Recent Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23
Lòng nhân ái giúp chúng ta khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ
Tác giả: Joseph Mercola | Dịch giả: Tottochan
Khoa học ngày nay chứng minh rằng lòng nhân ái có tác động trực tiếp đến thiên hướng hạnh phúc. Hơn thế nữa; lòng nhân ái còn giúp bạn cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Điều này đã trở thành một sự thật hiển nhiên qua sự chứng minh của các nhà sinh vật học.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không có lòng nhân ái? Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người nào càng không thể sẻ chia hay đón nhận lòng nhân ái thì họ càng không có hạnh phúc, và thực tế đáng buồn là những người không hạnh phúc thường có tuổi thọ không cao.
Thông tin ấy khiến bạn mong muốn hạnh phúc hơn, đúng không? Nhưng lòng nhân ái là điểm then chốt để có được hạnh phúc, và nó còn phụ thuộc đến những người xung quanh, bất kể đó là người thân, đồng nghiệp của bạn hay nhân viên thu ngân ở cửa hàng tạp hóa nơi góc phố.
Lòng nhân ái không chỉ có thể lan truyền; mà nó còn được chứng minh là có khả năng làm cho bạn hạnh phúc hơn. (cynoclub/iStock)
Các mối quan hệ lành mạnh – Kéo dài tuổi thọ
Có một điều hết sức hiển nhiên rằng, phương thức mà một cá nhân tương tác với những người xung quanh có liên quan trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của người ấy, và ngược lại.
Năm 2010, một phân tích tổng hợp từ 148 nghiên cứu dựa trên giả thuyết “lòng nhân ái có ảnh hưởng đến tuổi thọ” đã kết luận rằng các mối quan hệ xã hội làm cho người ta hài lòng – hay không hài lòng – thực sự có thể đặt họ vào nguy cơ tử vong sớm. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu cho biết: “… khả năng sống sót tăng 50% đối với những người tham gia nghiên cứu có các mối quan hệ xã hội bền chặt hơn. Phát hiện này là nhất quán ở mọi độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe ban đầu, nguyên nhân tử vong và thời gian điều trị”.
Có thể thực hiện”những hành động ngẫu nhiên xuất phát từ lòng nhân ái” vào bất cứ khi nào ở bất cứ nơi đâu.
“Những kết luận từ các nghiên cứu này có sự khác biệt đáng kể tuỳ thuộc vào các tiêu chí đánh giá các mối quan hệ xã hội… Mối liên hệ giữa lòng nhân ái và tuổi thọ biểu hiện rõ ràng nhất qua những phép đo phức tạp về sự hòa nhập xã hội … và mờ nhạt nhất qua câu trả lời có/không về tình trạng cư trú (sống một mình hay với những người khác)”.
Nghiên cứu còn cho biết:
“Một số chuyên gia cho rằng cô lập với xã hội có hại cho sức khỏe con người. Họ dẫn chứng một bài đánh giá tổng hợp từ năm nghiên cứu sắp được công bố vào thời điểm năm 1988… cho thấy trung bình những người ít có quan hệ xã hội chết sớm hơn so với những người có nhiều mối quan hệ xã hội”.
Nghiên cứu cũng lưu ý rằng con người, đặc biệt là người Mỹ, có thể đang ngày càng trở nên cô lập về phương diện xã hội. Cô lập, ở khía cạnh này, có nghĩa là ít có cơ hội được trải nghiệm lòng nhân ái, qua việc cho đi hay đón nhận nó.
Các nghiên cứu về tương tác xã hội có kết quả chính xác đến mức các nhà khoa học có thể thấy được sự tương đồng giữa những hậu quả tiêu cực do cô lập xã hội với số liệu thống kê tỷ lệ tử vong do hút thuốc, uống rượu, béo phì và ít hoạt động thể chất. Đồng thời, trung thành với các mối quan hệ xã hội đã được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực đến tuổi thọ không thua gì phương pháp giảm huyết áp và duy trì trọng lượng cơ thể một cách lành mạnh.
Thiền quán niệm – không chỉ là cởi mở về tinh thần mà còn cởi mở cả tấm lòng
Một nghiên cứu lâm sàng khác được thực hiện tại Đại học North Carolina, Chapel Hill, muốn tìm hiểu xem các khía cạnh nào trong các mối quan hệ xã hội là quan trọng nhất, để một người có thể có được một cuộc sống mãn nguyện và lâu dài.
Sáu mươi lăm giảng viên và nhân viên đã tham gia vào nghiên cứu này, họ muốn biết liệu những suy nghĩ tích cực và các bài tập tập trung tinh thần thiện chí với chính bản thân mình và những người khác có khả năng làm giảm căng thẳng hay không.
Mỗi người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm: nhóm thứ nhất tham gia vào một lớp học xây dựng những cảm xúc tích cực thông qua một giờ thực hành thiền “lòng từ bi” trong thời gian sáu tuần; nhóm thứ hai xếp vào danh sách chờ không điều trị, được sử dụng như là nhóm đối chứng để so sánh.
“Trong lớp, các học viên được hướng dẫn ngồi và suy nghĩ một cách từ bi về người khác, bằng cách trước tiên là suy ngẫm về những mối bận tâm và lo lắng của riêng họ, sau đó mở rộng ra và suy nghĩ đến cả những sự bận tâm và lo lắng của những người mà họ có mối quan hệ.
Những người này được khuyên bảo lặp lại nhiều lần các câu như “hãy cảm thấy an toàn, cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy khỏe mạnh, hãy sống thanh thản”, và kéo những suy nghĩ này trở lại khi tâm trí của họ bị xao lãng. Họ cũng được khuyên nên tập trung vào những suy nghĩ như thế này và tập trung vào những người xung quanh khi gặp những tình huống căng thẳng chẳng hạn như khi họ gặp tắc nghẽn giao thông”.
Kết quả cho thấy “những cảm xúc tích cực, những mối quan hệ xã hội tích cực và sức khỏe thể chất ảnh hưởng lẫn nhau như hình xoáy ốc liên tục hướng lên trên”. Như giáo sư tâm lý học Barbara Fredrickson giải thích, “Kiếu như khiến cho bạn thấy mủi lòng để cởi mở hơn với mọi người”
Những cảm xúc tích cực, những mối quan hệ xã hội tích cực và sức khỏe thể chất ảnh hưởng lẫn nhau như hình xoáy ốc liên tục hướng lên trên. (Post Memes/Flickr/CC BY)
Trương lực phế vị: Tất cả trong nhận thức của bạn
Thần kinh phế vị là dây thần kinh sọ dài nhất trong bộ não của bạn, điều thú vị là nó có thể kết nối những cảm xúc tích cực vốn bắt nguồn từ sự tương tác tích cực với những người xung quanh. Sự gia tăng những cảm xúc tích cực dẫn đến tăng trương lực hay tăng phản ứng thần kinh phế vị, vốn được mô tả như là một “chỉ số biểu hiện sức khỏe thể chất.” Dây thần kinh phế vị cũng là trung gian của hệ thần kinh phó giao cảm và cũng có ảnh hưởng tích cực ở đây.
Trước và sau khóa học thiền, học viên được khuyến khích ghi chép lại thời gian họ thiền định hay cầu nguyện và ghi nhật ký cả mặt tích cực và tiêu cực có liên quan đến những khi họ nhập định. Sau đó, các nhà khoa học ghi nhận biến thiên nhịp tim của mỗi người tham gia, bởi vì sự biến thiên nhịp tim có ảnh hưởng trực tiếp đến trương lực phế vị cơ sở. Theo Thời báo TIME mục Sức khỏe & Gia đình:
“Dây thần kinh phế vị điều chỉnh sự thay đổi của nhịp tim thông qua hơi thở, nhìn chung, trương lực của nó càng lớn thì tính biến thiên nhịp tim càng cao và nguy cơ bệnh tim mạch và các nguy cơ tử vong chủ yếu khác càng giảm. Nó cũng có vai trò trong việc điều hòa nồng độ glucose và phản ứng miễn dịch.
Bản thân thần kinh phế vị còn kết nối với các dây thần kinh khác, do đó:
“… giúp đôi tai của chúng ta bắt nhịp với lời nói của người khác, phối hợp tiếp xúc bằng ánh mắt và điều chỉnh những biểu đạt cảm xúc. Nó tác động đến việc phóng thích oxytocin, một loại hormone quan trọng trong liên kết xã hội. Các nghiên cứu đã cho thấy trương lực phế vị càng cao thì người ta càng có xu hướng gần gũi hơn với những người xung quanh và càng giàu lòng vị tha hơn”.
Một điều thú vị là phản ứng của thần kinh phế vị có liên quan đến sự nhận thức của người tham gia; sự tác động tích cực của thần kinh phế vị có mối tương quan trực tiếp đến sự nhận thức về quan hệ xã hội của từng người. Với những người tham gia nghiên cứu ở nhóm thực hành thiền định, sau sáu tuần họ có biểu hiện gia tăng sự vui vẻ, quan tâm, thích thú, thanh thản và hy vọng. Các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã khám phá ra một lợi ích quan trọng từ những thay đổi cảm xúc và tâm lý, đó là cảm giác được kết nối nhiều hơn với những người xung quanh.
Lòng vị tha có thể được xem là hành động của một người nhằm mang lại lợi ích cho người khác trong khi bản thân họ phải chịu tổn thất. (Susan Chiang/iStock)
Lòng vị tha có liên quan đến lượng chất xám
Lòng vị tha có thể được xem là hành động của một người nhằm mang lại lợi ích cho người khác trong khi bản thân họ phải chịu tổn thất. Người lính cứu hỏa là một ví dụ điển hình về lòng vị tha. Một bài viết trên Science Daily đề cập đến kết quả của một nghiên cứu, được thực hiện bởi đội ngũ các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Zurich, dựa trên mối quan hệ giữa giải phẫu não và lòng vị tha của con người. Ông Ernst Fehr, trưởng khoa Kinh tế giải thích:
Có một khu vực xác định trong não bộ – nơi hội tụ của thùy đỉnh và thùy thái dương – liên quan đến khả năng tự đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của họ.
Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Yosuke Morishima thậm chí còn đề cập cụ thể hơn: “Những người cư xử một cách vị tha hơn có tỷ lệ chất xám ở phần tiếp giáp giữa thùy đỉnh và thùy thái dương cao hơn”. Tuy nhiên, ông Fehr cho biết thêm, những sự vận hành xã hội cũng có thể được xem là một lý do cho việc tại sao người này có lòng vị tha hơn người khác. Nếu sự quan tâm đến cảm xúc của người khác được xem là một trong những định nghĩa về lòng nhân ái, thì những cảm xúc đáng trân trọng khác như sự thông cảm, đồng cảm, lòng trắc ẩn, chu đáo, dịu dàng và sự quan tâm cũng thuộc phạm trù đó. Là con người, chúng ta cũng nên rộng mở lòng nhân ái với muôn loài.
Có một khu vực xác định trong não bộ liên quan đến khả năng tự đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu suy nghĩ và cảm xúc của họ.
Bài viết gần đây của tôi có đề cập rộng hơn về vấn đề này thành “22 điều rất khác biệt ở những người hạnh phúc”, và điểm khác biệt thứ 2 là “Đối xử với mọi người bằng tấm lòng nhân ái”.
“Lòng nhân ái không những dễ lan truyền; mà nó còn được chứng minh là có khả năng làm cho bạn hạnh phúc hơn. Khi bạn tử tế với người khác, não của bạn sản xuất ra những hormone và các chất dẫn truyền thần kinh khiến bạn thấy thoải mái như serotonin, giúp bạn xây dựng các mối quan hệ lành mạnh với mọi người, bồi dưỡng những cảm xúc tích cực với vạn vật xung quanh”.
Bạn muốn tìm kiếm các phương pháp kéo dài tuổi thọ và truyền đi những rung động tích cực cho mọi người trên thế giới này? “Hành động ngẫu nhiên từ lòng nhân ái” có thể thực hiện bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Tổ chức “Những Hành Động Ngẫu Nhiên Từ Lòng Nhân Ái” trên trang http://www.ActsOfKindness.org có thể giúp bạn tập trung sự lương thiện của mình theo những cách mà bạn chưa nghĩ đến. Nếu có những vấn đề nào đó trong cuộc sống gây cản trở sự chia sẻ – hay đón nhận – lòng nhân ái của bạn, thì cũng có nhiều phương cách giúp bạn thay đổi cuộc sống của chính mình.
Tác giả: Joseph Mercola | Dịch giả: Tottochan
Nguon: ÐaoPhatNgayNay
Và cũng chỉ có lòng nhân ái mới chắp cánh cho tài năng phát triển và thăng hoa.