Zen 4

Recent Pages:  1  2  3  4  5, 76,

CHỈ KHÔNG BIẾT

Thiền Sư Sùng Sơn

Người dịch: Thích Giác Nguyên
2011

LỜI BẠT

Nói về Giáo, trong Kinh Trung A Hàm (Bahuvedaniya-Majjhima Nikaya) số 57, đức Phật đã chỉ dẫn Mười loại Hạnh phúc Tối thượng, sắp xếp thứ tự do kết quả tu chứng, trong đó có:

Đoạn thứ 6. “ Này Anandà. Nơi đây vượt hẳn lên khỏi mọi tri giác và hình thể (Sắc), không còn phản ứng của giác quan, hoàn toàn không chú tâm đến mọi sự khác nhau của tri giác ….”

Đoạn thứ 10. “Nơi đây vượt hẳn lên khỏi cảnh giới Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng (Chẳng Phải Tưởng, Chẳng Phải Chẳng Có Tưởng), đạt đến sự chấm dứt mọi Tri giác và Cảm giác (Sãnnavedayita Niroda).”

Trong Mười Hạnh Phúc, Đoạn thứ 10 này là Hạnh Phúc tối thượng nhất. Trạng thái ấy là Nirodhi Sàmpati (Diệt Thọ Tưởng Định), nghĩa là sống trong Niết Bàn thực tại.”

Nói về Thiền, Có lần Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma được Lương Võ Đế hỏi:-Đối diện trẫm là ai? Ngài đáp: -KHÔNG BIẾT.

Thiền sư Bổn Tịnh thời đại nhà Đường, trả lời một vị khách quan:”Đạo vốn Không Biết, nhơn giả cưỡng Biết”.

Thiền sư Hương Nghiêm khi ngộ đạo nói: “Tiếng dội viên sỏi văng vào lùm tre quên hết SỞ TRI” (thuộc cái biết).

Tổ sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Việt Nam hoằng hóa, sư Pháp Hiền đến thỉnh vấn, thấy ngài im lặng bèn nói: Hòa thượng KHÔNG BIẾT à? Tổ quở: BIẾT để làm gì ? Do đây sư Pháp Hiền ngộ đạo.

Như vậy, KHÔNG BIẾT là Vô sở trụ, vô sở chấp, vô sở tu, vô sở chứng. Tại sao Thiền Đốn ngộ dạy KHÔNG BIẾT? Vì biết thuộc Hữu Tâm, Thiền vốn Vô Tâm (TÂM KHÔNG DÍNH MẮC). Vô Tâm nên KHÔNG BIẾT. Biết khởi thì vọng khởi, Tri Vọng thì vọng triền miên. Cho nên, nếu lấy Tri Vọng làm yếu chỉ tu Thiền thì chư Tổ cho là lầm vậy.

Vả lại, trong bộ Thiền Luận quyển thượng, Thiền sư D.T.SUZUKI từng nói: “Hễ có Biết là có Vô minh gắn liền theo hành vi Biết. Khi ta tưởng Biết một việc gì, thì vẫn có một việc gì khác mà ta Không Biết, cái Không Biết luôn luôn nằm sau cái Biết”.

Vậy KHÔNG BIẾT mới đích thực là Thấy Biết chơn thật rõ ràng.

Mọi người trên thế gian ai cũng hy vọng đi tìm hạnh phúc nơi ngoại cảnh, như tiền bạc, vật chất, danh lợi, sắc đẹp, tình yêu trai gái…. Tất cả những thứ đó chỉ làm cho mình tạm có trong thoáng chốc phù du. Một khi nó không còn nữa thì thất vọng, khổ đau có mặt. Bởi lẽ do mình chấp giữ cái BIẾT và MUỐN BIẾT nhiều quá.

Thiền dạy cho ta KHÔNG BIẾT, để lắng lòng tỉnh thức trước mọi tình huống cám dỗ mà con người nhận giặc làm con, nhận giả làm chơn, không thể nào vượt thoát sanh tử luân hồi, tự do tự tại được.

“CHỈ KHÔNG BIẾT” là tác phẩm do Tổ sư Sùng Sơn Hạnh Nguyện người Hàn Quốc, nối pháp Thiền Tông đời thứ 78 từ Đức Phật Thích ca Mâu ni. Ngài khai thị bằng tiếng Anh cho các môn nhơn đệ tử trong thời gian du hóa tại Hoa Kỳ vào đầu thập niên 70 của thế kỷ hai mươi. Vì có lúc thiếu duyên gặp gỡ Tổ sư, nên họ thỉnh nguyện Ngài qua thư từ thăm hỏi, nhằm giải tỏa những vướng mắc, khổ đau, hiểm nạn, bất an, vô thường trong cõi đời duyên sanh như huyễn này.

Chúng tôi, vì cuộc sống nổi trôi, nay đây mai đó, lấy đường cái làm Đạo tràng, dùng tùy duyên mà lui tới. Chẳng màng thế sự, chẳng quản thị phi, suốt hơn năm mươi năm làm kẻ chăn trâu chưa xong bổn phận, nên việc chuyển ngữ tác phẩm CHỈ KHÔNG BIẾT này trong thời gian gián đoạn khá lâu, hôm nay mới được thành tựu.

Thành kính dâng lên tưởng niệm Đại ân sư Thiền tổ Sùng Sơn Hạnh Nguyện, và Pháp hữu Thiền giáo thọ Thích Chí Năng hiệu Giác Hoàng Đại Nguyện. Cả hai vị đã theo đường chim lối thỏ về cõi vô tung tịch diệt, trong niềm tiếc thương vô hạn của môn đồ pháp quyến.

Trân trọng biết ơn các vị Pháp lữ, những Phật tử xa gần nhiệt tình khích lệ giúp đỡ cho việc chuyển ngữ và in ấn tác phẩm này để góp phần hoằng truyền Chánh pháp Nhãn tạng của chư Phật và lịch đại Tổ sư.

Kính mong quý độc giả và các bậc thiện hữu tri thức khi xem qua bản dịch này, thấy có vài chỗ khiếm khuyết hoặc dư thừa, đó là mục đích người dịch làm cho sáng nghĩa lời Tổ dạy. Nếu có sai sót là do lỗi người dịch chưa đủ trình độ trung thực với Pháp ngữ của Tổ sư, xin quý vị vui lòng bổ chính và tha thứ cho.

Nguyện đem công đức này,
Trên đền bốn ơn trọng, Dưới cứu ba đường khổ,
Nếu ai thấy hoặc nghe, Đều thành tựu Giác ngộ.
Nam mô Pháp Hỷ Tạng Bồ tát, Ma ha tát.
California, Hoa Kỳ,
Tiết Đông năm Tân Mão 2011.
Thích Giác Nguyên hiệu Không Mãn
Khể thủ

XEM NỘI DUNG BẢN PDF:  CHỈ KHÔNG BIẾT Thiền Sư Sùng Sơn – Người dịch Thích Giác Nguyên

NỘI DUNG
LỜI BẠT …………………………………………………………………………9
LỜI TỰA ………………………………………………………………………. 13
1.THIỀN LÀ GÌ ?
THIỀN ĐÚNG ………………………………………………………………… 19
THƯ TRONG CHỐN LAO TÙ ……………………………………………… 25
ĐẠT CÁI KHÔNG ĐẠT……………………………………………………… 34
CÁCH NÀO GIẢI THÍCH THIỀN
VÀ THỰC HÀNH THIỀN VỚI NGƯỜI KHÁC ……………………..39
TÌM TRUNG TÂM NHƯ CON LẬT ĐẬT ………………………. 40
BẠN LÀ GÌ?…………………………………………………………………… 44
BẠN PHẢI HỌC TỪ CON GÁI CỦA MÌNH ……………………………… 45
THIỀN LÀ TÂM THƯỜNG NHẬT ………………………………………… 48
TÌM NÓ ……………………………………………………………………….. 54
2. NHỮNG CÂU HỎI VỀ ĐAU KHỔ
ĐƯỜNG NHÂN LOẠI ……………………………………………………….. 56
THẾ GIỚI NGƯỜI ĐIÊN …………………………………………………… 63
BA NĂM NHẬP THẤT ………………………………………………………. 66
NHÀ LỬA ……………………………………………………………………… 72
LẦN DI CHUYỂN TỪ TRUNG TÂM MÁI NHÀ ……………………………. 76
3.TRONG CÔNG VIỆC
CĂN PHÒNG NHỎ ỒN ÀO KHÔNG CỬA SỔ ……………………………84
HỒI TƯỞNG VIỆT NAM…………………………………………………….87
KHOA HỌC VÀ THIỀN………………………………. ……………………….90
CÔNG VIỆC BAN ĐẦU …………………………………………………….95
CÔNG VIỆC CỦA BẠN LÀ GÌ?……………………………………………100
NGỌN BÚT PHÓNG VIÊN ……………………………………………….. 101
4. NHỮNG MỐI QUAN HỆ
BỐN LOẠI TỨC GIẬN …………………………………………………….. 108
VIỆC LỚN SANH TỬ ……………………………………………………… 115
DẠY DỖ CON GÁI ………………………………………………………….120
KHÔNG THỂ THEO CHỒNG ……………………………………………132
VỨT BỎ TÂM THIỀN ……………………………………………………… 136
5. TU CHÙA
TU SĨ LÀ GÌ?………………………………………………………………..144
MỖI TĂNG MỖI HẠNH …………………………………………………… 151
SỐNG ĐƠN GIẢN, TRÁCH NHIỆM LỚN ………………………………159
TRUYỀN THỐNG NGUYÊN THỦY……………………………………….172
6. NHỮNG CÁCH THỨC TU THIỀN
NĂNG LỰC NGỒI THIỀN LÀ GÌ?……………………………………….187
VÀO LÚC NGỒI CHỈ NGỒI ……………………………………………….190
THẤT TÂM, NHẤT TÂM, MINH TÂM …………………………………..195
THỰC HÀNH CĂN BẢN …………………………………………………… 200
THƯ TÍN VỚI DIANA …………………………………………………….. 205
BIẾT BỆNH CHO THUỐC ………………………………………………..215
7. THỰC HÀNH CÔNG ÁN
TIẾNG NỔ BÙM! ………………………………………………………….. 220
CHÓ SỦA WOW, WOW , TỐT HƠN THIỀN SƯ TRIỆU CHÂU ……….222
ỐI CHÀ!……………………………………………………………………..227
Ý NGHĨA THỰC HÀNH CÔNG ÁN ……………………………………… 227
ĐẦU RỒNG ĐUÔI RẮN…………………………………………………… 235
SẴN SÀNG CHẾT ………………………………………………………….. 239
THIỀN VÀ CƠ ĐỐC GIÁO ……………………………………………….. 243
MẶT TRONG GƯƠNG…………………………………………………….. 248
THÊM MỘT BƯỚC NỮA………………………………………………….. 250
8. TU THIỀN CÙNG VỚI NGƯỜI KHÁC
TU MỘT MÌNH …………………………………………………………….. 251
TU VỚI NGƯỜI KHÁC ……………………………………………………. 257
NĂNG LƯỢNG VÔ TẬN …………………………………………………. 266
GIẤC MƠ CHUYẾN DU LỊCH BỊ BỎ DỞ ……………………………… 270
TẠO BIỂN PHÁP MÊNH MÔNG…………………………………………. 275
9. THẦY VÀ TRÒ
MUA SẮM CHO THẦY…………………………………………………….. 279
HIỆN TƯỢNG MẠT PHÁP VÀ PHÁ GIỚI……………………………… 282
TỐT HƠN MỘT THIỀN SƯ ……………………………………………… 289
29 CÁI CỦA TÔI …………………………………………………………… 322
NGỤC TÙ TƯ TƯỞNG ……………………………………………………. 295
GIẤC MƠ BUÔNG XẢ …………………………………………………….. 302
BỨC TRANH GIÁO HÓA …………………………………………………. 308
VÒNG TRÒN THIỀN………………………………………………………. 322
CHÚ GIẢI …………………………………………………………………..323

Phần 1 trong sách “CHỈ KHÔNG BIẾT”

THIỀN LÀ GÌ ?

THIỀN ĐÚNG
Berkeley, California
Ngày 09 Tháng bảy 1977
Kính bạch Thiền sư,
Dian vừa gọi để báo cho con biết về vấn đề tim mạch và bệnh duyên của sư phụ.* Con rất tiếc là sư phụ không được khỏe lắm. Con đang nhớ lại một cú xốc, khi chúng con lần đầu tiên phát hiện đứa con trai của mình đã mắc bệnh đường trong máu và phải cần dùng insulin. Nó mới mười bảy tuổi, và tuyến tụy của nó đã làm việc quá mức. Do đó, việc điều chỉnh liều lượng insulin của nó là phụ thuộc vào sự hoạt động cũng như trên thực phẩm ăn uống. Tuy nhiên, nó sớm học được cách đáp ứng cho nhu cầu của mình và uống nước cam vắt đạt hiệu quả cao. Con chắc rằng bây giờ sư phụ cũng đã có sự điều chỉnh phương thức trị liệu mới. Con xin lỗi vì để bỏ lỡ khóa tu lần trước. Chúc sư phụ dồi dào sức khỏe.
Thương kính,
Marge
___________
* Trong tháng bảy năm 1977, Sư phụ Sùng Sơn nhập viện để được theo dõi tim mạch, vì nhịp tim bất thường của ngài và bắt đầu sử dụng insulin để kiểm soát trường hợp phát triển của bệnh đường trong máu.

Ngày 15 tháng 7, 1977
Marge thân mến,
Thầy đã nhận được thư của con. Con khỏe không? Thầy vừa xuất viện trở về. Cảm ơn con lo lắng cho cơ thể của thầy.
Bây giờ thầy theo sự hướng dẫn của bệnh viện, và thầy chỉ mới bắt đầu dùng Insulin. Thầy đã uống thuốc trị bệnh đường trong máu suốt mười lăm năm qua, nhưng bác sĩ nói rằng những viên thuốc này làm hư hỏng tim mạch của thầy. Vì vậy thầy đã đi đến bệnh viện lấy một số thuốc trợ tim, giờ đây tim thầy đang hoạt động trở lại bình thường, và cơ thể của thầy cũng tạm ổn định.
Khi thầy ở trong bệnh viện, có mấy vị bác sĩ đã quan tâm đến một số phương pháp Yoga giúp cho cơ thể đến bộ đầu. Bác sĩ của thầy khuyên thầy nên cố gắng thực tập loại Yoga này để làm cho tim mạch của thầy sẽ tốt hơn một cách nhanh chóng, vì vậy thầy đã thực hành.
Lần đầu tiên, khi thầy đến bệnh viện, tim mạch thầy bị đập loạn nhịp thường xuyên. Vấn đề này thường mất hai hoặc ba tháng để chữa trị. Nhưng thầy thực hành Yoga và Thiền định, do đó chỉ mất một tuần để chữa trị, các bác sĩ hết sức ngạc nhiên và vui mừng. Họ nói rằng bây giờ có nhiều bác sĩ thích hành thiền, bởi vì nó có thể giúp điều hòa cơ thể tốt hơn. Một số bác sĩ muốn tìm hiểu thêm về thiền, họ sắp xếp để đến phòng của thầy và thầy đã dạy cho họ một ít về Thiền. Thầy nói với họ rằng phương pháp “điều thân” là một loại thiền Yoga tập trung. Nó không xấu và cũng không tốt. Nhưng nó không phải Chánh thiền.
Loại thiền Yoga này cho phép luyện tập cơ thể của mình trở nên mạnh khỏe, hành giả chỉ ngồi ở một nơi yên tĩnh, hít vào và thở ra. Như vậy có người sống một trăm năm hay cả ngàn năm. Nó có thể giữ cho cơ thể này sống lâu, nhưng cuối cùng nó cũng sẽ chết.
Thiền đúng sẽ đạt được tự do từ vận mệnh sanh tử. Thật vậy, thân thể chúng ta có sống chết, nhưng Tự tánh chúng ta không có sống chết. Thầy nói rằng nếu con thấu tỏ được Tự tánh của con, thì sau đó, dầu con có chết trong một giờ, một ngày, hoặc một tháng, nó không thành vấn đề. Nếu con tu thiền chủ yếu chỉ để “điều thân”, rồi thời gian sau, đến lúc cơ thể của con suy tàn và hủy hoại, loại thiền này sẽ không giúp đỡ được gì. Vì vậy con không nên tin tưởng tuyệt đối vào nó. Vì nó không phải Chánh thiền.
Nếu con hành thiền đúng, đôi khi bị bệnh cũng chấp nhận; đôi khi đau khổ cũng chấp nhận; chết bất cứ lúc nào cũng chấp nhận. Đức Phật nói, “Nếu luôn luôn giữ tâm sáng suốt thì các con sẽ có được hạnh phúc khắp mọi nơi”.

Có bao nhiêu người tự tin và thắp sáng hiện hữu chính mình? Bao nhiêu người phát khởi lòng Từ phụng sự chúng sanh? Đây là những câu hỏi quan trọng nhất. Thiền đúng giúp con tìm ra Chánh đạo.
Thầy đã kể cho các bác sĩ nghe như vầy, thầy có hỏi một người đàn ông nằm trên giường bên cạnh thầy, “Mục đích sự sống của bạn là gì?” Ông ấy nói: Một việc làm tốt, một gia đình tốt, một người vợ tốt”. –“Nhưng những thứ này thực sự không thể cứu độ ông”. Vì vậy, ông ta nói, “Không có chi.” Ông ta hiểu “không có chi”, nhưng sự hiểu biết của ông ta không thể giúp ông ta, và do đó ông ta sẽ bị đau khổ.
Thiền có nghĩa là đạt được “cái Tâm Không này” ( this nothing-mind ). Làm thế nào để đạt được Tâm Không? Trước tiên, con phải hỏi, “Ta là ai ? Mục đích cuộc sống của ta là gì?” (“Who am I? What is the purpose of my life?”)
Nếu con trả lời với các từ ngữ, đây chỉ là suy nghĩ. Có thể con nói, “Tôi là một bác sĩ”. Nhưng nếu đối với bệnh nhân thì con tự thầm nhủ, “Tôi là một bác sĩ giỏi”, con không thể cảm nhận sự quan hệ bệnh nhân, con bị dính mắc trong tư duy của con. Tư duy chỉ sự hiểu biết; như người đàn ông trong bệnh viện bên cạnh thầy, con sẽ thấy rằng sự hiểu biết không thể giúp con. Như vậy thế nào? Nếu con không biết, con chỉ Đi thẳng – Không biết.

Tâm Không biết quét sạch mọi vọng tưởng. Nó có trước suy nghĩ. Trước suy nghĩ không có bác sĩ, không có bệnh nhân, cũng không có Chúa, không có Phật, không có “Ta”, không có từ ngữ, không có tất cả. Con và vũ trụ trở thành một, Thầy tạm gọi là Không Tâm hoặc Sơ Tâm.
Một số người nói đây là Thiên Chúa (Linh thần) hoặc năng lượng vũ trụ, hoặc hạnh phúc, hoặc Niết bàn tịch diệt. Chẳng qua chỉ là ngôn từ. – Tâm Không có trước từ ngữ.
Thiền là đạt đến Tâm không và sử dụng Tâm không. Làm thế nào con có thể nhận ra nó? Hãy làm cho Tâm-không thành Tâm Từ-bi rộng lớn, không có gì. Nghĩa là không có cái Tôi- của tôi- thuộc về Tôi, không chướng ngại. Vì vậy tâm này có thể thay đổi để hành động-cho-tất cả tâm mọi người.
Ngoài ra Tâm Không này còn có nghĩa là tâm không sanh, không diệt. Nó làm con tham thiền chính xác, Tâm Không trở thành sức mạnh và con thấu suốt được tình huống rõ ràng: những gì con thấy, nghe, ngửi, nếm, và quan hệ là sự thật mà không cần suy nghĩ. Vì vậy, tâm con cũng giống như gương. Sau đó, từng giây phút niệm niệm con có thể giữ vị trí của con rất chính xác.

Khi bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân của ông ta, nếu ông ta ném xuống cái Tôi- của Tôi-thuộc về Tôi và trở thành MỘT với họ, rồi mới có thể giúp đỡ họ.
Lúc bác sĩ đi về nhà cư xử với gia đình, ông ta giữ tâm làm cha, làm chồng một trăm phần trăm, sau đó sự hiểu biết những gì là tốt nhất để tâm được sáng suốt. Chính là như thế. Núi xanh vốn bất động. Mây trắng bay lại qua.
Vì vậy, các bác sĩ thích Thiền. Họ có thể cố gắng thực hành! Thầy hy vọng con chỉ đi thẳng, không biết, tỏ ngộ Tâm không, sử dụng Tâm không để cứu độ tất cả chúng sinh khỏi khổ đau.

Thầy,
Sùng Sơn

Xin xem tiếp trong BẢN PDF: CHỈ KHÔNG BIẾT Thiền Sư Sùng Sơn – Người dịch Thích Giác Nguyên

Source: thuvienhoasen

Chuyển đến trang:  1  2  3  4  5, 76,