mua được tình bạn.

 

Con người không thể sống thực tế khi họ đang đắm chìm trong tình yêu. Tình yêu thì thường không có lý trí. Bởi vì chúng ta có thể nói về nó, giải thích nó hay thậm chí có nó, chúng ta cứ nghĩ rằng mình đã hiểu nó. Nhưng tình yêu mới thực là bí ẩn làm sao. Chúng ta cảm nhận nó, chúng ta bị nó chi phối hoàn toàn, đôi khi chúng ta không thể tin nổi chính mình nữa. Có thực sự đúng là tôi yêu một người nào đó với tất cả trái tim không? Bởi vì chúng ta luôn giữ lại một cái gì đó cho mình, và bởi vì chúng ta không tin tưởng vào chính bản thân mình, nên chúng ta cũng không tin tưởng được người khác.

“Anh yêu em bằng tất cả trái tim. Và anh cũng biết rằng em yêu anh. Không thể nghi ngờ gì về điều đó. Đó quả là một điều khác thường. Ít nhất, đối với anh, anh biết điều ấy là có thể xảy ra. Anh chưa bao giờ mong đợi điều ấy cả. Làm sao anh mong đợi được điều gì mà anh chưa hề biết? Vì vậy, điều đó là một sự ngạc nhiên. Anh cảm thấy rất biết ơn. Nhưng biết ơn ai? Vâng, biết ơn cuộc đời” – Một sự mong đợi ngọt ngào và đau đớn!

Nếu bạn chưa yêu thương (và nếu bạn không yêu thương) một ai đó với tất cả trái tim, bạn vẫn chưa phải hoàn toàn là một con người trọn vẹn; bạn chỉ có tiềm năng trở thành một con người trọn vẹn.
.
Khi yêu là khi đang ở trong một trạng thái tâm
 thay đổi khác thường. Tình yêu không có sự hợp lý;

nó nằm ngoài lý trí và lô gíc.

 

Bạn đang tràn đầy sức sống và tuôn trào cảm xúc. Những điều như thế thường chỉ xảy ra một lần trong cả một đời người. Tôi vui mừng khi nghe bạn nói rằng trái tim bạn giờ đây đã rộng mở. Hãy để nó rộng mở, mặc dù có lúc nó sẽ đau đớn. Chúng ta sợ yêu, sợ bị từ chối; sợ tình cảm của mình không được trân trọng, hay sợ bị người khác thao túng; sợ mình dễ bị tổn thương, và đôi khi chúng ta không tin tưởng chính bản thân mình; chúng ta không tin rằng mình có thể thực sự yêu thương một người nào đó.

Hãy để tất cả mọi cảm xúc, tình cảm của bạn tuôn trào ra. Hãy viết lại, hãy thể hiện những tình cảm ấy thành những bài thơ không vần.
 Nhưng, chớ nên vội vàng kết hôn. Hãy tìm hiểu cô ấy thật kỹ đã. Cô ấy cũng là một con người; cũng như tất cả chúng ta thôi, cũng có những khiếm khuyết của riêng mình. Hãy cố gắng hiểu toàn bộ con người và yêu cô ấy vì điều đó, chứ không chỉ yêu một phần nào đó trong con người cô ấy, hay chỉ yêu cái hình ảnh tưởng tượng về cô ấy mà bạn đang ôm ấp trong tâm.
Bạn nói: “Cô ấy rất trung thực”. Đó là đức tính quan trọng nhất; không có cái đó sẽ không thể nào có được mối quan hệ có ý nghĩa đâu.
.
“Nhưng mà cô ấy cũng rất điềm đạm, bình tĩnh với tất cả mọi thứ, điềm đạm và bình tĩnh đến mức làm cho người khác cảm thấy đau nhói trong lòng”. Thế bạn mong chờ cái gì? Muốn cô ấy phải phát điên lên vì một gã đang si mê mình đến phát điên lên ư? Tất nhiên là cô ấy phải cẩn thận chứ. Chắc là cô ấy cũng đã từng có kinh nghiệm đối với những kẻ phát điên lên vì mình trước kia rồi và… Đối với cô ấy, tốt hơn cả là nên học cách yêu bạn nhiều hơn. Đối với phụ nữ, nếu mất, cái mất của họ lớn hơn. Và chỉ mỗi tình yêu thì chưa đủ. Chắc hẳn bạn đã từng đọc hay nghe kể những câu chuyện tình yêu lãng mạn. Một số tình yêu như vậy chẳng kéo dài được lâu, một số khác thì có những kết cục bi đát.
“Nó đau như một vết thương chưa lành”. Vâng, vâng, nó đau và đồng thời bạn cũng không muốn cái đau ấy đi mất. Nó rất quý giá và rất đặc biệt. Nó đau, nhưng nó cũng đầy thích thú.
.
Yêu một người nào đó bằng cả trái tim là
 đang trở thành một con người thật sự.
Kinh nghiệm này có tác động thực sự đến cách bạn
nhìn nhận về con người; nó rất quý giá.

Ngay cả tình yêu đối với một người phụ nữ cũng có thể là một kinh nghiệm tâm linh. Tâm linh có mặt ở trong tất cả mọi mặt của cuộc sống. Khi đó, cuộc sống sẽ rất đẹp và đầy ý nghĩa.

Bạn thấy đấy, không ai có thể dạy bạn làm thế nào để mở rộng trái tim mình; làm thế nào để sống mở lòng cho dù dễ bị tổn thương; làm thế nào để thương yêu người khác; làm thế nào để vượt lên trên tất cả mọi quy ước và tục lệ; làm thế nào để vượt qua những hạn chế của mình và khám phá những gì ở đằng sau những giới hạn ấy.
Bạn đang ở một thế giới hoàn toàn khác biệt với những giá trị khác biệt; bạn đã trở thành một con người khác và không thể là một với con người trước kia – sự chuyển hóa không thể đảo ngược được.
.
“Tôi quý trọng sự giao tiếp từ-trái-tim-đến-trái-tim với người khác”. Tôi biết cảm giác khi giao tiếp từ-trái-tim-đến-trái-tim với người khác như thế nào. Hầu hết các mối quan hệ không tốt đẹp, không có tác dụng bởi vì không có sự quan tâm lẫn nhau, sự chia sẻ, trung thực, dịu dàng, nhạy cảm, một tâm từ thực sự và tràn đầy (chứ không phải ham muốn). Một nhân tố khác cũng quan trọng không kém, đó là sự thấu hiểu sâu sắc người bạn đời của mình như một con người (chứ không phải là một đối tượng tình dục). Tình dục cũng là một phần trong quan hệ giữa một người nam và một người nữ; không nên làm ngơ không tính đến nó, nhưng nó cần phải hài hòa với sự chia sẻ niềm vui thực sự giữa hai người, chứ không phải chỉ là sự thỏa mãn ham muốn bản năng của con người.
.
Chúng ta đã nói quá nhiều về tình yêu. Bạn có biết mình đang nói về chuyện gì hay không? Bạn nói: “Đôi khi tôi cảm thấy không còn biết thực tại là gì nữa”. Bạn có biết thế nào là thực tại không? Khi chúng ta nghĩ về thực tại là chúng ta đã bị tách biệt ra khỏi nó rồi; khi là một với thực tại, chúng ta không còn nghĩ về nó được nữa.
.
Nếu có thể cho bạn một lời khuyên, tôi sẽ khuyên rằng: hãy dành thời gian để hiểu tâm mình thật sâu sắc, tìm hiểu bạn đang thực sự mong muốn gì từ cuộc đời này”.
.
Con người ta cứ miên man làm hết việc này đến việc kia, hết mối quan hệ này đến mối quan hệ khác. Bạn mong muốn gì từ một mối quan hệ? Bạn đang tìm kiếm điều gì?
.
Nếu bạn không biết mình muốn gì,
 thì kết cục là bạn sẽ có được rất nhiều thứ
 mà mình chẳng muốn.
.
Tôi biết ý bạn muốn nói gì khi nói “sống từ trái tim”. Trong hầu hết các mối quan hệ của tôi với mọi người, tôi đã rất bất mãn và nghĩ rằng còn thiếu cái gì đó để thành quan hệ đích thực. Trong một số trường hợp, chính bản thân tôi cũng thiếu cái đó. Vì vậy mọi việc không thể tốt đẹp, thuận buồm xuôi gió trong cả thời gian dài; có cái gì đó không ổn. Nhưng bây giờ thì tôi đã ý thức rõ về nó. Tuy nhiên với một số người thì tình bạn nảy nở một cách rất tự nhiên, chẳng hạn, tôi cảm thấy rất dễ dàng khi giao tiếp với bạn.

Toi hy vọng cả hai bạn thực sự cởi mở và trung thực với nhau. Không có cái gì là “rồi họ sống bên nhau mãi mãi hạnh phúc” đâu. Luôn luôn có những vấn đề không mong muốn xảy đến; chúng ta chỉ cần học cách giải quyết chúng một cách có trí tuệ.

Khó khăn là điều cần thiết. Sau khi đã cùng nhau vượt qua một giai đoạn khó khăn bằng sự kiên nhẫn và nhạy cảm, hai người sẽ trở nên gần gũi hơn và hiểu nhau hơn. Sự hiểu biết lẫn nhau đó sẽ làm cho quan hệ trở nên ý nghĩa hơn và lâu bền hơn. Chỉ mỗi tình yêu thôi thì không đủ. Sự hiểu biết sâu sắc về những tình cảm và cảm xúc, những mong muốn, ước mơ, nỗi lo sợ , hy vọng…của nhau là điều rất quan trọng. Cha mẹ chúng ta đều yêu thương chúng ta. Tại sao mà chúng ta không thể nói chuyện được với họ?

Bạn là người rất may mắn bởi vì đã hiểu được yêu thương một con người khác nghĩa là như thế nào. Tôi không biết trước được tương lai, nhưng tôi tin rằng tình yêu của bạn dành cho cô ấy đã mang lại rất nhiều chiều sâu và ý nghĩa cho cuộc sống của bạn. Tôi nghĩ mỗi điều đó thôi đã là đủ cho cả một cuộc đời. Hầu hết mọi người sống rồi chết đi mà vẫn chưa hiểu được thế nào là tình yêu thương dịu dàng. Mặc dù họ vẫn thường hát những bài hát ca ngợi tình yêu cơ đấy.
Người ta nói con chim sơn ca khi sa vào bụi mận gai, với cây gai đâm trong ngực, nó cất lên tiếng hót tình yêu hay tuyệt vời. Tất cả chúng ta cũng vậy. Còn ca khác sao nữa?

                                                 KAHLIL GIBRAN[60]

 

Tôi rất vui khi nghe bạn và cô ấy bây giờ đã thân thiết với nhau. Cố gắng hiểu thực tế cuộc sống của cô ấy – nội tâm, tình cảm, những khó khăn khi hòa nhập với bạn và cuộc sống ở Mỹ, và cả những xung đột trong tâm cô ấy nếu có (hầu hết mọi người đều có những xung đột nội tâm). Bạn có thực sự hiểu chiều sâu cuộc sống của cô ấy không? Bạn có biết mình sẽ cảm thấy ra sao khi ở vào địa vị của cô ấy? Nếu cô ấy không lấy bạn thì sao?
Cái gì làm cho mối quan hệ thực sự bổ ích, mãn nguyện, lâu dài và sống động, chứ không phải chỉ là sự tẻ nhạt thường ngày?
Bạn viết: “Tôi muốn cô ấy thật nhiều…nhưng tôi muốn gì chứ nhỉ?”. Câu hỏi đó rất quan trọng, và không ai có thể cho bạn câu trả lời được cả. Bạn phải nhìn sâu vào trong tâm mình để tìm câu trả lời.

Sự hòa hợp giữa hai trái tim – sự hiểu biết trực giác và sâu sắc lẫn nhau; sự giao tiếp không lời; bí ẩn, vượt trên mọi lý luận của lý trí; hiểu biết từ trong gan ruột rằng cả hai người ở bên nhau trong vòng luân hồi này, yêu thương, chăm lo và giúp đỡ lẫn nhau; biết rằng sự hiểu biết giữa hai người sẽ ngày càng tăng cho đến khi cả hai tâm hồn trở nên hoàn toàn thấu rõ; không sợ hãi, e ngại điều gì, không có gì bí mật và hoàn toàn tin tưởng; không phải là một ván bài, không thủ đoạn. Liệu điều đó có thể được hay không?

Hãy bảo cô ấy kể cho bạn nghe về bản thân mình – thời thơ ấu, bố mẹ, anh chị em, những hy vọng, nỗi sợ hãi, lo lắng…của cô ấy. Bạn nói: “Sự ham muốn mãnh liệt đã phai nhạt dần đi”, và “Không biết có phải là nó tự nhạt đi hay một phần là do tôi đã thành công trong việc chinh phục cô ấy?”. Cuộc sống không thể nào tiếp diễn với những ham muốn mãnh liệt như thế mãi được, nó sẽ đốt cháy bạn mất. Nó chỉ là (và nên là) bình thường, chẳng có gì đặc biệt cả.

Tất cả mọi thứ trong tự nhiên đều đi theo những chu kỳ. Bạn không thể cứ tiếp tục sống với những cảm xúc mãnh liệt ấy suốt ngày được; cuộc sống của bạn sẽ trở nên nguy hiểm, bạn không thể làm được những công việc thường nhật cần phải làm trong cuộc sống. Cảm xúc mãnh liệt tiêu hao rất nhiều năng lượng. Tôi không có ý định làm giảm giá trị hay nói rằng cảm xúc mãnh liệt là không quan trọng. Nó cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về cái gọi là “thực sự sống động”, và nó thay đổi các giá trị và mục đích của chúng ta. Câu hỏi thứ hai của bạn cũng có thể trả lời là đúng. Bạn đã có được tình cảm của cô ấy. Vì vậy bạn không còn phải lo lắng về chuyện chinh phục cô ấy nữa, việc đó khiến bạn cảm thấy hơi lố, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn yêu cô ấy ít hơn. Nó có nghĩa là tâm bạn bây giờ đã ổn định hơn. Lòng ham muốn (hay tình yêu) cháy bỏng không tốt về lâu về dài. Loại tâm từ nồng ấm hoặc đôi khi thậm chí loại tâm từ mát mẻ (không phải là lạnh lùng) tốt hơn nhiều; nó đáng tin cậy hơn và nuôi dưỡng mình hơn. Bạn sẽ lại phát điên lên lần nữa khi bạn có đứa con đầu lòng. Tôi sẽ chờ xem việc đó.

Khi bạn có con, hãy để tôi làm người bạn, cùng chơi với nó. Tôi biết cách làm một người bạn tốt của con trẻ. Hãy để tôi giúp nó học hỏi về tự nhiên, về cuộc đời, và về chính bản thân nó.

Những mối quan hệ không lành mạnh nên chấm dứt. Nếu bạn không thay đổi, bạn sẽ không thể sống một cách trọn vẹn. Bất cứ thứ gì sống đều buộc phải thay đổi. Không thay đổi có nghĩa là chết. Do đó, nếu là một tình bạn sống động, nó phải luôn luôn thay đổi. Hầu hết con người chúng ta không cảm thấy có sức sống là bởi vì chúng ta sợ sự thay đổi (đi đến một nơi không hề biết). Chúng ta không muốn rủi ro.

Trước khi bạn buông bỏ sự dính mắc với bất cứ ai hay bất cứ cái gì, hãy nhìn sự dính mắc ấy trong tâm mình. Hiểu sự dính mắc là rất quan trọng. Chỉ có sự hiểu biết sâu sắc về dính mắc mới giải thoát tâm mình khỏi nó được. Nếu bạn ép buộc tâm mình phải từ bỏ dính mắc mà chưa thực sự thấy rõ được bản chất của nó, nó sẽ quay trở lại rất nhanh. Nhìn rõ và hiểu thật sâu sắc là cách duy nhất để vượt qua nó. Sự buông bỏ khiên cưỡng không phải là buông bỏ thực sự.

Hầu hết tất cả mọi người đều “mọc” lên một lớp vỏ vô hình, không thể xuyên thủng xung quanh bản thân họ để bảo vệ họ khỏi bị tổn thương, và họ tìm kiếm sự thỏa mãn ở tiền bạc, địa vị, thú vui dục lạc, ma túy, rượu chè, và tình dục chủ yếu là vì họ không có được một người nào yêu thương họ và thấu hiểu họ một cách sâu sắc. Quá e sợ khi mở lòng mình ra và dễ bị thương tổn!

Trên đời này có thể có tình yêu khiên cưỡng (hay nhân tạo), lòng từ bi, tri túc, sự khiêm tốn nhân tạo… Đằng sau tình yêu thương và sự khiêm tốn khiên cưỡng ấy cũng có thể là (trong hầu hết các trường hợp) sân si, ham muốn, ngã mạn… Thấy rõ ràng có nghĩa là cắt đứt!

Tôi cũng có những khó khăn tương tự trong mối quan hệ với mọi người. Tôi nhận thấy hầu hết tất cả mọi người đều rất nông cạn. Bởi vì tôi là một nhà sư nên tôi có thể tránh không phải gặp một số người tôi không muốn gặp; nhưng chúng ta là những con người; chúng ta không thể sống một mình; chúng ta cũng cần phải gặp gỡ, liên hệ với con người; và chúng ta đang sống trong một thế giới mà hầu hết mọi người đều vô cùng thất niệm (không có ý thức về chính bản thân mình), ích kỷ, không biết điều, ngu ngốc, ngã mạn, ganh tỵ…và vân vân.

Vì vậy, một con người trí tuệ và nhạy cảm cần thiết phải chịu cái khổ tiếp xúc với mọi người. Sự khoan dung và thấu hiểu sâu sắc về con người là rất quan trọng. Nhiều lúc bạn phải tự nhắc mình điều mà Đức Phật đã nói: “puthujjano ummattako” (những kẻ phàm phu điên khùng).
Bạn đang tiếp xúc với những con người điên khùng. Con người già đi nhưng lại không trưởng thành! Vì vậy bạn đang nói chuyện với những đứa con nít lớn tuổi.

Bởi vì bạn không thể chạy trốn khỏi con người, vậy hãy cố gắng tìm cách quan hệ với họ một cách trí tuệ và nhân hậu.

Khi bạn không có điểm chung nào với người khác, bạn không thể chia sẻ được điều gì với họ. Bạn cảm thấy mình như một người xa lạ. Nếu bạn muốn có bạn bè, hãy xem mình có điểm gì chung với họ hay không. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với họ, họ sẽ cảm thấy gần gũi với bạn.
.
Hãy học cách lắng nghe mọi người
mà không đánh giá, phán xét.  Bạn không phải
giải quyết những vấn đề của họ.
Hãy cởi mở và sống nhân hậu.
Sống xung đột với người khác thật là mệt mỏi.
Ham muốn sự cung kính, tôn trọng và

 ngưỡng mộ của người đời là một ngục tù.

 

Nếu có thể, hãy tránh xa những kẻ ngu (bāla)[61]; nếu không thể tránh được, hãy cẩn thận đừng nghe theo những lời khuyên sai trái, dại dột của họ, nhưng cũng đừng tranh đấu, xung đột với họ. Chúng ta đang sống trong thế giới của những kẻ ngu. Nếu giao du, quan hệ với những kẻ ngu, sớm muộn gì bạn cũng sẽ gặp rắc rối. Hầu hết mọi người không biết trân trọng những lời dạy của Đức Phật, ngài không bao giờ cho những khuyên sai cả.

Đúng vậy, asevanā ca bālānam (không gần gũi kẻ ác). Hãy nhận rõ những kẻ ngu ác và tránh xa họ; nhưng đừng tự làm mình khổ mà nghĩ quá nhiều về những kẻ ấy. Hãy tránh xa những kẻ ngu như tránh xa những con rắn độc.  Nhưng cái gì làm nên một kẻ ngu?
.
Nếu bạn có thể tìm được một người bạn tốt,
 hãy sống với họ; Nếu không tìm được bạn như vậy,
 hãy sống một mình.
Đối với kẻ ngu, không bao giờ có tình bạn.
.
Từ khi còn nhỏ, tôi đã nhận ra rằng hầu hết mọi người đều là loại đạo đức giả. Rất khó để tôi tin vào con người, nhưng đó là điều tự nhiên, dù tôi có thích hay không thì con người vẫn cứ như vậy. Chấp nhận nó hoặc buông bỏ nó. Thật hiếm hoi tôi mới gặp được một vài người không đạo đức giả, những người sống chân thành, và bởi vì những người ấy rất hiếm, nên họ rất đáng quý.

Hầu hết mọi người chỉ chạy theo đồng tiền, danh vọng, địa vị, thú vui dục lạc…ngay cả một số vị sư cũng vậy. Rất ít người thực sự chân thành và nhiệt tâm tìm kiếm sự thật và sự bình an. Một số người sử dụng thiền như một chất thay thế cho ma túy. Bạn có thất vọng về điều đó không? Nếu bạn thất vọng vì những điều như vậy thì bạn sẽ thất vọng suốt cả cuộc đời.

Tôi vui khi thấy vẫn còn một số người thực sự trung thực và chân thành. Hãy cố gắng nhìn vào phía mặt sáng của con người. Họ không xấu đến mức họ có thể xấu được đâu, chưa ăn thua gì, họ còn có thể xấu xa hơn như vậy nữa!
.
Tất cả mọi người đều xấu xa.
Chỉ sau khi chúng ta đã chấp nhận được điều đó,
 thì chúng ta mới có thể thực sự biết trân trọng
khi thấy được một vài điểm tốt ở trong mỗi con người.

Hình như tôi thấy, về mặt tâm lý, bạn chín chắn hơn rất nhiều hầu hết những người cùng lứa tuổi của bạn. Vì vậy bạn không hợp với những người cùng độ tuổi. Bạn có biết rằng những người thông minh thường cảm thấy rất khó khăn khi làm những việc người khác vẫn thường làm?

Bởi vì thang giá trị của bạn rất khác thang giá trị của hầu hết những người đang sống quanh bạn, bạn xung đột với họ, điều đó cũng là tự nhiên thôi. Việc đầu tiên là hãy cố gắng hiểu được bản chất của vấn đề. Đôi khi, hiểu được vấn đề là đã giải quyết được một nửa vấn đề rồi.
Bạn cần có một người mà bạn tin tưởng để nói ra bất cứ những gì đang có trong tâm mình, nhất là những điều mình quan tâm và lo lắng. Đôi lúc tôi nghĩ bạn sẽ cảm thấy cô đơn ở ngay giữa thành phố đông đúc. Bạn đang sống một mình xa gia đình; chắc hẳn có lúc bạn sẽ cảm thấy nhu cầu gần gũi một người không lợi dụng bạn, hiểu bạn, hiểu sự đấu tranh và nỗi đau của bạn.

Thời buổi ngày nay rất khó để có thể tin tưởng được người nào ngoài gia đình bạn đúng không. Nhưng tôi nghĩ vẫn có những người tốt ở khắp nơi trên thế giới. Bạn chỉ cần tìm kiếm họ thôi. Chẳng lẽ không có ai trong giới xã hội của bạn là người nhân hậu và đạo đức sao?

Tôi hiểu những gì bạn đang trải qua bởi vì tôi cũng đã từng có những kinh nghiệm tương tự như vậy. Điều khó khăn nhất là việc quyết định. Nỗi đau sẽ hàn gắn sau một thời gian. Tôi đã từng sống với rất nhiều nỗi đau đớn, lo sợ và cảm giác tội lỗi trong nhiều năm, nhưng giờ đây tất cả chỉ là những ký ức. Một ngày nào đó tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện cuộc đời tôi.

Sẽ cần một thời gian để bạn hồi phục trở lại sau những chấn động mà mối quan hệ ấy đã gây ra cho tâm bạn. Hãy chánh niệm hơn và thư giãn hơn nữa. Tâm bạn đã phản ứng, sân si cả một thời gian dài, vì vậy nó cần rất nhiều chánh niệm và kiên nhẫn để buông bỏ cung cách hành động và phản ứng cũ. Dù lâu bao nhiêu chăng nữa cũng hãy kiên nhẫn và tử tế, nhẹ nhàng với chính mình. Sự thay đổi không thể cưỡng ép; nó nên được chào đón. Tính cách của bạn cũng sẽ thay đổi nữa.
Điều tồi tệ nhất đối với một con người là
 đánh mất đi lòng tự trọng.
.
Bạn nói: “Không biết nghiệp xấu nào bắt tôi phải ở cái nơi tồi tệ này, trong khi tất cả những nhà sư tốt và những người bạn tốt thì ở tận Myanmar”. Hãy nhìn sự việc đó từ một góc độ khác, bạn có thể nói: “Không biết nghiệp tốt nào của tôi trổ quả khiến cho tôi có được bao nhiêu người bạn tốt và những nhà sư tốt, những thiện tri thức (kalyānamittas –bạn lành trong đạo) ở Myanmar”. Hầu hết mọi người trên thế giới còn chẳng có được một người bạn nào thì sao.
Tất cả chúng ta đều muốn được người khác
yêu thương vô điều kiện, nhưng mình đã yêu thương
được chính mình vô điều kiện hay chưa?
.
Muốn mình là quan trọng trong cuộc đời người khác. Có khả năng tạo nên sự khác biệt nào đó. Nhưng đối với tôi thì… (những điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết).
Người không biết yêu thương chính bản thân mình vô điều kiện, không độc lập về mặt tâm lý, sẽ không thể và không thực sự yêu thương bất cứ một ai hết.

Để có khả năng yêu thương, chúng ta phải tự do

 

Tôi có thực sự thương yêu ai không ấy hả? Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta yêu bởi vì chúng ta quá cô đơn. Chúng ta hy vọng sẽ vượt qua được sự cô đơn nếu mình thực sự yêu ai đó và nếu có người thực sự yêu mình. Nếu chúng ta không chấp nhận sự cô đơn của mình và chấp nhận sự cô đơn của người khác, chúng ta sẽ không thể thực sự gặp nhau được. Mỗi con người chúng ta đều vô cùng cô đơn. Hãy chấp nhận nỗi cô đơn của mình, và đừng cố che phủ nó hay chạy trốn nó hay cố gắng tìm cách để vượt qua nó. Chúng ta sẽ luôn luôn cô đơn. Chỉ trong những khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó khi chúng ta sống quên mình, chúng ta tạm thời thoát ra khỏi nỗi cô đơn ấy, nhưng rồi chắc chắn nó sẽ quay lại. Tôi cô đơn. Tôi còn cô đơn hơn trước nhiều. Tôi đang nhìn (quan sát) sự cô đơn này ngày một nhiều. Có rất ít người có thể đến được với mình và hiểu mình. Giữa mỗi con người là cả một khoảng cách lớn của sự hiểu biết sai lầm về nhau.

Tôi có những người bạn yêu thương và kính trọng tôi, nhưng họ chẳng biết tôi là người như thế nào hay hiểu về tôi như một con người. Họ không thể hiểu. Tôi không trách họ không hiểu tôi. Họ yêu thương cái hình ảnh về tôi do họ tự phóng chiếu ở trong đầu, đó là một hình ảnh không thật. Nhưng chính tôi có biết mình là ai không? Cái tôi nghĩ là mình chỉ là một sự phóng chiếu của tâm tôi mà thôi. Tốt hơn cả là hãy chánh niệm từng giây phút, đừng cố đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như vậy nữa.

Chánh niệm là nơi nương tựa duy nhất của tôi.
.
Tôi biết con người ta cô đơn như thế nào; tôi hiểu bạn đang cô đơn như thế nào; bởi vì tôi biết tôi cô đơn như thế nào. Tôi đã sống cuộc đời mình một cách tĩnh lặng, bình an và cô độc, nhưng tôi trân trọng sự tiếp xúc, sự giao tiếp từ-trái-tim-đến-trái-tim với người khác.
Tôi đã đau khổ rất nhiều
và tôi trở thành một nhà sư.
Tôi đau khổ nhiều hơn,
và tôi trở thành một con người.

Thật khó khăn làm sao khi không có một người bạn. Một người bạn là người không thao túng bạn; người lắng nghe và hiểu bạn; có thời gian để nghe bạn tâm sự mà không ngắt lời hay lơ đãng, không quan tâm; người biết lắng nghe với sự chú ý và nhạy cảm. Hầu hết mọi người đều lơ đãng, thất niệm và đau khổ; tâm họ luôn nặng nề bởi những vấn đề của chính mình.

Nếu bạn không bình an, làm sao bạn có thể lắng nghe được?

Tôi quen biết nhiều người rất thân; họ kể cho tôi nghe về cuộc đời họ và những cảm xúc, tình cảm mà chưa bao giờ kể cho bất cứ ai; và một số trường hợp họ kể cho tôi nghe những điều mà bản thân họ cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Chỉ khi tôi hỏi lại để làm rõ thêm một vài điểm, họ mới bắt đầu nhìn sâu vào tâm mình, và kinh ngạc thấy ra được những điều trước kia họ chưa bao giờ thấy. Chúng ta có thể tự che dấu chính mình rất giỏi. Hầu hết tất cả mọi người đều bị chia cắt (với chính mình); họ không bao giờ trọn vẹn cả. Nếu bạn không trọn vẹn với chính mình, bạn không thể trưởng thành được. Để sống trọn vẹn, bạn không nên phủ nhận hay chối bỏ bất cứ điều gì, bất cứ suy nghĩ hay cảm xúc hay ý tưởng nào của mình, dù nó khó chấp nhận đến đâu chăng nữa.
Từ chính những kinh nghiệm của tôi với con người, tôi biết con người rất cô đơn, thậm chí ngay cả những người đang sống với gia đình, với cả gia đình đông người, nhiều thế hệ nữa.
.
Sự cô đơn không biến mất chỉ vì bạn
 đang ở cùng một người nào đó; cô đơn là bởi vì
không có sự hiểu biết sâu sắc và sự chấp nhận.
.
Ngay cả những người trong cùng một gia đình cũng không hiểu nhau và chấp nhận lẫn nhau. Quá nhiều sự đánh giá, phán xét và hiểu lầm nhau thậm chí ngay trong một gia đình.
Nguồn gốc của vấn đề là ở chỗ không hiểu biết sâu sắc về bản thân mình, không chấp nhận chính bản thân mình. Chúng ta luôn luôn chối bỏ một phần nào đó trong con người mình. Liệu chúng ta có thể yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình vô điều kiện được không?
Trừ phi bạn thấu hiểu chính bản thân mình một cách sâu sắc (và điều đó chẳng dễ dàng tý nào), sẽ không có cách nào khác để giải quyết vấn đề này. Chúng ta muốn quan hệ hầu như chỉ vì chúng ta cảm thấy cô đơn.
.
Quan hệ được sử dụng như một phương tiện
để vượt qua nỗi cô đơn thì không bao giờ có tác dụng.
Mỗi người trong chúng ta đều mong đợi
người khác làm cho mình hết cô đơn.
Quan hệ bị sử dụng làm phương tiện

sẽ chỉ đem đến sự thất vọng.

 

Chạy trốn sự cô đơn. Đó là điều hầu hết chúng ta làm hầu như trong mọi lúc. Chúng ta không có thời gian cho những việc khác.
Khi bạn đã hiểu và sống sâu sắc với chính mình, cuộc đời bạn rẽ sang một bước ngoặt mới, và điều đó cần một người bạn, người đó cũng phải hiểu mình thật sâu sắc, người cảm thấy OK về chính bản thân mình, không sợ phải nhìn mọi thứ như nó đang là, người đã quen nhìn những thứ mà người khác giả bộ như không thấy. Giống như bạn đang sống ở sâu dưới đáy biển: bạn nhìn thấy được những thứ mà bạn không bao giờ tưởng tượng nổi – những hình hài và màu sắc dường như không thể có, có những thứ thật đẹp đẽ và những thứ thật vô cùng xấu xí.
Những người đi tìm kiếm đá quý Rubi không bao giờ thấy được kim cương, bởi vì kim cương không có màu. Mặc dù không màu, nhưng nó luôn lấp lánh. (Nhưng kim cương nhân tạo thì có màu).

Tốt hơn cả là đi giúp đỡ mọi người vừa phải thôi, bởi vì như thế bạn mới không phải tốn quá nhiều thời gian và công sức, không bị mệt mỏi và kiệt sức. Nếu khi nào có thể, thì hãy giúp đỡ thêm chút chút đôi lúc (nhưng chớ luôn luôn như thế). Nếu bạn làm hết sức của mình, rất nhanh thôi bạn sẽ cảm thấy mình không thể cứ tiếp tục làm như thế được nữa; quá nhiều!

Bạn nói: “Saydaw, con người thật kỳ lạ. Khi bạn tốt với họ, họ coi đó là chuyện đương nhiên. Bạn phải tỏ ra khó chịu, cáu kỉnh với họ”. Không, bạn không phải khó chịu, cáu kỉnh với họ. Bạn chỉ cần nói rõ giới hạn những gì mình có thể làm, làm đến đâu. Bạn cần phải nói cho họ biết những giới hạn của mình; thời gian cần dành riêng cho bản thân mình và công việc của mình. Nếu bạn không nói, làm sao họ biết được? Bạn mong đợi là họ sẽ phải biết nhu cầu của mình mà không cần phải nói ra hay sao? Họ quan tâm nhiều hơn đến cái họ muốn, chứ không phải cái bạn muốn. Vì vậy bạn cần phải nói cho họ biết, bạn cần phải yêu cầu.
.
Nếu bạn không nói rõ mức giới hạn, họ sẽ đòi hỏi bạn làm ngày càng nhiều, và cuối cùng bạn sẽ cảm thấy mình bị bóc lột và sẽ phản ứng lại một cách bất mãn. Cái đó sẽ làm hỏng quan hệ của bạn với họ. Tôi luôn luôn nói cho mọi người biết mức độ giới hạn của mình, ngay cả đó là những chuyện liên quan đến Phật Pháp.
Vì vậy, khi bạn đến ở một chỗ mới, ngay lúc đầu tiên bạn phải thiết lập một giới hạn, có một thời gian quy định chặt chẽ. Quá tốt kết cục thường là quá cay đắng! Cuối cùng bạn sẽ ghét bỏ những người mà bạn đã dành thời gian giúp đỡ cho họ quá nhiều. Tất cả mọi người, bao gồm cả những người trong gia đình chúng ta, mong đợi quá nhiều ở chúng ta, và họ thường coi đó là chuyện đương nhiên – nghĩa vụ của chúng ta phải là như vậy.
.
Không ai có quyền hành gì đối với bạn cả,

trừ phi bạn cho họ cái quyền ấy

 

Bạn cho phép họ gây ảnh hưởng, tác động đến tâm mình. Giờ thì bạn không sẵn lòng cho họ gây ảnh hưởng nữa, họ bị tước sức mạnh và mất đi quyền lực đối với bạn. Khi bạn còn nghĩ rằng họ có quyền lực và hùng mạnh, họ sẽ có quyền hành đối với bạn. Bạn không thấy họ sợ hãi, bất lực và lệ thuộc như thế nào ư? Họ sẽ sử xự như những ông hoàng bà chúa, nếu bạn đặt họ lên ngai vàng, nhưng nếu bạn đặt họ ngồi xuống đất, bạn sẽ thấy họ cũng y hệt như bất cứ một người nào khác mà thôi – bất lực, yếu ớt, lo sợ, lệ thuộc và cô đơn.
.
Khi chúng ta buông bỏ hình ảnh tự phóng chiếu
 của chính mình, khi chúng ta loại bỏ tâm lý
tự bảo vệ chính mình, chúng ta mới thấy được
thực sự mình là ai.
Tôi không khác bạn.
Sức mạnh thực sự đến từ sự hiểu biết chính bản thân mình.
.
“Sức mạnh thực sự thể hiện
ở  sự tự chế ngự bản thân mình”
                                                                                ARISTOTLE
                                           
Mọi người trao quyền cho một nhân vật nào đó để trở thành tổng thống. Vì thế nên tổng thống mới có quyền lực.
Đừng để người khác lợi dụng mình. Mỗi khi bạn bị người ta lợi dụng, hãy tự nói với mình rằng đó là cái giá phải trả để biết được ai là kẻ đang lợi dụng mình. Có cách nào để bạn biết chắc được điều đó bây giờ?
Gió thổi làm cành tre nghiêng ngả. Đổ lỗi cho ai được bây giờ? Cho cành tre hay cho gió? Tôi đọc một vài cuốn sách hay, viết thư cho bạn bè, và cố gắng chánh niệm trong mọi lúc. Tôi thích sống ở đây, tĩnh lặng và bình an; với bầu trời xanh thẳm và mây trắng bay; với chim muông và cây cối. Tôi không thấy khổ đau nhưng tôi nhớ con gái tôi rất nhiều; nó là tâm điểm của cuộc đời tôi.
Bạn thấy đấy, luôn luôn không có việc này thì việc khác (hay người khác). Thật là khó để sống chỉ cho chính mình. Chúng ta cần một cái gì đó (một lý tưởng) hay một người nào đó để sống vì nó.
.
Ngay cả một vị ẩn sĩ cũng phải có
một lý tưởng để sống vì nó.
.
Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại bạn, bạn thân mến ạ. Không biết bao giờ sẽ có ngày ấy. Bạn đang thay đổi và tôi cũng đang thay đổi. Vì vậy, xin đừng thất vọng khi thấy người kia đã khác xưa rồi. Tôi cảm thấy OK miễn là bạn vẫn thực sự là chính bạn; và bạn cũng sẽ thấy tôi như thế.
.
Có một điều tôi chắc chắn:
Tôi không có quyền để thay đổi bất cứ ai;
Và  tôi cũng không có hứng thú làm việc đó.
.
Tôi sẽ không bao giờ là một đạo sư. Nếu tôi phải trở thành một cái gì đó, tôi sẽ trở thành một con người đơn giản, và tôi hy vọng, khiêm tốn nữa.
Tôi rất trân trọng tình bạn giữa chúng ta. Đó là điều khó buông bỏ đối với tôi lúc này. Tôi sẽ cố gắng giữ tâm từ và buông bỏ sự dính mắc.
Bạn là bạn của tôi. Liệu thế đã đủ lý do để tôi chia sẻ những cảm xúc sâu sắc nhất với bạn hay chưa? Xin đừng nghĩ rằng bạn không xứng đáng với điều đó. Tôi chỉ hy vọng bạn hiểu được.
Tôi đã sống với bạn đủ lâu, và tôi nghĩ tôi hiểu biết được mọi người từ kinh nghiệm lâu năm tiếp xúc với họ. Tôi nghĩ tôi biết và hiểu bạn một phần nào đó. (Tôi không thể hoàn toàn sai lầm). Hãy hiểu rằng có một người bạn tin tưởng, tôn trọng và hiểu bạn. Nếu được, tôi sẽ tiếp tục nói cho bạn nghe những cảm xúc sâu sắc nhất của mình.
Nếu tôi đặc biệt theo một nghĩa nào đó, thì chắc chắn bạn cũng là một người đặc biệt khi làm bạn với tôi.
Tôi đã từng sợ rằng mình sẽ mất đi bạn bè bởi vì sự thay đổi về hiểu biết và những giá trị của mình. Nhưng, dần dần, giờ đây tôi đã có thể chấp nhận được điều đó.
.
Tôi phải sống thật với chính mình.                        
Mùa đông ở cao nguyên, 2010.

 


[1] Shan là một dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đồi núi miền đông Miến Điện. Bang Shan là bang lớn nhất của Miến Điện, nằm giáp biên giới Thái Lan.

[2] Tiếng Hy Lạp, nghĩa là A, tôi đã thấy rồi! Ở đây ý thiền sư nói là ngài đã tự phát hiện ra được điều đó.

[3] Carl Jung (1875-1961), nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sỹ, người đã sáng lập ra ngành phân tâm học.

[4] Chánh niệm, đối với những người chưa làm quen với những thuật ngữ và pháp hành Phật giáo, có thể hiểu một cách đơn giản là sự quan sát, sự ghi nhận một cách khách quan và có ý thức những hiện tượng đang xảy diễn ra trong thân và tâm mình trong hiện tại. Đó có thể là một cảm giác, một cảm xúc hay là những hoạt động của thân mình như hơi thở, cử động…-ND

[5] Bollingen là một ngôi làng nhỏ ở bờ bắc của hồ Zurich ở Thụy Sỹ. Carl Jung đã mua một mảnh đất ở đây và xây một ngôi nhà có tháp cao để ở.

[6] Ở đây “tĩnh lặng”, “định tâm” và “tuệ giác” được nhắc đến với nghĩa là kết quả của pháp hành. Nói về công cụ thực hành thì có thiền chỉ (samadha) và thiền quán (vipassanā); nói về quả của pháp hành thì có định tâm (samādhi) và tuệ giác (ñāna). Tuệ giác ở đây là tuệ giác của thiền Vipassanā.

[7] Đó là cách thực hành cứng nhắc, dập khuôn, phải nhất nhất tuân theo những kiểu mẫu, những công đoạn bất biến dành cho tất cả mọi người. Sự chuyên biệt hóa của cách thực hành như vậy quá tách rời khỏi điều kiện sống và tu tập thực tế của hầu hết mọi người, vì vậy khó có thể thực hành được mọi nơi mọi lúc, và không bao hàm được tất cả mọi mặt của cuộc sống vào sự tu tập. Sự khập khiễng trong cuộc sống tu tập như vậy dễ làm cho các căn Tín Tấn Niệm Định Tuệ phát triển lệch lạc, đôi khi còn tạo ra những biến chứng tâm lý nguy hiểm như ngã mạn, ảo tưởng, tham, sân…vô hình chung lại góp phần tạo nên những trở ngại rất lớn trên con đường phát triển tâm linh của thiền sinh – ND.

[8] Bản ngã  hiểu một cách đơn giản là ảo tưởng về “cái tôi”.-ND

[9] Niệm thầm là một kỹ thuật trong phương pháp thiền nổi tiếng của thiền sư Mahasi, Myanmar. Thiền sinh niệm thầm liên tục trong tâm những cử động mình đang làm, những cảm giác, cảm xúc hay sự nhận biết qua các cửa giác quan để tăng cường sự ghi nhận liên tục các hiện tượng thân tâm như “co tay..co tay”, “bước..bước”. Đây là một phương pháp rất hiệu quả cho những người mới tập thiền, khả năng chú ý ghi nhận chưa được liên tục-ND.

[10] 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Ý hay là tâm thức cũng là một giác quan, vì đó là nơi tiếp xúc giữa tâm và pháp trần (những hoạt động của tâm thức như suy nghĩ, nhận biết…)-ND

[11] Chuyển động phồng-xẹp của bụng khi thở vào-thở ra là một đề mục chính để thiền sinh tập chú tâm quan sát trong phương pháp thiền của thiền sư Mahasi. Trong khi ngồi, thiền sinh được dạy là phải quan sát sự chuyển động (phong đại) của thành bụng liên tục cùng với việc niệm thầm phồng..phồng, xẹp…xẹp để đưa tâm quay về chánh niệm -ND.

[12] Đi kinh hành: thiền trong tư thế đi. Thiền chánh niệm có thể thực hành trong bất cứ tư thế nào, bất cứ ở đâu và lúc nào. Thực hành thiền trong tư thế đi, thiền sinh tập ghi nhận các cảm giác ở chân lúc bước đi, đó có thể là cảm giác nặng nhẹ lúc nhấc chân hay đặt chân, cảm giác chuyển động của chân, cảm giác nóng lạnh, cứng mềm ở gan bàn chân..hoặc nếu mức độ chánh niệm tỉnh giác cao hơn, có thể quan sát bất cứ những gì tâm ghi nhận được qua các căn môn, có thể là suy nghĩ, cảm xúc, các hoạt động của tâm sanh khởi và diễn biến trong khi đi, hay cảm giác toàn thân, hay các phiền não, ý định…Tuy nhiên lúc đầu không nên cố quan sát nhiều đề mục, mà chỉ đặt tâm quan sát sư chuyển động và cảm giác của chân khi bước. Khi định tâm và tỉnh giác cao hơn, tâm sẽ tự động nhận biết thêm một số đề mục phụ khác. Trong thiền vipassana, điều quan trọng không phải là quan sát được đề mục nhất định nào, hay quan sát được ít hay nhiều đề mục, mà là quan sát một cách khách quan các đề mục do tâm nhận biết, không nhiễm tham (mong cầu), sân (chống đối) trong tâm quan sát, để trí tuệ trực giác sanh khởi, thấy rõ bản chất phổ quát của tất cả các hiện tượng thân, tâm là: vô thường, khổ, vô ngã.

[13] Ngũ giới: một người Phật tử nên cố ý tránh xa 5 việc bất thiện loại thô tháo nhất, đó là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say. Đây là nền tảng giới hạnh cơ bản nhất cho sự phát triển tâm linh. Người làm những hành động bất thiện này, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có thể sẽ phải tái sanh trong những cảnh giới khổ như Súc sanh, Atula, Ngạ quỷ, Địa ngục,

[14] Đạo quả Tu-đà-hoàn là đạo quả đầu tiên trong 4 tầng thánh quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Trong con người phàm phu chưa đắc thánh quả còn nguyên vẹn 10 loại kiết sử hay phiền não tuỳ miên là: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham, sân, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử, vô minh. Tầng thánh quả đầu tiên là Tu-đà-hoàn hay Dự lưu cắt đứt 3 loại kiết sử đầu tiên là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Bậc thánh Tu-đà-hoàn vĩnh viễn không còn tái sanh lại trong 4 đường ác đạo là Điạ ngục, Atula, Ngạ quỷ, Súc sanh nữa, mà chỉ còn tái sanh nhiều nhất là 7 lần nữa (Thất lai) trong cõi dục giới trước khi đạt đến giải thoát hoàn toàn khỏi luân hồi sanh tử. Tầng thánh thứ hai là Tư-đà-hàm không cắt tuyệt được thêm loại kiết sử nào nữa, mà chỉ làm suy yếu hai loại kế là tham, sân. Bậc thánh Tư-đà-hàm chỉ còn tái sanh lại 1 lần duy nhất (Nhất lai) trong cõi dục giới. Tầng thánh thứ ba, Anahàm, cắt đứt hoàn toàn 5 kiết sử đầu tiên (3 kiết sử đầu được cắt đứt bởi đạo quả Tu-đà-hoàn và tham, sân), và không còn phải tái sanh lại trong cõi dục giới nữa (Bất lai). Bậc thánh Anahàm sẽ tái sanh lên cõi Phạm thiên và sẽ đắc quả vị Alahán và nhập Niết Bàn tại cõi đó. Tầng thánh cao nhất là thánh quả Alahán cắt đứt hoàn toàn 10 loại kiết sử, vĩnh viễn không còn tái sanh nữa .

[15] Tà kiến: cách thấy biết sai lầm, không thấy được bản chất thật sự của tất cả  các pháp hữu vi trên thế gian này là vô thường, khổ, vô ngã; không tin vào quy luật nhân quả-nghiệp báo; không tin vào sự tái sanh, luân hồi, không tin vào con đường giải thoát khỏi sanh tử luân hồi; không thấy rõ khổ, nguyên nhân của khổ, khổ diệt và con đường diệt khổ (Tứ Diệu Đế).

[16] Giới cấm thủ: sự mê tín, chấp chủ vào hình thức, nghi lễ và cho đó là con đường đi đến giải thoát-ND.

[17] Pháp trong Phật giáo có rất nhiều ý nghĩa và rất rộng. Pháp có thể được hiểu là tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian. Pháp có thể được hiểu là các quy luật của tự nhiên như quy luật của tâm, quy luật của nghiệp… Pháp có thể được hiểu là phương pháp thực hành để đưa đến giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Thực hành Pháp ở đây nghĩa là thực hành con đường thanh lọc nội tâm và phát triển trí tuệ để đạt đến mục tiêu giải thoát-ND.

[18] Goethe (1749-1832): nhà văn hóa, nhà tư tưởng vĩ đại người Đức. Ông là một triết gia theo chủ nghĩa tự nhiên.

[19] Sự chấp thủ vào một cái tôi (cái ngã) không thật có làm cho người ta, từ trong vô thức, đã luôn tự đồng hóa mình với các trạng thái tâm tốt, xấu và từ đó đẻ ra thêm vô số hệ lụy khác như kiêu mạn, tự ti, dính mắc, chấp thủ, định kiến, tham, sân…, những hệ lụy đó lại làm dày thêm ảo tưởng về bản ngã, tạo thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Chính vì chấp ngã mà con người ta phải trôi lăn từ đời này sang đời kia trong vòng sanh tử luân hồi. Sự chấp ngã làm cho con người ta có xu hướng nghĩ rằng chính mình đang tạo ra các trạng thái tâm tốt xấu, chính mình phải chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra trong tâm, phải kiểm soát, phải đè nén, phải uốn nắn… Hiểu biết về vô ngã là hiểu biết rằng tất cả đó chỉ là các trạng thái tâm sinh khởi do nhân duyên, đoạn diệt cũng do nhân duyên, chúng chỉ là các hiện tượng tự nhiên và hoàn toàn không có cái gì gọi là tôi, là của tôi ở đó cả. Hiểu biết về vô ngã là chánh kiến. Hành thiền không có chánh kiến, luôn cho rằng tôi đang hành thiền, tôi đang quan sát, tôi chính là người tạo ra các trạng thái tâm, các tâm đó là của tôi…thì sẽ không bao giờ thực chứng được bản chất của các pháp, không bao giờ thấy được bản chất vô ngã của thân tâm mình-ND.

[20] Thông thường māna dịch là ngã mạn, song thiền sư dịch sát nghĩa là sự so sánh. Bởi vì từ Pali māna có gốc từ ma, nghĩa là đo lường. Bởi vì có sự chấp thủ vào ảo tưởng về bản ngã trong tâm, chúng ta mới so sánh mình “hơn người”, “kém người”, “bằng người”. Một vị thánh Alahán là người hoàn toàn không còn ngã mạn. Chính vì vậy trong Suttanipāta, Tiểu Bộ kinh, Đức Phật nói “bậc thánh là người không còn so sánh (mình với bất cứ ai) nữa”

[21] Hối quá (kukkucca) là sự hối hận, cảm giác ray rứt, ăn năn về những điều bất thiện mình đã làm, nói hay nghĩ. Đây là một trạng thái tâm bất thiện, nó tạo cảm giác bứt rứt, bất an trong tâm. Nhận rõ những sai lầm của mình và học được những bài học từ sai lầm đó là điều tốt đẹp, nhưng cứ bị ám ảnh, nặng nề hoài về những sai lầm đó, để cảm giác hối hận đeo bám tâm mình là điều vô ích. Bởi vì không hiểu biết về vô ngã, cứ cho rằng chính mình đã làm những việc bất thiện, tự đồng hóa mình với nó nên mới có tâm hối quá khởi sanh. Nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng nếu đã lỡ làm một việc gì xấu, phải hối hận về điều đó mới là tốt – ND.

[22] Phiền não (kilesa) là những gốc ô nhiễm trong tâm, những trạng thái tâm làm động lực thúc đẩy chúng ta làm các hành động bất thiện. Trong tâm một con người bình thường phiền não tồn tại dưới rất nhiều hình thức và cung bậc khác nhau. Nó thường được rút gọn thành ba loại phiền não cơ bản là tham, sân và si như là nguồn gốc của tất cả các loại phiền não. Trạng thái tồn tại căn bản của phiền não được gọi là lậu hoặc (āsava), nghĩa là những gì bị tiết ra, rỉ ra như mủ rỉ ra từ vết thương. Lậu hoặc là những thứ cần phải đoạn trừ để đạt tới giác ngộ giải thoát. Do đó, phẩm chất tâm linh cốt yếu và cao cả nhất của một bậc thánh Alahán là āsavakkhaya, lậu tận. āsavadịch ra theo nghĩa đen là phiền não tùy miên (phiền nãongủ ngầm – anusaya kilesa), ám chỉ những gốc ngủ ngầm nằm ẩn trong những tầng mức sâu kín nhất của tâm. Những gốc ngủ ngầm này cực kỳ vi tế và khó quan sát, nhưng luôn chờ cơ hội để hiển lộ ra thành các loại phiền não, chi phối những hành động về thân, khẩu, ý của chúng ta.

[23] Sân có rất nhiều mức độ, từ thô đến tế. Sự giận dữ, sân hận bộc phát ra hành động và lời nói là sân loại thô, một sự khó chịu cũng là sân, bất mãn cũng là sân, buồn tủi cũng là sân…

[24] Không đồng hóa-nghĩa chung là coi cái gì đó là một với cái khác, đi cùng với nó, có cùng bản chất với nó. Điều trước tiên là người ta phải ý thức được về đối tượng, sau đó mới đồng hóa với nó. Tuy nhiên, trong thiền thì “đồng hóa” hầu như chỉ trong trường hợp người ta đồng hoá mà không ý thức được, không hay biết về điều đó. Do đó, “tự đồng hóa với một đối tượng nhất định” có tác dụng (một cách vô thức) làm tăng cường chính sự đồng hóa đó, tham gia, dính líu vào tiến trình đó thậm chí đến mức quên lãng sự tồn tại của chính mình.

[25] Con người chúng ta do ngũ uẩn tạo thành. Ngũ uẩn đó là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc, hiểu nôm na là sắc thân vật chất (rūpa), hay là thân (đây là giải nghĩa đơn giản cho dễ hiểu đối với người mới làm quen với Phật Pháp. Còn muốn hiểu nghĩa chính xác của rūpa, xin tự nghiên cứu trong tạng Vi Diệu Pháp). Bốn uẩn còn lại thọ, tưởng, hành, thức được gộp lại trong danh uẩn (nāma), hay còn gọi là tâm.

[26] Tại sao lại không cố tìm cách vượt qua các trạng thái tâm bất thiện? Bởi vì đa phần con người ta thường tự đồng hóa mình với các trạng thái tâm ấy, và bởi vì ảo tưởng chấp ngã, nên họ cảm thấy mình phải có trách nhiệm “vượt qua”, phải “uốn nắn” chúng. Sự vượt qua ấy không gì khác ngoài sự đè nén, hoặc bịt mắt trước sự thật, trốn tránh các trạng thái tâm bất thiện mà không dám đối diện trực tiếp để tìm hiểu chúng. Muốn vượt qua các tâm bất thiện một cách thật sự rốt ráo, chúng ta cần phải hiểu rõ chúng; muốn hiểu rõ chúng, chúng ta phải sẵn lòng quan sát chúng mỗi khi chúng khởi sanh trong hiện tại. Quan sát các trạng thái tâm bất thiện mỗi khi chúng thể hiện một cách tự nhiên mà không tự đồng hóa mình với chúng là cách duy nhất để thấu hiểu được chúng. Chỉ khi chúng ta quan sát tâm mình với hiểu biết về vô ngã, chúng ta mới thực sự sẵn lòng quan sát các trạng thái tâm ấy một cách khách quan như là những hiện tượng tự nhiên, không mong muốn chúng phải khác đi, không đè nén, áp chế hay sửa lưng chúng-đó chính là thái độ chân chánh khi hành thiền. Hành thiền với thái độ không chân chánh không những không thể đoạn trừ được phiền não mà ngược lại còn làm tăng thêm sự đồng hóa, củng cố ảo tưởng về một bản ngã, đẩy sâu các trạng thái tâm bất thiện vào trong vô thức và tạo nên những biến tướng sân si, ngã mạn… ẩn tàng, nguy hiểm và phức tạp hơn.

[27] Xem chú thích số 14

[28] Tâm xả (upekkhā) thực sự là khi con người chúng ta đã hoàn toàn thoát khỏi sự đồng hóa (với các hiện tượng thân tâm), và do đó đã từ bỏ được sự dính mắc vào thích (tham) và không thích (sân). Xả này là loại xả được nhìn từ góc độ xả đối với các hành, nó khác với cảm thọ xả (không khổ, không lạc) của thọ uẩn. Để có được tâm xả và thoát khỏi sự đồng hóa, điều đầu tiên là phải chánh niệm, hay biết đề mục thân tâm. Nếu không có chánh niệm, đó là tâm si (đồng hóa), rất xa sự giải thoát khỏi đồng hóa. Upekkhā cũng được hiểu là sự quân bình của nội tâm, là nghĩa gốc của Upekkhā. Upekkhā tương tự với trạng thái tâm bình an, bởi vì khi không có tham và sân sanh khởi, tâm vô cùng bình an, vững vàng và ổn định.

[29] Thậm chí là dưới vỏ bọc “ hoằng pháp độ sanh” và làm “Phật sự” nữa chứ!

[30] Nietzsche (1844-1900), triết gia nổi tiếng người Đức, có tư tưởng phản đối những giáo điều và tôn giáo truyền thống. Ông chủ trương “xây dựng lại các giá trị”, “ý chí là sức mạnh”. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng lớn tới triết lý  phân tích của thế giới phương Tây.

[31] Điều kiện hóa: tính cách bị uốn nếp, định khuôn bởi những tác nhân bên ngoài và bị trói buộc bởi sự định khuôn đó. Khi bị định khuôn, những cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động, phản ứng của con người bị quy định sẵn bởi thói quen vô thức, máy móc, và họ trở thành nạn nhân cho chính sự định khuôn đó. Quá trình suy nghĩ và hành động theo khuôn định lại củng cố và làm dày thêm sự định khuôn, thành một vòng luẩn quẩn khó thoát. Hầu hết mọi người đều không ý thức được những tiến trình này và thường chấp sự khuôn định tính cách đó là mình. Khi đó, cái gông cùm trên cổ người ta lại trở thành một phần của bản ngã và họ tìm mọi cách để bảo vệ cái gông đó.

[32] Ý nói chánh niệm quan sát các cảm giác tâm. Thông thường một trạng thái tâm bao giờ cũng thể hiện ra bằng một cảm giác tâm mà ta thường gọi là cảm xúc. Cảm giác đó thường thể hiện rõ nhất ở vùng chấn thuỷ (cảm giác nóng rát, bức bối, rộn ràng, man mác, bình an, nhẹ nhàng, mát mẻ..)-trong Vi diệu pháp gọi là hadaya vatthu. Các cảm giác tâm đó là đầu mối để lần ra những trạng thái tâm nằm sâu trong vô thức mà chúng ta chưa ý thức được. Khi chưa ý thức được, chúng vẫn điều khiển thái độ, hành động, lời nói của chúng ta từ trong vô thức. Nhưng chúng ta không thể cố tình kéo chúng ra khỏi vô thức được, mà phải kiên nhẫn quan sát các cảm giác tâm đó một cách bình thản, tách biệt, không níu giữ cũng không chối bỏ, dần dần các trạng thái tâm ấy sẽ nổi lên trên bề mặt hữu thức. Tùy thuộc vào mức độ tỉnh giác và định tĩnh mà chúng ta có thể nhìn thấy được nó một cách rõ ràng hay không, nhìn được toàn bộ gốc rễ hay chỉ nhìn được một phần nào đó. Nhìn được càng nhiều và càng rõ ràng, những trạng thái tâm ấy sẽ càng mất sức mạnh chi phối tâm mình. Nhìn được toàn bộ tận gốc rễ, nó sẽ bị quýet sạch ra khỏi tâm, công việc quýet sạch phiền não đó là công việc của trí tuệ. Quá trình hữu thức hóa vô thức ấy chính là quá trình tự tìm hiểu tâm mình bẳng cách để các tầng lớp vô thức sâu kín tự hiển lộ trên bề mặt hữu thức, trí tuệ trưởng thành từ quá trình đó. Người thiền sinh không thể chủ động làm được gì trong tiến trình ấy mà chỉ có thể tạo duyên cho nó tự xảy ra bằng chánh niệm, kiên nhẫn quan sát liên tục và lâu dài mà không để tham, sân xâm nhiễm vào trong quá trình quan sát đó (thái độ chân chánh)-ND.

[33] Chánh niệm đối với 6 cửa giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

[34][34] Vimala Thakar, một nữ thiền sư nổi tiếng đương đại của Ấn Độ. Bà có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Sự gặp gỡ giữa bà với Krisnamurrti đã làm thay đổi cuộc đời bà.

[35] Câu hỏi này là của một người tu tập, không phải là của những kẻ vô văn phàm phu, không tu tập. Khi tu tập, có cái nhìn như thật về cuộc đời, nhận chân ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã trong tất cả mọi thứ khiến người tu hành cảm nhận sâu sắc sự bất toàn, bất toại nguyện và vô nghĩa của cuộc đời. Thấy rõ sự vô nghĩa của những thú vui, những câu chuyện, những công việc mà tất cả mọi người đang mù quáng theo đuổi như đuổi theo một ảo ảnh. Càng nhận rõ sự vô nghĩa của cuộc đời, tâm người tu hành càng hướng đến con đường giải thoát, càng tách xa khỏi cuộc sống dục lạc tầm thường của thế gian – ly dục, ly tham, ly bất thiện pháp. Đôi khi sự nhàm chán với cuộc đời vô nghĩa khiến cho người tu hành cảm thấy bất mãn và muốn tránh xa người đời, tránh xa cuộc sống thế gian. Bất mãn là một trạng thái sân, cho thấy mình chưa thực sự chấp nhận được cuộc sống như nó đang là, chưa thực sự thấu hiểu sâu sắc về bản chất của các pháp và của cuộc đời. Thấu hiểu là trí tuệ, trí tuệ đi kèm với tâm xả, nhìn cuộc đời với một cái tâm bình thản và sáng suốt chứ không phải với cái nhìn bất mãn, trốn tránh và yếm thế. Tâm xả, sự chấp nhận và thấu hiểu bản chất của các pháp, của cuộc đời là thước đo sự tiến bộ tâm linh của người đi tìm chân lý, giải thoát -ND.

[36] Kabir (1440-1518), nhà thần học người Ấn Độ, người chủ trương thống nhất đạo Hồi với đạo Hindu. Về sau các đệ tử của ông sáng lập ra đạo SIKH từ những tư tưởng của ông.

[37][37] Wittgenstein (1889-1951), nhà triết học người Áo, chủ trương khám phá triết học bằng phương pháp logic và khoa học, diễn tả ý nghĩa bằng các biểu tượng, diễn đạt suy nghĩ bằng các công thức. Ông là một nhân vật chủ chốt của triết học phân tích thời kỳ đầu.

[38] Ryokan – thiền sư Nhật Bản, và cũng là một nhà thơ; Thoreau – Henry David Thoreau, nhà tư tưởng người Mỹ, tác giả cuốn sách CIVIL DISOBEDIENCE.

[39] Trước khi xuất gia thiền sư có hai người con gái.

[40][40] Thạch Gia Ching Gong (1272-1352), sống vào cuối triều Nam Tống. Những bài thơ của ông và của thiến sư Ryokan và của Núi lạnh rất được mến mộ tại Phương Tây. Những Bài Thơ Trên Núi về Ngôi Nhà Đá là một tuyển tập thơ của Ching Gong mới được xuất bản ở Mỹ.

[41] John Muir (1838-1914), nhà tự nhiên học người Mỹ gốc Scottland, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ rừng của nước Mỹ. Water Ouzel là một chương trong cuốn The Mountain of California của ông.

[42] Daigu Ryokan (1758-1831), thiền sư Nhật Bản đồng thời cũng là một nhà thơ. Thiền sư còn sáng tác cả những bài văn viết và nhạc thơ. Ông là một người đơn giản và ít ham muốn, không quan tâm đến tôn giáo, thích sống một cuộc đời vô tư và giản dị. Ông thường rất hay chơi đùa với trẻ con trong làng.

[43] Saw nằm ở cực tây bắc của tỉnh Magway, giáp gianh với bang Chin. Tỉnh Magway tương đối bằng phẳng, ít đồi núi, trong khi bang Chin nằm ở vùng đồi núi của tây Miến Điện, giáp với Ấn Độ và Bănglađét. Đỉnh núi cao nhất là 3053m, Saw nằm ở khu vực này.

[44] Là một học trò của thiền sư và là người dịch những dòng thư của Ngài, lòng tôi vô cùng xúc động khi đọc những lời bộc bạch từ đáy tim Ngài. Ngài đã nói hộ lòng tôi. Tôi vô cùng tri ân và yêu kính người thầy của mình, người thầy mà tôi rất đồng cảm và ngưỡng mộ. Hai thầy trò tôi có nhiều nét tương đồng, từ hoàn cảnh xuất thân, hoàn cảnh xã hội và gia đình trước khi đi tu, cũng như tính cách, phương pháp tu tập và cách hiểu về cuộc đời và con đường tu tập tâm linh… Sự chân thật, theo tôi,  là một trong những đức tính quan trọng nhất đối với người tu hành, mà trước hết là sống thật với chính mình, không để những thành kiến xã hội, những khuôn sáo áp đặt làm méo mó đi tính cách của mình, không để chúng áp đặt những ảo tưởng về chính bản thân mình. Hãy để các Pháp tự nhiên như nó đang là. Hãy nhìn tất cả những thiên thần và quỷ dữ trong tâm mình như chúng đang là. Hãy để mây trắng và gió trời tự nhiên như chúng đang là. Bởi vì mình chẳng thể làm được cái gì để kiểm soát nó cả, có thế nó mới là vô ngã. Tu không phải là để kiểm soát, tu là để nhìn thật rõ, thật sâu sắc chân lý đang hiển lộ từng phút từng giây trong chính thân tâm mình. Mấy ai dám sống thật với chính mình, mấy ai dám sống với chân lý, mấy ai dám sống với vô ngã, bởi vì mấy ai đã thấy được vô ngã, mấy ai đã hiểu được chính mình…

Người nào phủ nhận bản chất con người thật của chính mình, người đó vĩnh viễn không bao giờ tiến bước trên con đường phát triển tâm linh.

Con xin kính dâng tấm lòng thành kính, tri ân sâu sắc và tình yêu thương hết lòng đến người thầy của con! Tấm lòng này con xin kính dâng thầy bằng sự nhiệt tâm thực hành Pháp để chứng nghiệm hạnh phúc cao thượng, giải thoát chính mình khỏi mọi khổ đau, đích đến của con đường cao thượng mà thầy và Đức Phật đã hết lòng truyền thụ. Đó cũng là sự mong muốn duy nhất của thầy đối với các học trò, sự mong muốn duy nhất của Đức Thế Tôn với các vị tỳ kheo đệ tử!

[45] Marcus Aurelius (121-180), vì hoàng đế anh minh cuối cùng của đế chế La Mã. Ông là một vì hoàng đế kiêm nhà triết học.

[46] Rollio May (1909-1994), nhà tâm lý học nổi tiếng đương đại của Mỹ.

[47]Câu tục ngữ là: “một con lừa đứng giữa hai bó rơm và cố quyết định xem mình nên ăn bó rơm nào trước”. Nhưng nó cứ lưỡng lự hoài không biết chọn ăn bó nào trước và cuối cùng chết đói giữa hai bó rơm. Có cơ hội để quyết định lựa chọn không có nghĩa là đã có tự do. Đôi khi “phải ra quyết định” lại là một sự tra tấn và ràng buộc lớn.

[48] Rainer Maria Rilke (1875-1926), thi sĩ người Đức.

[49] Häc hái ë ®©y kh«ng ph¶i chØ lµ häc kiÕn thøc trong s¸ch vë hay nh÷ng hiÓu biÕt ngoµi ®êi mµ lµ nh÷ng c¸i thÊy, c¸i “ngé” ra trong qu¸ tr×nh t­ duy, chiªm nghiÖm trong thùc tÕ tu tËp vµ nh÷ng hiÓu biÕt, tuÖ gi¸c ph¸t sanh tõ qu¸ tr×nh qu¸n s¸t c¸c ph¸p hay c¸c hiÖn t­îng, tiÕn tr×nh tù nhiªn cña th©n vµ t©m m×nh – ND.

[50][50] Đáng buồn thay, loại người đó bây giờ quá nhiều trên thế gian này! Người tu hành thời nay mấy ai đã thoát được hai chữ lợi-danh!

[51] Tõ kinh nghiÖm (experience) trong thiÒn qu¸n lµ ®Ó chØ nh÷ng g× ®ang diÔn ra trong hiÖn t¹i, nh÷ng g× ch¸nh niÖm quan s¸t ®­îc … ®ã cã thÓ lµ c¸c tiÕn tr×nh th©n hoÆc t©m nh­ h¬i thë, c¶m gi¸c hay mét tiÕn tr×nh suy nghÜ, mét t©m s©n, t©m hû…khëi lªn trong qu¸ tr×nh quan s¸t. Kh«ng nªn hiÓu tõ kinh nghiÖm nµy theo nghÜa b×nh th­êng lµ c¸c kü n¨ng, tri thøc thu thËp ®­îc trong c«ng viÖc hoÆc ®êi sèng (kinh nghiÖm lµm viÖc, kinh nghiÖm giao tiÕp…)-ND.

[52] Fyodor Mighailovich Dostoevsky (1821-1881), nhà văn vĩ đại người Nga. Những tác phẩm của ông đa phần phân tích và  lột tả sự tồn tại của hai nhân cách trong cùng một con người. Cuốn Ghi Chép Từ Lòng Đất miêu tả sự đấu tranh giữa sự lý luận và ý muốn trong tâm con người. Nhờ đặt lòng tin vào sự bất hợp lý (của trái tim) và từ bỏ sự hợp lý của lý luận, không cho nó đóng vai trò dẫn dắt con người, ông đã thể hiện quan điểm của mình qua cuốn sách. Học thuyết siêu nhân của Nietzsche cũng chịu ảnh hưởng của ông.

[53] Henry David Thoreau (1817-1862), một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới tư tưởng và văn học Mỹ.

[54] Kierkegaard (1813-1855), triết gia và nhà tư tưởng người Đan Mạch. Ông cho rằng triết học nên từ bỏ sự suy đoán và các lý thuyết không có giá trị thực tế, quay về với chính mình để đối diện với các cảm xúc của tâm, buông bỏ đau khổ, sự đấu tranh và những trò ngớ ngẩn của tâm trí, và phải hiện thực hóa sự sinh tồn của cá nhân con người. Ông chủ trương rằng “sự sinh tồn có mặt trước tự nhiên”, nghĩa là lý do con người tồn tại là vì họ đã được định sẵn và anh ta có mặt từ trước khi nhận ra sự sinh tồn ấy, vì vậy anh ta không có trách nhiệm đối với kiếp sinh tồn của mình. Cái chúng ta cần làm là hãy biết trân quý kiếp sống của mình và phát triển tương lai của chính mình. Tư tưởng của ông đã tạo nền móng cho trường phái triết học sinh tồn của phương Tây.

[55] Mark Twain, tên thật là S.L.Clemén, nhà văn Mỹ, các tác phẩm của ông nổi tiếng vì sự hài hước, châm biếm và sự khôn ngoan.

[56]Thật chí lý làm sao! Con người quả thật là ngu ngốc, họ ghét những kẻ khác mình, chẳng cần biết đúng-sai, tốt-xấu ra sao, cứ khác là ghét cái đã. Người chắc chắn bị ganh ghét nhiều nhất là một người trí giữa đám kẻ ngu, một người tốt giữa đám người xấu xa. Giữa đám người ngu muội, si mê vùng vẫy trong đống bùn lầy ngập đến tận cổ, nếu một người có trí tuệ, biết thương mình, tìm cách thoát ra vũng bùn đó để lên bờ, thì những trở ngại lớn nhất người đó phải vượt qua không chỉ là sự khó khăn, nguy hiểm của đường lên, mà còn là bao nhiêu cánh tay tìm cách lôi tuột anh trở lại, bao nhiêu lời chửi rủa vì không chịu “hòa đồng” theo sự u mê của họ, vì ích kỷ bỏ họ ra đi, không ở lại cùng “chia ngọt sẻ bùi”. Hành động của bậc trí tuệ  thường là khác người, kẻ tầm thường không thể hiểu được. Vì thế nên tu là đi ngược dòng đời, là biết bao can đảm, nghị lực và nhẫn nại, là biết bao trí tuệ, tình thương và sự bao dung, hiểu biết và thông cảm với lưới si, sông ái của đời. 2500 năm trước Đức Phật đã từng nói:

Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. Pháp cú 28.

 “Người trí dẹp phóng dật, Với hạnh không phóng dật, Leo lầu cao trí tuệ, Không sầu nhìn khổ sầu, Bậc trí đứng núi cao, Nhìn kẻ ngu đất bằng”. Pháp cú 29.

[57] Meister Eckhart (1260-1328), nhà thần học huyền bí người Đức.

[58] Carl Roger (1902-), nhân vật hàng đầu trong ngành tâm lý học hiện đại Mỹ.

[59] Điều này rất quan trọng, không thể để cái cày đi trước con trâu. Chỉ khi nào chứng nghiệm và sống được với sự vô ngã, chúng ta mới có thể thực sự làm được điều đó. Còn chưa thực sự chứng nghiệm được sự thật đó, mà cố bắt mình ép làm như vậy một cách khiên cưỡng (trong khi trong tâm mình vẫn không thực sự tin) thì e rằng mình đang xỏ nhầm vào một đôi giày quá to của người khác, và coi chừng cái ngã mạn đang núp bóng đâu đó đằng sau hành động ấy. Thiền sư Sayadaw U Jotika nói: chúng ta không thể sống cao hơn tầm mức tâm linh thực của mình, và cũng không thể sống thấp hơn thế. Giúp người trong một chừng mực không hại đến bản thân mình, giúp một cách có trí tuệ và xuất phát từ động cơ trong sáng thực sự, là tâm từ bi, chứ không phải giúp người mà không nghĩ đến bản thân mình hay giúp người mà động cơ thực sự lại là vì lợi ích của cá nhân, vì muốn tôn vinh bản ngã của mình. Giúp người theo nguyên tắc mà Đức Phật dạy: “Việc gì hại mình, lợi người – không được làm. Việc gì hại người, lợi mình – không được làm. Việc gì hại cả mình và người – không được làm. Chỉ những việc gì lợi cho mình, lợi cho người – hãy làm việc ấy”. Tuy nhiên, chữ lợi và chữ hại mỗi người có một cách hiểu khác nhau. Đối với người tu hành, chữ lợi, hại ở đây không phải là lợi, hại vật chất mà quan trọng hơn là lợi, hại đối với con đường phát triển tâm linh và tu tập giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ. Lợi, hại cần phải nhìn theo con mắt của quy luật nghiệp báo và luân hồi chứ không phải nhìn theo con mắt của thế gian. Chữ lợi, hại của thế gian đa phần là ngược với chữ lợi, hại ở trong đạo, bởi vì thế gian chìm đắm trong ảo tưởng điên đảo, đảo điên. Bản chất của mọi pháp hữu vi là vô thường, khổ, vô ngã thì thế gian chỉ thấy là thường, lạc, ngã, tịnh. Tu là đi ngược dòng đời, vì vậy chữ lợi hại của thế gian mê mờ kia không thể là tiêu chuẩn, thước đo cho suy nghĩ và hành động của người tu hành.

[60] Kahlil Gibran (1883-1931), nhà thơ nổi tiếng người Mỹ gốc Li-băng. Ông cũng là một triết gia, nhà văn và nghệ sỹ.

[61] Thế nào là một kẻ ngu? Trong đạo Phật, định nghĩa về kẻ ngu không giống ở ngoài đời. Kẻ ngu dưới con mắt của đạo là những kẻ không có chánh kiến, không có đạo đức, giới hạnh, không tu tập và hướng tới con đường phát triển trí tuệ, thanh tịnh hóa bản thân mình và giải thoát mình khỏi đau khổ. Kẻ ngu không thấy rõ đau khổ, nguyên nhân đau khổ (là tham ái), con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ (là Bát Chánh Đạo) và Niết Bàn là nơi chấm dứt đau khổ. Định nghĩa về kẻ ngu như vậy khác hẳn định nghĩa về kẻ ngu ở ngoài đời, ở trong đạo, chỉ có kiến thức và sự thông minh thôi thì chưa thể được gọi là người trí. Nhiều người thông minh, đỗ đạt nhưng vẫn là những người đầy tham, sân, si, ngã mạn, ích kỷ.. vẫn là người đau khổ, bất thiện, vẫn làm những việc hại mình, hại người. Người trí phải là người thiện, người có giới hạnh và có trí tuệ, là người sống có ý nghĩa, đã hoặc đang trên con đường đoạn diệt tham sân si, nguồn gốc của các loại tâm bất thiện trong mình. Vì vậy, bậc thiện trí thức là những người bạn lành trong đạo, là những người đang đi trên con đường thanh tịnh bản thân mình và khuyên dạy người khác thanh tịnh bản thân, làm điều thiện-tránh điều ác, tu tập Giới-Định-Tuệ, đoạn diệt tham sân si. Kẻ ngu bao giờ cũng là người ác, bởi vì tà kiến, tham sân si là cội nguồn của mọi việc ác trên thế gian. Kẻ ngu luôn luôn khuyên người khác làm những việc như mình, những việc si mê, hại mình hại người.

Nguồn: thuvienhoasen

Summer 2016 (5)