Mùa Vu Lan Báo Hiếu

Trích đoạn Tùy Bút:

Như giọt sương rơi trên tóc Mẹ

Cư sĩ Liên Hoa

Ước vọng của Mẹ của Cha là gì, có phải chăng là những tấm lòng, đôi mắt dõi bước chân con trên bước đường làm người? Lời tâm tình chất ngất, đong đầy trong từng giọt nước mắt như những cơn mưa da diết chờ mong, đượm màu hy vọng.

*****

Xã hội đã thay đổi rất nhiều, bao nhiêu sự xáo trộn đang giăng bủa mọi người vào vòng xoáy của cuộc đời, để chụp giựt thời gian, tiền tài, danh vọng trước bao nghiệt ngả, khổ đau của những người chung quanh. Do nhu cầu vật chất, do đòi hỏi của cuồng vọng…chúng ta dễ quên đi những chất liệu làm nên con người sống có tình, có nghĩa, những yếu tố được nuôi dưỡng từ thưở lọt lòng mẹ … và đang bị chúng ta thu hẹp lại trong cái không gian nhỏ bé của đời mình, quên đời, quên người. Lương tâm, tình cảm, nhận thức yêu thương bị chai sạn, dẫn tâm trong mênh mông bể khổ, liên đới, ảnh hưỡng đến mọi người, cho xã hội. .

Vu  lan Báo Hiếu lại là chất liệu làm sống lại cái tâm hồn bị chai sạn, vô cảm trước những bất hạnh của người khác. Ý thức về Báo Hiếu, cũng là ý thức về trách nhiệm, san sẻ, nhẫn nhục, tình thương… Những yếu tố hình thành và đến từ tự tình cha mẹ, đem chúng ta sống trong chánh niệm, sẽ rửa sạch cái tâm ô nhiểm, để làm sáng lên tình yêu thương nhân bản, được định nghĩa là làm người.

tấm lòng mẹ là thơ, buồng chuối
là hương thơm chất ngất, chở đời con
là mộng đẹp cuộc đời con dấn buớc
là tình người, ngày tháng được chắt chiu 

nếu một khi mất mẹ, chắc con buồn
cánh hạc thân gầy, bầu trời bỗng vắng
gió nhẹ đưa về, sợ mắt con cay
con khóc mẹ, khóc lời xưa đã mất 

mẹ có biết không là con thuơng mẹ
thương bao lời mẹ dạy dỗ con thơ
thương những lúc, mẹ nhìn con khẻ nói
con ra sao, vẫn có mẹ đi cùng ……

Thưa bạn, tình mẹ nói hoài không hết, viết bao nhiêu cũng không đủ, vì đây là cái Tình cảm thiêng liêng. Có ai nắm được hương vị của tình mẹ, tiếng gọi mẹ vẫn là những điệp khúc muôn đời thật đẹp, tạo thành nền văn hoá sống hướng thượng của con người, cho con người được thành người. Nền văn hoá nhân bản nầy được nuôi sống từ cái tâm sáng của mỗi người có được ý thức, là những tế bào làm nên vẻ đẹp, rõ nét con người.

Do đó, khi đã là điều kiện để sống tình cảm, là hơi thở, là tấm lòng… thì văn hoá Vu Lan Báo Hiếu sẽ sống mãi với thời gian và không gian, vì bất cứ ai cũng đều được sanh ra từ cha mẹ, nên là con người có nhận thức, có suy tư, không ai lại không có tình cảm, có trái tim rung nhịp đập.

Đời sống là những gì ngắn hạn, vô thường, hữu hạn…Còn chúng ta là những người đi tìm những gì dài hạn, chân thường trong cái vô thường … đó là chân tâm bất sinh bất diệt, là trái tim bà mẹ.

Vu Lan ( Ullambana ) là như thế, không phải là khoảng ráp lại những mảnh vụn của thời gian, của tâm tình, của trái tim … nhưng Vu Lan là đất sống, được giải thoát, được « đảo huyền » khỏi ngục tù của vọng niệm, khổ đau và đem lại hơi ấm hạnh phúc cho con người và miên viễn tồn tại. . Đó là những hình ảnh cao đẹp như những bài thơ, êm ả, chân chất. mộc mạc, bình dị, ngọt ngào như cánh đồng lúa vàng, như là biển rộng với tiếng sóng rì rào hay như là nải chuối buồng cau, hoặc  là tất cả những gì cao đẹp nhất để nói đến tấm lòng của bà mẹ.

Hình ảnh của cha mẹ là bóng dáng nối dài của Tổ Tiên, tiếp nối đến các người con, thế hệ sau nầy và là nhịp cầu, biểu tượng sinh động của nhân loại, khi con người biết đến giá trị của tâm tình, của văn minh tâm linh của con người.…..

Sự xuất hiện của Đức Phật, qua tấm gương hiếu hạnh của Ngài lúc còn tại thế đối với cha mẹ hiện đời và nhiều đời, với hình ảnh của Ngài Lục Kiền Liên mang lòng hiếu đã tác động mạnh, đẹp tuyệt vời trên hành  trình cứu Mẹ…đã làm hiện sinh tinh thần nhân bản sinh động đầy tình người, nêu cao giá trị của tâm linh, tình cha mẹ, lòng người…

Thưa bạn, là người đi gom lời thơ, ghi lại tâm tình…vẫn ước mong ngày Lễ Vu Lan- Mùa Báo Hiếu được phổ cập khắp mọi nơi trên hành tinh nầy, vì đó biểu tượng cuộc sống thật đẹp, với tấm lòng của Đức Phật, nói lên Văn hoá tình người, nâng cao giá trí tấm lòng của Mẹ Cha, và để xác định rằng «mọi người, mọi loài đều có tánh Phật » dù mang màu da, sắc tộc hay bất cứ hình tướng nào».

Văn hoá đó không phải chỉ có giá trị trong một ngày, trong một mùa báo hiếu, mà là miên viễn khi con người còn nhận mình là người, ý thức được giá trị cao đẹp của con người…

Xin đừng hỏi tôi

đoá hoa hồng nào đẹp

là hồng non hay hồng trắng nỏn nà

muôn loài hoa có khoát áo mặn mà

vạn màu sắc còn chăng là hương vị

sẽ uá tàn theo ngày tháng vội qua

đã bao lần nâng cành hoa thưở đó

tìm lại màu thanh sắc của năm xưa

có còn chăng từng cánh nhạt phôi pha

rồi kết thành trái tim hồng của mẹ

không phai tàn, dù vượt sóng thiên thu

vì tim được nuôi bằng tấm lòng… mẹ…

          Thưa vâng, hoa hồng hay hoa hồng trắng, cũng chỉ là màu sắc của hoa, chỉ là biểu tượng đẹp để khơi lại tấm lòng, tình yêu cha mẹ, mà đôi khi trên vạn nẻo đường, trong cơn gió bụi, chúng ta đã để cho bụi thời gian phủ lấp, xoá nhoà, quên lãng. Hoa sẽ tàn, cánh hoa sẽ rụng, màu sắc hoa sẽ phôi pha … nhưng trong sự bất diệt, trong tấm lòng, trong tình thương, trong Muà Vu Lan Hiếu Hạnh, chúng ta lại có đoá hoa bất diệt toả sáng, ngập tràn tình yêu thương, đó là trái tim của Mẹ.

Với những ý kiến thiển cận, suy nghĩ đơn sơ, chân thành, xin được đem những suy tư, tư tuởng chân chất nầy dâng cúng đến Mùa Vu Lan như một tấm lòng chung Báo hiếu và cầu xin mọi người đều sống trong tinh thần nầy- không phải một ngày, hai ngày, mà là mãi mãi.

Cũng xin được dâng tặng đến mọi người .. đoá hoa được kết bằng trái tim của mẹ, như một sự chia sẻ thân tình, quí trọng, thân thương trong Mùa Lu Lan Báo Hiếu, để chúng ta cùng chung tắm mình trong hạnh phúc an lạc vô biên….

Viết xong lúc 12 giờ khuya

ngày 29.08.2009

Mùa Vu Lan Báo Hiếu

Summer 2013. (110)

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink. Post a comment or leave a trackback: Trackback URL.

Post a Comment

Your email is never published nor shared. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*
*