Phật Học và Khoa Học 2

Recent Pages:  1  2  3

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

Khoa học và Kiến thức trong Phật Giáo

THUYẾT GIẢNG TẠI CHÙA QUANG MINH – ÚC ĐẠI LỢI

Chuyển ngữ: Tuệ Uyển
04/06/2012

.
Các anh chị em tâm linh thân mến, đặc biệt với cộng đồng Tăng Già Việt Nam, và tôi nghĩ có một số vị sư cô ở đây, Tì kheo ni, có phải không? Tôi thật sự vui mừng với lần thứ hai tôi thăm viếng nơi này, với một ngôi chùa mới và rất lớn, hết bao nhiêu tiền đấy? (mọi người cười)
.
Tôi nghĩ Đạo Phật là một tôn giáo cổ xưa từ Ấn Độ rồi lan truyền qua Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam pu chia, Lào, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn rồi thì sau nàyTây Tạng, Mongolia và một bộ phận ở Liên Bang Nga, những vùng này theo Đạo Phật, và Ấn Độ là chiếc nôi của Đạo Phật nhưng đại đa số quần chúng là Ấn Giáo, cũng như Hồi Giáo, Ki Tô Giáo, và những đạo khác.
Nhưng thế nào đi nữa, chúng ta đang ở trong thế kỷ 21, kỷ thuật phát triển cao độ. Tôi nghĩ trong một hay hai thế kỷ qua. Tất cả mọi nổ lực, tất cả mọi năng lượng đều tập trung trong sự phát triển kinh tế, về tiền (cười). Bây giờ tôi nghĩ, ngay chúng ta thật sự mở rộng trong yêu cầu của tiền, tất cả những sự lủng đoạn, tất cả những kỷ thuật nhơ bẫn nhầm để kiếm ra tiền. Có phải thế không? Tôi nghĩ tiền thật sự đầu độc nguyên tắc đạo đức của chúng ta. Tôi thật sự nghĩ thế! Và rồi, không chỉ nguyên tắc đạo đức bị suy đồi mà tiền cũng làm gia tăng ghen tỵ, nghi ngờ và rồi thì là thất vọng và đưa đến kết qua giận dữ, bạo động.
.
Vậy thế nào đi nữa, một điều rất rõ ràng, chỉ đơn thuần vật chất sẽ không mang đến hòa bình nội tại, điều ấy là chắc chắn. Bởi vì tiền mang đến tiện nghi làm thoải mái thân thể chứ không phải tâm hồn.
.
Trong siêu thị nếu quý vị thử tìm mua sự bình an của tâm hồn, không thể được. Hay tất cả những cửa hàng dụng cụ kỷ thuật, nếu quý vị hỏi mua một khí cụ để làm an ổn tinh thần; không [không thể có].
.
Sự hòa bình của tâm tư phải đến từ bên trong, bởi vì đa số những sự quấy rầy an bình nội tại là cảm xúc của chúng ta. Không phải những kẻ thù ngoại tại, không phải những kẻ gây rối bên ngoài mà những yếu tố tàn phá tâm thức chúng ta chính là những cảm xúc tiêu cực của chính chúng ta. Vậy thì một cách tự nhiên, một cách hợp lý, một phương pháp hiệu quả để làm giảm thiểu những cảm xúc tàn phá phải được phát triển trong tâm thức, từ chính những cảm xúc ấy.
.
Nên ngày nay tôi cũng nói với mọi người, trong vài nghìn năm trước, tôi nghĩ bốn, năm nghìn năm, chúng ta mở mang tín ngưỡng, và chúng ta đặt trọn niềm hy vọng của chúng ta vào tín ngưỡng, bất cứ khi nào chúng ta gặp khó khăn, chúng ta [chấp tay lại] cầu nguyện đến Thượng Đế điều gì đấy, điều gì đấy huyền bí. Rồi thì ba trăm năm trở lại đây khoa học, kỷ thuật phát triển. Rồi khoa học, kỷ thuật lập tức mang đến cho chúng ta … tiện nghi sẳn sàng, mọi thứ trở nên dễ dàng nên con người tự nhiên chú ý hơn với khoa học và kỷ thuật hơn là tín ngưỡng. Rồi thì sau này vào thế kỷ 20 qua kinh nghiệm cuối cùng chúng ta nhận ra sự giới hạn của giá trị vật chất.
.
Tôi biết một số gia đình rất giàu có tôi nghĩ là tỉ phú, những người ấy ở trình độ con người là những người rất không vui. Họ có hàng triệu triệu đô la nhưng thất bại trong việc mang niềm vui nội tại, rất rõ ràng.
.
Và rồi một vấn đề khác nữa, trong những nhà khoa học, kiến thức của họ về não bộ, về thần kinh, những thứ này rất phát triển. Rồi cuối cùng họ thích thú về vấn đề cảm xúc là gì? Tâm thức là gì? Bởi vì y học, họ đã chú ý đến mãng tâm thức thật sự rất quan trọng đến sức khỏe lành mạnh, cũng như hồi phục từ bệnh tật, từ giải phẩu, một mảng tâm thức… rất quan trọng đối với họ. Cho nên bây giờ y học, cũng như những nhà chuyên môn về não bộ. Một số nhà khoa học hàng đầu thật sự biểu lộ sự hấp dẫn với vấn đề, cảm xúc là gi? Mối quan hệ giữa cảm xúc và não bộ là thế nào?
.
Bây giờ, những ngày này, trong những nhà khoa học ưa thích việc rèn luyện tâm thức với giải phẩu não bộ, với những chất kích thích trong não bộ. Qua việc rèn luyện tâm thức, thật sự có thể thay đổi,…Lần đầu tiên họ khám phá ra việc này. Nên qua việc rèn luyện tâm thức ngay cả những bộ phận vật lý có thể thay đổi. Vì vậy, hai nhân tố, từ kinh nghiệm giới hạn, hay giá trị vật chất. Và mặt khác sự nghiên cứu khoa học, bắt đầu tập trung vào vấn đề, tâm thức là gì? Làm thế nào để thay đổi tâm thức chúng ta? Thay đổi cảm xúc chúng ta như thế nào?
.
Vì những nhân tố này, có những biểu lộ, đặc biệt trong những người trẻ tuổi đã bắt đầu khuếch trương những quan tâm về các giá trị nội tại, tâm linh. Tôi nghĩ đấy là hình ảnh thế giới của thế kỷ 21. Rồi thì tôi cũng nghĩ con người ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở Âu châu, và Hoa Kỳ, tôi nghĩ là thật sự chán ngấy với bạo động, Úc châu so sánh chắc khá hơn (cười).
.
Nên con người, tôi nghĩ con người ở buổi đầu thế kỷ trước, khi quốc gia tuyên chiến với lân bang, dân chúng cả nước, tự hào, không thắc mắc gì, tham gia nổ lực chiến tranh. Tình thế như vậy hoàn toàn thay đổi và cuối thế kỷ. Và bắt đầu thế kỷ 21, thí dụ khi Hoa Kỳ sắp bắt đầu chiến tranh với Iraq, bao nhiêu người từ Hoa Kỳ đến Úc Đại Lợi phản đối bạo động và muốn hòa bình qua biểu tình. Và dĩ nhiên, nhiều người quan tâm, những quốc gia quan tâm chống lại chiến tranh, chống lại bạo động, chống lại việc sử dụng bạo lực. Nên họ thật sự khao khát hòa bình. Hoàn toàn chán ngấy với bạo động. Vì thế, một lần nữa, câu hỏi là, làm thế nào mang hòa bình đến?
.
Hòa bình không có nghĩa là không có những rắc rối khác. Cho đến khi mà con người còn tồn tại trên hành tinh này, những vấn nạn nào đấy bắt buộc phải xảy ra. Do bởi nhận thức của con người, lòng tham của loài người, khao khát của loài người. Nên vấn nạn sẽ tiếp tục tồn tại. Bây giờ chúng ta cần phương pháp thực tiển để giải quyết xung đột, sự không đồng ý này. Nên đấy là đối thoại. Tôi thường nói với mọi người, thế kỷ 20 trở thành thế kỷ của tắm máu, căn cứ theo lịch sử, khoảng hai trăm triệu người bị giết một cách bạo động qua chiến tranh, một con số đáng kinh hoàng.
.
Nếu một cuộc chiến lan rộng sử dụng vũ khí nguyên tử, mà nó có thể mang đến hòa bình, giảm thiểu rắc rối thì cũng okay, nó cũng chính đáng. Nhưng không phải như thế. Chỉ có khổ đau. Cho nên, bây giờ thế kỷ 21 chúng ta phải làm cho nó là thế kỷ của đối thoại.
.
Nhằm để mang đến đối thoại, chúng ta cần sự tôn trọng tâm linh đối với quyền lợi của người khác. Không chỉ là sự quan tâm của tôi, sức mạnh của tôi và dửng dưng với sự quan tâm của người khác thì làm sao đối thoại. Nên trong sự tôn trọng ấy, tinh thần chân thành với tình anh chị em, toàn thể gần bảy tỉ người có thể xem như những người anh chị em, chúng ta phải chăm nom đến sự quan tâm của họ. Với loại thái độ như thế thì sự đối thoại đầy đủ ý nghĩa mới có thể phát triển.
.
Nên trong sự quan tâm ấy, căn bản truyền thống ấy… là một khả năng vô hạn để đem đến tình anh chị em chân thành. Mọi truyền thống tôn giáo đều có cùng khả năng, cho dù khác biệt triết lý. Có những tôn giáo hữu thần như Ki Tô Giáo, … niềm tin chủ yếu của họ là Thượng Đế. Những tín ngưỡng vô thần như Phật Giáo, Kỳ Na Giáo, và một số tư tưởng cổ truyền khác nữa của Ấn Độ không có khái niệm Thượng Đế, không có đấng tạo hóa, nhưng tự chính chúng ta là tạo hóa. Nên triết lý là rất khác biệt, nên theo quan điểm của những tôn giáo hữu thần, những Phật tử chúng ta là người không có đức tin (tín ngưỡng vô thần).
.
Nên tất cả mọi tôn giáo, mặc dù khác biệt triết lý nhưng cùng mang một giáo huấn, cùng một sự thực hành về từ ái, bi nhẫn, tha thứ, bao dung, tự giác. Tất cả những thứ này là cùng như nhau về thực hành, cùng giống nhau trong một thông điệp. Nên tất cà mọi tôn giáo quan trọng đều có cùng khả năng để hổ trợ con người.
.
Bây giờ về Phật Giáo, Đạo Phật ngày nay tôi nghĩ, như tôi đã đề cập trước đây, cũng bao hàm những sự thực tập về từ ái, bi nhẫn, tha thứ, bao dung, … như những tôn giáo quan trọng. Rồi thì khía cạnh triết lý rất phức tạp. Như Đại Học Tu Viện Na Lan Đà, không chỉ là một trung tâm Phật Giáo, nhưng là một trung tâm chuyên môn, một học viện hàn lâm. Và nhiều đạo sư Na Lan Đà, tôi thường diễn tả là những giáo sư của Na Lan Đà. Những đại sư này đã sáng tác, thật sự là những chủ đề chuyên môn, các ngài tiến hành khảo sát: Thực tại là gì? Bản chất là thế nào?
Bản chất của vật chất, bản chất của tâm thức. Phần ấy tôi cho là khoa học. Không phải là tôn giáo mà là khoa học.
.
Trong ba mươi năm qua, ô không, trong khoảng bảy năm qua, tôi đã dấn thân một cách nghiêm túc với những nhà khoa học hiện nghiên cứu xa hơn về tâm thức, về cảm xúc, kiểm soát cảm xúc này như thế nào. Bây giờ khoa học, thí dụ ở Hoa Kỳ, Đại Học Wisonsin, Emory và Stanford và một vài đại học nữa, họ thật sự tiến hành công việc nghiên cứu về tâm thức theo sự giải thích của Đạo Phật về tâm. Họ đã tìm thấy những thông tin hữu ích từ tài liệu cổ điển của Ấn Độ về vấn đề này, không chỉ Phật Giáo mà cũng của Ấn Giáo.
.
Cho nên có một số người vốn duy trì khoảng cách với bất cứ tôn giáo nào, nhưng trong con mắt của họ Đạo Phật bây giờ là một ngoại lệ. Bởi vì nó không nhất thiết liên hệ với những khái niệm của Đạo Phật về kiếp sống tới, nghiệp báo,… những thứ này, nhưng mà là về khoa học tâm thức của Phật Giáo, về cảm xúc. Nên hoàn toàn rõ ràng rằng, theo kinh nghiệm trong ba mươi năm qua của tôi, bây giờ rất rõ ràng, khoa học Phật Giáo chắc chắn có thể có những cống hiến nổi bật trong khoa học hiện đại liên hệ đến tâm thức cảm xúc, những thứ này.
.
Bây giờ, đối với người Việt Nam, một cách truyền thống là một quốc gia Phật Giáo. Về truyền thống Phật Giáo, có truyền thống tiếng Phạn và tiếng Pali, chúng ta cùng theo truyền thống Phạn ngữ, chúng ta cùng theo truyền thống Na Lan Đà, những học giả Na Lan Đà như Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước,…, tất cả những đạo sư Na Lan Đà này, những giáo sư này, chúng ta cùng kế tục giáo huấn của những vị này.
.
Và một khía cạnh khác, người Việt Nam đã trải qua những thời điểm khó khăn, chúng tôi cũng thế (cười), trong ý nghĩa ấy chúng ta thật sự là những người anh chị em (cười). Những thời gian thay đổi, có những vị tăng ni từ Việt Nam đến Ấn Độ để học hỏi Giáo huấn, nghe giảng dạy ở đấy. Dường như thay đổi, và ngay cả có những thân quyến của các lãnh tụ Cộng Sản đã đến đấy. Nên sự việc đang thay đổi. Nên thế nào đi nữa những người Việt Nam nào sống trong những quốc gia như Pháp, Mỹ, cũng như Úc, bất cứ quý vị sống nơi nào, quý vị mang trong mình truyền thống của quý vị, tâm linh của quý vị. Do thế, ở Úc Đại Lợi, vốn là một quốc gia không phải theo Đạo Phật, vốn là một đất nước Ki Tô Giáo, nhưng quý vị đã tìm ra một nơi để thiết lập chùa viện của quý vị, nhằm để giữ gìn tâm linh Phật Giáo của quý vị, tôi thật cảm phục.
.
Một khác biệt nhỏ là Việt Nam là một đất nước rất nóng nhưng quý vị mặc áo tay dài. Còn Tây Tạng là một đất nước rất mát, nhưng tay tôi để trần – không có tay áo (ngài đưa tay phải ra – mọi người cười). Bây giờ, bất cứ những Phật tử nào, dù là người Hoa, Nhật, Hàn, Việt, Thái, Tích Lan, Miến Điện, và Tây Tạng, Mongolia… tôi luôn luôn tuyên bố rằng: Những người Phật tử chúng ta phải là những người Phật tử của thế kỷ 21, có nghĩa là Phật tử với kiến thức đầy đủ về Phật Pháp, điều này rất căn bản.
.
Một cách truyền thống, chúng ta tự cho là Phật tử nhưng thật sự không biết Đạo Phật là gì. Tôi thường đùa những Phật tử Trung Hoa rằng, thật không phải [đúng nghĩa Phật tử khi chỉ chấp tay và nói] A Di Đà Phật, A Mi Tò Phù, A Mi Tò Phù! (Cười). Và với người Tây Tạng tôi thường đùa với họ rằng, trì niệm một mật ngôn nổi tiếng, Lục tự đại minh chơn ngôn của Quan Âm, Án Ma Ni Bát Di Hồng, Om Mani Padme Hum, Om Mani Padme Hum,…, khi quý vị đọc nhanh, giống như, om moni, moni, moni,… (mọi người cười) âm thanh ấy nghe giống như money, money,…(money = tiền). Cho nên, không có kiến thức, không biết ý nghĩa và rất thường khi tôi gặp những Phật tử Ấn Độ hay Tây Tạng…, những sinh viên, khi tôi hỏi họ: – Tôn giáo của quý vị là gì? Họ trả lời: Phật Giáo. Sau đó tôi hỏi, Phật là gì? Không có câu trả lời. Không biết. Đức Phật được xem như chỉ là một nhân vật lịch sử. Thế ấy là không đủ. Quý vị phải biết Đạo Phật thật sự là gì! Và cũng như những người Ki Tô, quý vị phải biết điều Chúa Giê-su dạy thật sự là gì! Chỉ tự nhận là Ki Tô hữu, làm dấu thánh giá là không đủ.
.
Vì thế, như Phật Pháp mà tôi đã đề cập phía trước là một triết lý phong phú toàn triệt nên chúng ta phải học hỏi nghiên cứu những thứ này.
Trước nhất là khoa học Phật Giáo, trên căn bản của khoa học Phật Giáo rồi thì triết lý Phật Giáo phát triển, như hai chân lý, bản chất vô thường, và duyên khởi tương sinh, những quan điểm triết lý này được phát triển trên căn bản của thực tiển. Đấy là khoa học Phật Giáo. Rồi thì điều này có thể thay đổi tâm thức chúng ta, có thể giảm thiểu cảm xúc tàn phá, và cuối cùng có thể hoàn toàn tiêu trừ hoàn toàn những cảm xúc tàn phá. Đấy là niết bàn, giải thoát, hay cứu độ.
.
Nên trên căn bản của khoa học, triết lý Phật Giáo, nhận thức Phật Giáo phát triển, sau đó theo nhận thức Phật Giáo rồi thì thực tập Phật Pháp. Do vậy, người Phật tử chân thật phải nên biết triết lý Phật Giáo, khoa học Phật Giáo. Bằng trái lại việc thực hành tôn giáo chỉ như tập tục, theo thói quen không có ý nghĩa gì nhiều.
.
Do thế, các anh chị em Phật tử của tôi, xin hãy học hỏi thêm nữa. Và việc thăm viếng chùa viện và ở trước Đức Phật phát lời cầu khẩn, trì niệm thì không đủ, chúng ta phải học hỏi những điều Đức Phật dạy bảo thật sự là gì. Và học hỏi theo căn bản lời dạy của Đức Phật được soạn thảo chi tiết bởi chư vị tổ sư Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân,… tất cả những đại sư của Na Lan Đà giảng giải kỷ lưởng. Và nếu có thể, nghiên cứu Luận học Phật Giáo, luận lý học, của các tổ sư Trần Na, Pháp Xứng, Nguyệt Xứng, Liên Hoa Giới,… Trong Tạng ngữ, những luận điển của các ngài trên đã được dịch ra rất tiện dụng.
Tôi được nghe nói là trong đại tạng Trung Hoa không có những dịch phẩm này, hoặc chỉ có một phần nào thôi, chưa được dịch ra hết. Hiện tại đã có một số hoạt động để chuyển dịch ra Hoa ngữ, đã được bắt đầu rồi. Cuối cùng, những luận điển này sẽ hiện diện bằng Hoa ngữ. Và sau đó sẽ được diễn dịch dễ dàng sang Việt ngữ, Hàn ngữ và Nhật ngữ. Rõ ràng chứ!
Xin hãy chú ý thêm trong việc học hỏi, nghiên cứu. Học hỏi, nghiên cứu! Rồi thì đức tin căn cứ trên tri thức trọn vẹn, đức tin ấy sẽ sâu sắc hơn nhiều, điều ấy là quan trọng!
Chân thành cảm ơn! Đấy là tất cả.
Tôi hy vọng sau này, chánh điện này không chỉ để cầu nguyện mà cũng là lớp học, nơi để học tập. Tôi hy vọng như thế. Nên lần sau đến đây, tôi hy vọng cũng thấy lớp học của quý vị. (Cười).
.
Nguyên tác: Dalai Lama visit Quang Minh Temple 2011
Ẩn Tâm Lộ ngày 7/6/2012
http://www.youtube.com/watch?v=HVIlt-b-1ZE&feature=related
http://www.youtube.com/watch?feature=endscreen&NR=1&v=2Es9-Y7-8MQ
Source: thuvienhoasen-lotuslantern-hoavouu.
.
July 21 - 2015  (52)

Đức Đạt Lai Lạt Ma đàm luận với Maureen Cavanaugh

Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma và Maureen Cavanaugh, 19-4-2012
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển, 30-4-2012

.

CAVANAUGH: Trước tiên xin cảm ơn ngài vô cùng vì đã nói chuyện với chúng tôi sáng nay. Thưa Đức Thánh Thiện, ngài vừa nói chuyện với sinh viên ở San Diego về ‘lòng từ bi không biên giới’, bây giờ tôi muốn hỏi ngài trước hết về ‘lòng từ bi trong biên giới’. Ngài nghĩ Hoa Kỳ có phải là một quốc gia từ bi không?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tôi nghĩ mỗi con người, được sinh ra từ bà mẹ,và trong vài năm tiếp theo đã đón nhận tình cảm vô hạn từ bà mẹ chúng ta. Nên tôi nghĩ, đứa trẻ, kinh nghiệm đầu tiên trong kiếp sống này, là tình cảm vô hạn từ người khác, từ trong máu, do vậy cả cuộc đời còn lại, khi người khác mỉm cười với bạn một cách chân thành, bạn cảm thấy hạnh phúc, ngay cả con vật cũng vậy. Do vậy, con người tiếp nhận tình cảm từ người khác cũng trau dồi khả năng biểu lộ tình cảm đến người khác. Nhưng vấn đề rắc rối là, tôi nghĩ là, khắp mọi nơi… căn bản giá trị con người từ lúc bắt đầu, từ lúc mới sinh ra, một cách chính xác không được nuôi dưỡng một cách thích đáng. Rồi thì tâm tư, não bộ qua giáo dục, cũng như kinh nghiệm, rồi thì những giá trị căn bản này, chưa được phát triển xa hơn, vẫn còn ngủ yên. Không bắt kịp những kinh nghiệm thông minh, kinh nghiệm trưởng thành. Những thứ ấy cần tăng trưởng, rồi thì đời sống chúng ta trở nên nhân bản hơn. Vậy thì bây giờ ở đây, từ quốc gia này đến quốc gia khác, một cách rõ ràng, những xứ sở nào, sợ hãi liên tục (những quốc gia khép kín), thật sự làm tổn hại trái tim. Từ quan điểm ấy, Hoa Kỳ là một đất nước tự do, một quốc gia dân chủ, có nhiều cơ hội hơn để cho năng lực của trái tim năng động hơn.

CAVANAUGH: Có nhiều nhà khoa học và nghiên cứu ở San Diego này, họ hiện thực những tiến bộ về khoa học khí hậu, kỹ thuật. Ngài có nghĩ là khoa học có thể là một khí cụ của từ bi không?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Ô vâng. Không trực tiếp. Nhưng bà thấy đấy như y học bây giờ, thí dụ thế, bắt đầu đề cập đến sức khỏe tốt đẹp, tâm tư hòa bình, tự tin, lạc quan, là những thứ thật sự quan trọng, cũng như ngăn ngừa sự lú lẫn. Cũng ở trình độ ấy, thái độ tinh thần là những nhân tố thiết yếu.

Rồi ở một lãnh vực khác các nhà chuyên môn về não bộ, khoa học thần kinh, bắt đầu cho thấy sự hấp dẫn với chuyển động của não bộ. Dĩ nhiên có những nhân tố khác thúc đẩy sự vận động của não bộ là thế nào, thứ ấy chúng tôi gọi là tâm. Đôi khi người ta cảm thấy tâm là năng lượng hay gì khác từ não bộ. Bây giờ, với một ít tò mò, hay nghi ngờ một cách nghiêm trọng đến sự thay đổi thái độ tinh thần. Đây là hai vấn đề mà khoa học biểu lộ sự thích thú.

Do vậy, phần thứ nhất là tâm tư hòa bình rất thiết yếu cho sức khỏe chúng ta. Nên tôi nghĩ trong trình độ ấy, khoa học cho thấy sự lợi lạc vô biên cho sự tỉnh thức hay cuối cùng, sự thuyết phục tinh thần, sự hòa bình của tâm hồn chứ không phải là những thứ xa xỉ phẩm. Niềm hòa bình tâm tư thật sự là những thứ vô cùng quan trọng cho sự tồn tại của loài người, cho sự tồn tại mạnh khỏe của con người. Rồi bà thấy ở trình độ gia đình sự chân thành hòa hiệp, tình cảm chân thật trong gia đình không phải là tiền bạc, không phải là quyền lực, không chỉ là sự giáo dục, mà là nền tảng giá trị nhân bản (chỉ vào trái tim). Do vậy, trình độ cá nhân, trình độ gia đình, trình độ cộng đồng, trình độ quốc gia, ngay cả trình độ quốc tế. Vô số rắc rối chúng ta đối diện, một cách căn bản đều là những thứ do con người tạo ra, những thứ do chính chúng ta tạo ra chứ không phải qua trình độ của tuệ trí. Dĩ nhiên, có một số trường hợp, với kiến thức hoàn toàn hay quan điểm thần thánh cũng tạo nên rắc rối. Nhưng một cách căn bản các trình độ là nguyên tắc chính yếu hơn. Do vậy, cho đến khi nào bà có sự quan tâm chân thành cho sự cát tường của người khác, thì nền tảng này càng căn bản hơn.

CAVANAUGH: Ngài cũng nói về sự thay đổi khí hậu, vậy thì sự thay đổi khí hậu có liên quan gì đến từ bi?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Vâng, từ bi, quan tâm cho chính mình hay sự quan tâm của chính mìnhđến sự cát tường của người khác,… nên sự thay đổi khí hậu đem đến vô số khó khăn, khổ đau, bệnh tật, nóng bức, một đời sống khó khăn cho hành tinh này. Nên qua lộ trình ấy, chúng ta quan tâm đến sự cát tường, không phải bầu trời, không chỉ chính tự môi trường, nhưng chúng ta sống trong môi trường ấy, nên một cách trực tiếp chút nào đấy nó liên hệ đến sự sống còn của chúng ta. Nên qua cách ấy chúng ta quan tâm đến sự cát tường của nhân loại, chúng ta thật sự phải quan tâm đến môi trường. Tự động phải đến như vậy.

CAVANAUGH: Thưa Đức Thánh Thiện, ngài vừa mới tách riêng lãnh tụ tâm linh như một Đạt Lai Lạt Ma và theo truyền thống ngài bao gồm cả như lãnh tụ thế quyền mà chính phủ lưu vong bây giờ có một lãnh tụ thế tục, điều này có phải là ngài tin tưởng sự tách rời giữa thế quyền và giáo quyền như cách mà chúng tôi đã làm ở đây, tại Hoa Kỳ?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Chắc chắn là như thế. Tâm linh, một cách thật sự ở trên chính trị, một số việc khác. Vì vậy, một lý do, ngay từ tuổi ấu thơ, và một cách đặc biệt khi tôi nhận lãnh trách nhiệm [như một lãnh đạo quốc gia] tôi đã có một khao khát tận cùng phải thay đổi hệ thống của chúng tôi. Rồi thì ngay khi chúng tôi đến Ấn Độ, 1959, chúng tôi lập tức bắt đầu hệ thống dân chủ. Bây giờ đây, nếu Đạt Lai Lạt Ma, trong lãnh vực chính trị là lãnh tụ tối cao cũng như là lãnh tụ tôn giáo có thể trở thành chướng ngại, rắc rối cho sự dân chủ hóa. Rồi thì có một vấn đề khác nữa, điều ấy có thể là vấn đề chính về Tây Tạng, cả vấn đề ấy chỉ phụ thuộc vào một người thật là nguy hiểm và ngu ngơ. Đấy là rắc rối của cả quốc gia, không phải là vấn đề của tôi, không phải là rắc rối của Đạt Lai Lạt Ma, không phải vì vấn nạn của Đạt Lai Lạt Ma, ngay cả không phải là vấn đề của Đạo Phật, nhưng mà cho quyền lợi của quốc gia, quyền lợi của chúng tôi. Cho nên vấn đề này phải được chính cả dân tộc lo lắng đến. Do vậy, khi họ đã đảm trách hoàn toàn nhiệm vụ, rồi thì cho dù tôi có còn ở đấy hay không họ vẫn có thể đảm nhiệm cho vấn nạn ấy. Bây giờ sau khi tôi đã trao lại toàn bộ thẩm quyền, bây giờ vấn nạn của chúng tôi đã trở nên an toàn hơn nhiều. Và một cách cá nhân, một bí mật, ngày mà tôi bàn giao một cách chính thức cho chính phủ lưu vong, đêm ấy tôi đã có một giấc ngủ rất khác thường (cùng cười). Nên bây giờ, tôi tự do, tôi có thể làm bất cứ điều gì với thời gian của tôi, theo chí nguyện của tôi, hai điều, một là thúc đẩy giá trị căn bản của loài người, là điều mà chúng ta đã thảo luận, và cũng thúc đẩy sự hòa hiệp tôn giáo, hai lãnh vực ấy. Ít nhiều, tôi nghĩ tâm linh hay giá trị con người, bây giờ tôi có thể quan tâm đến lãnh vực chuyên môn của tôi. Vấn đề chính trị quốc gia không phải là lãnh vực chuyên môn của tôi (cười).

CAVANAUGH: Thưa Đức Thánh Thiện, ngài vừa mới viết một quyển sách “Vượt Khỏi Tôn Giáo” đạo đức cho toàn thế giới. Một số người nghĩ rằng chúng ta không thể từ bi hay đạo đức mà không có tôn giáo, chúng ta có thể vượt khỏi tôn giáo chứ?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Vâng, chắc chắn là được. Tôi hỏi bà, chứ thú vật có tôn giáo không?

CAVANAUGH: Không.

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Mèo, chó, và một số … chim, nhiều chủng loại động vật có vú có khả năng biểu lộ tình cảm, do bởi nhân tố sinh học. Và rồi như chó, chủ của con chó biểu lộ, không chỉ thức ăn, mà tình cảm thật sự, con chó rất cảm kích. Chỉ có thức ăn mà không biểu lộ tình cảm chúng không thể tiếp nhận 100% sự hài lòng. Vậy thì, bà thấy chúng cũng … khi chúng ta những con người, chúng ta biểu lộ tình cảm, con vật đáng thương ấy cũng đáp ứng lại,…, chúng liếm, hay như con mèo, đôi khi chúng giơ chân bấm bấm vào người chúng ta và kêu rừ rừ rừ,những âm thanh đặc biệt nào đấy, rất an bình, đấy là sự đáp lại tình cảm, tôi muốn nói là chúng cảm kích, chúng cũng có khả năng biểu lộ tình cảm của chính chúng. Và rồi ngay khi chúng ta sinh ra, trẻ thơ không có tín ngưỡng. Nên sự tranh luận chính của tôi là, tình cảm là nhân tố sinh học, rồi sau này mới có tôn giáo, và không có tôn giáo cũng có cách qua sự giáo dục, như các nhà khoa học tìm ra, rồi thì chúng ta đón nhận sự thuyết phục không phải thật sự yêu thương người khác vì sự thích thú riêng của chúng ta mà là sự biểu lộ từ ái bi nhẫn đến người khác, như thế đấy.

CAVANAUGH: Câu hỏi cuối cùng của tôi là, ngài có cảm thấy là bổn phận để đi khắp thế giới thuyết giảng hay đấy cũng là sự thích thú của ngài?

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Không phải là bổn phận. Không có sự mời thỉnh tôi không bao giờ đến những nơi ấy (cười). Rồi thì khi mà giấy mời đến tôi có dịp biết những địa điểm mới, để thấy gia đình của người ấy, không có gì hấp dẫn lắm. Những giấy mời đến từ những tổ chức, mà chúng thật sự liên quan đến những lãnh vực chuyên môn của tôi, những lãnh vực này, từ những trường đại học khác nhau, hay những tổ chức giáo dục khác nhau. Tôi cảm thấy, tham dự ở đấy, để thúc đẩy sự tỉnh thức về những điều này, bắt đầu và làm lan tỏa trong cộng đồng nhân loại. Vậy thì, trên trìnhđộ ấy, vâng, tôi có một bổn phận nào đó. Nhưng tôi chỉ là một trong bảy tỉ con người. Tôi tin rằng, mỗi chúng ta lệ thuộc vào toàn thể nhân loại, nếu mọi người hạnh phúc, tôi cũng được lợi lạc. Nếu thay vì thế,loài người ở tình trạng rắc rối hay bạo động. Tôi không thể thoát khỏi cảnh ấy. Nên mỗi một người trong bảy tỉ người hãy nghĩ về sự cát tưởng của cả nhân loại, chúng ta cùng chia sẻ, thực hiện những sự đóng góp. Tôi không bao giờ nghĩ tôi là một người đặc biệt, chúng ta đều giống nhau. Tôi bây giờ là một người gần 77 tuổi, và cũng như cuộc đời tôi không phải dễ dàng. Trong 50, 60 năm qua, sự trưởng thành của tôi gặp nhiều khó khăn vô vàn. Nhưng những việc ấy cũng giúp tôi, những thứ khó khăn này, là do sự thiếu cảm nhận tôn trọng người khác, sự thiếu quan tâm đến người khác. Và rồi ngay tại đây tôi cũng nghe đài BBC, những sự kiện đau buồn ở khắp nơi. Trong tâm tôi, dĩ nhiên, những thảm họa thiên nhiên như sóng thần tsunami, những thứ ấy, tôi cũng nghĩ một cách gián tiếp đến thái độ tôn giáo, nhưng rồi thì những rắc rối quan trọng thật sự là qua việc thiếu vắng nguyên tắc đạo đức. Trong một xứ tự do Hoa Kỳ, hay Ấn Độ, Nhật Bản hay nhiều nơi khác, những xứ dân chủ, nhưng vẫn có những rắc rối, những sự bất công, những sự phân biệt nào đó, cũng như những tai tiếng nào đó về tham nhũng, những thứ này vẫn đấy. Trong tâm tôi, mọi người cũng đồng ý là sự thiếu vắng nguyên tắc đạo đức. Do thế, chúng ta phải thực hiện những nỗ lực, khắp mọi ngõ ngách, từ khắp mọi nơi, từ những người truyền thông, trong phương diện học vấn, các tổ chức giáo dục, trong mỗi gia đình, các bậc cha mẹ. Đây là vấn đề quan tâm chung của chúng ta để thúc đẩy một thế giới từ bi hơn. Vâng như thế đấy, đấy là sự cống hiến của một cá nhân. Chúng hãy có những nỗ lực ngoại trừ những đứa trẻ con, những người tật nguyền hay những người quá già thì khỏi, tự do. Nhưng những người còn lại có cơ hội để tạo ra những rắc rối hay những điều tốt đẹp phải nên suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn không cho phép một tiếng, một chữ nào để tạo thêm rắc rối.

CAVANAUGH: Thưa Đức Thánh Thiện, xin cảm rất nhiều vì đã nói chuyện với chúng tôi. Chân thành cảm ơn ngài!

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA: Tốt quá, cảm ơn nhé!

Nguyên tác: His Holiness the Dalai Lama Talks to Maureen Cavanaugh of KPBS
Ẩn Tâm Lộ ngày 3-5-2012
http://www.youtube.com/watch?v=n69BPktbYlw
.
Source: thuvienhoasen-hoavouu.
 

SUY NGHĨ VỀ THẾ KỶ MỚI
CỦA NGƯỜI TU PHẬT

Hòa thượng Thích Thanh Từ
Giảng tại Thường Chiếu – 1998.
.
Nhân loại sắp bước vào thiên niên kỷ mới với một nền văn minh ngày càng rực rỡ. Khoa học hiện đại được xem gần như là vạn năng, phục vụ mọi nhu cầu vật chất trong đời sống của con người. Thế nhưng, con người đã thật sự hạnh phúc, thật sự chấm dứt khổ đau hay chưa? Ðó là điều chúng ta cần phải suy gẫm.
Ðức Phật sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội bồ-đề, khi sao Mai vừa mọc Ngài liền thành đạo và tuyên bố: Như Lai là người đã diệt tận cội gốc vô minh, chấm dứt mọi khổ đau, thật sự an vui giải thoát. Bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển là bài Tứ Diệu Ðế, đức Phật nói về bốn chân lý chắc thật của cuộc đời là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Trong đó, khổ là một lẽ thật của cuộc đời. Mới nghe qua, chúng ta thấy dường như đạo Phật thật là bi quan. Nhưng đi sâu vào, thấm nhuần giáo lý của đức Phật rồi, chúng ta thấy ngược lại. Bởi Phật nói khổ (khổ đế) là ở trên quả mà nói, vì quả là cái người ta dễ thấy dễ biết. Khi biết được quả rồi, thì Ngài liền chỉ đến nhân. Nguyên nhân nào tạo ra quả khổ ấy (tập đế). Khi biết rõ nguyên nhân rồi, chúng ta liền dẹp hết nhân (đạo đế) thì khổ nhất định sẽ không còn, chừng ấy quả an vui giải thoát sẽ hiện tiền (diệt đế). Vậy vui là mục đích đức Phật nhắm đến, khổ là chỗ đức Phật chỉ ra để chúng ta tìm lại nguyên nhân và dẹp sạch nó đi thì quả vui sẽ đến với chúng ta.
 

 
Các nhà khoa học cũng thế, luôn luôn phăng tìm manh mối của vạn tượng sum la này; căn cứ trên quả mà phăng tới nhân, không bao giờ đi từ nhân tới quả. Vì quả dễ thấy, dễ nói hơn nhân. Ví dụ bây giờ chúng ta có quả cam ngon, người thưởng thức được quả cam sẽ hỏi: Quả cam này từ đâu mà có? Tự nhiên chúng ta sẽ giải thích: Từ hạt cam ương lên, nẩy mầm, ra cây, có lá, có hoa rồi kết thành trái. Vậy quả là cái hiện thấy, chứng minh được. Còn nhân thì đã cũ đã xưa rồi, chúng ta khó có thể chỉ cho người khác thấy tường tận được. Ðó là việc cụ thể. Cho nên tinh thần Phật dạy rất thích hợp với khoa học hiện giờ, hay ngược lại khoa học hiện giờ rất thích hợp với tinh thần của đạo Phật. Vì thế, đạo Phật rất thực tế, luôn trung thực với cuộc đời chớ không phải bi quan yếm thế như nhiều người vẫn nghĩ.

Có thể nói, trở lại phăng tìm cội gốc của mọi sự khổ để diệt trừ nó, sống lại với con người chân thật của chính mình là một việc làm khoa học trên khoa học. Tại sao chúng tôi dám nói như vậy? Là vì khoa học tìm kiếm phát minh về vật chất để phục vụ cho con người vật chất. Mà con người vật chất lại là một con người tạm bợ, vô thường, sáng còn tối mất.

Khoa học có thể cống hiến cho nhân loại những thành tựu mới lạ tinh vi nhằm thỏa mãn cuộc sống tiện nghi cho họ, nhưng không thể ngăn chặn được lòng tham lam, sân hận, si mê nơi con người. Mà hễ còn tham lam, sân hận, si mê là còn khổ đau. Bởi vì với một con người đầy dẫy tham sân si, thì càng phát minh chỉ càng đưa đến tranh đấu, giành giựt và cuối cùng đi đến đánh nhau rồi chết chóc, thù hận mà thôi.

Thí dụ chỉ cần một trái bom nguyên tử trong bàn tay của kẻ hiếu chiến thì không quá một phút, có cả hàng vạn người tan nát ra tro, chưa kể đến những tổn thất vật chất khác nữa, thật là tội lỗi! Như vậy khoa học chỉ càng gieo rắc khổ đau thêm cho nhân loại, chớ không thể đem đến an vui hạnh phúc được. Nói như vậy không có nghĩa chúng tôi phủ nhận những thành tựu lớn lao của khoa học. Nhưng nếu được vừa tìm lại mình, vừa biết hết bên ngoài thì hay biết mấy! Ðức Phật dạy chúng ta xoay lại chính mình trước, đoạn tận mọi thứ phiền não si mê rồi thì tự nhiên sẽ chinh phục được vũ trụ bên ngoài sau, là vì vậy.

Chúng ta dù biết hết cả vũ trụ ở ngoài mà không biết mình thì đã thực tế đâu? Phát minh được những việc bên ngoài, giúp đỡ cho cái thân tạm bợ mà cho là quan trọng, trong khi phát minh cái chân thật bất sanh bất diệt của mình để nhận và sống được với nó thì chúng ta lại xem thường, lại lơ là! Tại sao các nhà bác học giam mình trong phòng kín nghiền ngẫm về một vấn đề nào đó thì cho là tích cực; trong khi ngồi lại, thiền định yên lặng để tìm ra con người chân thật nơi mình thì lại xem là tiêu cực? Như vậy cái nhìn của chúng ta có đúng không?

Ðạo Phật là đạo của trí tuệ và từ bi, đạo của giác ngộ giải thoát. Tất cả pháp môn của Phật dạy đều phải trở về chỗ chân thật của mình bằng chính định lực và trí tuệ của mình. Trở về được chỗ chân thật là an vui hạnh phúc, chấm dứt mầm mống của mọi sự khổ đau. Lúc đó, chúng ta mới có thể thông cảm, tha thứ, thương yêu và giúp đỡ đồng loại như chính bản thân mình. Cho nên chúng ta cứ cầu giải thoát, mà không biết giải thoát ra sao, muốn được hạnh phúc mà không biết thế nào là hạnh phúc? Thật ra hạnh phúc chân thật trong đạo Phật chính là giác ngộ giải thoát. Mà giải thoát là biết cái hư giả của thân và tâm này, nên không còn lệ thuộc vào nó, không chạy theo nó, không còn tạo nghiệp nữa. Không còn tạo nghiệp tức là không còn khổ đau. Không còn khổ đau tức là hạnh phúc.

Với người biết tu thì cuộc sống vật chất của thân tứ đại này không có gì quan trọng cả. Phải làm chủ được mình, giúp mọi người cùng vượt lên trên những thứ phiền não trói buộc, sống an vui giữa những thay đổi của cuộc đời, chết thảnh thơi nhẹ nhàng như thay một chiếc áo mới, là mục đích chính của người tu Phật. Chúng ta nhìn lại xem những vị tu hành thâm nhập đạo lý sâu, sống được với đạo, không bao giờ lắc đầu chặc lưỡi thở dài, mà thường cười hoài. Bao nhiêu đó cũng đủ cho thấy đạo Phật đến với cuộc đời như thế nào rồi. Ðặc biệt là đạo Phật ở nước ta.

Trong thời Lý-Trần, đạo Phật được xem như Quốc giáo. Với một nền giáo lý nhập thế cơ bản, Phật giáo Việt Nam luôn có mặt, luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước. Lúc thăng lúc trầm, khi ẩn khi hiện, nhưng chưa bao giờ vắng thiếu trên đất nước ta. Ðó chính là chân tinh thần đạo pháp không lìa thế gian, không lìa cuộc đời mà có vậy. Nếu không thế thì đạo Phật không thể tồn tại trong lòng dân tộc, trong lòng nhân loại được.

Cho nên khoa học càng tiến thì nền tảng đạo đức của con người lẽ ra phải càng cao, giá trị tâm linh phải càng sáng mới có thể dừng bớt những nguy cơ cho nhân loại. Nếu chúng ta chưa thấy rõ tầm quan trọng đó thì nền khoa học hiện đại bước vào thế kỷ mới sẽ không thể cứu vãn nhân loại thoát khỏi mọi thứ hiểm họa được. Thiên tai, bệnh tật, chiến tranh, nghiện ngập v.v…. đều xuất phát từ một nền tảng đạo đức suy đồi, từ lòng tham lam và si mê vô bờ của con người.

Chúng tôi thiết nghĩ, không thể có được nguồn an vui hạnh phúc chân thật khi con người chưa nhận ra và diệt trừ được nguồn gốc của khổ đau. Không thể có được một nền văn minh sáng rực khi giá trị tâm linh của con người đã bị lu mờ. Muốn thế, nhân loại phải biết trở lại với cái chân thật luôn hằng hữu bên mình. Bởi vì phát minh và làm chủ được chính mình cũng có nghĩa là phát minh và làm chủ được toàn thể vũ trụ này.

Muốn thế, chúng ta hãy thử một lần đến và chiêm nghiệm giáo lý của đức Phật bằng chính sự thực hành của mình xem sao!

Source: thuvienhoasen.

QUÁN CHIẾU VỀ SỐNG CHẾT

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Là nhà Phật học mình phải nói với nhà khoa học: Nếu đã chấp nhận không sinh không diệt rồi thì phải tiến tới một bước nữa là chấp nhận không có cũng không không, phải thoát ra ý niệm being và non-being.

Niềm vui chưa trọn vẹn

Chúng ta có bài tập:

Thở vào tôi biết tôi đang còn sống
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi

Bài thực tập này giúp chúng ta có mặt thật sự và tiếp xúc được với sự sống. Theo nguyên tắc, khi thở vào, đem thân trở về với thân, tiếp xúc được với sự thật là ta đang còn sống và sự sống đang có mặt trong ta và chung quanh ta thì sự thực tập chế tác được niềm vui, niềm vui được biết là ta đang còn sống. Ta có tuệ giác là mình phải sống như thế nào cho xứng đáng, để không làm uổng phí sự sống mà mình đã được ban tặng. Thở vào tôi biết là tôi đang còn sống, ta có niềm vui do ý thức tạo ra.

Nhưng niềm vui nhờ ý thức được rằng mình đang còn sống có hàm chứa sự lo lắng mà mình không muốn đối diện. Mình lo lắng một ngày nào đó mình sẽ phải chết tại vì có sống thì phải có chết. Niềm vui đó có thể không trọn vẹn, mình trận quí sự sống, mình trân quí giây phút hiện tại nhưng phía sau vẫn còn một sự lo lắng nào đó: Ngày mai mình sẽ nằm xuống và thân xác của mình sẽ cứng đơ. Mình không còn thở, không còn cảm xúc, không còn cảm giác nữa, mình không còn suy tư và không còn có mặt trong cuộc đời.

Tuy niềm vui chế tác bởi ý niệm “mình đang còn sống”có mặt thật sự, nhưng phía sau còn lãng vãng một nỗi sợ, một nỗi buồn. Niềm vui đó không được trọn vẹn tại vì mình biết rất rõ đã có sự sống thì thế nào cũng có cái chết, không chết ngay bây giờ nhưng sẽ chết một ngày nào đó. Vì vậy trong đạo Bụt chúng ta có những phép thực tập quán chiếu về cái chết. Đức Thế Tôn nói quán chiếu về cái chết đem lại rất nhiều lợi lạc. Chúng ta sợ cái chết, chúng ta không cảm thấy thoải mái khi nghĩ tới cái chết và ta có khuynh hướng đẩy ý niệm chết ra. Ta không dám đối diện với cái chết, nhưng trong tiềm thức ta biết thế nào ta cũng phải đối diện với nó. Chúng ta có nhiều bài tập quán chiếu về cái chết mà bài tập thông thường nhất là:

Tôi thế nào cũng phải chết. Tôi không thể nào tránh khỏi cái chết.

Trong chiều sâu tâm thức của chúng ta có hạt giống sợ chết. Nhưng thay vì trốn chạy hay khỏa lấp nó thì ta đưa nó lên và nhìn thẳng vào nó. Ta đối diện với nỗi sợ của mình, nỗi sợ khi chết phải đi vào hư vô, phải từ lĩnh vực của hữu thể đi vào lĩnh vực của vô thể. Mỗi người trong chúng ta đều có hạt giống của sự sợ hãi đó nên bài tập dạy chúng ta: thay vì chạy trốn nó thì ta nâng nó lên cao và nhìn thẳng vào mặt nó. Trụ Vũ có viết một bài thơ:

Tôi đi giữa sa mạc hiu quạnh
Một con gấu bỗng đến vồ tôi
Nhưng tôi nhìn thẳng vào mặt nó
Để mặc cho nó xé nát cho rồi

Nhưng bài thơ của Trụ Vũ có vẻ bi thảm. Đáng lý ra mình phải xé nát con gấu thay vì để con gấu xé nát mình. Cái chết chỉ là một ý niệm, con gấu đó là một con gấu giấy mà không phải là con gấu thật.

Bài thực tập này Bụt đưa ra cho các thầy gồm có năm phần:

1.Thế nào tôi cũng phải già, tôi không thể nào tránh thoát cái già.

Ta đem cái sợ già lên nhìn và mỉm cười với nó. Người tu phải có can đảm đối trị cái sợ của mình, nếu không nó sẽ âm thầm tàn phá mình, tại vì tiềm thức mình hoạt động ngày đêm và nó chi phối cách suy tư, cách nói năng, cách hành động của mình mỗi ngày.

Phương pháp của đạo Bụt là không trốn chạy mà phải đem cái sợ lên mà nhìn cho kỹ, trước hết là nhìn cái già của mình: mình thế nào cũng phải già, mình còng lưng xuống chống gậy và đi những bước run rẩy.

2.Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào thoát khỏi bệnh.

Trước khi chết thế nào mình cũng phải bệnh, không bệnh này thì bệnh khác. Mình rất sợ giờ phút mình nằm trên giường bệnh, bác sĩ chăm sóc cho mình bớt đau nhức. Khi mình trực tiếp nhìn vào mặt của cái bệnh thì nó sẽ không ở bên dưới thầm thầm chi phối mình nữa.

3.Tôi thế nào cũng phải chết, tôi không thế bào tránh khỏi cái chết.

4.Những gì tôi trân quí hôm nay như địa vị, bằng cấp, danh vọng, tài sản, những người thương thì đến giờ phút đó tôi đều phải buông bỏ, tôi không đem theo được gì hết.

Mình phải thấy được sự thật đó. Có những người chết rất khó tại vì họ không buông bỏ được. Chúng ta học quán chiếu để buông bỏ ngay từ bây giờ.

5.Cái mà tôi đem theo là tất cả hành động của tôi. Những gì, tôi nghĩ, những gì tôi nói, những gì tôi làm sẽ không mất đi, tôi sẽ đem chúng theo và hoàn toàn chịu trách nhiệm về chúng nó.

Những tư duy của tôi, những lời nói, những hành động của tôi (hoặc lành hoặc dữ) đều mang chữ ký của tôi. Tôi không thể nào chối là tôi đã không nghĩ, không nói, không làm như vậy. Đó là những nghiệp mà tôi đã tạo ra trong đời này và nó sẽ đi theo tôi.

Đức Thế Tôn đã dạy các thầy, các sư cô quán chiếu như vậy với mục đích là cho chúng ta cơ hội đưa cái sợ lên, nhìn thẳng vào mặt nó để làm cho nó yếu bớt đi, không cho nó âm thầm chi phối những tư tưởng, những ngôn ngữ hay những hành động của mình trong đời sống hằng ngày. Chúng ta nên có một bài tập nữa để bổ túc cho bài tập”Thở vào tôi biết đang còn sống, thở ra tôi ăn mừng sự sống”.

Thở vào, tôi biết ngày nào đó tôi sẽ chết và tôi sẽ không đem theo được gì ngoài hành động (karma) của tôi mà thôi.

Bài tập thứ hai này không dễ chịu bằng bài tập thứ nhất nhưng nếu mình biết thực tập thì bài tập thứ nhất sẽ đem lại cho mình hạnh phúc nhiều hơn. Đức Thế Tôn có nói: nếu chúng ta quán chiếu được về cái chết thì công đức sẽ vô lượng. Theo tiêu chuẩn ngoài đời, một người đang còn trẻ mà quán chiếu về cái chết thì không lành mạnh (morbide). Nhưng sự thật thì ngược lại, nếu quán chiếu và thấy được bản chất của cái chết thì ta sẽ trân quí sự sống và ta sẽ sống sâu sắc và hạnh phúc hơn nhiều.

Đức Khổng Tử nói: Mình chưa biết xử lý sự sống thì làm sao mà xử lý được cái chết? (Vị năng sự sinh, yên năng sự tử?). Nhưng nếu mình quán chiếu và có được một cái thấy chính xác về cái chết thì lúc đó mình sống mới thật là sống, tại vì cái sống và cái chết nương vào nhau mà có.

Quán chiếu về không sinh không diệt

Đứng về phương diện tích môn thì có sống và chết, có sinh và diệt; nhưng đứng về phương diện bản môn thì không có sinh, không có diệt. Quán chiếu về chết và sống rồi, mình có thể đi tới bước thứ hai là quán chiếu về không sinh không diệt.

Khoa học hiện đại đang vật lộn với quan niệm sống-chết, có-không và khoa học đã khám phá ra nhiều điều tương đương với tuệ giác của đạo Bụt. Lavoisier đã nói: Không có gì sinh cũng không có gì diệt (Rien ne se crée, rien ne se perd). Khoa học đã nêu ra luật bảo tồn năng lượng và luật bảo tồn vật chất (la loi de la conservation, de l’énergie, la loi de la conservation de la matière). Các nhà khoa học nhìn vào vật chất, nhìn vào năng lượng và thấy rằng: bản chất của vật chất cũng như của năng lượng là không sinh và không diệt. Chúng ta không thể nào làm ra vật chất mới, làm cho vật chất từ có mà trở thành không. Chúng ta cũng không thể nào tạo ra năng lượng mới hay làm cho năng lượng từ có mà trở thành không. Đó lá cái thấy của những nhà khoa học. Lavoisier nói: Không có gì sinh, không có gì diệt, tất cả đều chuyển biến (Rien ne se crée, rien ne se perd, tout se transforme). Tất cả đều biến đổi, mà biến đổi khác với sinh diệt. Sinh là từ không mà trở thành có, diệt là từ có mà trở thành không, còn chuyển biến là thay đổi mà thôi. Vì vậy cái thấy của Lavoisier rất sâu sắc, ông đã khám phá ra sự thật là các pháp không sinh cũng không diệt, các pháp là vô thường chuyển biến. Nhưng không biết Lavoisier có áp dụng được cái thấy đó vào trong đời sống của ông hay không? Năm 51 hay 52 tuổi thì ông bị lên máy chém. Vợ của Lavoisier rất dễ thương, ông đã cưới cô lúc cô chưa được 14 tuổi. Cô rất xinh đẹp và yêu chồng, cô nguyện học tiếng Anh để dịch những tác phẩm khoa học của các nước cho chồng tham khảo và cô cũng trở thành một nhà khoa học. Nhưng sau cuộc cách mạng Pháp thì Lavoisier và ông bố vợ đều bị lên máy chém. Tôi đặt câu hỏi là khi lên máy chém Lavoisier có áp dụng được cái thấy bất sinh bất diệt hay không? Chính Lavoisier đã nói rằng không có gì sinh cũng không có gì diệt và nếu quả thật Lavoisier có cái thấy đó như một tuệ giác sống mà không phải là lý thuyết thì khi lên máy chém ông có thể mỉm cười được. Cái thấy của Lavoisier và cả Lavoisier vẫn còn tiếp tục cho tới bây giờ, Lavoisier đang có mặt trong thiền đường này ngày hôm nay, Lavoisier không chết được. Cũng như đám mây trên trời, đám mây không chết khi trở thành mưa, nó chỉ tiếp tục dưới hình thức của cơn mưa. Những khám phá của khoa học không những chỉ được áp dụng vào lĩnh vực kỹ thuật mà còn phải được áp dụng vào đời sống tâm linh và đời sống tình cảm của con người. Vì vậy nhà khoa học phải nắm tay với nhà Phật học tại vì hai bên khám phá ra những điều tương đương với nhau rất hay.

Không có cũng không không

Nếu đã không có sinh, không có diệt thì cũng không có có, không có không tại vì sinh là từ không mà trở thành có và diệt là từ có mà trở thành không. Đã đạt tới không sinh không diệt, nhưng khoa học không chấp nhận được là đã không sinh không diệt thì cũng không có không không. Nhiều nhà khoa học vẫn còn kẹt vài ý niệm có và không. Theo nguyên tắc thì nếu đã chấp nhận sự thật là không sinh cũng không diệt thì cũng phải chấp nhận luôn sự thật là không có cũng không không. Chúng ta không thể nói rằng vũ trụ bây giờ đang có và mai mốt nó sẽ trở thành không, hay là vũ trụ bây giờ đang có nhưng trước khi có nó đã là không. Nếu chấp nhận sự thật đó khoa học sẽ không đi tìm giây phút đầu tiên, giây phút mà vũ trụ từ không trở thành có gọi là Big Bang, và một khi đã có BigBang thì khoa học phải tưởng tượng ra ngày nào đó vũ trụ sẽ bị tiêu diệt gọi là Big Crunch.

Là nhà Phật học mình phải nói với nhà khoa học: Nếu đã chấp nhận không sinh không diệt rồi thì phải tiến tới một bước nữa là chấp nhận không có cũng không không, phải thoát ra ý niệm being và non-being. Đối với nhà thần học cũng vậy, nếu đã làm việc với nhà Phật học và nhà khoa học thì nhà thần học cũng phải chấp nhận điều đó. Định nghĩa Thượng đế là nền tảng của hữu thể (the ground of being) là còn kẹt vào ý niệm có và không. Nếu Thượng đế là nền tảng của cái có thì ai là nền tảng của cái không? Thượng đế phải thoát ra ý niệm có và không, cho nên đặt vấn đề Thượng đế có hay không có là vô nghĩa. Chúng ta không thể gán cho Thượng đế ý niệm có và không hay sinh và diệt, tại vì ta không thể gán niệm có và không hay sinh và diệt cho một đám mây hay một năng lượng thì làm sao mà ta có thể gán nó cho Thượng đế? Ta đừng cho rằng Thượng đế đứng về phe hữu thể và Satan đứng về phe vô thể, tại vì nếu như vậy thì Thượng không phải là tất cả, Thượng đế có kẻ thù là Satan cũng như hữu thể là kẻ thù của vô thể. Hữu và vô là hai ý niệm cũng như hai ý niệm sinh và diệt.

Sống và chết tương tức

Chúng ta thử vạch một đường tượng trưng cho thời gian từ quá khứ đi tới hiện tại, và tương lai.

Mình ngồi ở điểm hiện tại và nói:

Thở vào tôi biết là tôi đang còn sống

Điều đó có nghĩa là tôi bắt đầu sống ở điểm sinh ra và sẽ tiếp tục sống cho đến điểm chết đi. Khi nói như vậy thì phía sau mình có một niềm đau, một sự lo lắng cho nên niềm vui không được trọn vẹn. Vì vậy ngồi ở giây phút hiện tại chúng ta làm thêm một bài tập:

Thở vào tôi biết tới lúc nào đó tôi cũng phải chết

Tôi từ vô thể mà đi vào hữu thể, rồi tới điểm chết tức là tôi sẽ từ hữu thể mà đi vào vô thể, đó là cái thấy của chúng ta. Cái thấy đó đưa tới sự lo lắng, nó nằm như một khối trong tiềm thức và chi phối đời sống của mình. Mình đẩy, mình chạy trốn, mình khỏa lấp cái sợ đó, nhưng nó vẫn còn đó, tại vì sự thật là hễ có sinh thì có tử, không có tử thì không có sinh. Mình cứ tưởng có một cái sinh ra trước, rồi lâu lắm thì cái kia mới sinh ra. Điều này không đúng tại vì sinh và tử có mặt cùng một lần, chúng đi sát với nhau như một cặp bài trùng và có mặt ngay bây giờ chứ không đợi đến một trăm năm sau. Cũng như bên trái và bên trái, không phải là bên trái có trước và saư đó bên trái mới sinh ra, hễ có trái thì có phải ngay lúc đó. Phải làm nền tảng cho trái xuất hiện và trái làm nền tảng cho phải xuất hiện, phải và trái sinh ra cùng một thời, không có cái này thì không có cái kia. Phải và trái tương tức (inter-being), đó gọi là câu hữu (co-being), tiếng Phạn là sahabhu, bhu là có mặt (hữu), saha là cùng nhau. Cái có không thể có mặt một mình, cái có phải cùng có mặt với cái không. Cái sinh không thể có mặt một mình, cái sinh phải cùng có mặt với cái tử.

Tất cả những gì chúng ta thấy và tiếp xúc hằng ngày cũng đều như vậy. Trong và ngoài cùng xuất hiện một lần, cha và con cùng xuất hiện một lần. Trước khi con anh sinh ra thì anh không được gọi là cha, anh chỉ được gọi là cha khi con của anh sinh ra mà thôi. Có con thì mới có cha, có cha thì mới có con, con và cha tương tức. Cha dựa trên con mà con và con cũng dựa trên cha mà có. Phật là người giác ngộ và chúng sanh là người mê lầm, nhưng có chúng sanh mới có Phật và có Phật mới có chúng sanh. Phật và chúng sanh đi đôi với nhau, chúng ta đừng nên chọn một cái và vứt cái kia đi. Hạnh phúc và khổ đau cũng như vậy, đó là hai mặt của một thực tại. Hạnh phúc dựa trên khổ đau mà có và khổ đau dựa trên hạnh phúc mà có, vì vậy chạy trốn khổ đau và đi tìm hạnh phúc là một chuyện rất buồn cười. Giải thoát có nghĩa ngược lại với triền phược, nhưng nếu không có triền phược thì làm gì có giải thoát và không có giải thoát thì làm gì có triền phược? Giải thoát và triền phược tương tức, câu hữu.

Theo nguyên tắc, mình sinh ra lúc 0 hay 1 tuổi và chết đi lúc 100 tuổi, nhưng mình có thể chết đi bất cứ lúc nào. Giữa sinh và tử không có khoảng cách mà chúng dính vào nhau như mặt trái và mặt phải của một tờ giấy. Chúng ta thấy rất rõ nếu không có mặt trái thì không có mặt phải và ngược lại. Trái và phải, trên và dưới sinh ra cùng một lần. Đó gọi là tương tức.

Chúng ta đừng nên nghĩ rằng sự sống có mặt bây giờ và cái chết sẽ đến trong tương lai. Khi đi từ Boston tới New York chúng ta nghĩ có Boston và có New York, ta phải lái xe mấy giờ đồng hồ mới từ Boston tới New York. Nhưng trong mỗi bước chân của mình, bước chân nào cũng có Boston và New York. Mình đang hướng về New York và quay lưng về Boston, nhưng Boston và New York có ngay ở đây mà không phải chỉ có ở hai đầu mà thôi.

Cái chết và cái sống cũng vậy, nó không bị ngăn cách bởi một khoảng thời gian và không gian, nó có mặt ngay trong hiện tại, nó gần với nhau hơn là bề mặt và bề trái của tờ giấy. Không có cái chết thì không thể nào có sự sống, không có diệt thì không thể nào có sinh.

Các nhà khoa học cũng tìm ra được điều đó. Họ thấy rõ ràng trong cơ thể của mình lúc nào cũng đều có cái chết đang xẩy ra. Trong lĩnh vực sinh học cũng như trong lĩnh vực lượng tử, cái gọi là vô thường (transformation) đạt tới trình độ cao nhất. Nhìn vào trong cơ thể của mình chúng ta thấy trong mỗi giây phút có hàng triệu tế bào chết đi và có hàng triệu tế bào sinh ra, và cái sống cùng cái chết dựa vào nhau mà có. Nếu những tế bào kia không chết đi thì những tế bào này không sinh ra, sinh dựa vào tử và tử dựa vào sinh. Nếu nhìn bằng kính hiển vi thì ta sẽ thấy bề dày của tờ giấy còn lớn hơn nhiều so với khoảng cách giữa sinh và diệt trong một giây phút, tại vì khoa học hiện nay đã chứng thực được rằng cái chết và cái sống cùng phát hiện trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Hàng triệu tế bào đang chết mà mình không đau buồn và hàng triệu tế bào đang sinh ra mà mình cũng không vui mừng. Thông thường nếu có một người chết thì mình làm đám ma, nhưng trong giây phút hiện tại có hàng triệu tế bào chết mà mình không có thì giờ để làm đám ma cho từng tế bào, và có hàng triệu tế bào mới sinh ra mà mình không có thì giờ để ăn mừng ngày ra đời của chúng. Sự sống chết đang nương vào nhau và xẩy ra ngay bây giờ thì tại sao mình lại phải sợ chết? Mình sợ tại vì mình có cái thấy lệch lạc, mình lấy lưỡi dao ý niệm để tách sự thật ra làm hai phần, một bên là sự sống và một bên là cái chết; bên này là hình hài nhảy múa, cười đùa, ăn uống và bên này là thân thể cứng đơ không có suy tư. Mình cho là mình đang ở bên sự sống, nhưng thật ra là cái sống đang ở bên cái chết và cái chết đang ở bên cái sống. Sống và chết tương tức với nhau.

Niết bàn: Tuệ giác vượt thoát ý niệm sống và chết, có và không

Quán chiếu bài tập đến câu thứ năm chúng ta thấy: Những gì mà tôi đem theo khi xác thân này tan hoại chỉ là những hành động của tôi. Tất cả những gì tôi chế tác bằng năm uẩn của tôi tức tư tưởng, lời nói và hành động đều mang chữ ký của tôi và khi tôi chết thì chúng nó sẽ đi theo tôi.

Đứng về phương diện khoa học thì không có gì mất đi, không có cái chết. Đám mây trên không thể chết, nó không thể nào từ hữu thể mà trở thành vô thể. Khi trở thành mưa thì tất cả đám mây đều nằm trong mưa, nó không mất đi một nguyên tử nào. Khi thí nghiệm một phản ứng hoá học, chúng ta chế chất này vào trong chất kia thì phản ứng hóa học có thể cho chúng ta có cảm tưởng là có một chất gì đó mất đi và một chất gì đó hiện ra. Nhưng nhìn cho kỹ thì các nhà khoa học thấy rằng tất cả những nguyên tử đi vào phản ứng vẫn còn nguyên khi đi ra khỏi phản ứng hóa học, không có gì cũ bị mất đi và không có gì mới được tạo nên.

Trong Thất Ngồi Yên của tôi có óng kính vạn hoa (kaleidoscope) rất đẹp. Nhìn vào, mình thấy một hệ thống hình ảnh và màu sắc tuyệt vời. Chỉ cần xoay một cái là mình có hình ảnh mới đẹp tương đương, có khi còn đẹp hơn hình ảnh cũ. Không có hình ảnh nào giống hình ảnh nào, nhưng hình ảnh nào cũng đều tuyệt vời. Những hình ảnh thay đổi, nhưng không có gì mất đi, không có gì sinh ra và mình không có thương tiếc tại vì hình ảnh này tiếp nối hình ảnh kia rất đẹp. Không có gì thêm vô, không có gì mất đi, tất cả đều chuyển biến. Đám mây trên trời đẹp thật, nhưng khi trở thành mưa thì nó cũng đẹp. Tất cả những gì có trong đám mây bây giờ đều có mặt trong cơn mưa. Đó gọi là bảo tồn (conservation). Nếu nghĩ chết là không còn gì nữa thì rất sai lầm. Nhìn cho kỹ thì không có cái sinh, không có cái tử. Chúng ta phải sử dụng tuệ giác đó, và ngay chính trong khoa học cũng phải áp dụng tuệ giác đó. Thấy được không sinh không tử mình sẽ giải quyết được vấn đề sợ hãi, tại vì sự sợ hãi là gánh nặng nhất của con người.

Bông hoa hay con chim kia đang sống, nhưng chúng không có nỗi sợ hãi đó. Con người phải trả cái giá văn minh của mình bằng nỗi lo sợ phập phồng về cái chết và về cái vô thể. Vì thế sự quán chiếu giúp con người vượt thoát ý niệm có và không, sống và chết. Khi khi vượt khỏi ý niệm có và không, sống và chết rồi thì nỗi lo sợ của mình sẽ không còn và mình có được niềm vui thật sự. Mục đích cao nhất của người tu là đạt tới Niết bàn. Niết bàn là tuệ giác, là cái thấy vượt thoát ý niệm có và không, sống và chết. Nhưng Niết bàn không phải là cái gì xa lắc xa lơ, Niết bàn nằm trong những cái mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày như đám mây kia. Đám mây thuộc về thế giới hiện tượng; quán sát nó mình thấy nó có khi có có khi không, có khi sinh có khi diệt. Nhưng nhìn kỹ bản chất của đám mây, mình thấy tự tính của nó là không sinh không diệt, không có không không. Khoa học cũng có thể làm được điều đó. Đám mây không cần phải đi tìm cái không sinh không diệt, không có không không tại vì nó đang ở trong đó rồi. Có, không, sinh, diệt chỉ là ý niệm của mình. Không những đám mây mà tất cả vạn vật đều như vậy.

Chúng ta hãy tưởng tượng có một đám mây mà 50% biến thành mưa và 50% vẫn còn bay lơ lững trên trời. Một nửa đám mây nhìn xuống và nhìn thấy một nửa của nó đã trở thành dòng nước. Nó nhận ra được d ò ng nước đó là sự tiếp nối của mình, nó thấy nó bay ở trên cũng vui mà nó trôi chảy ở dưới cũng vui. Nó chào phân nửa của nó ở dưới: Hello, you are half of me down there, I go join you very soon. Đám mây không có sợ hãi, nó biết bản chất của nó là không có không không, không sinh không diệt. Chỉ có sự biến chuyển mà không có sự sinh diệt. Đám mây không có sự lo lắng của con người.

Niết bàn không phải là cái mình đi tìm. Mình đang ở trong Niết bàn tức trong thể tính không sinh không diệt, không có không không của mình. Cũng như đợt sóng kia đang sợ hãi vì sự lên xuống, có không; nhưng khi đợt sóng biết mình là nước rồi thì nó không còn sợ hãi nữa, đi lên nó cũng vui mà đi xuống nó cũng vui. Nó không cần phải đi tìm nước, nó đã là nước rồi. Niết bàn cũng vậy, Niết bàn không phải là trạng thái tâm lý hay nơi chốn mà mình phải đi tìm. Niết bàn là bản chất của mình, mình đang ở trong Niết bàn. Chúng ta nói “nhập Niết bàn”, như vậy có nghĩa là mình ở ngoài và mình đi vô Niết bàn. Điều này không đúng, nói như vậy giống như mình là một cái khác, Niết bàn là một cái khác và mình đi vô Niết bàn. Mình đang ở trong Niết bàn thì cần gì phải nhập Niết bàn. Niết bàn nằm ở đâu? Niết bàn nằm ngay ở chỗ sinh tử. Đi tìm nước ở đâu? Tìm ngay ở sóng. Trong sóng có nước, trong sinh tử có Niết bàn. Nhìn bề ngoài, đám mây có sinh, có tử; nhưng trong bề sâu đám mây không có sinh, không có tử.

Đây là bài pháp thoại ngày 19 tháng 01 năm 2012 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng trong khóa An Cư Kiết Đông 2011-2012.

Source: thuvienhoasen

 

Chuyển đến trang:  1  2  3