Nhớ ơn

Nhớ ơn

Chân Pháp Ðăng

Hôm nay giổ ba, cùng với người bạn và hai cháu, con leo lên núi ngồi để có mặt cho ba.

Đêm qua hoa quỳnh nở thật tươi, hương quỳnh thơm ngất ngây. Con đã ngắm hoa quỳnh và nhớ tới ba. Hoa quỳnh chỉ nở trong một đêm là tàn, nó bắt đầu nở lúc 8 giờ tối đến 6:30 sáng là tàn rồi. Ôi, một kiếp mong manh! Nhìn hoa quỳnh, con thấy kiếp người cũng mong manh không hơn không kém. Vì không biết, con người cứ tưởng rằng kiếp sống 100 năm là dài lắm, nên con người tha hồ chạy theo danh lợi, tài sắc, ham muốn, dục vọng, cũng vì thế con người đã làm ra biết bao nhiêu là tội lỗi. Con người làm khổ đồng loại và mọi loài khác. Kiếp sống họ thật là tàn ác. Cái bụng của họ là một bãi tha ma. Cái tâm luôn làm điều ác. Tội nghiệp ghê, một kiếp chỉ tạo ác nghiệp.

Con cũng là con người nhưng con không tuyệt vọng đâu ba bởi vì con có giáo pháp của Bụt. Con biết cách sống lành, đẹp và thật. Con có cái nhìn vào thực tại. Cái mong manh là cái bề ngoài. Trong cái mong manh ấy, con thấy cái vĩnh cữu. Cũng giống như trong con, con thấy có ba mạ, ông bà, tổ tiên. Ba chưa bao giờ mất trong con. Cám ơn ba đã sinh con ra trên cõi đời này. Cám ơn ba đã dạy cho con thế nào tình yêu, tình người, hiếu thảo, thương người nghèo khổ… Cả đời ba không có dịp để thưởng thức hoa quỳnh, bởi vì ba là ngư dân. Nhưng con biết ba biết thưởng thức biển cả, sóng ngàn và trời xanh bởi vì ba yêu biển, ba là người tình của biển. Đêm qua ngắm hoa quỳnh con nhớ tới Thầy. Ba có biết không? Con gọi Thầy con là sư cha, cũng như các sư bé đang gọi con là sư cha. Thầy con là người cha tinh thần. Thầy con dạy cho con nếp sống tỉnh thức, biết thưởng thức sự sống như cảnh mặt trời lặn, hoa quỳnh… Cám ơn Thầy đã sinh con ra trong giáo Pháp của đức Thế Tôn để con thấy rằng từ bi, hiểu biết, thảnh thơi và bình an là quan trọng nhất của kiếp người. Không bình an không thể hạnh phúc, không từ bi không thể hạnh phúc… Con xin chia sẻ bài viết về kinh nghiệm thực tập thở đến với mọi người để nhớ ơn ba và Thầy.

Thở

Việc đầu tiên khi vừa mới được mẹ sinh ra là ta thở. Việc cuối cùng khi nằm trên giường hấp hối là ta thở. Ta thở những hơi thở khó khăn, mệt nhọc như muốn hớp những giọt không khí mà suốt đời bận rộn, vô tình ta đã bỏ quên. Bỏ quên hơi thở nên ta bỏ quên ta. Vậy, mới biết rằng thở là công việc hết sức quan trọng, việc đầu tiên và việc cuối cùng của kiếp sống con người. Sự sống được làm bằng những hơi thở vào ra. Ta có thể nhịn ăn vài ngày tới một tháng cũng chưa chết. Ta có thể nhịn uống vài ngày cũng chưa chết. Nhưng ta nhịn thở vài phút thì ta đã qua đời. Hơi thở, dưỡng khí rất là quan trọng, nó là tinh yếu của sự sống mà sự sống rất là quý báu. Nó quý hơn tất cả những gì mà con người trân quý nhất trên đời.

Hơi thở còn là dịp cầu nối liền tâm với thân. Tâm ta thường hay rong ruổi, tâm ý đi về vạn nẻo, không chịu ở lại với sự sống. Để ý tới hơi thở, tâm trôi lăn trên muôn vạn nẻo trở về với thân ngay. Ta thở ta biết rằng ta đang còn sống. Ta thở ta biết rằng ta đang ngồi đây. Ta thở ta biết rằng ta có mặt cho ta, cho người thương, cho sự sống. Vậy nên, thở là sống, sống là cảm nhận, là trân quý sự sống. Ta không chờ đợi tới lúc hấp hối mới thở những hơi thở cuối cùng. Ta chú ý tới hơi thở thường xuyên để thấy rằng sự sống này thật là mầu nhiệm. Ta thở để chạm vào sự sống linh động. Ta thở để đưa tâm trở về với thân.

Chân Pháp Ðăng

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink. Post a comment or leave a trackback: Trackback URL.

Post a Comment

Your email is never published nor shared. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*
*