Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Recent Pages: 1234, 5, 6, 7, 8,

Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Tóm tắt tiểu sử Hòa thượng Thích Trí Tịnh

(PGVN)

Năm 1937 xuất gia với Hòa thượng Thích Hồng Xứng tại chùa Vạn Linh, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc (nay là huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), được ban pháp hiệu Nhật Bình, hiệu Thiện Chánh, thuộc đời 41 dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ.

TIỂU SỬ TÓM TẮT
HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH
.
Đương vi Đệ nhất Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh
Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
—————-
Hòa thượng quý danh là Nguyễn Văn Bình, pháp hiệu Thích Trí Tịnh.Sinh năm 1917 (Đinh Tỵ) tại làng Mỹ Luông, quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).
Viện chủ chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh; chùa Vạn Linh, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

ht-tritinh-1

I. QUÁ TRÌNH XUẤT GIA TU HỌC VÀ CÔNG TÁC:

 

– Năm 1937 xuất gia với Hòa thượng Thích Hồng Xứng tại chùa Vạn Linh, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc (nay là huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), được ban pháp hiệu Nhật Bình, hiệu Thiện Chánh, thuộc đời 41 dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ.
– Năm 1940 ra Huế học Trung đẳng Phật học tại Phật học đường Tây Thiên, Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Báo Quốc.
– Năm 1941, đăng đàn thọ giới Sa di tại chùa Quốc Ân và được Hòa thượng Thích Trí Độ đặt cho pháp hiệu Trí Tịnh.
– Năm 1945 trở về Nam, thành lập Phật học đường Phật Quang tại quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Giám đốc và Hòa thượng làm Đốc giáo kiêm Giáo thọ sư.
– Năm 1946, đăng đàn thọ giới Cụ túc và Bồ tát giới tại chùa Long An – Sa Đéc.
– Năm 1948, thành lập Phật học đường Liên Hải tại chùa Vạn Phước, xã Bình Trị Đông, quận Long Hưng Thượng, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh) và làm Giám đốc.
-Năm 1950, nhập thất tịnh tu tại chùa Linh Sơn – Vũng Tàu.
– Năm 1951, cùng Hòa thượng Thích Thiện Hoà sáp nhập 03 Phật học đường Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức thành Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang, quận 10, tỉnh Chợ Lớn (nay là quận 10, Tp. Hồ Chí Minh).
– Năm 1953, khởi công xây dựng chùa Vạn Đức – Thủ Đức.
– Năm 1955, thành lâp Hội Cực Lạc liên hữu tại chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức; đảm nhiệm cương vị Giáo thọ A Xà Lê Đại giới đàn Từ Hiếu – Huế.
– Năm 1957, đảm nhiệm cương vị Trị sự phó kiêm Trưởng ban Giáo dục Giáo hội Tăng già Nam Việt và tổ chức các khóa Như Lai sứ giả tại chùa Pháp Hội, chùa Tuyền Lâm – Chợ Lớn, chùa Dược Sư – Gia Định để đào tạo trụ trì và cán bộ cho Giáo hội.
-Năm 1959, tại Đại hội kỳ II (ngày 10, 11/9/1959) tại chùa Ấn Quang, được suy cử vào cương vị Trị sự phó Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam; làm Tuyên Luật sư Đại giới đàn Hải Đức – Nha Trang.
– Từ năm 1960 – 1962, đảm nhiệm cương vị giới sư trong các Đại giới đàn tổ chức tại chùa Ấn Quang, chùa Pháp Hội – Chợ Lớn.
– Năm 1962, được Giáo hội Phật giáo Trung phần cung thỉnh vào cương vị Phó Viện trưởng Phật học viện Trung phần Hải Đức – Nha Trang.
– Năm 1964, làm Trưởng đoàn đại biểu Giáo hội Tăng già Nam Việt tham dự Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Xá Lợi để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và Hòa thượng được Đại hội suy cử vào cương vị Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự.
– Năm 1964, đảm nhiệm cương vị Tuyên Luật sư Đại giới đàn Quảng Đức tại Việt Nam Quốc tự – Chợ Lớn.
– Năm 1965, đảm nhiệm cương vị Yết ma Tiểu giới đàn tại Phật học viện Huệ Nghiêm – Chợ Lớn.
– Năm 1966, đảm nhiệm cương vị Tuyên Luật sư Đại giới đàn Quảng Đức tại Phật học viện Huệ Nghiêm – Chợ Lớn.
– Năm 1966 – 1968, Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được suy cử vào cương vị Chánh Thư ký Viện Tăng Thống.
– Từ năm 1968 – 1971, tham gia Ban Giảng huấn Phật học viện Huệ Nghiêm.
– Năm 1969, đảm nhiệm cương vị Tuyên Luật sư Đại giới đàn Quảng Đức tại Phật học viện Huệ Nghiêm.
-Từ năm 1970 – 1975, đảm nhiệm cương vị Khoa trưởng Phân khoa Phật học tại Đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn.
– Năm 1971 – 1991, đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm.
– Năm 1973, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam tạng thuộc Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.
– Từ năm 1974 – 1981, đảm nhiệm cương vị Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.
– Năm 1974 đến nay, đảm nhiệm cương vị Cố vấn Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang và các cơ sở trực thuộc Tổ đình Ấn Quang.
– Năm 1975, được Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN cử làm Trưởng ban Kiến thiết Pháp Bảo viện tại xã Linh Xuân Thôn, quận Thủ Đức.
– Năm 1976, đảm nhiệm cương vị Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
– Năm 1980, đảm nhiệm cương vị Tuyên Luật sư kiêm Chánh Chủ khảo Đại giới đàn Thiện Hoa tổ chức tại chùa Ấn Quang.
– Năm 1980, đảm nhiệm cương vị Phó Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.
– Từ ngày 4 – 7 11/1981, tại Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc, Hòa thượng được suy tôn vào cương vị Thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử vào cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Từ năm 1982 – 1987, đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.
– Từ năm 1984 đến nay, đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Từ năm 1984 – 2001, đảm nhiệm cương vị Hòa thường đường đầu các Đại giới đàn do GHPGVN tổ chức tại chùa Ấn Quang.
– Năm 1984, tại Đại hội lần thứ 4 UBMTTQVN Tp. Hồ Chí Minh, Hòa thượng được tín nhiệm bầu vào cương vị Phó Chủ tịch UBMTTQ Thành phố; tại Đại hội lần thứ 3, Hòa thượng được tín nhiệm bầu vào cương vị Ủy viên đoàn Chủ tịch UBTWMTQVN.
– Năm 1994, được Đại hội lần thứ 8 UBTWMTTQVN bầu vào cương vị Phó Chủ tịch UBTWMTTQVN
– Năm 2004, đảm nhiệm cương vị Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Trí Tấn do Ban Trị Phật giáo tỉnh Bình Dương tổ chức.
– Năm 2005, đảm nhiệm cương vị Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Thiện Hòa 4 do Ban Trị Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức.
II. PHIÊN DỊCH:
1. Kinh Pháp Hoa : 08 quyển
2. Kinh Hoa Nghiêm : 08 quyển
3. Kính Đại Bát Niết Bàn : 02 quyển
4. Kinh Đại Bát Nhã : 03 quyển
5. Kinh Đại Bảo Tích + Đại Tập : 12 quyển
6. Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện : 01 quyển
7. Kinh Địa Tạng bổn nguyện : 01 quyển
8. Kinh Tam Bảo : 01 quyển
9. Tỳ kheo giới bổn : 01 quyển
10. Bồ Tát giới bổn : 01 quyển
11. Kinh Pháp Hoa cương yếu : Tóm tắt
12. Kinh Pháp Hoa thông nghĩa : Tóm tắt
13. Cực Lạc liên hữu tập : 01 quyển
14. Đường về Cực Lạc : Trọn bộ
15. Ngộ tánh luận : 01 quyển
III. XÂY DỰNG CƠ SỞ:
– Năm 1995, phục hồi và đại trùng tu chùa Vạn Linh và tháp Tổ Hồng Xứng tại Núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
– Năm 2001, trùng tu Giảng đường, Phật đài Quan Âm lộ thiên, Thư viện, Thiền thất, phòng đọc sách chùa Vạn Đức.
– Năm 2002, chủ đầu tư xây dựng lại cơ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội – Thiền viện Quảng Đức.
– Năm 2004, xây dựng mới lại Chánh điện, Tổ đường chùa Vạn Đức.
.
PGVN
.
1003767_439391086179690_2020870359_n

Hòa thượng Thích Trí Tịnh: Nhất tâm, tinh tấn,
vững bền trong giáo pháp của Phật

(PGVN)

Pháp của Phật rõ ràng, chỉ ở nơi mình có chịu làm hay không chịu làm đó thôi. Nên gắng tinh tấn giữ đạo tu hành. Cầu mong mấy huynh đệ căn lành mỗi ngày thêm lớn, công đức mỗi ngày tăng trưởng.

Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh sinh năm 1917, được suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN từ năm 1984 đến nay (trước khi viên tịch vào sáng ngày 28/03/2014), là một bậc tòng lâm thạch trụ, đã phiên dịch nhiều bộ Kinh lớn, khiến cho giáo nghĩa Đại thừa được lưu thông, Phật pháp được lưu truyền trong tứ chúng.Hoà thượng tinh thông cả thiền giáo, là tấm gương sáng, bậc chân tu sáng ngời đạo hạnh trong lòng Tăng, Ni, phật tử Việt Nam, là bậc thầy mẫu mực.BBT trang tin phatgiao.org.vn trân trọng trích đăng lại bài trả lời phỏng vấn của Hòa thượng dành cho trang tin daophatngaynay.com.
.
Các bậc tổ sư thường dạy đồ chúng cách tâm niệm để làm phương châm hành trì. Xin Sư ông cho chúng con một lời khuyên dưới hình thức một lời tâm niệm?
.
Người xưa thường nói: “Sinh tử sự đại” nhưng mình đã quen sống trong sinh tử, ai cũng vậy hết, nên không thấy quan trọng. Kỳ thật, lấy mắt đạo mà nhìn vào thì đó là việc lớn của mọi người, của chúng sinh. Đã lăn lóc mãi trong nhiều đời, hiện tại nếu không cố gắng thì những đời sau cũng vẫn lẩn quẩn trong vũng lầy sinh tử mà thôi.
.
Gặp được Phật pháp rất khó! Trên đời này không có pháp nào thoát ly sinh tử, chỉ có giáo pháp của Phật mới ra khỏi sanh tử luân hồi. Vì thế, gặp được rồi thì mình phải cố gắng để vững bền trong chính pháp. Cho nên, Phật dạy tất cả đều phải tinh tấn, nhất tâm. Nhưng chúng ta lại có cái lỗi là luôn phóng dật, giãi đãi.Trong Luật, những khi có việc gì thì các vị Trưởng lão, các vị Đại đức đều khuyên nhắc: “Phải tinh tấn, chớ phóng dật”. Chỉ có hai điều đó thôi! Phóng dật ở thân khẩu thì dễ biết, còn ở tâm ý thì rất khó biết. Hễ duyên theo lục trần đều là phóng dật. Phóng dật thì trôi theo sinh tử. Tinh tấn thì đạt Niết bàn. Người tu hành phải tinh tấn thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua, mọi công đức sẽ đạt được.

Trong một số bài giảng, Sư ông thi thoảng sử dụng từ “tu mót” để khích lệ tứ chúng tinh tấn tu tập. Xin Sư ông giải thích thêm ý nghĩa của tu mót là gì?
.

Các bậc Tổ đức ngày xưa khi vào trong đạo liền tìm cách để được định và tuệ. Chúng ta trong thời mạt pháp, lăn lóc trong ồn náo, nhiều chuyện, nhiều việc, nhiều người nên tôi thường nhắc nhở sự tu hành của mình giống như là “tu mót”. Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua. Gặp việc thì làm việc. Rảnh việc thì nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được một phút thì tốt một phút. Được một giờ thì tốt một giờ. Thế nên đừng bỏ qua việc tu mót.

 Ví như những người ở quê ngày xưa đi mót lúa, tuy chỉ mót lúa nhưng vẫn đủ lúa gạo để ăn, vẫn nuôi thân, nuôi gia đình được. Mình đây cũng vậy, nếu cố gắng mót thì cũng được đầy đủ đạo pháp, nuôi lớn pháp thân, huệ mạng của chính mình. Nếu huynh đệ thực hành một thời gian rồi nghiệm lại sẽ thấy “tu mót” lại nhiều hơn thời khoá tu hành chính. Vì thế nếu bỏ qua tu mót thì bỏ phí rất nhiều thời gian.

Ai cũng có công việc hết, nhưng rồi cũng có xen kẽ, lúc tâm trí mình được rảnh rang thì gắng giữ ba điều: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được vậy, phóng dật bớt dần lại, tương ưng với phần tinh tấn. Nếu trọn đời mình sống trong chánh pháp của đức Phật thì đường đạo mỗi ngày sẽ mỗi tăng tiến.

 

Sư ông vừa dạy niệm Tam bảo. Vậy trọng tâm của pháp niệm này là gì?
.
Ai nấy cần phải nhất tâm và chánh niệm. Chánh niệm đứng đầu là ba niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đừng để nó rời. Niệm Phật thì niệm hồng danh, niệm tướng hảo, niệm công đức. Niệm Pháp thì phải thuộc kinh, vì nhớ đến kinh pháp tức là niệm Pháp. Niệm Tăng thì ở nơi đức Quán Thế Âm Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát hay Phổ Hiền Bồ tát, cho đến Di Lặc Bồ tát, Địa Tạng Bồ tát đều là Bồ tát Tăng đáng để cho chúng ta nghĩ đến các ngài và công hạnh của các ngài. Nếu tâm mình thường nghĩ tưởng như vậy thì bớt phóng dật, tất được tinh tấn. Tinh tấn dần từ một ngày, hai ngày, ba ngày, cho đến nhiều tháng nhiều năm thì lần lần cội bồ-đề mà mình vun trồng sẽ càng thêm to lớn, vững mạnh.
.
Làm thế nào để vượt qua các vọng niệm?
.
Vọng tâm, vọng niệm dễ sanh. Những phiền não, nghiệp chướng cũng dễ phát khởi. Do vì cảnh duyên bên ngoài trợ giúp mấy thứ đó phát triển, tăng trưởng. Mình ở trong thời mạt pháp, lấy sức người để tu hành cũng giống như ở nơi giữa dòng sông, chẳng những là nước mà lại có sóng lớn nữa, luôn luôn lúc nào cũng có sóng hết. Trong đó phải bơi lội thì việc đó cần cố gắng lắm mới được. Có cố gắng mới thành công.
.
Do đó, cần lập nguyện. Chí nguyện lớn sẽ giúp mình thêm cố gắng và vững chãi hơn ở đường đạo. Chí nguyện phải thật vững để giúp cho nghị lực, vì có chí nguyện ắt có nghị lực. Như thế mới vững vàng được ở nơi những luồng sóng dập dồn, nếu sơ suất liền bị chìm. Nói tiếng chìm, huynh đệ cần phải suy nghĩ cho kỹ.
.
Ở cõi ngũ trược này, phát chí nguyện phải dũng mãnh, nghị lực phải dũng mãnh. Ở trong cái khó mà tu tập thì hạnh đức cao vời. Khó thì dễ hư nhưng thành tựu được thì công cao. Do đó, trong kinh Duy Ma Cật nói: “Bồ-tát ở nơi cõi đời này, có những công đức mà nơi cõi khác không có được” chính là ý này vậy.
.
Huynh đệ biết khó thì phải cố gắng. Lập chí lập nguyện cố gắng vượt lên. Luôn luôn kiểm soát tâm ý của mình lẫn cả về hành động và lời nói. Kiểm soát nếu thấy không đúng thì sửa lại cho đúng. Ai cũng đều có lỗi, nhưng có lỗi mà biết sửa đổi thì thành tốt. Mong rằng chư huynh đệ đều nhất tâm, tinh tấn tu hành!
.
Khi tu sĩ chúng con làm phật sự thì phải tiếp duyên. Vậy, tiếp duyên thế nào để Phật sự thành công mà không bị vướng dính duyên trần?
.
Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả, rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn chịu để vượt qua. Không phải hàng xuất gia không bị dính mắc vào quyền lợi. Huống nữa, chính quyền lợi đó sẽ đem đến những tai hoạ cho thân mình. Mấy huynh đệ tuổi còn trẻ, đường còn dài, phải lưu ý lắm mới được.
.
Người đời có sự nghiệp của người đời. Người xuất gia có sự nghiệp của người xuất gia. Chỉ là lớn hay nhỏ thôi. Tuy vậy, mình nhớ tạo sự nghiệp phải được như con nhện, đừng như con tằm nhả tơ rồi phải chết trong kén của nó. Tôi chỉ luôn luôn mong cầu công đức. Tôi khuyên các huynh đệ không mong cầu những cái lợi như người đời thường nghĩ. Cái lợi của người tu chính là thiện căn công đức, đâu phải là tiền bạc, vật chất. Mấy huynh đệ phải nhớ mình ở chỗ nào, nơi nào cũng phải gây tạo thiện căn công đức, đừng chạy theo những vật chất bên ngoài.
.
Tôi luôn làm theo khẩu hiệu ngầm của riêng mình. Những việc đúng pháp, về mặt tinh thần hoặc vật chất thì “không cầu cũng không từ”. Nghĩa là không tìm cầu cũng không từ chối. Đây là khẩu hiệu để tôi lập thân. Chẳng hạn, nếu có duyên cất chùa, mà cái duyên đó nó tự đến, nhận thấy đáng thì không từ chối. Cho đến tứ sự cúng dường cũng vậy, những vật gì không dùng nhưng cũng không từ chối. Mình không sử dụng thì chuyển đến người khác, cho đại chúng dùng.
.
Nếu làm việc gì, dù có cái lợi lớn trước mắt nhưng khi làm có cái hại xen vô trong hiện tại hoặc tương lai thì quyết không làm, không tham dự. Ví dụ như danh vị, tiền bạc, lời khen tặng … Nếu được lợi thì phải xem có cái hại hay không. Nếu có thì phải tránh xa. Thấy hại mà vẫn chạy vô thì bị nghiệp dẫn.
.
Tôi thấy việc tu hành đã trải qua mấy mươi năm, nhờ ứng dụng những điều trên mà không bị tổn thất, chịu cái hại lớn, mà lại thấy việc nhẹ nhàng, thảnh thơi. Tôi đã nói tận đáy lòng. Mấy huynh đệ thấy đúng lý thì nên bắt chước làm theo, để sự tu hành không bị vướng kẹt, thiện căn công đức luôn được tăng trưởng. Đó là điều tôi muốn ở tất cả mấy huynh đệ.
.
Xin Sư ông cho chúng con một lời khuyên để chúng con áp dụng tu hành!
.
Ngày tháng trôi qua mau lắm, một năm không mấy chốc mà đã hết rồi. Già, bệnh, chết mãi đeo theo người, không chừa ai hết. Mong các huynh đệ ai nấy đối với pháp của Phật, không biết nhiều thì cũng biết ít, noi theo chỗ hiểu biết của mình mà tinh tấn tu hành, luôn luôn nghĩ đến vô thường, sanh tử. Thân này tuy không bền lâu, mình phải cố gắng nương theo thân người này để tu hành, vượt qua biển sanh tử, lên đến bờ giải thoát. Nếu chưa được vậy thì cũng làm nhân duyên thù thắng cho những đời sau, đạo tâm kiên cố, căn lành tăng trưởng.
.
Thời gian qua thật mau, đừng để luống uổng, phải thường nghĩ vô thường. Nhớ lại thuở trước, chỗ mình đang ngồi, đang quỳ ở đây là nơi mấy em cháu (bây giờ cũng sáu, bảy mươi tuổi rồi) đứng hái trái sim, thì mấy huynh đệ biết nó thuộc rừng rú. Rồi mình khai hoang, cất chùa. Thấm thoát cây gỗ của chùa cũng mục. Từ đó, biết rằng thời gian trôi mau lắm, năm sáu chục năm thoáng chốc đã qua. Vì vậy, nên nhớ lời Phật dạy, phải luôn nghĩ đến vô thường. Thân này còn đây, ngày mai không bảo đảm.
.
Pháp của Phật rõ ràng, chỉ ở nơi mình có chịu làm hay không chịu làm đó thôi. Nên gắng tinh tấn giữ đạo tu hành. Cầu mong mấy huynh đệ căn lành mỗi ngày thêm lớn, công đức mỗi ngày tăng trưởng.

Chúng con thành kính tri ân Sư ông đã khai tâm mở trí chúng con. Chúng con xin y giáo phụng hành.
.

Thích Hoằng Tri thực hiện

 

Hoa Sen (21)

Chuyen den trang: 1234, 5, 6, 7, 8,