Hoa Tuệ Giác 4

Recent Pages:  1 2,  3, 4, 5678910111213141516171819,  2021 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37  38 39 40 41
42 43 44 45  46 47 48  49  50  51 52

Mai vang

Những đoá mai vàng đẹp mãi ngàn năm

TT. Thích Giác Toàn

1) Đối với các Thiền Sư thời Lý-Trần, sự ứng dụng tâm thức tu hành với những giáo lý Đức Phật truyền dạy là một. Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới, Đức Phật khai thị về không gian: “Mười phương thế giới đồng nhất thể.” Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật mở bày ý niệm về thời gian: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vi lai tâm bất khả đắc.”

Câu chuyện vua Lý Thái Tông, khoảng niên hiệu Thông Thụy (1034-1038), một sáng mùa Xuân tìm vào núi viếng thăm Thiền Sư Thiền Lão. Với 4 câu thơ, đáp lời hai câu hỏi của nhà vua, Thiền Sư đã lưu lại cho chúng ta những câu thơ tuyệt bích trong thi ca Thiền học về không gian và thời gian.

 Lúc lên núi, gặp Thiền Sư vua hỏi: “Hòa Thượng đến tu núi này được bao lâu rồi?”

Thiền Sư đáp:

 Sống ngày nay biết ngày nay
Còn Xuân Thu trước ai hay làm gì!

 (Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu Xuân Thu)

 Vua lại hỏi tiếp: “Như vậy hằng ngày Hòa Thượng làm việc gì?”

Thiền Sư đáp:

 Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây trắng hiện toàn chân.

 (Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân)

 Thiền Sư không làm thơ nhiều, nhưng tâm hồn Thiền Sư hiền và đẹp nên ngôn ngữ Thiền Sư thốt ra cũng nhẹ và đẹp lãng đãng như áng mây trời. Vì thế, không gian và thời gian đối với Thiền Sư lại càng như không có gì để phải bận tâm. Bởi quá khứ là cái đã đi qua; những điều hiện tại trong khoảnh khắc rồi cũng qua mau, trở thành quá khứ; còn việc tương lai là điều chưa đến, mà nếu có đến thì nó lại cũng đi qua và sẽ trở thành quá khứ. Dòng thời gian luôn qua nhanh như một dòng nước trôi xuôi. Nắm bắt cái đã qua vừa làm mất công, vừa tự mình làm mệt, làm khổ cho chính mình. Cho nên, chúng ta thấy các Thiền Sư chẳng những sống với thực tại mà còn tỉnh thức trước thực tại. Các Pháp vốn “như thực như thị,” hãy để nó diễn biến đúng theo quy luật nhân quả của chính nó.

Chúng ta tin chắc lời đáp của Thiền Sư đã tạo nên sự ngạc nhiên lý thú cho nhà vua và kết quả đã đưa nhà vua về với thực tại: – Như vậy, hằng ngày Hòa Thượng làm việc gì? Thiền Sư không trả lời là hằng ngày mình làm việc gì, nhưng nhà vua vẫn không buồn mà lại càng thích ý hơn khi được Thiền Sư đưa nhà vua thể nhập vào sự hài hòa toàn bích của tâm và cảnh, giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên không hai không khác:

“Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác
Trăng trong mây trắng hiện toàn chân.”

Chính cái bên ngoài là pháp trần, là hóa thân làm đẹp cái bên trong; còn cái bên trong là tâm thức, là pháp thân chủ để làm rạng rỡ, rực sáng cái bên ngoài. Người thân chứng là người không còn thấy có khoảng cách giữa tâm và vật, thức và trần. Cảnh chỉ là một – huyền diệu lung linh.

2) Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096) nếu so với các Thiền Sư đời Lý thì tuổi thọ nơi thân xác tứ đại của Thiền Sư có phần ngắn ngủi hơn. Nhưng pháp thân chân tính của Ngài hiển hóa trong thi ca thì sống mãi muôn đời. Và một điều kỳ diệu là mùa Xuân nào đọc lại bài thơ của Thiền Sư vẫn nghe như mới, như trào dâng một cảm xúc vô biên:

 “Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai

 Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”

 “Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười

 Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi

 Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.”

 (HT.Thích Thanh Từ dịch)

 Về mặt cấu tạo vật chất, thân con người là tứ đại (đất, nước, lửa, gió) cấu thành, cảnh vật hoa cỏ thiên nhiên cũng là tứ đại thành. Nhưng con người hơn vạn vật ở chỗ là con người có hình thức sống, có tâm hồn, cho nên con người đương nhiên là chủ thể của vạn vật. Điều vi diệu ở đây là chủ thể và khách thể, tức con người và vạn vật lại hội nhập hòa điệu trong tính đồng nguyên nhất thể. Con người nhìn tấm gương phản chiếu của dòng thời gian đến – đi, của hoa cỏ nở- rụng mà có thể cảm nhận được dòng đời “trước mắt việc đi mãi,” để tự nhìn lại chính mình “trên đầu già đến rồi” quả vô cùng tuyệt diệu. Thấy được tính vô thường nơi thời gian, vô thường của cảnh vật hoa cỏ thiên nhiên rồi cảm nhận ra được sự vô thường nơi chính xác thân mình đâu phải là điều dễ làm. Trong cuộc sống trùng trùng điệp điệp này ai cũng trải qua, ai cũng đến đi, ai cũng trẻ già, ai cũng sống chết; nhưng giác ngộ được thực tướng của chính mình trong mỗi lúc, không phải ai cũng có thể cảm nhận ra.

 Khi đối diện nhân chứng trước sanh tử vô thường, chẳng những không sợ hãi mà Thiền Sư còn đưa con người vào cõi an trú vĩnh hằng, Niết Bàn bất diệt: “Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai.” Giữa cõi đất trời siêu tuyệt, cành mai của Thiền Sư Mãn Giác chính là sự hội tụ của tính nhân văn, là nét đẹp không cùng tận của con người.

Đời Trần, Thiền Sư Huyền Quang – một thi sĩ tài hoa, là một trong số ít các vị tác giả có nhiều tác phẩm, hiện nay còn lưu lại cũng khá nhiều. Bài thơ “Hoa Cúc” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Thiền Sư. Từ ngày Thiền Sư tịch đến nay gần 700 năm, hễ nói đến Thiền Sư thì người ta nhớ đến bài thơ “Hoa Cúc.” Bài thơ có sáu đoạn tứ tuyệt, mỗi người có mỗi tâm trạng hòa nhịp theo ý thức xúc cảm sâu lắng của Thiền Sư.

Giáo lý vô thường, khổ não, vô ngã trước cuộc đời và sự thâm cảm giữa ý thức uyên áo của con người với thiên nhiên được Thiền Sư lột tả một cách tuyệt mỹ nơi đoạn 3:

 “Vương thân vương thế dĩ đô vương,
Tọa cửu tiêu nhiên nhất thập lương

 Tuế vãng sơn trung vô lịch nhật,
Cúc hoa khai xứ, tức trùng dương.”

 “Quên mình, quên hết cuộc tang thương
Ngồi lặng đìu hiu mát cả giường

 Năm cuối trong rừng không có lịch
Thấy hoa Cúc nở biết trùng dương.”

 (bản dịch của Phan Võ – lược khảo LSVHVN)

 Bốn loài: Mai, Lan, Cúc, Trúc là biểu tượng của bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Thiền Sư ngồi thiền định trong rừng, cảnh cũng không người cũng không. Cây cỏ, hoa cảnh, thời gian, không gian như đứng ngừng im lặng, như “giao hội” cùng trời đất. Chỉ cần thấy “hoa Cúc nở” là biết “tiết trùng dương đã đến, tựa như Thiền Sư Viên Chiếu đời Lý cũng đã từng thổ lộ:

“Trùng dương Cúc nở dưới rào
Trên cành Oanh hót thanh tao dịu dàng.”

Nhưng nét đẹp siêu tuyệt nơi Huyền Quang không dừng lại ở đây, nó còn vương lên, vượt khỏi ta – người, tâm- cảnh, có – không v.v… Nói theo tư tưởng Thiền của các Tổ sư là dứt bỏ “Nhị kiến” không còn thấy có hai, dù không gian, thời gian nào, dù người hay vật, sắc hay không (đoạn 5):

 “Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
Phần hương độc tọa tự vong ưu.

 Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu”

 “Người ở trên lầu hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông

 Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng chợt nở tung”

 (bản dịch của Nguyễn Lang)

 Khi nào con người trở về với chính mình thì khi đó cái đẹp “tính nhân bản” hội tụ. Và cũng chính nơi mình, “tính nhân bản” tỏa sáng muôn đời.

Tóm lại, như chúng ta đã biết, cánh hoa vàng (hoàng hoa) của Thiền Sư Thiền Lão, cành Mai vàng của Thiền Sư Mãn Giác, đầu giữa đời Lý và đóa Cúc vàng của Thiền Sư Huyền Quang gần cuối đời Trần… cả 3 đóa hoa vàng cách nhau trên dưới 300 năm. Vậy mà khi đọc lại, ta tưởng chừng như 3 con người, 3 vị Thiền Sư Thiền Lão-Mãn Giác-Huyền Quang và 3 đóa hoa vàng chỉ là một – như mới đâu đây, mới hôm nào… rồi chợt giật mình. Ồ! Đây rồi – đóa hoa vàng của chính lòng ta “tâm thức sống của chính mình,” của mỗi người chúng ta. Ôi! Những đóa hoa vàng tuyệt bích thiên thu.

Nguồn: ÐPNN

Hoa Xuân

Ngọc Chơn

Mùa này nơi tôi sống hoa Dã quì nở, vàng rực cả núi đồi .

Có ai đã một lần đến với Tây nguyên sẻ không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy hoa cúc quì mọc khắp triền đồi,mọc trong sân nhà,mọc cả lối đi.Loài hoa dại này, trông thật đơn sơ khi Đông thì nở cuối Xuân tàn.Nhưng các bạn biết không? Dù khô cằn đến đâu,dù nơi hố sâu hay thật cheo leo trên đỉnh núi,dù bạn không tận tay chăm sóc hoa vẫn nở, vàng cả không gian,không tỏa hương thơm như Ngọc- lan, không đài cát như Hoa Quỳnh,không nồng nàn như hoa Thủy Tiên.Nhưng Hoa dã quì mọc thật nhiều, bát ngát cả Tây nguyên. Màu hoa vàng rực rỡ như chiếc huỳnh y được choàng trên người nhà sư Khất sĩ. Tô thắm cho đời, cho người và cho cả muôn loài.

Khi Xuân về, ai ai cũng thật nhiều hy vọng, ước mơ. Riêng tôi, khi đứng trước bạt ngàn Hoa dã quì giữa Tây nguyên bao la lòng chợt nghĩ rằng: Chúng ta, những người con phật không chỉ biết ngắm nhìn hoa tỏa hương thơm ngát, hay khoe sắc mùa Xuân.Mà mỗi chúng ta hãy tự trồng cho đời những loài Hoa có lẽ không thơm,có lẽ không đài cát,có lẽ không rực rỡ khoe màu trong nắng Xuân ấm áp.Nhưng những loài hoa này sẻ cho mọi người biết rằng, dù là Cánh hoa anh Đào đẹp nhẹ như tơ rồi theo luật vô thường, một hôm cũng bay theo làn gió. Rồi chúng ta sẻ giúp mọi người nhìn thấy rừng cây nẩy mầm lá mạ trong nắng mới, trăm loài hoa khác đua nở rộn ràng.Vườn Hoa Tâm là một vườn cây,vườn hoa đầy sức sống, trong đó là sự đóng góp của những bàn tay con người biết chia sẻ yêu thương,biết đồng cảm với tha nhân.Vậy còn chờ gì nữa ngay bây giờ hãy cùng nhau trồng những loài hoa . Trước tiên bạn hãy cùng tôi trồng hoa hạnh nhân:

– hạnh từ để thương người, thương vật.
– hạnh bi để chia xẻ đắng cay, ngọt bùi với nhau.
– hạnh hỷ để mừng vui khi tha nhân được an lạc.
– hạnh xả để bỏ hết giận hờn.

Chúng ta hãy trồng hoa huệ

– văn huệ để chúng ta biết lắng nghe, biết học hỏi.
– tư huệ để chúng ta biết suy ngẫm.
– tu huệ để chúng ta biết áp dụng, xử dụng những gì học được

Chúng ta hãy trồng cải

– cải tổ các sinh hoạt hàng ngày để có hiệu quả tốt hơn.
– cải thiện lối sống để được lành mạnh hơn.
– cải tiến cuộc đời để được thêm an lạc

Chúng ta hãy trồng hành

– hành thiện để giúp người, để tăng hạnh Bồ Tát
– hành thiền để tăng định

Chúng ta hãy trồng trầm

– trầm tĩnh để tâm được lặng lẽ.
– trầm tư để suy nghĩ sâu xa.
– trầm hương để đốt lên, dâng lòng thành kính đến Phật, Tổ, Thầy, ân sư

Chúng ta hãy tưới tẩm những cây này với lòng kiên nhẫn trường kỳ, với ý chí mạnh mẽ. Khu vườn của chúng ta sẽ nở hoa tươi thắm, trồ quả thơm ngon trong ánh nắng Xuân rực rỡ và chúng ta sẽ được hưởng niềm an lạc thật sự nhiệm mầu trong mùa xuân vĩnh cửu.Khi chúng ta đã mang lại cho đời những loài hoa dù không hương, không sắc nhưng loài hoa biết đem niềm vui đến với mọi người, biết cho đời, cho những em thơ không nhà, cho cụ già không nơi nương tựa Mùa Xuân của tình người-Tình Đạo-Tình Xuân.

Để mai này khi Xuân về hoa Dã quì sẻ nở khắp nơi nơi dù đồng bằng hay thành thị dù tây nguyên xa xôi hay năm châu bốn biển mãi mãi là Hoa Xuân.

An-Khê- Gia-lai

XUÂN TỰ TẠI

 Thích Thông Huệ
.

Mỗi lần xuân về, muôn hoa đều khoe sắc và lòng người cũng tưng bừng rộn rã. Mọi người trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Ðây là biểu hiện lịch sự xã giao thế tục; hoặc trong tình đạo, là những điều mình mong mỏi bạn bè thân hữu mình đạt được. Tuy nhiên, xuân nhân gian chỉ có ba tháng trong một năm, rồi đi qua cho mùa hạ đến, theo luật tuần hoàn của trời đất, theo sự phân chia ước lệ của con người. Ðạo Phật còn nói đến một mùa xuân khác, không lệ thuộc vào sự biến đổi vô thường của vũ trụ: đó là mùa Xuân miên viễn, Xuân bốn mùa, Xuân tự tại.

Nói đến mùa Xuân tự tại, chúng ta nhớ lại bài vía Ðức Di Lặc thường được tụng vào đêm giao thừa, trong đó có những câu sau đây:

Di Lặc vốn là bậc Ðại hùng,
An nhiên ngồi ngự Phạn Vương cung.
Xưa nay muôn việc ông sắp đặt,
Dâu biển phù vân cười như không.
Ðảnh lễ thưa cùng Phật Di Lặc,
Bụng chứa những gì con muốn biết.
Cười rằng: Tâm ấy vốn như như,
Thấy là như không, thoát sanh diệt!

Hình ảnh Ðức Di Lặc nổi bật nhất là dáng người mập tròn với cái bụng rất to nhưng lại có vẻ thoát tục. Miệng cười rộng gần đến mép tai. Dù ai đang phiền não, nhìn tượng Ngài cũng thấy lòng nhẹ được đôi phần. Bởi vì, nụ cười rất tươi tắn, rất hoan hỉ của Ngài là nụ cười của người đã siêu vượt ngã chấp, có một đời sống nội tâm sung mãn; nụ cười biểu lộ một niềm an lạc xuất thế. Do đã làm chủ được căn-trần-thức, nên dù trực diện với tất cả các pháp mà Ngài vẫn an nhiên tự tại, vẫn cười trước bao phong ba bão táp, trước mọi dâu biển phù vân.

Nhà Thiền có câu: “Trung vô tận tạng, hữu hoa hữu nguyệt hữu lâu đài” (Trong kho vô tận có hoa, có trăng, có lâu đài). Bụng của Ðức Di Lặc tượng trưng kho Như Lai tạng vô tận, trong kho ấy muôn pháp được hình thành và lưu xuất, cũng như trong lòng hư không gồm chứa tất cả các pháp sinh diệt. Tâm Ngài vốn như như, thấy mọi pháp đều bình đẳng trong tự tánh Không, vì thế vượt thoát được sinh tử.

Không chỉ Ðức Di Lặc hưởng trọn vẹn mùa Xuân tự tại, mà các vị Tổ sư và những bậc Thánh Tăng đã thể hiện rõ phong thái an nhiên trước sự vô thường của kiếp sống. Sơ Tổ Trúc Lâm Ðiều Ngự Giác Hoàng từng viết:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá Ðông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Dịch:

Thuở bé chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.
Chúa Xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.

Khi còn niên thiếu, chưa tỏ lý sắc – không nên khi Xuân về, Ngài choáng ngợp theo sự bừng nở của muôn hoa. Ngày nay, Ngài đã khám phá được chúa Xuân nên ung dung ngồi trên giường thiền ngắm từng cánh hoa hồng rụng. Ðây là sự tịch tĩnh của người tu đã biết nội dung của mùa Xuân tự tại. Hoa nở rồi tàn nhưng tự tánh không tàn nở, như sóng có chìm nổi nhưng bản chất nước chưa từng thay đổi bao giờ. Cái chơn thường không thay đổi, không sinh diệt ấy là bản tâm thanh tịnh sẵn đủ ở mọi chúng sanh, mà ở đây Ngài gọi là “Chúa Xuân”. Chúa Xuân được tìm thấy ở đâu? Câu “Kiến sắc minh tâm” thường được sử dụng trong nhà Thiền có ý nghĩa như thế nào? đó là những điều rất quan trọng mà chúng ta cần suy gẫm.

Thiền sư Chân Không đời Lý, khi còn Trụ trì chùa Chúc Thánh trên núi Phổ Lại, có vị Tăng đến hỏi: “Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?”. Ngài trả lời bằng hai câu kệ:

Xuân đến, xuân đi ngỡ xuân hết
Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân.

Khi thân còn trẻ khỏe là còn tuổi thanh xuân, nhưng nếu đã nhận ra mùa Xuân bất diệt thì già yếu bệnh hoạn cũng vẫn là một chất xuân ấy. Gặp thuận hay nghịch cảnh đều khéo tùy duyên để tu để sống; nhiều lúc bệnh ngặt nghèo lại chính là cơ hội giúp ta tu hành đắc lực. Vì vậy, dù xuân nhân gian có đến có đi, hoa nở hay tàn theo thời tiết thay đổi, trong tâm người đã thấu triệt ý nghĩa tu hành thì lúc nào cũng chỉ là xuân. Ðây là sự khác nhau giữa Xuân đời và Xuân đạo. Các Ngài cũng đón xuân như mọi người thế tục, nhưng luôn hướng tâm đến chỗ không bao giờ biến dịch theo ý niệm thời – không.

Một thi hào Thiền sư đời Trần, Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ đón xuân bằng một bài kệ như sau:

Thời tiết xoay vần xuân đến thu,
Cái già sồng sộc đến trên đầu.
Giàu sang ngó lại trơ tràng mộng,
Năm tháng mang theo chất hộc sầu.
Nẻo khổ vành xe lăn lóc khắp,
Sông yêu bọt nước mất còn đâu?
Trường đời nếu chẳng sờ lên mũi
Ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu!

Do thời tiết xoay vần nên có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Theo dòng thời gian, con người càng ngày càng tiến dần đến chỗ chết. Nhìn lại kiếp sống, đau khổ nhiều hơn lạc thú, danh vọng quyền thế hay bể ái sông yêu đều chỉ như mộng ảo, như bọt nước đầu ghềnh. Trong trường đời, nếu không có một chút tỉnh thức, không biết đẩy lui phiền não nghiệp chướng để nhận ra cái thường hằng, cái phi huyễn, thì dù muôn thuở lăn lóc trong ba nẻo sáu đường, cũng chỉ là bóng màu hư dối.

Ðọc bài kệ này, những ai từng chịu nhiều vinh nhục thăng trầm trong cuộc sống sẽ vô cùng thấy thấm thía. Từ bao đời bao kiếp, con người vì vô minh nhận lầm cái giả cho là thật, nên suốt đời tận lực lo phục vụ cho cái thân tứ đại. Thậm chí nhiều khi dùng mọi mánh khóe mưu mô, chỉ cốt lợi mình không kể hại người. Nhưng khi có được một địa vị, một số tài sản nào đó, con người đã thỏa mãn chưa, hay lại mong được nhiều hơn nữa? Do vô minh (Si) nên tham đắm ngũ dục, nếu tham không được thỏa mãn sẽ phát sinh sân hận; từ đó tạo nghiệp ác và bị đọa đày trong các khổ xứ. Ðó là bi kịch của kiếp người, bởi vì khi xuôi tay nhắm mắt, con người có mang được gì ngoài những nghiệp thiện -ác từ thân-miệng-ý đã từng tạo khởi? Chiêm nghiệm kỹ điều này, chúng ta sẽ thấu hiểu lý vô thường của vũ trụ nhân sinh, từ đó tìm cho mình một lẽ sống có ý nghĩa.

Một điều cần nhấn mạnh ở đây, chúng ta không phải vì chán cuộc đời vô thường huyễn mộng mà gia công tu hành, cốt tìm sự an lạc vĩnh cửu ngoài trần thế. Hoa sen không mọc lên từ đất sạch, mà nhờ bùn nhơ để tăng trưởng và cuối cùng nở hoa thơm ngát giữa hư không. Cũng vậy, Bồ-đề Niết-bàn không tồn tại ở một cõi nào đó thanh tịnh xa xôi, mà ở ngay trong phiền não nhiễm ô của cuộc đời.

Trong pháp hội Lăng Nghiêm, khi tôn giả A-Nan hỏi Ðức Phật đâu là nguồn gốc của luân hồi và giải thoát, mười phương chư Phật đều đồng thanh đáp rằng: “Nguồn gốc của luân hồi sanh tử là sáu căn của ông; nguồn gốc của giải thoát Niết-bàn cũng là sáu căn của ông chớ không đâu khác”. Nếu sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà khởi niệm phân biệt đẹp – xấu, ta – người, thương – ghét…, đó là dính mắc. Vì dính mắc nên tạo nghiệp trôi lăn vào sinh tử luân hồi. Nếu sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không có tâm chia chẻ hai bên, ngay đó là giải thoát. Cho nên, chúng sanh thấy sắc thì chạy theo bóng sắc, có nghĩa “Quên mình theo vật”; người đã hiểu đạo lý vẫn nhìn thấy sắc, nhưng thầm sống với bản tâm thanh tịnh của chính mình, ấy là “Kiến sắc minh tâm”.

Như vậy, giải thoát sinh diệt không có nghĩa là trốn tránh trạng thái sinh diệt; mà ở nơi sinh diệt thấy được cái chưa từng sinh diệt, nơi ảo ảnh nhận được chỗ miên trường, nơi Ta-bà mà an lập Tịnh-độ. Ðây là tinh thần sống động tích cực của Ðại Thừa Phật giáo và của Tối thượng thừa Thiền. Thiền là chủ động chớ không phải chủ tịnh, nên người tu vẫn tham gia vào mọi sinh hoạt lành mạnh của xã hội, vẫn thỏa mãn những nhu cầu bức thiết và chính đáng của bản thân, nghĩa là vẫn sống và làm việc bình thường, nhưng sống khế hợp với tự tánh.

Trăm hoa đua nở khi xuân đến chúng ta đều biết, nhưng chúng ta vui xuân trong sự tỉnh thức, không chạy theo ảo ảnh sinh diệt bên ngoài, mà phải thẩm sâu được, sống trọn vẹn được với chất xuân. Luôn an trú trong chánh niệm, đặt tâm vào giờ phút hiện tại, chúng ta sẽ thấy quan niệm về thời gian và không gian chỉ là sản phẩm của vọng tưởng, ta sẽ hiểu mùa xuân luôn luôn hiện hữu, không đi không đến bao giờ. Lúc ấy, chúng ta cũng đón xuân thế gian một cách tùy duyên tùy tục, vẫn nhịp nhàng với cuộc sống đời thường; nhưng trong những giây phút, chúng ta đều từng bước vững chãi và thảnh thơi trong thực tại nhiệm mầu.

Trong ngôn ngữ nhà Thiền, có rất nhiều danh từ dùng để nói về mùa Xuân hằng hữu ấy. Các Ngài khi đã thấu tột lý Thiền, có thể biểu hiện cái “Vô nhất vật” bằng hình ảnh một cành mai, một hoa cúc hay bất cứ một ngôn ngữ nào chợt thoáng hiện. Sở dĩ nó có nhiều tên gọi vì thực chất không thể dùng lời nói để diễn đạt, mà chỉ có sự tâm đắc tâm chứng mới quán triệt được. Nó vốn không có tướng mạo âm thanh, không thể dùng ý thức để hiểu, không thể dùng tưởng tượng để hình dung, và không thể đạt bằng cách mong cầu. Tuy bản chất nó là không nhưng lại biểu hiện ra bằng mọi hình tướng, tuy không nhưng là nguồn sống của muôn loài, tuy không mà muôn pháp được hoạt dụng. “Không” ở đây là tánh Không, là bình đẳng tánh của tất cả muôn sự muôn vật, là “Chân Không”. Chính Chân Không là thể, còn Diệu Hữu là dụng của tự tánh.

Khi nào chúng ta bặt hết mọi vọng tưởng đảo điên, mọi ý niệm lưỡng phân nhị nguyên để ánh trực giác bừng lên từ cõi niềm sâu xa của tâm thức, chúng ta sẽ nhận ra một cách thấu thể tánh Không bình đẳng này của vũ trụ vạn hữu. Lúc ấy, những ẩn mật và vi diệu từ vô thủy của cuộc sống sẽ phơi bày trọn vẹn, và chúng ta sẽ hòa cùng muôn pháp thành một thể nhất như. Ðây là thời điểm chúa Xuân hiển hiện, và từ đó, mùa Xuân sẽ tồn tại vĩnh viễn dù vũ trụ có chuyển biến đổi dời!

Trong không khí rộn ràng tưng bừng của những ngày đầu xuân, những người con Phật chúng ta nên xoay lại chính mình, bằng tinh thần phản quan tự kỷ, để nhận ra tâm xuân bất sanh bất diệt hằng hữu. Cầu chúc chúng ta luôn sống được trọn vẹn với mùa xuân ấy, để đạt được niềm an lạc tự tại đối với sự vô thường sinh diệt của kiếp người.

Nguồn: thuvienhoasen

Cherry Blossoms 2015 (12)

Xuân Thiền

Thích Thông Huệ

Nói về phương diện tục đế, ở pháp sinh diệt vô thường nơi thế gian thì chúng ta không thể chối bỏ cuộc sống hiện tại. Học thiền không có nghĩa là học trên lý luận siêu hình, không ý thức gì đến sinh hoạt đời thường. Sự giải thoát của đạo Phật không phải vượt thoát khỏi thế gian để mưu cầu hạnh phúc, mà là “cư trần bất nhiễm trần”, tùy duyên mà thọ dụng. Xuất thế gian là ở ngay thế gian vô thường nhưng tâm mình không bị vướng nhiễm nơi các pháp, làm hiển hiện cái bất sanh bất diệt thường hằng. Đạo lý cũng nằm ngay cuộc sống đời thường chứ không phải cách ly với nhân sinh xã hội, thiếu hiểu biết về phong tục tập quán, đất nước con người… Nhà Phật dùng hình tượng hoa sen để nói đến đức tính vô nhiễm này. Mùa xuân về, khí trời ấm áp, muôn hoa đua nở làm cho lòng người cảm thấy rạo rực. Đối với người học đạo, chúng ta vẫn đón tết vui xuân như mọi người nhưng bằng một tâm chánh niệm, tỉnh thức, thâm trầm và đạo vị.

“Nắng xuân tràn khắp muôn nơi

Chồi non nảy lộc đất trời bình an

Líu lo chim hót trên cành

Hân hoan mừng đón khí lành ngày xuân.”

Mỗi mùa xuân đến, mọi người mọi vật, cỏ cây hoa lá đều thay áo mới. Nhưng lẽ thực, trong lòng sự vật luôn chuyển đổi để làm mới. Mỗi năm trôi qua, chúng ta xích gần đến cái chết. Vì vậy, tuy nói vạn vật hồi sinh nhưng thật ra, vạn vật đang từ từ đi đến chỗ chết. Chết để rồi chuẩn bị bắt đầu cho một cuộc sống mới. Mùa đông giá buốt làm cho cây cỏ trơ cành xơ xác, để rồi khi xuân về, khí trời ấm lại, chiếu những tia nắng đầy sức sống lên cỏ cây đang đâm chồi nảy lộc, xum xuê tươi nhuận hương sắc cung hiến cho đời. Như vậy, sống rồi chết, chết để tiếp tục sống, thì phải chăng, chết là một sự thật mầu nhiệm?

Mùa xuân là mùa của niềm tin và hy vọng. Từ thành thị đến thôn quê, ai ai cũng tưng bừng hớn hở, dù bận công việc gì cũng gác lại để sửa soạn nhà cửa, trang thiết bàn thờ ông bà tổ tiên, mua sắm bánh trái để chuẩn bị đón một cái tết cổ truyền đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của người dân Á Đông. Tết cũng là dịp để mọi người quây quần bên nhau, sum họp sau những ngày làm ăn xa cách, trở về với nguồn cội, ông bà tổ tiên, với gia đình, tìm lại chút hơi ấm của tình thương và hạnh phúc. Cho nên, những gì thuộc về phong tục tập quán, quốc hồn quốc túy của người Việt, từ tư tưởng cho đến văn hóa, tiếng nói, chữ viết… tất cả chúng ta phải biết trân trọng, gìn giữ, định hình và cổ xúy để phát triển, không bị đồng hóa bởi các thế lực ngoại lai mà mất đi tính dân tộc. Vì vậy, ngày tết cổ truyền là dịp để chúng ta giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp mang giá trị văn hóa ấy mà ông cha ta đã xây đắp từ lâu đời.

Nét đẹp của xuân đời, cũng là nét thẩm mỹ siêu nhiên của xuân đạo. Bởi thế mà từ xưa, nhân dân ta đã có truyền thống đi chùa lễ Phật đầu năm, dần dần trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong những ngày đầu xuân. Mùa xuân của đất trời luôn gắn liền với mùa xuân của tâm linh, tạo nên sự hài hòa giữa đời và đạo. Đầu năm đến chùa, thưởng ngoạn phong cảnh trang nghiêm chốn thiền môn, nghe quý Thầy giảng pháp, chúng ta hiểu biết thêm về đạo lý, từ đó áp dụng vào cuộc sống thường ngày để trong năm mới, chúng ta có được nhiều sự an lạc và thảnh thơi hơn. Đó là những món quà tinh thần, những lời chúc đầu xuân tốt đẹp và có ý nghĩa.

Mỗi năm qua đi, tuổi già lại đến, tóc thêm hoa râm, mạng sống giảm dần. Nhìn thấy một đứa trẻ lớn lên thì biết rằng mình cũng đang già đi. Hoa nở rồi hoa tàn, xuân năm trước qua đi, xuân năm sau lại đến. Nên mới nói:

“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua

Trăng còn non nghĩa là trăng sắp già.”

Đây là quy luật vô thường tất yếu của cuộc sống. Hiểu như vậy, chúng ta phải trân quý từng tấc bóng thời gian để học đạo tu hành, chuyển hóa đời sống mình ngày càng tốt đẹp hơn. Biết được cuộc đời vốn không thật, vô thường, duyên sinh, huyễn mộng thì chúng ta phải xây đắp cuộc đời mình trong đạo đức. Đạo đức vô hình vô ảnh nhưng có sức chi phối hoàn cảnh xung quanh. Điều đáng sợ nhất trên cuộc đời là sống đời xấu ác, hư dở. Cho nên, là người phật tử đến chùa học đạo thì mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm chúng ta phải tiến bộ, thăng hoa trên con đường tâm linh đạo đức.

Suốt một đời, chúng ta từng chứng kiến bao cảnh sanh diệt đổi dời, bãi bể nương dâu, muôn vật chuyển dịch, vô thường biến đổi. Thiền sư Thiên Tùng nhân dịp xuân về đã làm một bài kệ:

“Sáng nay đều nói thêm một tuổi

Tôi bảo ngày này bớt một năm.

Thêm bớt lại qua số khôn tính

Chỉ cần dứt sạch duyên thế gian.

Cốt là biết được trong duyên chủ

Trăm ngàn ức kiếp thường an nhiên.”

Mùa xuân, các thiền sư hay làm kệ thơ, cũng trào dâng xúc cảm nhưng không đắm nhiễm như người đời. Các ngài làm thơ bằng ánh sáng trí tuệ để soi sáng nhân tình thế gian, nhắc nhở mọi người đón xuân trong tỉnh thức. Tùy duyên tùy tục, các ngài vẫn đón xuân vui tết, ở trong thế gian sinh diệt nhưng vượt lên, tự tại siêu nhiên, không vướng bận trần gian huyễn mộng. Ngày đầu năm, mọi người thường chúc nhau thêm một tuổi, cũng có nghĩa là sự sống bị bớt lại một năm. Cho nên, khi ý thức rõ cuộc sống là vô thường thì điều cần thiết nhất làm sao để dứt sạch các duyên thế gian, sống tùy thuận theo dòng đời mà không vướng nhiễm nơi các duyên, sống ngay trong muôn cảnh dàn trải trước mắt mà nơi bản thân mình biết được người chủ trong các duyên. Phải tin chắc rằng ngay trong thân ngũ uẩn sinh diệt này có con người chơn thật thường hằng, bất sanh bất diệt để không phải hướng ngoại tìm cầu nơi khác. Một khi đã biết được “chủ trong duyên”, chúng ta cảm thấy vững vàng trong cuộc đời này, dầu trải trăm ngàn ức kiếp vẫn an nhiên tự tại, khoác áo độ sanh. Có như vậy, dù thêm một tuổi hay bớt một tuổi thì đạo lý trong chúng ta vẫn tràn trề sức sống của sự tỉnh giác.

Biết được chủ thì không bị trôi lăn, dính mắc theo trần cảnh. Các ngài muốn chúng ta thưởng xuân, xem hoa, nhìn muôn vật bằng đôi mắt Thiền. “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”. Đối với tất cả cảnh đều vô tâm phân biệt, vô tâm sinh diệt, thản nhiên trước mọi hoàn cảnh, sáu căn tiếp xúc sáu trần đều biết rõ mà không sinh tâm khởi niệm. Có như vậy, tâm chúng ta sẽ an lạc và thanh nhàn. Dưới mắt các vị Thiền sư thì núi sông, khe suối, ao hồ… đâu đâu cũng là một mùa xuân, một màu xuân, một chất xuân miên viễn. Tâm hồn các ngài lúc nào cũng vui vẻ, thanh thoát trong ánh sáng tỉnh thức, xuân đời xuân đạo hòa nhập thành một thể nhất như. Các ngài muốn chúng ta trở về nguồn, tức là trở về với mùa xuân bất diệt nguyên sơ tự thuở nào. Từ vô thỉ kiếp xa xưa, chúng ta ở trên mảnh đất bình an nơi quê nhà nhưng quên mất nguồn cội mà lang bạt khắp nơi, ba cõi sáu đường, trôi lăn trong sinh tử. Nhờ giáo lý của Đức Phật soi đường, chúng ta tự trở về nguồn để thừa hưởng gia tài đó, về để uống ngụm nước đầu nguồn trong sạch. Đó là ý nghĩa tu hành. Chúng ta ý thức thế gian sinh diệt, nhưng nơi sinh diệt đó mà khuếch đại tự do, tùy duyên hóa đạo, sống thong dong thoải mái giữa dòng chảy của cuộc đời.

Trong giai thoại nhà Thiền có kể câu chuyện “Linh Vân kiến đào ngộ đạo”. Thiền sư Linh Vân trong hội của ngài Quy Sơn Linh Hựu, đã nhiều năm tu hành mà chưa ngộ đạo. Một hôm nhân thấy hoa đào nở, chợt hoát nhiên đại ngộ, ngài liền làm bài kệ rằng:

“Tam thập niên lai tầm kiếm khách

Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi

Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu

Trực chí như kim bất cánh nghi.”

Tạm dịch:

“Ba chục năm nay tìm kiếm khách

Bao hồi lá rụng với cành trơ

Từ khi chợt thấy hoa đào nở

Mãi đến hôm nay hết bóng ngờ.”

Ở Trung Hoa, mùa xuân có hoa đào nở. Thiền sư Linh Vân tu hành ba mươi năm, đi tìm sự thật mãi không ra, chưa biết được người chủ xây ngôi nhà này. Bỗng nhiên một hôm nhìn thấy hoa đào nở, chợt nhận ra Chúa Xuân hiển hiện trọn vẹn nguyên hình tự thuở ban sơ cho đến bây giờ, diễn tả một thực tại vô ngôn, không còn nghi ngờ về ông chủ của chính mình, giáp mặt với sự thật ngàn đời.

Chúng ta học đạo, bước đầu tiên là dứt trừ dần những nghiệp ác nơi thân khẩu ý, sống đời hiền lương đạo đức. Kế tiếp là dứt trừ những phiền não tham, sân, si nơi tâm thức. Sau đó mới lặn sâu vào công phu tu tập để khám phá ra ông chủ thật sự nơi mình. Người đời không ý thức về việc tu hành, tết đến chỉ lo say sưa trong men rượu, chìm đắm trong ngũ dục, không biết đạo lý, dần dần sa đọa. Còn chúng ta là người phật tử phải biết sống đời lành mạnh, xây đắp cuộc đời bằng những hạnh lành, tiến tu đạo nghiệp trên con đường giác ngộ giải thoát.

Cầu chúc tất cả chúng ta hưởng một mùa xuân an lạc miên viễn trong ánh sáng của chánh pháp, nhận ra được “một cành mai” mãi mãi không bao giờ tàn phai trong đời thường.

Thiền Thất Viên Giác – Tp. Nha Trang

Nguồn:  ÐPNN

Xuân trong cửa thiền
Pháp Như


Uploaded by  vuluanvov

XUÂN BẤT DIỆT

Thích Thông Huệ

Một lần nữa, mùa xuân lại đến với đất trời và với con người. Trong khi cây cối đâm chồi nẩy lộc, cỏ hoa tươi tốt khoe sắc khoe hương, có phải mỗi người chúng ta, bên cạnh sự rộn rã như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới, còn mang một nỗi niềm riêng không ai giống ai? Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, mùa xuân thường mang lại niềm vui và hy vọng về một đời sống tương lai tươi đẹp và bình an hơn hôm nay.

Riêng tuổi trung và lão niên, mỗi năm chồng chất thêm một tuổi, bước thêm một bước gần đến điểm cuối cùng, không biết mình sẽ đi về đâu trong cái hư vô mờ mịt. Ðó là chưa kể những lo toan phức tạp trong cuộc sống thường nhật, những nuối tiếc quá khứ bao giờ cũng đẹp dù buồn hay vui. Ðặc biệt đối với những người con xa xứ, luôn canh cánh bên lòng những nỗi nhớ về nơi chôn nhao cắt rốn; có phải đêm giao thừa nghĩ nhiều đến những bạn bè quyến thuộc, giờ nầy đang quây quần vui hưởng sự thân thương đầm ấm của mùa xuân quê hương mà cảm thấy nhớ nhung ray rứt?

Tuy nhiên, dù cảnh vật tươi nhuận hay tàn phai, dù con người hạnh phúc hay đau khổ, mùa xuân cũng vẫn đến rồi đi theo luật tuần hoàn của vũ trụ. Xuân sanh – hạ trưởng – thu liễm – đông tàn. Con người thì tuần tự sinh-già-bịnh-chết. Thế giới vĩ mô biến đổi thành – trụ – hoại – không. Thế giới vi mô cũng lưu chuyển sanh diệt từng giây từng phút. Vô thường là chân lý ngàn đời, có ai thoát khỏi?

Democritus nói: “Hạnh phúc của tuổi trẻ là sức mạnh và vẻ đẹp. Hạnh phúc của tuổi già là trí tuệ và sự hưng thịnh”. Nhưng sức mạnh và vẻ đẹp sẽ dần dần suy giảm theo thời gian. Trí tuệ thế gian thu lượm từ trường học và trường đời chỉ có tính cách hạn cuộc tương đối. Sự hưng thịnh xem lại như một thoáng phù du, sớm còn tối mất. Ðó không phải là hạnh phúc muôn đời; cũng như mùa xuân nhân gian khi đến khi đi, không phải là mùa xuân miên viễn. Như vậy, chúng ta phải tìm hạnh phúc đích thực ở đâu, tìm mùa xuân bất diệt nơi nào?

Tuệ Trung Thượng Sĩ, một Thiền sư đời Trần có bài thơ như sau:

Thời tiết xoay vần xuân đến thu,
Cái già sồng sộc đã trên đầu.
Giàu sang ngó lại thơ tràng mộng,
Năm tháng mang theo chất hộc sầu.
Nẻo khổ vành xe lăn lóc khắp,
Sông yêu bọt nước mất còn đâu!
Trường đời nếu chẳng sờ lên mũi,
Ngàn thuở lương duyên chỉ bóng màu.

Thời tiết xoay vần bốn mùa thay đổi, thoáng chốc đã thấy tóc bạc đầy đầu. Nhìn lại công danh sự nghiệp cả đời ta tốn công gầy dựng, cũng chỉ như giấc mộng Nam Kha. Năm tháng trôi qua, mang đến cho đời ta nhiều buồn khổ hơn là vui sướng: khổ vì bệnh tật già nua, vì điều mong ước không đạt được, vì xa cách người thân… Tình yêu đôi lứa là tình cảm mãnh liệt nhất, nhưng có tình yêu nào hoàn toàn không có bất hòa hay thay đổi?

Những người có đạo đức thì cùng cố gắng xây đắp hạnh phúc gia đình, cùng giúp nhau thăng tiến về nghề nghiệp và thăng hoa trong đời sống tâm linh; nhưng cũng chỉ sống với nhau được vài mươi năm rồi kẻ còn người mất. Chưa nói đến những người ích kỷ chỉ biết sống cho mình, thì gia đình ấy chỉ toàn nỗi thống khổ triền miên. Do vậy, Thiền sư thấy rõ sự yêu thương ái luyến chỉ như bọt nước đầu ghềnh và là động cơ của bánh xe luân hồi sanh tử.

Mới đọc qua, ta thấy Ðạo Phật dường như bi quan yếm thế. Tất cả mọi thứ trên thế gian cho là quý giá như thân xác, công danh, tài sản… đều cho là vô thường, là hư giả. Nên có người vội cho rằng, Ðạo Phật là liều thuốc an thần cho kẻ chán đời thất chí, hay người già cả bệnh tật không còn ích lợi cho ai. Chúng ta còn năng lực hoạt động, còn có thể cống hiến tài sức của mình cho gia đình và xã hội, không thể nhìn đời bằng đôi kính màu đen như thế.

Thật ra, cái nhìn về vũ trụ và nhân sinh của Ðạo Phật là nhìn thẳng về thực tại, không trốn tránh sự thật. Người Phật tử chân chánh có nhiều cơ hội thấy sự vô thường giả tạm ấy rõ hơn ai hết. Có điều, chúng ta chấp nhận đó là quy luật tất yếu của đời sống. Còn Ðức Phật thì thấu rõ nguồn gốc của khổ đau và những phương pháp thoát khổ. Sau 49 ngày thiền định, Ngài đã tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Và bài thuyết pháp đầu tiên sau khi thành đạo, Ngài đã giảng về bốn sự thật:

1- Cuộc đời là khổ, trong đó nỗi khổ lớn nhất là luân chuyển vô cùng tận theo vòng sanh tử.
2- Nguyên nhân của nỗi đau khổ triền miên ấy.
3- Hạnh phúc chân thật muôn đời mà con người có thể đạt đến.
4- Những phương pháp thực tập để đạt được hạnh phúc chân thật.
Danh từ chuyên môn gọi là Tứ Diệu Ðế.

Ở đây, chúng ta không đi sâu vào giáo lý, vì có thể đọc được trong những quyển sách về Phật học căn bản. Hạnh phúc chân thực chỉ đạt được khi nào tâm ta không còn kiết sử phiền não tùy miên; và hạnh phúc ấy phải tìm nơi mãnh đất hiện tại.

Tự do trong nhà Phật là sự buông xả tột cùng mọi dính mắc buộc ràng vào người và cảnh. Nhờ công phu thiền tập, ta nhận diện và chuyển hóa được phiền não khổ đau, từng bước làm tâm ta yên tĩnh. Mặt hồ dậy sóng không thể phản chiếu cảnh vật, nhưng khi lặng yên, mọi sự vật cảnh tượng đều hiện bóng rõ ràng. Cũng vậy, nếu lặng yên mọi suy nghĩ toan tính, mọi ý niệm phân biệt nhị nguyên, ta mới có cơ hội tiếp cận với cái chân thật muôn đời.

Các vị Thiền sư ngộ đạo, không còn bị xáo trộn bởi bất cứ hoàn cảnh nào, dù tốt hay xấu. Các Ngài vẫn làm tròn trách nhiệm đối với mọi người, với xã hội, nhưng không vướng bận đến mọi thăng trầm vinh nhục của cuộc sống. Ðây mới là tinh thần của tự do đích thực. Hạnh phúc ấy không phải tìm ở nơi nào đó xa xôi, mà ở ngay trong tâm mỗi người. Ðiều này giải thích tại sao Nikos Kazanzaki khẳng định: “Dãi đất mới chỉ có trong lòng người”; Chúa cũng từng bảo: “Nước Chúa ở ngay trong chúng ta” (Le Royaume de Dieu est au dedans de nous); và câu “Phật tức tâm” hầu như là câu nói quen thuộc, chúng ta đã từng nghe không chỉ một lần!

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai.

Muôn vật hữu hình ắt hữu hoại, hoa có nở có tàn, người có sinh có tử. Chính trong cảnh héo úa tàn phai vẫn có một cành mai mãi mãi tươi thắm theo thời gian. Ðó là bất sanh bất diệt ngầm chứa trong mọi sinh diệt. Thiền sư đã nhận ra và hằng sống với nó, nên Ngài luôn ở trong mùa xuân bất diệt.

Bằng quan niệm sống tích cực nhập thế, ở trong đời mà vẫn vui với đạo, chúng ta hãy từ mùa xuân nhân gian mà nhận ra ý xuân bất diệt lồng lộng trong đất trời; từ muôn hoa tàn nở, từ mọi sự vô thường mà nhận ra hoa xuân chưa bao giờ héo úa. Cầu chúc chúng ta sống được với mùa xuân trong lòng mình và chan rãi hương xuân ấy cho người xung quanh, để hạnh phúc vĩnh cửu luôn tưới tẩm tâm hồn chúng ta, bây giờ và mãi mãi.

Thích Thông Huệ

Nguồn: thuvienhoasen

Chuyển đến trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10 11