Chánh niệm đã bị pha nhạt?
Ông Gil Fronsdal đã từng xuất gia và tu tập theo dòng thiền Tào Động của Suzuki Roshi, và được Truyền Pháp (dharma transmission) vào năm 1995. Và ông cũng đã tu theo truyền thống Vipassana của Phật giáo Nguyên thuỷ, dưới sự hướng dẫn của ngài U Pandita. Từ năm 1990, Frondal trở thành vị thầy giáo thọ thường trú tại trung tâm thiền Insight Meditation Center tại Mid-Peninsula ở thành phố Redwood, California.
— oOo —
Hỏi: Trong thời đại ngày nay, mọi người từ các giám đốc doanh nghiệp cho đến những vận động viên thể thao, nhận thấy thực tập chánh niệm, hay thiền tập, mang lại cho họ nhiều lợi ích. Và thường thì đạo Phật lại hoàn toàn bị loại bỏ ra ngoài sự thực tập ấy. Ông thấy điều ấy có một sự nguy hại nào không? Ví dụ, có gì ngăn chặn một vị giám đốc một doanh nghiệp, CEO, thực tập chánh niệm như là một phương tiện giúp gia tăng lợi nhuận cho mình, thay vì một mục tiêu đạo đức hay từ bi nào khác?
Gil Fronsdal: Thật ra tôi cũng không chắc phải trả lời câu ấy như thế nào, nhưng ta hãy nhìn nó dưới khía cạnh này: đối với tôi thì thiền tập và thực tập chánh niệm là một phương pháp rất kỳ diệu và hiệu quả. Tôi rất vui khi thấy chúng đã giúp ích cho mọi người tùy theo nhu cầu của họ. Có rất nhiều người không quan tâm đến đạo Phật và họ cũng không đi theo con đường của Phật. Tôi cũng không có ý muốn thay đổi họ.
Điều mà tôi muốn làm đây là mang sự thực tập của đạo Phật đến với tất cả mọi người, mọi tầng lớp và giới thiệu sự ích lợi của nó có thể áp dụng cho mọi giới khác nhau.
Tôi thực tập theo tinh thần là giúp làm vơi bớt khổ đau cho người khác. Tôi không bao giờ từ chối bất cứ một ai đến với trung tâm của chúng tôi và muốn tiếp nhận những gì tôi có thể giúp được cho họ, như là: thiền tập, Phật pháp, một nơi ngồi thiền và một cộng đồng thực tập chung với nhau.
Một bên thì trung tâm của chúng tôi luôn chú tâm và hỗ trợ cho những người muốn hết lòng tu tập theo lời Phật dạy. Và một bên kia là cố gắng giúp đở cho những người trong các tầng lớp khác của xã hội. Họ là những người có những cuộc sống căng thẳng, có những khó khăn đối phó với cuộc sống, và rồi họ tình cờ có dịp tìm đến trung tâm của chúng tôi.
Và tôi rất hoan hỷ vì đã trao cho họ những phương thức thực tập mà có thể giúp ích được cho họ. Họ không nhất thiết phải trở thành những Phật tử. Nếu như họ chỉ muốn sống hạnh phúc hơn, tôi sẽ cố gắng giúp họ. Tôi cố gắng gặp họ trong hoàn cảnh của chính họ.
Người ta có thể than phiền về một thứ “Đạo Phật bị pha nhạt” (Buddhism lite), nhưng tôi có niềm tin vào sự thực tập chân chánh. Tôi có rất nhiều niềm tin vào trái tim của người khác. Tôi tin rằng trong chúng ta bao giờ cũng có một sự thúc đẩy sâu sắc, lúc nào cũng muốn đẩy ta đến giải thoát và một tình thương lớn.
Và khi ta giúp người khác một cách chân chánh, những tính thiện lành ấy tự chúng sẽ biểu hiện ra. Tôi không cần bắt họ phải quy y hoặc khuyến khích họ đi theo một chiều hướng nào đó. Cách hay nhất là ta giúp họ ngay trong chính hoàn cảnh của họ.
Nếu sự thực tập của họ quá ích kỷ, chỉ nghĩ cho cái lợi của mình, thì sớm muộn gì họ cũng sẽ bỏ cuộc hoặc nhận thấy được những giới hạn của sự ích kỷ ấy. Đến một lúc nào đó, ta không thể nào chỉ thực tập riêng cho chính mình được. Động cơ thúc đẩy chúng ta trên con đường tu tập, một phần cũng là vì tình thương đối với kẻ khác nữa.
Duy Nhiên phỏng dịch