Đóng góp gì cho đời

Đóng góp gì cho đời

Ngày xưa khi đọc kinh, tôi thấy ở cuối kinh thường có một đoạn kể lại, sau khi Phật nói xong có bao nhiêu người đắc được quả này, và bao nhiêu người chứng được quả kia.

Người ta giải thích rằng, vì trong thời Phật những người ấy là những bậc có căn cơ tốt, nghiệp quả ít, vì vậy sau khi nghe Phật giảng xong họ được chứng đắc rất dễ dàng.

Còn chúng ta ngày nay nghiệp còn nặng, quả còn dày, nên học bao nhiêu kinh sách vẫn chưa thấy gì. Có lẽ là vậy! Nhưng tôi nghĩ cũng có thể là vì các vị ấy được lắng nghe từ chính đức Phật! Dáng ngồi, bước chân, sự thinh lặng, con người của Phật, tự đó cũng đã là một bài pháp thoại hùng tráng đầy năng lượng chuyển hóa rồi.

Năng lượng của tự thân

Tôi nghĩ, những người đến nghe có được một sự chuyển hóa lớn một phần là nhờ vào lời giảng dạy, mà một phần cũng là nhờ ở chính con người của Phật. Cái năng lượng sự có mặt của Ngài khiến cho người nghe có một niềm tin và một thay đổi lớn.

Trong kinh có kể, có một vị vua đến xin quy y với Phật và ông ta thưa rằng: “Con chưa biết Ngài dạy những gì, nhưng con nhìn cách đi, đứng, hành xử của tăng đoàn của Ngài mà con có lòng tin sâu xa vào giáo lý của Ngài, nên con xin được quy y.” Thuở xưa các vị đến nghe Phật giảng và được chuyển hóa tức thì, tôi nghĩ, cũng có thể nhờ kinh nghiệm ấy.

Và có lẽ trong cuộc đời này, chúng ta cũng cần những người thực chứng, những con người an lạc, có tình thương và hiểu biết lớn, hơn là cần thêm một pháp môn mới nào khác phải không bạn?

Bạn nghĩ sao, cuộc đời này đang cần những gì, để mọi người có được hạnh phúc hơn, xã hội được an ổn hơn, cho dòng suối được trong mát hơn? Chúng ta có thật sự cần thêm nhiều những người tài giỏi để đóng góp cho một nền kinh tế phồn thịnh hơn, hoặc xây dựng một xã hội với những kỹ thuật tân tiến hơn không? Tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta đã và đang có rất nhiều những nhân tài có đầy đủ khả năng trong mọi lãnh vực rồi. Nhưng điều ta cần không phải chỉ là tài năng thôi. Ta cần những người có sự an tĩnh, biết cởi mở và lắng nghe, ta cần những con người có hạnh phúc.

Thế nào là hạnh phúc?

Tôi không nghĩ đạo Phật dạy chúng ta phải từ bỏ hết những niềm vui hoặc đời sống của một xã hội phú cường. Đức Phật chỉ nhắc nhở chúng ta hãy ngồi xuống và nhìn lại xem thế nào là một chân hạnh phúc và thế nào là một xã hội phú cường. Có những hạnh phúc mà ta bỏ cả đời mình ra để tìm kiếm, tranh giành, để rồi một ngày nào đó khám phá ra rằng chúng chỉ là một ảo tưởng. Hãy nhìn lại đời sống trong xã hội Tây phương ngày nay, tất cả có như những gì chúng ta nghĩ tưởng không?

Mấy năm trước có một Sư cô từ Việt Nam qua đây thăm. Cô kể rằng mấy ngày đầu cô nhận thấy đời sống bên này quá đầy đủ, có hết tất cả mọi thứ, và cô tự hỏi không biết chúng tôi có còn thiếu thốn bất cứ điều gì không! Nhưng sau một thời gian cô nhận thấy rằng, thật ra chúng tôi có đầy đủ hết, nhưng duy một điều chúng tôi không ai có đủ là thời giờ.

Cô bảo rằng, chúng tôi có nhà to lớn nhưng không có thì giờ để ở, có thật nhiều quần áo đẹp nhưng không có dịp để mặc, thực phẩm thì không thiếu trong tủ lạnh nhưng không có thì giờ để ăn… chúng tôi bận rộn đi làm suốt ngày, từ sớm cho đến khuya, để trả nợ cho những thứ mà mình không bao giờ dùng đến! Mà tôi nghĩ nhận xét của Cô cũng không xa với sự thật lắm đâu…

Ta là việc mình làm

Có những người thường sợ rằng đạo Phật, sự tu học, sẽ làm cho mình yếm thế và mất đi ý chí phấn đấu trong đời sống. Nhưng tôi nghĩ vấn đề không phải là ta có nên phấn đấu với cuộc đời hay không, mà là ta phấn đấu vì lý do gì! Vì sự ham muốn chăng? Và chấp nhận hoàn cảnh không có nghĩa là ta thụ động ngồi yên. Mà chấp nhận có nghĩa là ta ý thức rõ ràng những gì đang xảy ra, không trách cứ, không hờn giận, và làm những gì mình cần phải làm để chuyển hóa tình trạng của mình.

Một người hoạt động không có nghĩa phải là một người náo động. Có những người bôn chôn làm đủ mọi thứ chuyện nhưng rồi không hoàn tất được việc gì cả, và có người tuy có vẻ như đang ngồi yên nhưng thật ra họ đang làm hết tất cả. Trong đời và trong đạo, chúng ta bao giờ cũng cần có một sự phấn đấu để đi tới. Nhưng phấn đấu không có nghĩa là lúc nào ta cũng phải lăng xăng làm một cái gì đó, mà thật ra nhiều lúc điều ta cần làm là tập ngồi cho yên.

Tôi nhớ câu chuyện về một chàng dũng sĩ xứ Nhật bản. Chàng dũng sĩ là vệ sĩ thân tín của một vị lãnh chúa. Một đêm, có một tên thích khách (assassin) lẽn vào bên trong và giết chết vị lãnh chúa của anh. Chàng dũng sĩ vì trách nhiệm và lời thề, anh có bổn phận phải đi tìm và giết tên thích khách ấy. Sau mấy năm trời trèo non lội suối, cuối cùng anh tìm gặp được người đã giết Chúa mình.

Sau một trận đấu kiếm chết sống, chàng dũng sĩ đánh rơi gươm của kẻ thích khách và dồn hắn vào một góc tường. Trong khi anh đưa gươm lên sửa soạn giết, thì bất ngờ hắn ta ngước lên và nhổ nước miếng vào mặt anh. Chàng dũng sĩ bỗng dừng lại. Anh ta đưa tay lên lau mặt, rồi từ từ tra gươm vào vỏ. Anh ra lệnh cho tên thích khách hãy cút đi mau. Khi những người theo anh hỏi vì sao anh lại để cho hắn thoát đi, anh đáp: “Bổn phận của tôi là một lòng phò chủ của mình, tôi có trách nhiệm giết những ai đã làm hại chủ tôi. Tôi giết họ vì bổn phận của mình. Khi hắn nhổ nước miếng vào mặt tôi, trong lòng tôi nỗi lên một cơn giận. Và vì vậy mà tôi phải để cho hắn thoát đi. Nếu ngay trong giây phút này tôi có giết hắn thì đó là vì cơn giận hơn là vì bổn phận của tôi!”

Cũng cùng một hành động, nhưng hai kết quả lại hoàn toàn khác nhau, vì nó được thúc đẩy bởi những lý do khác nhau. Vì vậy tôi nghĩ, vấn đề không phải là việc mình làm, mà là ở tác ý của mình trong công việc ấy, mà sự si mê vì thất niệm của chúng ta thì vẫn còn rất sâu và rất đậm. Có nhiều khi việc chúng ta cần thực tập là không làm gì hết và ngồi cho thật yên.

Một con người lớn

Nhìn lại lịch sử, ta thấy những người như vua Trần Nhân Tông, thánh Gandhi, mẹ Theresa, các vị ấy đâu có dựa trên một giáo lý nào mới lạ đâu? Hành động của họ đặt trên nền tảng căn bản của tình thương và bất hại. Và đường lối của họ đâu có làm cho xứ sở mình chậm tiến hoặc yếu hèn đi? Các vị ấy đã đóng góp cho thế giới này bằng chính con người của họ. Cuộc đời của các bậc ấy đã khiến trái đất này tươi mát hơn, bầu trời trong xanh hơn, và những người được gặp họ có nhiều hạnh phúc hơn. Họ là những con người lớn, những bậc đại nhân.

Cuộc đời này không cần thêm những giáo thuyết mới, mà rất cần những con người có tự chủ và một tấm lòng vị tha. Sự tu tập để chuyển hóa khổ đau cho mình, hoặc giúp kẻ khác, không cần đòi hỏi ta phải biết giáo lý cho thật nhiều, thật ra chỉ cần ta thực hành những gì mình đã học, đã biết. Chúng ta không thể nào dạy kẻ khác tha thứ nếu chính bản thân ta chưa biết thứ tha; ta không thể mang cho ai hạnh phúc nếu bản chất mình vẫn còn nhiều phiền muộn, và ta không thể lắng nghe ai nếu trong ta vẫn còn đầy nghi kỵ và sợ hãi. Ta chỉ có thể ban cho những gì mình thật sự có.

Tôi nghĩ con đường thực tập cần phải được làm bằng những bước đi vững chắc và an vui! Cho dù ta có là một bác sĩ, kỹ sư, một nhà kinh tế, một học sinh, hoặc một người vợ, hay một người chồng… sự tu học vẫn có thể giúp cho ta giải quyết được các khó khăn hay những mất mát của riêng mình. Vì tất cả đều là sự sống, mà đạo Phật dạy cho ta một phương pháp sống hạnh phúc và tự tại.

Và những gì ta thật sự đóng góp được cho người chung quanh, hay cuộc đời này, chỉ có thể là sự thực tập và chuyển hóa chính mình mà thôi.

laurelhurst-park-nov-11-2016-4

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink. Both comments and trackbacks are currently closed.