Niết bàn ..

Niết bàn ..

Vào thời Đức Phật còn tại thế có một ẩn sĩ Bà-la-môn khi gặp ngài Xá Lợi Phất liền hỏi :

 – Niết bàn, Niết bàn, này ông bạn Xá Lợi Phất xin cho biết đó là cái gì vậy?

 Tôn giả Xá Lợi Phất bèn trả lời :

 – Sự tiêu diệt lòng tham muốn, sự tiêu diệt lòng nóng giận hận thù, sự tiêu diệt lòng si mê sai lạc là cái mà con người gọi là Niết bàn.

 Khi nói về Niết bàn, chính Đức Phật cũng dạy thêm rằng :

 – Nếu chúng sinh nào đã từ bỏ thú vui và tham muốn, đã đầy đủ trí tuệ thì họ đã đạt đến sự giải thoát sinh tử, sự tịch tĩnh, đã đạt đến Niết bàn tức là nơi an dưỡng thường tồn, vĩnh cửu ngay ở trong cõi đời nầy.

 Như vậy, Niết bàn không phải là một cõi, một cảnh, một tâm trạng và dĩ nhiên Niết bàn cũng không phải là cái hư vô. Rõ ràng Niết bàn không thể dùng văn tự ngôn ngữ của con người để diễn tả, vậy Niết bàn thật sự có hay không có?

 Trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo, Ngài Na Tiên đã trả lời câu hỏi tương tự như thế của vua Milinda rằng :

 – Tâu Hoàng thượng, thật sự có Niết bàn và Niết bàn chỉ có thể lấy trí mà nhận biết. Nếu chúng sinh giữ được tâm thanh tịnh và chánh trực, thoát khỏi các nghiệp chướng và thoát khỏi được các tham muốn thấp hèn thì chính họ sẽ thấy được Niết bàn.

 Nhà vua xin cho một thí dụ.

Ngài Na Tiên lại tiếp :

 – Hoàng thượng biết một cái gọi là gió, nhưng Hoàng thượng có biết gió màu sắc gì, hình dáng ra sao, nó dày hay mỏng, dài hay ngắn?

 Nhà vua đáp :

 – Gió thì vô hình vô sắc làm sao chỉ được. Tuy không chỉ được, nhưng nó vẫn có.

 Bây giờ Tỳ Kheo Na Tiên mới kết luận :

 – Cũng thế, tâu Hoàng thượng, Niết bàn là cái thật sự có mà không thể dùng văn tự ngôn ngữ để diễn tả cho con người thấy được hình sắc của nó.

 Thế thì làm sao biết được Niết bàn, nhà vua lại hỏi.

 – Nhờ sự thoát khỏi phiền não, nghiệp chướng, nhờ sự an ổn, an lạc thanh tịnh thì có được Niết bàn.

 Rồi ngài Na Tiên lại tiếp :

 – Như người té vào đống lửa ngùn ngụt, nếu họ cố gắng vượt ra khỏi và lên được chỗ mát thì người ấy sẽ cảm thấy sung sướng vô cùng. Cũng thế, người thoát khỏi lửa của tham, sân, si sẽ hưởng cái sung sướng an tịch của Niết bàn. Cũng như người thoát ra khỏi những tâm niệm bất thiện, người ấy sẽ hưởng cái sung sướng Niết bàn. Và sau cùng những ai thoát khỏi cái lo sợ của sanh, lão, bệnh, tử người ấy sẽ hưởng cái sung sướng Niết bàn.

Do đó đối với nhân sinh vũ trụ, Đức Phật dạy rằng tất cả hiện tượng đều là : ”Đương xứ xuất sanh, đương xứ diệt tận” nghĩa là sanh ra ngay từ nơi này và diệt mất cũng ngay nơi này. Vì thế, đối với Phật giáo, tâm thanh tịnh mới là cứu cánh vì khi có được tâm thanh tịnh, chúng sinh sẽ nghiệm chứng chân tướng của vạn pháp. Mà chân tướng là vô hình vô sắc thì làm sao mà giải thích được.

Vì thế Vĩnh Gia đại sư trong Chứng Đạo Ca có câu :

Mộng lý minh minh hữu lạc thú 
Giác hậu không không vô đại thiên

Tạm dịch :

Trong mộng, sáu đường vằng vặc có
Giác rồi, tam giới rỗng toang hoang.

Trích : PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI NHÂN SINH VŨ TRỤ
Lê Sỹ Minh Tùng

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink. Both comments and trackbacks are currently closed.