Vài dòng giới thiệu về cây Sala trong phạn ngữ
TS Huệ Dân
Trong Phật học, hình ảnh cây cối dường như lúc nào, nó cũng luôn dính liền với đời sống của Đức Phật Thích Ca, từ lúc đản sanh, cho đến khi giác ngộ và thời nhập diệt.
Cây xanh là một món quà của thiên nhiên trao tặng cho con người, từ thời kỳ sơ khai cho đến ngày hôm nay. Qua các thời kỳ phát triển của xã hội, cây xanh được con người sử dụng trong nhiều lãnh vực khác nhau như : Y học, Kiến trúc đô thị, Thực phẫm nuôi thân, Nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất, Tăng cường sinh khí cho nội thất, Thanh lọc ô nhiễm, Ngăn chặn tiếng ồn, Trang trí ; nhà ở, lăng miếu, đền thờ, tượng đài, văn phòng làm việc, nhà hàng, quán cà phê, khách sạn…
Cây xanh và rừng là lá phổi của trái đất và sự sống của con người. Trong thiên nhiên, cây xanh được sống và phát triển theo những điều kiện và các hoàn cảnh khác nhau để tồn tại và vươn lên. Do đó những hình dáng khác biệt của cây đã tạo thêm phần ý nghĩa trong cuộc sống của con người về mặt tâm linh, nhân bản, cũng như kỹ thuật và mỹ thuật.
Trong kỹ thuật trồng cây cảnh, người ta đã dùng con mắt thẩm mỹ trong việc tái tạo những hình dáng của cây theo các nét đẹp sẳn có do thiên nhiên sáng tạo để đạt đúng theo nhu cầu nghệ thuật.
Những hình dáng cơ bản của nghệ thuật uốn cây cảnh được biết như sau : Thẳng, Nghiêng, Hoành, Huyền. Cây là biểu trưng của phần không gian sống, bởi vì nó mang một tiến trình sinh trưởng thay đổi liên tục, qua sự tác hợp khác nhau của giới động vật, mà tạo thành hệ sinh thái để phát triển và cân bằng cho môi trường sống của tất cả vạn vật.
Cây xanh có hai bản tính Sống và Chết, giống như con người và cũng trãi qua những giai đoạn : Thành, Trụ, Hoại, Diệt, Không. Theo cái nhìn nhân cách hóa cây xanh được phân chia ra thành những thành phần khác nhau như thân thể con người. Rễ và gốc được xem là phần chân. Thân được biểu trưng cho phần mình của cơ thể. Cành và lá được tượng trưng cho phần tay. Ngọn được xem như là phần đầu. Hoa và trái được đặc trưng cho sự sinh sản.
Từ xưa cho tới bây giờ, cây xanh được trồng ở các làng quê cho đến thành thị, không chỉ lấy gỗ làm nhà, hay lấy bóng mát để giảm nhiệt cho những rừng bê tông hiện đại, khi trời bắt đầu vào hạ, mà còn là những chứng nhân trong lịch sử của nhân loại. Thí dụ như : Cây Đa (Ficus bengalensis), cây Gạo (Bombax ceiba), cây Sung (Ficus racemosa), cây Trà (Camellia sinensis, Thea bohea, Thea viridis), cây Dã hương hay Long não (Cinnamomum camphora), cây Thị hay Chi thị (Diospyros), cây Bàng (Terminalia catappa), cây Lộc vừng (Barringtonia acutangula), cây Sanh (Ficus benjamina)…
Sự đa dạng của các cây xanh không chỉ khác nhau trong thành phần loài, mà còn có sự phân biệt về tuổi thọ và ý nghĩa biểu trưng trong nghệ thuật. Theo cách chơi cây cảnh, người ta phân chia cây ra thành từng bộ riêng. Thí dụ Bộ tứ linh gồm có: Cây Đa (Ficus bengalensis), cây Sung (Ficus racemosa), cây Si (Ficus stricta), cây Sanh (Ficus benjamina). Bộ tứ quý có : Tùng (Pinus sylvestris), Cúc (Chrysanthenum), Trúc (Phyllostachys), Mai (Ochnaceae). Bộ tam bao gồm : Vạn tuế (Cycas revoluta), Lộc vừng (Barringtonia acutangula), Sung đang ra quả.
Mỗi cành cây đang vươn thân che mưa, nắng, hay từng chiếc lá đong đưa theo gió, hoặc những nụ hoa đang nở hiện diện trên con đường làng hay ngõ phố, là kỳ quan thiên nhiên không những mang lại giá trị thẩm mỹ trong tâm hồn của con người, mà còn là những phương tiện cải thiện môi trường sống rất tốt cho sức khoẻ của vạn vật đang sống trong thế giới này.
Từ khi con người biết đưa cây xanh trong thiên nhiên vào nhà, để tạo nên vẻ đẹp và tăng thêm bầu không khí ấm cúng, hay tươi mát cho nơi ở, thì nghệ thuật trồng cây cảnh được ra đời, bằng những ý tưởng tạo dáng khởi đầu, cho đến những kỹ thuật pha trộn đất, cắt rễ, quấn giây và cách nuôi dưỡng. Một nguồn vui thanh khiết mang đến từ những đứa con tinh thần, mà các nhà trồng cây phải trả một giá rất đắc, bằng nước, bằng tình thương tưới tẩm của chính họ.
Trong Phật học, hình ảnh cây cối dường như lúc nào, nó cũng luôn dính liền với đời sống của Đức Phật Thích Ca, từ lúc đản sanh, cho đến khi giác ngộ và thời nhập diệt.
Năm 563 trước công nguyên, trên đường về nhà cha mẹ để chuẩn bị sanh con đầu lòng, theo phong tục cổ của người Ấn độ, Hoàng hậu Mahamaya đã trở dạ và đản sanh Đức Phật tương lai dưới gốc cây Vô ưu (Ashoka, अशोक, Hán Việt phiên âm là : Vô Ưu Thọ, A thúc ca thọ, A thủ ca thọ.).
Sau 49 ngày ngồi thiền định dưới gốc một cây Bồ đề ở Bồ Ðề Ðạo Tràng (Bodh Gaya) qua lời nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Đức Phật đã đạt giác ngộ.
Qua 45 năm giảng dạy và 80 tuổi đời, Đức Phật Thích ca tịch diệt vào năm 483 trước công nguyên, tại cánh rừng Sàla.
Śāla शाल có gốc từ chữ śālā शाला . Śāla có nghĩa là ở nhà, và cũng là tên của một loại cây trong giới thực vật ở Ấn Độ. Theo Phật học, cây śāla शाल, là biểu trưng cho nơi an nghĩ cuối cùng của Đức Phật Thích Ca.
Śālā là thuật ngữ thuộc dạng nữ tính. Nó có những nghĩa được biết như sau : Túp lều, nhà, phòng, hội trường, phòng nghiên cứu, chuồng.
Cây Sala danh pháp khoa học là Shorea robusta, là một loài thực vật có hoa trong họ Dầu. Loài này được Gaertn. miêu tả đầu tiên năm 1805.
Sa la là loài cây đã nở hoa trái mùa tràn đầy cành lá; những cánh hoa Sala màu trắng ngà đã rơi xuống phủ trắng rừng để cúng dường kim thân Đức Phật lần cuối cùng trong khu rừng Usinara tại Câu Thi Na (Kusinārā), kinh đô của tiểu quốc Mallas, Ấn Độ cổ đại.
Hoa Sala nơi Phật nhập niết bàn tại khu rừng Usinara.
“Người cũng như hoa vẫn thường tại thế!”
Và theo kinh Đại Bổn Duyên, Trường A Hàm I, cội sa la là Đạo tràng chứng đắc Vô thượng giác của Đức Phật Tỳ Xá Bà. Kinh điển cũng ghi rằng, khu rừng sa la nơi Thế Tôn nhập diệt vì đau thương sầu thảm, khô héo và mang màu trắng như chim hạc, nên còn gọi là Hạc lâm. Đặc biệt là bốn cây Sa la song thọ gần nơi sàng tọa của Phật nằm lúc nhập diệt, mỗi cây chỉ có một nhánh khô héo, cành lá hoa đều rơi rụng nhưng nhánh kia vẫn xanh tốt và nở hoa trắng xóa. Bốn cây này được gọi là tứ khô tứ vinh thọ (bốn cây, mỗi cây có một nhánh sống và một nhánh chết). Song thọ* ở phương Đông tượng trưng cho Thường và Vô thường; song thọ ở phương Tây tượng trưng cho Ngã và Vô ngã; song thọ ở phương Nam tượng trưng cho Lạc và Bất lạc; song thọ ở phương Bắc tượng trưng cho Tịnh và Bất tịnh (Đại Niết Bàn kinh sớ, quyển 1).
(*Loài cây Sala có đặc điểm thường mọc thành hai nhánh lớn đều nhau, nhìn từ xa giống như hai cây nên gọi là song thọ.)
Chính hình ảnh của bốn cây Sa la “không phải sống mà cũng không phải chết” này đã nói lên sự thị hiện Niết bàn “sanh nhi bất sanh, diệt nhi bất diệt” của Thế Tôn. Niết bàn là vô sanh, bất diệt giữa muôn trùng sanh diệt. Bốn nhánh Sa la còn xanh tốt trong màu trắng tang thương của Hạc lâm biểu trưng cho bốn đức Niết bàn. Chính giữa vô thường biến chuyển mới làm sáng tỏ cái chân thường, vạn pháp không đối lập mà dung nhiếp; tuy hai mà một, tuy một mà hai. Vì vậy mà Thế Tôn đã chọn rừng Sa la làm nơi nhập diệt.
Như vậy, Sa la là cây thiêng (linh thọ) trong Phật giáo, giống như cây Bồ đề. Lúc ngài Huyền Trang đến Kusinàra chiêm bái, rừng sa la chỉ còn bốn cây, hiện nay còn hai cây là những chứng tích thiêng liêng.
Đức Phật đã chọn rừng cây Sa la để nhập diệt, bởi đó cũng là nơi mà bảy lần trong tiền kiếp Người đã nhập diệt. (Đức Phật nhập diệt ngày 15 Tháng 2 âm lịch.)
Như cây Bồ Đề trong Phật Giáo Đại Thừa, cây hoa Ðầu Lân thường trồng trong các sân chùa Nam Tông ở Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào và một số chùa Khmer Nam Bộ. Tín đồ Hindu Giáo Ấn Độ cũng xem cây hoa Ðầu Lân thiêng liêng và thường trồng nơi đền thờ thần Shiva. Do kết cấu cả chùm hoa trông giống rắn thần (naga), mỗi bông là đầu và miệng phùng mang che phần nhụy trung tâm có hình một lingam của thần Shiva và nhiều shivalingam nhỏ bao quanh, nên được gọi là Nagalingam hay “hoa Shivalingam”.
Hình tượng này làm ta liên hệ đến con rắn hổ mang chín đầu bảo vệ Đức Phật trong lúc ngài ngồi nhập định 49 ngày dưới cội cây bồ đề. Cũng có thể với ý nghĩa này nên Cây Ðầu Lân hay được trồng tại các khuôn viên của các chùa.
Cây đầu lân, còn gọi là ngọc kỳ lân, hàm rồng – tên khoa học là Couropita Guianensis, chi Couroupita, Họ Lecythidaceae Lộc vừng.
Có lẽ là do sự cấu kết tự nhiên của chùm hoa nhìn giống như hình cái Đầu lân, mà người ta dùng hình ảnh này đặt tên cho nó.
Trong giới chơi cây cảnh ở Việt Nam, cây Ngọc kỳ lân, Đầu lân hay cây Hàm rồng là loại cây, nhìn từ xa rất giống cây thông, hoa nở thường xuyên và tỏa mùi thơm rất dễ chịu. Do sự cấu kết tự nhiên của chùm hoa, mà trong đó mỗi hoa là đầu và miệng phùng mang che phần nhụy ở trung tâm, nhìn giống như hình con rắn thần (Nāga, नाग) trong những truyền thuyết của Ấn Độ cổ. नाग nāga có gốc từ động từ नग naga. Thân từ नाग nāga có những nghĩa được biết như sau : Con rắn, con rắn hổ mang. Trong huyền thoại Nāga được diễn đạt qua những hình ảnh như : Con rồng, Thần rắn, Vua rắn, Con cháu của Kasyapa và Kadru. Giống voi thần có cánh, hổ trợ với những đám mây mang lại sự thịnh vượng và khả năng sinh sản cho con người. Những người sống ở dưới lòng đất hay cõi âm. Tên của một trong 10 vùng tạo thành cõi Diêm phù.
नग naga là thuật ngữ được ghép là từ chữ na và thân kép gam. Naga có nghĩa : Bị bất động, Núi, Cây.
Động từ căn √ गम् , gam có nhiều nghĩa như sau : Đi, dẫn tới, cao tới, dành cho, hành động, tiến hành, tiến triển, có sức khỏe, chạy, hợp với, sắp, sắp sửa, sự đi, đường đi | Làm chuyển động, chuyển, lay động, thúc đẩy | Bước đi, giẫm lên, tiến tới, thuận theo, tin theo, dáng đi, đạp | Tác động đến, gặp, với tới, tới, đến, đạt đến | Trở thành, trở nên | Sa vào, rơi vào, rơi xuống | Thu được, giành được, đạt được | Chuốc lấy | Ra đi, khởi hành, xuất phát, xuất hiện, ló ra, bật ra, bung ra, khởi động, khởi đầu, mất đi, biến đi, phân chia | Biến đi, biến mất, mất | Sai đi, cử đi, phái đi, cho, ban, giáng, phát ra, ném, phóng, đẩy | Đi qua, lướt qua, lọt qua, chảy qua, được thông qua, được chấp nhận, phai lạt, tàn, úa, trôi qua, lỗi thời, hết, được diễn, được chiếu, được đi, được xuất phát, được bao gồm, chuyền, chuyển, trao, vượt qua, đưa vào, ghi vào, ký kết.
न na : Không, không phải là, không chỉ là.
Nāga cũng là một biểu trưng rất phổ biến trong các quốc gia Phật giáo của Châu Á, và tùy theo khái niệm truyền thống của các địa phương, mà Nāga được diễn đạt qua nhiều hình ảnh khác nhau, thí dụ như ở Tây tạng Nāga được xem như là Long Vương, bởi vì nó được nhân cách hóa như một nhân vật rất thông minh, sống ở dưới các đáy hồ hay các suối ngầm và có chức năng bảo vệ những kho tàng quý báu trong vũ trụ.
Người Trung Quốc xem Nāga là con rồng, một loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường, biết bay, mình của nó dài, có nhiều vẩy như cá, thân và đuôi giống như rắn, bờm sư tử, đùi cá sấu, móng vuốt cong như chim ưng và sừng dài như sừng của mấy con hươu. Trong phong tục tín ngưỡng linh vật của Trung Hoa và các nước Á Đông, người ta thường thấy những con vật khác nhau như : Long, Lân, Quy, Phụng.
Trên thực tế trong bốn con linh vật này, chỉ có con Rùa là con vật có thật và vẫn còn tồn tại nhiều nơi trên địa cầu. Ngoài những con rùa già to lớn của thế kỷ, còn có một số loài thằn lằn lớn nhất và dài nhất thế giới, đang sống trên các đảo của nước Indonesia. Những con thằn lằn khổng lồ này, thuộc họ kỳ đà, (Varanidae), chiều dài trung bình của nó khoảng chừng từ 2 cho đến 3 m. Loài bò sát thân to này được khoa học gọi là Varanus komodoensis và tiếng Việt tạm dịch là loài Rồng Komodo.
Bảng phân loại khoa học của Varanus komodoensis hay Rồng Komodo theo ý Việt.
Giới : Animalia.
Ngành : Chordata.
Lớp : Reptilia.
Bộ : Squamata.
Phân bộ : Sauria.
Họ : Varanidae.
Chi : Varanus.
Loài : V. komodoensis.
Trong các nền Văn hóa của các nước Châu Á, Rồng coi được là con vật linh thiêng, chiếm địa vị quan trọng trong việc tín ngưỡng, và trong các truyện thần thoại, các cổ vật hay tranh vẽ. Sức mạnh của Rồng được người ta so sánh với các yếu tố tạo lực phi thường của thiên nhiên, thường thấy như : Đất, Nước, Gió, Lửa, Đất, và 4 yếu tố này cũng là một trong những nền tảng cơ bản để tạo nên vũ trụ. Từ những hình dạng chuyển lực thay đổi bất thường khác nhau trong môi trường sinh hoạt của 4 yếu tố trên, mà người ta còn tưởng tượng ra nhiều loại Rồng khác nhau.
Thí dụ : Rồng Đất sống là loại Rồng sống trong những hang động sâu thẳm trên núi hay thung lũng. Rồng Nước là loại Rồng sống ở bờ biển hoặc dưới biển, đầm lầy. Rồng Lửa là loại Rồng sống ở các hang động của núi lửa. Rồng Gió là loại Rồng sống ở các vách đá, đỉnh núi cao.
Đối với nền Văn hóa Tây phương, người ta hình dung Rồng là một loài quái vật bò sát có sức mạnh thần kỳ, thân hình có vảy và cánh, đuôi dài, đầu có sừng, miệng phun ra lửa hoặc nước và biết bay. Da của nó rắn chắc không thứ vũ khí nào có thể sát thương nó được. Nó thường sống ở những nơi hẻo lánh mà người ta không đặt chân đến được, và được dùng làm biểu tượng cho sự ác và hung dữ.
Theo sinh vật học, qua những hình dáng và cách sinh sống của Rồng diễn tả trong những huyền thoại, thì người ta có khái niệm rằng đây có thể là hình ảnh của những con khủng long của thời kỳ tiền sử, hoặc những loài thằn lằn khổng lồ sống trong những hang động, vùng biển hay các thung lũng, hoặc những cánh rừng hoang dã…
Khủng long là từ Hán Việt được dịch ra từ chữ 恐龍 của Trung Hoa và nó có nghĩa là Rồng lớn. Khủng long là loài sinh vật khổng lồ, thuộc loại bò sát có xương sống. Nó có mặt trên trái đất, khoảng 230 triệu năm về trước, trong kỷ Tam Điệp, và ngày nay những bộ xương hóa thạch của chúng được cất giữ và trưng bày trong các viện bảo tàng quốc tế. Khủng long trong khoa học gọi là Dinosaurs, do Sir Richard Owen đặt ra, từ tiếng Hi Lạp. Dinosaurs là chữ ghép từ chữ δεινός (deinos) có nghĩa là kinh khủng và σαύρα (sauros) là thằn lằn. Dinosaurs là danh từ quốc tế hóa đầu tiên trong việc sử dụng để gọi tên những con bò sát thời cổ đại.
Trong những khía cạnh tôn giáo của người Á Đông, Rồng là một loại hình tượng linh thiêng, mà trong đó có chứa nhiều hàm đa dạng, ẩn, hiện qua những cái nhìn khác nhau. Thí dụ như : Tiết xuân phân thì Rồng bay lên trời, tiết Thu phân thì Rộng lặn sâu xuống đáy vực hay đứng trước sức mạnh thần kỳ của một hiện tượng thiên nhiên nào đó xảy ra trong cuộc sống, như bão tố, lũ lụt, núi lửa phun trào, động đất… gây sự sợ hãi cho con người, cho nên người ta thường nói đây là sự đang nổi giận của mấy con Rồng.
Rồng có thể là loài sinh vật có thật hay cũng có thể là một Thần vật do trí tưởng tượng của con người đặt ra, nhưng hình ảnh của nó đã in sâu trong nền Văn hóa của nhân loại từ xưa cho tới bây giờ. Lịch sử ra đời của Rồng có nhiều truyền thuyết khác nhau. Thí dụ như : Người Trung Hoa cho rằng sau khi Hoa Hạ thống nhất các bộ tộc trung nguyên đã kết hợp vật tổ của mình cùng với vật tổ của các bộ tộc đó thành con rồng, hay trong Long Sinh Cửu Phẩm, Rồng cũng được nhân cách hóa như con người qua những tên và các đặc tính khác nhau như sau :
Bị Hí hay Bá hạ, Bát phúc, Thạch long quy là đứa con đầu lòng của Rồng. Con vật này có thân của con rùa, đầu con rồng. Nó có sức mạnh chịu lực phi thường, cho nên nó thường được chạm khắc trang trí làm bệ đỡ cho các bệ đá, cột đá, bia đá… trong các đền đài, chùa chiền, lăng tẩm.
Li Vãn hay Si vẫn là đứa con thứ hai của Rồng. Con vật này có đầu rồng, miệng to, thân ngắn. Nó có chức năng chống hỏa hoạn, cho nên người ta thường hay chạm khắc hình của nó làm vật trang trí trên nóc các cung điện, đền chùa chiền…
Bồ Lao là đứa con thứ ba của Rồng. Con vật này có đặc tính thích âm thanh, cho nên người ta thường dùng hình ảnh của nó để đúc trên các quai chuông.
Bệ Ngạn hay Bệ lao, Hiến chương là đứa con thứ tư của Rồng. Con vật này có hình dáng giống như con cọp, răng nanh dài, sắc bén. Nó có tài biện luận giữ công bằng cho chân lý, cho nên người ta thường dùng hình ảnh của nó đặt ở cửa nhà lao hay các pháp đường, nhằm nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện.
Thao Thiết là đứa con thứ năm của Rồng. Con vật này có thân hình kỳ quặc với đôi mắt to, miệng rộng. Bản tính háu ăn, cho nên người ta thường dùng hình ảnh của nó đúc trên các đồ dùng của ẩm thực, nhằm nhắc nhở mọi người không nên ăn uống một cách tham lam vô độ.
Công Phúc là đứa con thứ sáu của Rồng. Con vật này có bản tính ưa thích nước, cho nên người ta thường dùng hình ảnh của nó làm các vật trang trí cho các công trình giao thông đường thủy như : Cầu cống, kinh, mương, thác, đập nước, bến tàu…
Nhai Xế là đứa con thứ bảy của Rồng. Con vật này có bản tính hung hăng, thường hay thịnh nộ và ham chém giết, cho nên người ta thường dùng hình ảnh của nó khắc trên các vũ khí chiến đấu nơi xa trường như : Đao, búa, kiếm, cung tên… Nhằm giúp cho các binh sĩ tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm nơi chiến trận.
Toan Nghê hay Kim nghê là đứa con thứ tám của Rồng. Con vật này có mình sư tử, đầu rồng, thích sự tĩnh lặng, cho nên người ta thường dùng hình ảnh của nó đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương.
Tiêu Đồ là đứa con thứ chín của Rồng. Con vật này có bản tính lười biếng, không thích người lạ xâm nhập vào lãnh địa của mình, cho nên người ta thường dùng hình ảnh của nó khắc trên những cánh cửa ra vào. Nhằm nhắc nhở mọi người trước khi vào nhà ai nên gõ cửa và nó cũng là biểu trưng bảo vệ an toàn cho nội thất.
Một huyền thoại khác của Trung Hoa cũng có đề cập đến ý nghĩa của chín con Rồng như sau :
Thần Long 神龍, là con Rồng coi về thời tiết.
Địa Long 地龍, là con Rồng coi về sông ngòi.
Thiên Long 天龍, là vua của các loài Rồng.
Ứng Long 應龍, là con Rồng hầu cận Hoàng Đế.
Hoàng Long 黄龍, là con Rồng không có sừng biểu tượng cho sự hiểu biết thông thái.
Bàn Long 蟠龍, là con Rồng trú ẩn ở dưới các hồ nước.
Cầu Long 虯龍, là con Rồng có sừng và có sức dũng mạnh phi thường.
Phục Tàng Long 伏藏龍, là con Rồng coi bảo vật dấu dưới đất.
Long Vương 龍王, là các con rồng làm chúa bốn biển.
Các di tích về con Rồng Việt Nam tuy còn khá ít. Nhưng con Rồng Việt Nam vẫn luôn mang bản sắc đặc biệt riêng của nó, so với những kiến trúc trang trí, hội họa của Trung Hoa và các quốc gia Á Châu khác.
Từ thời xa xưa, người Việt hay sống tại vùng sông nước, cho nên người ta thường tôn sùng các loài thủy vật bò sát: Thuồng luồng, ba ba, cá sấu … như những con vật linh thiêng. Cá sấu là con vật được thần thánh hóa thành con Giao Long. Trong bộ Lịch sử cổ đại Việt Nam của Ðào Duy có ghi : Giao long, là từ của người Hán tộc xưa dùng để gọi cho những con cá sấu (Alligator sinensis tên của một loài cá sấu Trung Hoa trong danh pháp khoa học), và người Việt thường gọi là Thuồng luồng. Trên thực tế, người ta lại xem thuồng luồng là một giống rắn khổng lồ sống ở nước, và hình như con vật này chưa có ai thấy bao giờ.
Thật ra con sấu không thuộc vào loài cá, mà là loài động vật bò sát lớn, có máu lạnh, ăn thịt, vừa sống dưới nước như cá và cũng sống trên bờ như các thú vật.
Bảng phân loại khoa học của con sấu Trung Hoa :
Giới : Animalia.
Ngành : Chordata.
Lớp : Sauropsida.
Bộ : Crocodilia.
Họ : Alligatoridae.
Chi : Alligator.
Loài : Alligator sinensis.
Kính bút
TS Huệ Dân
Web site : http://chua-phuoc-binh.com/
Vài hình ảnh về Cây Sala trong khu rừng Usinara tại Câu Thi Na (Kusinārā), kinh đô của tiểu quốc Mallas, Ấn Độ cổ đại; loài cây đã nở hoa trái mùa tràn đầy cành lá; những cánh hoa Sala màu trắng ngà đã rơi xuống phủ trắng rừng để cúng dường kim thân Đức Phật lần cuối cùng.
Lá cây Sala được kết thành dĩa tròn.
Photos: LSV tìm hiểu từ Internet.
Words: LSV tổng hợp từ Wiki & Internet
Tài liệu tham khảo:
♦ The National Gardening Association
♦ Wiki: Hoa Ngọc Kỳ Lân
♦ Các bài của TS Huệ Dân và Thầy T.T.T.