Recent Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8,
♦ Hoc Kinh nối Bậc Thánh Nhân,
Tu hành sửa đổi lổi lầm tạo ra.
♦ Chắp tay câù nguyện chúng sanh
Ðược vui, lìa khổ, an lành cõi Nhơn.
♦ Hằng ngày quét sạch sân, si
Nuôi dưỡng hạt giống từ bi tu hành.
♦ Ngồi thiền tâm được tịnh thanh
Tâm viên ý mã lanh chanh mỗi giờ
♦ Nghĩ về kiếp sống vô thường
Ðời người có khác hạt sương lìa cành.
♦ Từ bi hoan hỷ mĩm cười,
Tình thương trang trãi khắp nơi, muôn loài.
♦ Minh châu, ngọc sáng linh lung
Biểu trưng Phật tánh,”tâm minh” mỗi người.
♦ Thiền, Mật, Tịnh Ðộ pháp môn
Cùng làm phương tiện viên (tròn) Phật Tâm.
Thơ: T.Trí Giải
“Một mai nào đó, ta nhận diện mình bị thời gian lão hóa, đôi vai gầy nặng trĩu ngôn ngữ thế nhân. Được hay mất, chuyện ấy bình thường như hoa-lá rụng, nhưng ta hãy để lại cho đời một chút dư hương thiền vị.” (HT. TQT.)-(phatgiaovietnamhaingoai)
An Dưỡng Cực Lạc
Pháp niệm Phật chú trọng ở lòng Tin và sự phát Nguyện .. hễ ai có lòng tin tuyệt đối và sự phát nguyện tha thiết thì dù người này niệm Phật chưa đạt đến nhất tâm vẫn có thế vãng sanh ! Giả sử người đã đạt được nhất tâm nhưng họ không có lòng tin sâu và nguyện tha thiết thì người này cũng không được vãng sanh .. Đây là lời phán định chắc như sắt của Tổ Ấn Quang vì thế không có lý do gì mà chúng ta nghi ngờ không tin cả !
Thường thấy người học Phật ngày nay phần nhiều chỉ chú trọng vào nhất tâm mà quên mất lòng tin và phát nguyện .. nếu vậy là bạn đã bỏ qua chổ cốt yếu nhất của pháp niệm Phật mất rồi. Ví như kẻ muốn mở cửa nhưng không dùng chìa khoá mà lại ra sức cạy cửa , đập ổ khoá thì đúng là thật mất công vô ích , rốt cuộc chẳng thể vào được bên trong , mà sức lực thì càng suy kiệt .. nếu chịu dùng chìa khoá có sẳn thì chẳng nhọc một tý sức lực nào mà vẫn có thể ung dung bước vào bên trong. Chỉ đều là bước vào một cánh cửa nhưng hai cách làm chênh lệch nhau rất nhiều. A Di Đà Phật .
HOÀN HẢO VÀ KHUYẾT ĐIỂM
Hai viên gạch lệch
Năm 1983: chúng tôi cạn kiệt khi mua xong đất làm tự viện mà còn thêm nợ nữa. Mảnh đất thật trơ trọi, không nhà cửa, một túp liều cũng không, Suốt mấy tuần lễ đầu chúng tôi phải ngủ trên cánh cửa cũ mua rẻ trong bãi phế liệu. Chúng tôi kê bốn góc gạch làm giường (dĩ nhiên làm gì có nệm – chúng tôi tu ở rừng mà!).
Sư cả được dành cho cánh cửa tốt nhứt bằng phẳng. Còn tôi có cánh cửa với cái lỗ bự xộn, chắc là cái lỗ của tay nắm. Tôi mừng thấy tay nắm đã được tháo gỡ, nhưng còn cái lỗ nằm chình ình giữa cánh cửa làm giường ngủ của tôi. Tôi đùa rằng bây giờ tôi không cần bước xuống giường để đi vô cầu tiểu nữa! Tuy nhiên sự thật là gió lùa qua lỗ hỏng đó nên nhiều đêm tôi nào có ngủ được.
Là sư nghèo đi xây tự viện, chúng tôi không có đủ tiền thuê thợ – chỉ nói tới vật liệu là thấy đủ ngán rồi. Vì thế tôi phải học xây cất, như, cách làm móng, cách đổ bê tông, cách xây gạch, cách lên mái, cách thiết kế hệ thống ống nước, v.v. Tôi phải học toàn bộ công việc. Lúc đời sống cư sĩ tôi chỉ biết lý thuyết vật lý và dạy ở trường trung học chớ có làm công việc tay chân nào đâu. Sau mấy năm dùi mài tôi tạm gọi có trong tay nghề khá và từng lập một đội ngũ mà tôi tạm gọi là đội BBC (Buddhist building Company, Công ty xây dựng Phật giáo). Tuy nhiên lúc bắt tay vào việc mới thấy không phải là dễ.
Xây gạch trông có vẻ rất dễ, chỉ có việc lót một bay hồ bên dưới rồi đặt viên gạch lên, gõ góc này vài cái, góc kia vài cái là xong, chứ có gì là khó. Nhưng không phải như vậy đâu. Lúc mới vô nghề tôi làm y như vậy nhưng hễ tôi gõ đầu này xuống thì đầu kia trồi lên, gõ đầu kia thì gạch bị đùa ra xéo xẹo. Tôi kéo gạch vô, cái góc tôi gõ lúc ban đầu nhô cao hơn. Mời bạn thử làm xem!
Là nhà sư tôi có thừ kiên nhẫn và thì giờ nên chi tôi cứ gò tới gò lui để công trình xây gạch được hoàn hảo; tôi không nề hà tốn công hay tốn thời gian. Cuối cùng tôi hoàn thành bức tường đầu tay và tôi bước lui đứng ngắm. Cũng ngay hàng thẳng lối đó chớ. Nhưng khi nhìn kỹ thì – ô – hô có 2 viên gạch méo xẹo trông rất dị hợm. Chúng là 2 “con sâu làm rầu nồi canh” chúng làm hỏng trọn bức tường!
Lúc đó hồ đã cứng rồi nên không sao kéo 2 viên gạch cho ngay ngắn lại được. Tôi trình sư cả xin bỏ bức tường ấy để xây lại – thậm chí làm cho nó mất xác luôn cũng nên. Làm mà hư nên tôi rất tức tối. Sư cả không cho, và bức tường đứng yên!
Hôm đưa khách đầu tiên đi tham quan khu chùa mới cất, tôi cố tránh bức tường gạch tôi xây. Tôi không muốn bất cứ ai nhìn thấy nó. Nhưng một ngày nọ khoảng 3, 4 tháng sau, có một vị khách nhìn thấy bức tường trong lúc đi bách bộ với tôi. Ông bất chợt khen:
“Ồ, bức tường đẹp quá!”
Ngạc nhiên, tôi nghĩ ông khách chắc đã bỏ quên mắt kiến trong xe hoặc mắt ông rất kém. Tôi bèn nói: “Thưa có 2 viên gạch lệch làm hỏng cả bức tường kìa!”
“Vâng tôi có thấy 2 viên gạch lệch đó. Nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch khác rất ngay ngắn.” Vị khách vừa nói vừa ra những lời làm thay đổi hẳn cái nhìn của tôi về bức tường, về tôi và về nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.
Tôi sững sờ. Trong hơn ba tháng qua, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những viên gạch khác trên bức tường, những viên gạch nổi bật cạnh viên gạch lệch. Bên trên, bên dưới, bên trái, bên phải của hai viên gạch ngay hàng thẳng lối rất đẹp mắt. Đã vậy, những viên gạch hoàn hảo có nhiều, rất nhiều so với hai viên gạch lệch đó. Trước đây mắt tôi chỉ tập trung vào 2 lỗi của mình mà không thấy được gì khác hơn. Đó là lý do tại sao tôi không muốn nhìn cũng như không muốn để người khác ghé mắt vào bức tường. Đó cũng chính là lý do tôi muốn phá hủy nó. Giờ thấy được những viên gạch đẹp rồi tôi không nghĩ nó không còn trông xấu xí nữa. Chính vì vậy mà vị khách mới khen “bức tường đẹp quá”. Bức tường ấy vẫn còn đứng vững đây sau hai mươi năm và tôi như không còn nhìn thấy có chút lỗi nào nữa cả.
Biết bao nhiêu người trong chúng ta đã dứt bỏ mối quan hệ của họ hoặc ly dị nhau bởi vì họ chỉ nhìn thấy “hai viên gạch lệch” nơi bạn họ. Biết bao nhiêu người trong chúng ta từng tuyệt vong, thậm chí từng nghĩ đến việc tự vẫn, bởi vì chúng ta chỉ nhìn thấy trong chúng ta “2 viên gạch lệch”. Sự thật có rất nhiều, rất nhiều viên gạch tốt, hoàn hảo ở bên trên, bên dưới, bên trái, bên phải của hai viên gạch ấy nhưng chúng ta chưa nhìn thấy mà thôi. Và mỗi lần nhìn chúng ta hay nhầm lẫn. Rồi chúng ta chỉ thấy toàn lỗi lầm, nghĩ chỉ có lỗi lầm, và muốn phá vỡ tất cả. Đáng buồn thay, nhiều lúc chúng ta đã lỡ đập vỡ “một bức tường đẹp!”
Tất cả chúng ta đều có hai viên gạch lệch, nhưng cũng có những viên gạch hoàn hảo, nhiều và rất nhiều so với những viên gạch lệch. Khi chúng ta nhận ra điều này thì sự việc không hẳn là xấu xa. Không những chúng ta có thể sống hòa với chính mình, kể cả những lỗi lầm của mình mà còn có thể sống vui với mọi người. Một tin vui cho các luật sư ly hôn, nhưng là tin tốt cho các bạn có gia đình. Phải không các bạn?
Như vậy “nét độc nhất vô nhị” trong nhà bạn có thể xuất phát từ những lỗi lầm xây cất. Cũng giống như vậy những gì bạn cho là lỗi của mình, của bạn mình, của cuộc đời nói chung có thể là những “nét độc nhứt vô nhị” làm phong phú thêm đoạn đời của bạn nếu bạn không đặt trọng tâm vào chúng.
Ta-bà cõi tạm Hóa-thành
Nguyện về Bão-sở niệm danh Di Ðà.
Việc gì làm rồi đã xong
Ở Thái Lan gió mùa thổi từ tháng Bảy đến tháng Mười. Trong suốt thời gian này tăng ni không du hành và gác lại mọi việc để chuyên tâm tu học và hành thiền. Chư vị vào “Mùa an cư kiết hạ” hay “Vassa”.
Cách nay vài năm dưới miền Nam Thái Lan có một sư cả – sư rất nổi tiếng – cho xây một hội trường mới trong ngôi lâm tự của Ngài. Vào mùa kiết hạ, Ngài cho ngừng mọi công tác xây cất và cho các thợ thuyền về nhà nghỉ ngơi hầu lâm tự được hoàn toàn yên tĩnh.
Ít hôm sau chùa có vị khách đến viếng. Nhìn thấy công trình dở dang, ông lên tiếng hỏi khi nào hội trường sẽ được hoàn tất. Không chút do dự, vị sư cả trả lời, “Hội trường xong rồi.”
“Thưa sư nói sao, xong rồi à?” Ông khách ngạc nhiên hỏi lại, “chưa có mái. Không cửa sổ. Gỗ và xi măng còn ngổn ngang. Bộ sư định để như vậy sao?”
Vị sư cả mỉm cười, ôn tồn đáp: “Việc nào rồi là đã xong”. Rồi sư vào trong ngồi thiền.
Đây là cách duy nhất để an cư kiết hạ hoặc nghỉ ngơi. Nếu không làm vậy, công việc của chúng ta không bao giờ chấm dứt.
Cái thanh thản của người ngốc
Tôi kể câu chuyện trên (Việc gì rồi là đã xong, số 3) với thính chúng khá đông ở Perth, trong ấy có 2 cha con nọ tham dự. Chuyện tôi kể hồi thứ sáu; qua chủ nhật tôi bị ông cha đến sân si. Lý do là tối hôm qua, thứ bảy, khi ông hỏi con mình: “Con đã làm bài xong chưa?” Nó tỉnh bơ trả lời: “Ba à, nhà sư Ajahn Brahm dạy hôm kia đằng chùa, cái gì làm là như xong” Rồi nó chào ông và dông mất.
Tuần sau đó tôi kể một câu chuyện khác.
Đa số nhà ở Úc đều có vườn, nhưng không mấy ai biết thưởng thức sự thanh thản trong vườn nhà. Đối với hầu hết sắm vườn để bị thêm việc. Tôi thường khuyến khích các chủ nhà làm vườn một chút cho đẹp thôi, hãy dành thời giờ cho mình, chăm sóc tâm mình bằng cách ngồi xuống và thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên.
Đám người ngốc thứ nhất nghĩ đây là một ý tưởng hay. Họ quyết định giải quyết hết mọi việc linh tinh trước rồi sau đó mới tự cho phép có chút thời gian thư giãn. Thế là họ đi cắt cỏ, tưới bông, cào lá, tỉa cành, quét lối đi,… chỉ làm “cho xong” một phần nhỏ các công việc “linh tinh” này là họ không còn chút thì giờ rỗi rãi nào nữa hết. Công việc họ không bao giờ là xong và họ không lúc nào là nhàn hạ. Bạn có bao giờ để ý rằng trong xã hội chúng ta – người phương Tây – phải chăng những người này “nghỉ ngơi thanh thản” chỉ thấy có trong nghĩa trang?
Đám người ngốc thứ hai nghĩ họ thông minh hơn đám trước. Họ gát cào cỏ cũng như thùng tưới qua một bên và ngồi ngoài vườn để đọc sách báo, kể cả tạp chí đăng nhiều hình ảnh bóng loáng của thiên nhiên. Nhưng đó là vui với tạp chí chớ nào phải tìm sự thanh thản trong vườn nhà!
Đám người ngốc thứ ba thì bỏ tất cả dụng cụ làm vườn, bỏ tạp chí, bỏ sách báo, bỏ luôn radio, họ chỉ ngồi trong sự yên tĩnh của khu vườn… được chừng hai giây! Sau đó họ bắt đầu suy tư, “Sân cỏ này rất cần được cắt, và các bụi cây kia rất cần được tỉa. Nếu không tưới các bông nọ, vài ngày nữa ắt chúng sẽ tàn. Có thể trồng một bụi dành dành ở góc vườn kia cho đẹp. À! Thêm một chậu nước cảnh cho chim tắm phía trước; mình có thể mua nó ở vườn ươm…” đó là vui với sự suy nghĩ và với kế hoạch chớ tâm có được thanh thản đâu!
.
Người làm vườn khôn khéo thì nghĩ, “Tôi đã làm việc đủ rồi, giờ là lúc tôi thưởng thức thành quả – tôi lặng tâm với sự yên tĩnh. Dầu sân cỏ cần được cắt, lá cần được cào .v.v… thây kệ, KHÔNG PHẢI LÀM BÂY GIỜ!. Như vậy chúng ta mới được gọi là sáng suốt, biết cách vui với ngôi vườn ngay cả khi không hoàn hảo.
Có thể có một lão sư người Nhật ẩn mình trong bụi rậm sẵn sàng bước ra và bảo rằng khu vườn bề bộn mới thật sự hoàn hảo. Thật vậy, nếu nhìn vào những việc mà chúng ta đã làm xong thay vì chú ý vào những việc chưa làm xong, chúng ta mới hiểu cái gì đã làm rồi coi như xong. Còn nếu chỉ tập trung chú ý vào sai sót khuyết điểm, những điều cần phải điều chỉnh cho thích hợp, như trường hợp bức tường trong chùa của tôi (xem chuyện “hai viên gạch lệch” số 1), thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thanh thản.
Người làm vườn khôn khéo có dịp hưởng mười lăm phút tĩnh lặng trong sự không hoàn hảo tuyệt đối của thiên nhiên; ông không suy nghĩ, không lên kế hoạch và cũng không cảm thấy tội lỗi. Chúng ta đáng được cái phép buông bỏ và đáng được hưởng một sự an tĩnh nào đó. Và người chung quanh ta cũng đáng được sống yên tĩnh ngoài sự xen xía của chúng ta! Sau khi đã tìm ra được mười lăm phút an tịnh và “cứu khổ” quan trọng đó rồi chúng ta hẳn tiếp tục làm vườn.
Khi biết cách tìm sự thanh thản như vậy trong ngôi vườn nhà, chúng ta sẽ biết cách tìm sự thanh thản bất cứ lúc nào và ở đâu. Đặc biệt chúng ta sẽ biết cách tìm sự thanh thản trong khu vườn tâm của chúng ta ngay lúc mà chúng ta có thể nghĩ rằng nó đang bận bịu với quá nhiều việc phải làm.
Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông
Chú tiểu thông minh
Một chú tiểu rất chăm chỉ lễ Phật, một hôm, trong giấc mộng, chú gặp đức Phật hiện về, chú tiểu vui mừng quỳ xuống đảnh lễ cung kính và lễ phép thưa:
– Con cầu Phật phù hộ những người thân cùng bạn hữu của con mãi mãi được khỏe mạnh và hạnh phúc.
Phật nói: – Ta chỉ cho 4 ngày thôi.
Chú tiểu: – Thế thì xin Phật cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong những ngày mùa xuân, những ngày mùa hè, những ngày mùa thu và những ngày mùa đông.
Phật nói: – Chỉ cho 3 ngày thôi.
Chú tiểu: – Nếu chỉ được 3 ngày thì con xin họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trong ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai.
Phật nói: – Chỉ cho 2 ngày thôi.
Chú tiểu: – Như vậy con xin cho họ được khỏe mạnh và hạnh phúc trọn ngày hôm nay và ngày mai.
Phật nói: – Chỉ cho 1 ngày thôi.
Chú tiểu: – Vâng, cũng được.
Phật thắc mắc hỏi: – Như vậy là ngày nào?
Chú tiểu đáp: – Con xin cho họ được mạnh khỏe và hạnh phúc từng ngày.
Phật mỉm cười nói: – Tốt lắm. Nhưng ông Phật trong giấc mộng của chú tiểu lại tiếp tục nói: – Ta chỉ cho con một phút thôi.
Chú tiểu trả lời :
– Bạch Phật, con chỉ xin một giây thôi. Đó là giây hiện tại.
Lời bàn:
Khoảnh khắc hiện tại là thời gian duy nhất mà cuộc sống trao tặng cho chúng ta, là thứ duy nhất mà ta có được để làm chủ cuộc đời mình.
Vì thế, sẽ thật là uổng phí nếu ta dành thời gian hiện tại để hồi tưởng về những ký ức đau buồn trong quá khứ hoặc lo lắng sợ hãi cho tương lai…
Khi hướng suy nghĩ và sự quan tâm của mình vào thời điểm hiện tại, chúng ta sẽ thoát khỏi những lo âu, phiền muộn và cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn.
Dùng thực tại của mình cống hiến cho đời những niềm vui, chẳng những chúng ta trở nên có ích với mọi người mà ngay cả chúng ta cũng không còn thì giờ để phiền muộn nữa.
Hoàng Long (theo “Truyện vui sau cửa chùa”)
http://chuaphuclam.com/index.php?/suc-khoe/chu-tieu-thong-minh.html
Tịnh Độ Hiện Tiền
Tịnh Độ cũng như Thiên Quốc có thể được thiết lập trong giờ phút hiện tại với từng hơi thở và bước chân chánh niệm. Năng lượng chánh niệm giúp ta trở về với con người thật của chính mình, qua đó ta có cơ hội tiếp xúc với sự sống đang có mặt trong ta và xung quanh ta.
Làng Mai
Ngoài kia, mặt trời đã ló dạng.
Ðẹp và rất ấm áp.
Sương mai vẫn còn phủ kín cả núi đồi,
Và vài chú chim đã cất tiếng hót…
Niềm Hạnh Phúc đến với Sư Tây Tạng Gốc Việt Nam
Nhà sư trẻ gốc Việt trở thành “Cao tăng” Tây Tạng. Lati Rinpoche, vị thầy được Ðức Ðạt Lai Lạt Ma giao nhiệm vụ dạy kèm các vị tái sinh, trong đó có Thầy Kusho Tenzin Drodon (Cậu Bé họ Phạm) . Đây là điều đặc biệt vì nhà sư là người đầu tiên rời Hoa Kỳ qua Ấn Độ xuống tóc trong một tu viện Tây Tạng vào dịp Tết Kỷ Mão 1999, khi mới 12 tuổi. Đặc biệt hơn nữa, đây là người Việt Nam đầu tiên được truyền thừa trong lịch sử hơn ngàn năm của Phật giáo Tây Tạng. Kusho Tenzin Drodon….
Xin xem tiếp trong: Sư Tây Tạng Gốc Việt Nam
Nguồn: Chùa Linh Sơn.
Vươn lên theo ánh ban mai
Sống an hòa giữa muôn loài.
Từ Hiếu
Từ và Hiếu là hai chất liệu không thể thiếu trong một con người xuất gia. Đúng vậy, sáng đem niềm vui cho người, chiều giúp người bớt khổ. Đó là kim chỉ nam của người con Phật. Mỗi ngày, ta nguyện tu tập để chuyển hóa khổ đau, chế tác hạnh phúc, an lạc nơi bản thân, rồi giúp đỡ gia đình, dòng họ và những người xung quanh thực tập theo đúng chánh pháp, để họ biết sống vui, sống hạnh phúc. Đó là cách thể hiện lòng hiếu, lòng từ đúng nghĩa .
Souce: Làng Mai
.
ĐI TÌM CHÂN LÝ
HT Thích Thanh TừBuổi nói chuyện này đề tài là: Tìm chân lý.Tất cả chư Tăng chúng ta đi tu để tìm cái gì? Đức Phật ngày xưa đi tu là đi tìm cái gì? Tìm chân lý. Nhưng chân lý là gì? Chân là chân thật, lý là lẽ, là lẽ thật. Lẽ thật đó ở hai lãnh vực: lẽ thật ở ngoài thiên nhiên, vũ trụ và lẽ thật nơi chính con người chúng ta.
Tìm lẽ thật ở ngoài thiên nhiên, vũ trụ là những hình thức hiện giờ các nhà khoa học đang thực hiện. Còn tìm lẽ thật nơi con người thì chính đức Phật đã thực hành, nên chúng ta nói đức Phật đi tìm chân lý.Tại sao nói đức Phật đi tìm chân lý? Trước hết phải hiểu tại sao đức Phật đi tu. Chắc ai cũng nhớ rằng Ngài chứng kiến cảnh sanh, già, bệnh, chết rồi đi tu. Nhưng Ngài chán nản mà đi tu hay là chứng kiến những cảnh đó Ngài có những quan niệm riêng nên mới đi tu? Nếu nói vì chán nản đi tu thì Ngài yếu ớt quá phải không? Đó không phải là tinh thần đi tìm chân lý. Cho nên chúng ta phải hiểu thấu đáo nguyên nhân đức Phật đi tu, rồi chúng ta mới hiểu được tường tận tại sao mình đi tu.
Đức Phật đi tu tức là đi tìm chân lý, Ngài thấy con người sanh ra lớn lên rồi già, bệnh, chết. Lớp đó qua rồi, lớp kế cũng vậy! Như thế cứ tiếp tục mãi mãi không có ai thoát khỏi sanh già bệnh chết. Nó là cái gì mà lôi cuốn người ta cứ tiếp tục như vậy không cưỡng lại được? Đó là một lý do khiến Ngài muốn tìm hiểu. Kế nữa, Ngài thấy nếu con người sanh ra rồi già bệnh chết, vậy có ai hay có phương tiện nào dứt khoát không còn bị lôi vào vòng sanh già bệnh chết đó nữa không? Đó là hai lý do khiến Ngài muốn tìm cho ra chân lý của kiếp người.
Như hiện giờ chúng ta ai cũng đinh ninh rằng theo luật thiên nhiên con người sanh ra rồi lớn lên, có gia đình con cái, lo cho con cái khôn lớn rồi già chết. Trước ông bà cha mẹ như vậy, sau con cái cháu chắt cũng đều như vậy. Cứ theo cái đà đó tiếp tục chấp nhận luật thiên nhiên ấy. Nhưng với đức Phật, Ngài không thấy như vậy. Ngài thắc mắc vì lý do nào mà con người phải sanh ra, rồi già bệnh chết? chết rồi ra sao nữa? Trước khi sanh ra mình là cái gì? sau khi chết mình là cái gì? có ai biết không? Rồi động cơ nào bắt mình sanh ra? Làm sao để dứt điểm không còn sanh ra nữa? Tất cả đều không ai biết.Đó là những vấn đề đức Phật phải đi tìm. Phăng tìm ra được là thấy chân lý của con người. Bởi lẽ đó nên Ngài đi tu, theo học mấy vị tiên. Vị trước nhất dạy Ngài tu đạt đến cảnh giới Vô sở hữu xứ, Ngài thấy chưa giải quyết được vấn đề thắc mắc nên từ giã ra đi. Tới vị kế dạy Ngài tu đạt đến cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng cũng chưa giải quyết được thắc mắc nên Ngài cũng từ giã ra đi.Cuối cùng, Ngài nghĩ phải chịu khổ hạnh quên cả thể xác này may ra mới có thể tìm được chân lý, cho nên Ngài tu khổ hạnh. Nhưng khổ hạnh cũng không giải quyết được, chỉ làm thân thể yếu đuối, tâm trí mờ mịt thêm, nên Ngài bỏ luôn khổ hạnh. Sau cùng Ngài phải sử dụng lý Trung đạo, tức là ăn mặc vừa đủ để tu cho trí tuệ sáng suốt. Đến đây, Ngài quyết định tới cội bồ-đề ngồi yên định để tự phăng tìm chân lý.Đây tôi kể sự giác ngộ đơn giản của Ngài cho quí vị thấy. Ngài ngồi tu dưới cội bồ-đề, đến đêm thứ bốn mươi chín, đầu hôm Ngài chứng được Túc mạng minh. Túc là đời trước, mạng là sanh mạng, minh là biết rõ. Trong kinh A-hàm Phật kể, khi Ngài chứng được Túc mạng minh, những việc của vô số kiếp về trước, nếu Ngài muốn nhớ sẽ nhớ rõ ràng như chuyện hôm qua, không sai chạy. Vì vậy đức Phật biết rằng Ngài đã từng sanh tử vô số kiếp, khi nơi này khi nơi kia. Những câu chuyện Phật kể lại cho đệ tử nghe được ghi chép thành hai bộ kinh Bản Sanh và Bản Sự trong A-hàm. Kinh ghi lại những đời trước của Ngài và các đệ tử đã từng làm gì, ở đâu, tạo ra nghiệp gì… Như vậy giải quyết được nghi vấn thứ nhất: “Trước khi có thân này ta là cái gì?”Đến canh ba Ngài chứng được Thiên nhãn minh, thấy rõ các nghiệp thiện ác, tốt xấu… dẫn dắt con người đi trong lục đạo luân hồi, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng. Trong kinh A-hàm, đức Phật diễn tả rõ như vậy. Thế là Ngài đã giải quyết được nghi vấn thứ hai: “Con người chết rồi sẽ đi đâu?” Ngài thấy rõ, chết rồi không phải hết mà theo nghiệp dẫn đi trong luân hồi lục đạo. Đức Phật chỉ quay lại mình, tìm cho ra manh mối con người, nhưng khi giải quyết xong vấn đề đó, Ngài lại giải quyết thêm những vấn đề khác. Phật thấy suốt cả vũ trụ, thiên nhiên. Thấy cái gì? Ngài thấy ngoài hành tinh chúng ta còn vô số vô lượng hành tinh khác, nên trong kinh Phật mới nói “hằng hà sa số thế giới”, nghĩa là thế giới nhiều như số cát sông Hằng. Đức Phật nhìn trong nước thấy vô số vi trùng, các pháp duyên hợp như thế nào, Ngài đều thấy rõ ràng.Cuối cùng, khi sao Mai mọc Ngài chứng được Lậu tận minh, tức là dứt hết các mầm rơi trong tam giới chịu sanh tử. Lậu là rơi rớt, tận là hết. Tới đó, Ngài dứt hết mầm sanh tử không còn rơi rớt trở lại nữa, gọi là giải thoát sanh tử. Như vậy, tới Lậu tận minh Ngài mới thấy rõ tại sao con người phải đi trong sanh tử và làm sao giải thoát sanh tử. Hai vấn đề này hết sức quan trọng. Cho nên sau khi ngộ đạo rồi Ngài đi thuyết pháp, bài pháp đầu tiên nói về Tứ đế, tức là bốn lẽ thật. Trước hết Phật chỉ ra các thứ khổ chúng sanh phải chịu, đó là Khổ đế. Tiếp đến Ngài nói nguyên nhân tạo thành quả khổ sanh tử, gọi là Tập đế. Rồi Phật chỉ chỗ dứt hết sanh tử là Diệt đế và làm cách nào để chấm dứt sanh tử, giải thoát luân hồi, đó là Đạo đế.Như vậy chỗ đạt đạo của Ngài là thấy rõ manh mối đưa con người vào sanh tử. Bản thân Ngài đã thoát ra khỏi, rồi nói lại rõ ràng cho chúng ta nghe. Như vậy, giải thoát sanh tử là không còn bị lôi kéo vào đường sanh tử nữa. Chính Tập đế là nghiệp nhân dẫn chúng sanh đi trong sanh tử. Nếu dứt nghiệp nhân thì giải thoát sanh tử, rõ ràng như ban ngày.
Đức Phật tới đó là đạt được chân lý. Ngài đạt được ở đâu? Thử trả lời coi. Nhiều người nói Ngài đạt chân lý ở dưới cội bồ-đề. Thật ra không phải. Ngài đạt chân lý ở chính nơi mình, thấy tường tận nơi mình từ khi chưa có mặt và sau khi thân này hoại, thấy rõ nhân nào tiếp tục tạo sanh tử, nhân nào dứt được sanh tử. Phật thấy rõ ràng tường tận như vậy, gọi là đạt được chân lý. Nếu tới cội bồ-đề đạt được chân lý thì bây giờ chúng ta chỉ cần tốn một ít tiền máy bay, qua Ấn Độ tới cội bồ-đề ngồi thiền, có đạt được không? Thành ra chân lý ở chính mình chớ không ở đâu ngoài.Còn bây giờ chúng ta tu là làm cái gì? Chúng ta đang đi tìm cái gì? Chúng ta đi tìm chân lý ở ngoài thiên nhiên, vũ trụ hay tìm chân lý nơi con người? Phải xác nhận chỗ làm, đường đi của mình cho rõ. Nhiều khi mấy chú không biết ngồi thiền làm gì, mỏi mê nhọc nhằn quá. Chúng ta phải hiểu tại sao mình làm việc đó. Qua sự chỉ dạy của đức Phật, chúng ta đã thấy rõ sanh tử nhân nơi nghiệp mà có. Tập đế chỉ cho tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, thuộc về ý nghiệp. Từ ý nghiệp phát ra khẩu nghiệp rồi thân nghiệp, tạo thành một dòng nghiệp, có sức mạnh dẫn chúng sanh đi trong luân hồi sanh tử. Vậy tuy nói ba nghiệp thân khẩu ý, nhưng thật tình căn cứ theo pháp Tứ đế, thì tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, sáu món căn bản phiền não là trọng tâm đưa mình đi trong luân hồi sanh tử. Trọng tâm đó thuộc về ý nghiệp. Như vậy, ý nghiệp là chủ động tạo nên sức mạnh dẫn chúng ta đi trong lục đạo luân hồi, tiếp tục đời này đời nọ liên miên không dứt. |
Chúng sanh luân hồi trong sáu đường, bây giờ mình chỉ ví dụ trường hợp được sanh làm người. Con người sanh ra sáu bảy chục năm rồi chết. Tiếp tục sanh ra sáu bảy chục năm rồi chết… cứ như vậy chừng một trăm lần, nếu chúng ta có thể nhớ lại được thì thấy khổ quá. Tại sao cứ sanh ra rồi đau đớn, già, chết? rồi lại sanh ra, đau, già, chết? Cứ làm hoài chuyện đó khổ sở không biết bao nhiêu. Cho nên trong kinh Phật dạy: Cái khổ bị uống nước đồng sôi, bị nuốt hoàn sắt nóng ở địa ngục chưa phải là khổ, làm trâu ngựa kéo cày kéo xe chưa phải là khổ, chỉ có kẻ si mê không biết lối đi mới là khổ. Vì si mê nên bị nghiệp dẫn cứ tiếp tục sanh tử không dừng, đó là khổ hơn hết.
Cho nên trọng tâm của đạo Phật là giải thoát sanh tử, tức là không bị lôi đi trong sanh tử nữa. Vậy mà có nhiều người nói không biết giải thoát cái gì, làm sao giải thoát? Tu thì tu mà không biết cái gốc đó.
Như vậy muốn giải thoát sanh tử phải dứt nghiệp. Muốn dứt nghiệp phải dừng ý. Nếu ý còn khởi tham, sân, si… ác kiến thì không bao giờ dứt nghiệp, dứt sanh tử. Vậy trọng tâm là ý nghiệp, Tập đế nằm ngay ý. Chúng ta mỗi ngày ba buổi ngồi thiền sáu giờ để làm gì? Để tìm chân lý. Chân lý không trên non cao, không ở ngoài biển cả, không ở trên trời xanh mà ở ngay nơi mình.
Muốn thấy được chân lý, chúng ta phải biết cái gì là động cơ làm mình mê tối. Dừng được động cơ đó thì chân lý hiện tiền, chớ không có gì lạ. Hiện giờ chúng ta khởi vọng tưởng là vọng tưởng về cái gì? Nhớ chuyện gần xa, chuyện hơn thua, phải quấy… Những thứ hào nhoáng, tạm bợ, sanh diệt liên tục không dừng, chợt có chợt không, không phải thật.
Như vậy, thân và tâm lâu nay chúng ta cho là mình, đều không phải chân lý của con người. Vậy mà chúng ta chấp nó làm mình, không bao giờ thấy được chân lý, nên cứ tiếp tục sanh diệt trầm luân, đời này đời nọ lên xuống không lường được. Tâm sanh diệt tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến là nhân tạo nghiệp ác. Thân sanh diệt vô thường mà cứ muốn được bền lâu, sung mãn nên tìm những thứ bồi bổ, thỏa mãn nó, tạo thành tội ác. Bám vào thân hư dối tưởng lầm là thật rồi dính mắc với sáu trần, tham sắc đẹp, vị ngon, mùi thơm… Lại bám vào tâm sanh diệt tạm bợ tưởng là thật rồi tạo bao nhiêu tội lỗi. Bây giờ thấy rõ ràng hai thứ đó không thật, giả biết giả, là thấy được một phần chân lý, là người biết đúng. Rồi chừng nào thật biết thật, đó là thấy được chân lý.
Thấy rõ như vậy rồi, chúng ta phải làm sao? Bây giờ ngồi tu quí vị nhìn lại thân này biết rõ nó thật hay không thật? Nói mạnh thử coi!
– Dạ, không thật.
– Ờ, rồi cái tâm lăng xăng thật hay không thật?
– Dạ, không thật.Hai cái đều không thật nên đừng chấp nó. Không thật mà chấp là si mê. Còn không thật biết không thật, đó là trí tuệ Bát-nhã “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Như vậy, trí tuệ là thấy thân này và những vọng tưởng hư dối không thật. Đó là một bước tiến đến gần chân lý cứu kính. Nếu thấy không thật mà ôm giữ là vô minh. Bây giờ thấy không thật, buông xả không theo là trí tuệ. Như vậy tu là sao? Là thấy đúng như thật về thân và tâm, nhận định rõ ràng hai thứ đó hư dối không thật, tạo nghiệp sanh tử, nên không ôm ấp, bám víu, không cố giữ, đó là chúng ta đã tiến một bước. Cho nên nói cửa thiền là cửa không. Biết thân này và những tâm niệm không thật là bước vào cửa không rồi.Quí vị thấy đó là lẽ thật không nghi ngờ. Thân này hiện giờ ai cũng quí trọng, nhưng nó có thật đáng quí không? Giả sử người mình thương nhất đã chết bảy ngày không liệm không chôn, mình muốn tới gần thi hài đó thì phải sao? Phải bịt mũi. Như vậy thân của người bình thường mình thương, tới chừng đó mình gớm và sợ, thân của mình người khác có thương, mai kia mình chết bảy ngày họ cũng gớm, cũng sợ. Cái thứ không thật nên khi bại hoại nó ghê gớm nhớp nhúa như vậy, rõ ràng là hiện tượng đáng chán, đáng nhờm. Vậy mà chúng ta mê say, có phải là ngu si điên đảo không? ngu si điên đảo đến cỡ nào?Rõ ràng thân là tướng hư dối, tạm bợ, nhớp nhúa mà mình lại bảo vệ nó. Rồi lại còn tìm những người khác để thương nữa, thương cái hôi thúi đó. Cho nên đức Phật, khi có mấy kiều nữ tới dụ dỗ, Ngài nói: “Đi! cái đãy da hôi thúi, ta không dùng!” Còn mình đây, thấy cái đãy da đó đẹp như tiên, chỉ nghĩ đẹp như tiên mà không biết nó là đãy da hôi thúi. Tức là thấy cái dáng ở ngoài, được che phủ bằng quần áo, son phấn, rồi quên mất bản chất của nó.Như chúng ta bây giờ, sáng súc miệng rửa mặt sạch sẽ thấy dễ coi, nếu một ngày một đêm thức dậy không súc miệng rửa mặt, nói chuyện có ai chịu nổi không? Nó là cái gốc bẩn thỉu, hôi thúi mà chúng ta lại tưởng là quí, sống trong ảo tưởng không thật. Chúng ta tu là tìm lẽ thật, lẽ thật nơi con người chớ không phải ở bên ngoài. Nếu chúng ta biết rõ thân này và tâm vọng tưởng đều không thật thì không bám chấp vào thân, đồng thời buông xả được cái chấp vọng tưởng.
Bây giờ tôi hỏi quí vị, như mình đi một khoảng đường từ đây qua bên kia, trong khi đi không khởi nghĩ gì hết, mình có thấy đường đi, có biết bước chân đi và có nghe những tiếng động bên ngoài không? Không khởi niệm mà mình vẫn thấy đường, vẫn biết đi, vẫn nghe những âm thanh bên ngoài. Như vậy cái gì nghe? cái gì đi? cái gì thấy?Nếu nói ý niệm là mình, lúc không có nó cái gì hướng dẫn đi, cái gì nhìn thấy đường, cái gì nghe tất cả chung quanh? Chỗ đó Tổ Lâm Tế nói: “Chính trước mặt các ông hiện đang nghe pháp ấy vậy.” Khi đang nghe giảng pháp mình không suy nghĩ, chỉ nghe thôi. Nếu cho ý niệm là mình, lúc không suy nghĩ đâu có mình. Như vậy thì ai đang nghe? Ngài chỉ quá rõ, phải không? Ai đang nghe? Cái nghe đó không dấy niệm, tức là không động, không tạo nghiệp thấy, nghe, biết rõ ràng mà không dấy niệm, tức không có tham, sân, si thì có cái gì tạo nghiệp? Nếu chúng ta sống với cái thật đó, lúc nhắm mắt có còn luân hồi không? Như vậy, ý niệm chợt có, chợt không là giả dối. Còn cái biết thấy, biết nghe đó hằng hữu, làm sao giả dối được! Vậy mà chúng ta cứ nhớ cái chợt có chợt không mà quên cái hằng hữu.
Nhưng cái hằng hữu đó ở đâu? Ở ngay nơi mình, cho nên chư Tổ nói “dưới chân ông” hoặc “trước mắt ông”. Chỉ nói bao nhiêu thôi, không chỉ chỗ nào, cứ nhìn lại dưới chân mình. Như vậy cái đó có sẵn nơi mình. Nhất là khi chúng ta ngồi thiền, tâm nghĩ suy lặng đi, mắt vẫn thấy tai vẫn nghe, sự sống trong thân, từng bộ phận biến động thế nào mình biết rõ. Biết tất cả mà không nghĩ suy, đó không phải là cái biết của sanh diệt. Như vậy ai cũng có cái đó. Mà cái đó ở đâu? Ngay đây rõ ràng! Nên ngài Huyền Giác có nói: “Bất ly đương xứ thường trạm nhiên. Mích tức tri quân bất khả kiến.” Không rời chỗ này mà thường lặng lẽ, hễ khởi niệm tìm nó thì không thể gặp. Như vậy chư Tổ đã nói quá rõ.
Cái hằng tỉnh hằng giác mà không dấy niệm đó tên gì? là người, trời hay là gì? Chỗ này đa số người thắc mắc. Đức Phật nói tu dứt hết mầm sanh tử thì được giải thoát. Hỏi cái gì giải thoát sanh tử, Ngài không nói. Tại sao vậy? Vì nếu nói con người giải thoát sanh tử thì không đúng. Vì người là một trong lục đạo, còn cái đó không thuộc về lục đạo. Lục đạo là nghiệp mà cái đó không phải nghiệp. Nói trời cũng không được, vì trời cũng còn trong lục đạo. Vậy nói nó là cái gì? Chỉ nói giải thoát, nghĩa là không còn bị dẫn đi trong sanh tử nữa.
Hiện giờ chúng ta thấy nơi mình có hai cái: một cái sanh diệt tạo nghiệp và một cái không sanh diệt, không tạo nghiệp. Nếu theo sanh diệt tạo nghiệp thì bị dẫn đi trong lục đạo, còn sống với cái không sanh diệt sẽ không tạo nghiệp, tức là giải thoát, không còn bị lôi dẫn trong luân hồi nữa. Đã gọi giải thoát sanh tử thì còn có tên không? Bởi vì nó không đi trong lục đạo, nào biết gọi tên gì! Nó luôn sẵn có nhưng không có tên, cho nên các Tổ thường gọi là “cái không tên”.
Một hôm, Lục Tổ bảo đại chúng:
– Ta có một vật không đầu, không đuôi, không tên, không họ, không lưng, không mặt, các ngươi biết chăng?
Ngài Thần Hội bước ra thưa:
– Ấy là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.
Tổ bảo:
– Đã nói với các ngươi là không tên, không họ, ngươi lại kêu là bản nguyên, Phật tánh; ngươi lại đi lấy tranh che đầu cũng chỉ thành tông đồ của hàng tri giải.
Như vậy, tên chỉ là cái chúng ta gán đặt. Hiểu vậy mới thấy rõ chỗ tu của mình. Rõ ràng bên đây là giải thoát không tạo nghiệp, bên kia là sanh tử tạo nghiệp. Bây giờ biết cái kia tạo nghiệp đừng theo thì cái thật hiện tiền, tức không còn bị sanh tử nữa, đó là tu. Rõ ràng như ban ngày.
Còn tiếp tục theo niệm là còn đi trong sanh tử. Theo niệm thì có hai bên: tốt hoặc xấu, thương hoặc ghét… Đó là nhân tham sân si, theo nó thì phải đi trong luân hồi, không nghi ngờ gì nữa. Còn nếu không theo, niệm lặng cái chân thật hiện tiền. Ở đây có người nào thiếu không? Không ai thiếu thì có người nào tu không được? Như vậy ai cũng có quyền đạt đến chỗ đó, nhưng nếu không chịu buông hết ý niệm sẽ không bao giờ thấy.
Tôi ví dụ như dùng một tấm vải trắng làm phông để chiếu bóng. Khi rọi hình lên, chúng ta lo nhìn hình bóng, quên không thấy tấm vải. Chừng nào hình bóng không còn, mình mới thấy tấm vải. Cũng như vậy, khi các niệm dấy khởi, nếu chúng ta theo nó thì sẽ không bao giờ thấy cái thể thật lặng lẽ thầm kín ở trong. Khi niệm lặng, thể chân thật hiện tiền.
Như khi tôi ngồi thiền khuya, muỗi cắn chân bị ngứa. Tôi cảm thấy ngứa ở mặt dưới chân, đầu gối hơi đau, nhưng ngứa đó không phải là tôi, vì tôi biết nó.
Cái đầu gối đau cũng không phải là tôi, vì tôi biết đau. Quí vị ngồi lâu tâm an, biết rõ từng mạch máu đang nhảy, thấy rõ ràng con người mình, tự nhiên cái thật hiển hiện không khuất, không mờ bao giờ.
Bởi vậy tôi thấy tội nghiệp mọi người quá, tại sao không chịu nhìn lại mình, không biết gì về mình hết. Vậy nên hôm nay tôi nói chuyện với tất cả quí vị, vì tôi thấy cái thật rõ ràng mà không ai chịu tin, không chịu thấy, cứ ở trong cái điên đảo chạy ngược chạy xuôi, buồn giận, thương ghét đủ thứ chuyện phiền nhiễu khổ đau.
Khi chúng ta thương ai, nhớ đến người đó mình hơi vui vui, còn nhớ tới người mình ghét thì buồn. Như vậy sẽ có khổ vui khi có niệm yêu ghét, phải không? Ở đời luôn luôn có khổ là có vui, ngược lại có vui liền có khổ. Thí dụ có bà con thương mến ở xa về, chúng ta mừng vui được hai ba ngày rồi họ đi. Lúc họ đi chúng ta thấy buồn. Như vậy có vui là có buồn, cuộc đời vốn như vậy, luôn luôn thay đổi không dừng trong dòng vui khổ lẫn lộn không hề an ổn. Còn khi chúng ta không nhớ nghĩ chuyện gì, tâm mình thản nhiên tự tại.
Lúc đó không vui không buồn mà gương mặt lại tươi. Bởi vì sống với cái thật thì đâu còn đối đãi, đã không đối đãi thì đâu còn đau khổ. Đây là chỗ tột cùng mà chúng ta phải đến.
CHUYỆN NỒI CƠM CỦA KHỔNG TỬ
Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng TửTrong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.
Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …
Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
Source: hoavouu.
Lợi Ích khi học Ðạo của Phật
Xin trích dẫn một số đại ý như sau :
.
1) Tư tưởng của bạn được giải phóng.
2) Bạn không còn phải sợ hãi thần linh nữa.
3) Khi phát huy hết năng lực của Trí Tuệ, không còn bi lụy, khóc than, cầu xin, van vái, quỵ lụy ai, bạn là người Tự Lập và Độc Lập.
4) Bạn bình đẳng với muôn loài.
5) Bạn sẽ là quán quân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thú vật do lòng Từ Bi.
6) Giàu có bạn cũng sung sướng. Nghèo túng bạn vẫn vui. Nghĩa là bạn sẽ vui vẻ trong mọi hoàn cảnh.
7) Bạn không xâm hại ai, chiếm đoạt của ai, sống an vui với tất cả mọi người. Bạn là quán quân góp phần vào việc giữ gìn hòa bình thế giới.
8) Bạn không thấy cuộc đời này là nhàm chán, vô vị. Chắc chắn bạn yêu mến cuộc sống, nhưng cũng không sợ Chết.
9) Bạn là người cao thượng trong tinh thần biết giúp đỡ và an ủi người khác.
Cuối cùng điều bạn cần nhớ là Đạo Phật không phải là đạo đổi chác, không phải là đạo ban bố phép mầu, không phải là đạo hứa hẹn.
Sự giải thoát, nguồn hạnh phúc do Đạo Phật, thực ra do chính bạn đem lại – có thể thực chứng ngay kiếp này, ngay bây giờ không phải đợi chết đi mới có.
Ðạo của Phật là đạo của Trí Tuệ, Từ Bi và Lòng Dũng Cảm. Đó là ba trụ cột giúp cho chúng ta thoát khỏi thân phận nghiệt ngã, cay đắng của kiếp người rồi vươn lên sống ung dung tự tại, và có ý nghĩa.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Nguồn: ChùaTựTâm
.
ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐẠO PHẬT
Hỏi:
Ðạo Phật có gì khác biệt với các tôn giáo khác không?
Đáp:
– Đạo Phật có sáu điểm khác biệt với các tôn giáo khác.
Bởi đạo Phật là:
1/ Một tôn giáo không quyền lực.
2/ Một tôn giáo không chủ trương hình thức, nghi lễ.
3/ Một tôn giáo không tính toán, suy lường.
4/ Một tôn giáo không tập tục giáo điều.
5/ Một tôn giáo không thần bí.
6/ Một tôn giáo không có khái niệm về quyền tối thượng và ân điển của một đấng Thượng-đế.
Một người hỏi Phật:
“Ngài có phải là Thượng Ðế không?”.
Ðức Phật trả lời: “Không”.
“Là một Thiên Thần?” – “Không”.
“Là một Phi nhân?” – “Không”.
“Vậy Ngài là người thế nào?”.
Ðức Phật đáp:
“ Như Lai là người đã Giác ngộ, là Đạo Sư”.
Câu trả lời của Ðức Phật đã trở thành danh hiệu của Ngài,
chúng ta hay xưng tán Ngài câu: ” Thiên Nhân chi Đạo Sư”, bậc THẦY của cả trời, người là vậy.
Hỏi:
Vậy Đức Phật giác ngộ cái gì?
Đáp:
Sau bốn mươi chín ngày thiền định dưới cội bồ đề, Đức Phật đã tự thân chứng nghiệm Nguyên lý Duyên khởi, thấu rõ bản chất duyên hợp và mối quan hệ hỗ tương của mọi sự vật hiện tượng nhân sinh và vũ trụ.
Nguyên lý duyên khởi nói rằng, tất cả hiện hữu trong thế giới bao la mênh mông này, không một hiện hữu nào có thể tồn tại một cách độc lập mà không nương tựa vào nhau. Sự nương tựa và tùy thuộc nhau để hình thành và tồn tại…vv, đó là nguyên lý vận hành của vũ trụ và nhân sinh.
Ai hay trong một tách trà
Có hồ sen ngát mượt mà dâng hương…
(Như Nhiên)
Namo Buddhaya
__(())_