HV-10: Các Chủ Đề Cắm Hoa

Recent Pages:  1    3  4 4a  5  6  7  8  9  10 10a 10b 10c 10d 11 11a   12 13 15 16 17 18
18a 19 20 21 22 23 24 25 26  26a 27 28 29 30 31 32 33 34
35  35a 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54
55 56 57 58 59 60 61

Hoa Lễ Phật

Truyền thống của người Việt trong cúng Rằm, mùng Một, lễ Tết, giỗ chạp… là bên cạnh mâm cơm, bát hương, chén nước, lúc nào cũng có một bình hoa đẹp.

Ý nghĩa của việc dâng hoa

Với người Việt, trong thờ cúng tổ tiên, lễ chạp, các ngày vọng (ngày Rằm, mùng Một) và thờ phụng tâm linh… việc dâng hoa cúng thanh khiết, thể hiện tâm thành rất quan trọng (hương, hoa, trà, quả). Dâng hoa cúng có ý nghĩa dâng những điều thiện lành, tốt đẹp đã làm được trong cuộc sống, như là những đóa hoa tươi thắm, thơm tho dâng cúng chư Phật, thánh, gia tiên, là hành động thành kính, bày tỏ tâm biết ơn dù giá trị vật chất không nhiều.

Đối với các phật tử, hoa là nhân, sau đó là kết quả. Cúng hoa là thể hiện cho việc tu nhân. Nếu cúng hoa đẹp sẽ hái được quả ngon, mỗi khi thấy hoa là nhớ đến việc tu nhân thiện để tương lai mới nhận được quả báo thiện.

photoq12

Xưa đĩa hoa cúng có nhiều bông hoa các loại (bông huệ trắng muốt thơm ngát, bông ngọc lan thơm nồng, nhánh hoàng lan thơm mềm mại, bông hoa cúc, đóa thược dược)… tùy theo mùa. Hoa rất thơm, cúng xong các mẹ thường để khô, đến lần cúng sau mới thay hoa mới.

Hoa dâng cúng nên chọn hoa thơm, tên đẹp, tính chất hoa đẹp. Hoa bây giờ có hàng trăm loại, tùy mùa mà dâng hoa cúng khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là cúc, hồng, sen, huệ… Nhiều loài hoa, nhưng chỉ có một số loại dùng để thờ cúng như hoa hồng, hoa huệ dùng để dâng cúng, còn hoa nhài chỉ để chơi và tẩm ướp trà… Do đó, cần biết để chọn hoa cúng phù hợp mới trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên.

Hoa cúng lễ Phật ngoài mẫu đơn nên chọn hoa có màu vàng và đỏ – là những màu tượng trưng cho nhà Phật như cúc vàng, hồng đỏ (hồng không chọn hồng phơn phớt hoặc màu khác). Hoa cúc, hoa hồng không nên chọn những hoa nở to, nên lựa kỹ từng bông. Hoa thờ gia tiên ngày Tết nên cho vào nước vài viên thuốc B1 để có dinh dưỡng nuôi hoa tươi lâu.

Nếu trưng mai, đào trên bàn thờ, nên chọn cành nhiều nụ to, cánh hoa mịn, điểm lá non và nên mua trước Tết khoảng 3-5 ngày thì hoa mới nở rộ đúng dịp Tết.

Hoa nào không nên cúng?

Bên cạnh mâm cơm, bát hương, chén nước cúng tổ tiên, lúc nào cũng phải có một bình hoa đẹp đặt lên bàn thờ. Khi dâng hoa lên bàn thờ cũng cần hiểu ý nghĩa, chọn cho đúng loại để ban thờ được trang trọng.

Với hoa ly rực rỡ, thơm ngát không nên dâng lễ Phật nhưng có thể dâng gia tiên và nơi thờ thánh (nhất là nơi thờ thánh Mẫu).

Hoa phong lan đẹp, bền được nhiều người mua cắm bàn thờ dịp Tết, nhưng dâng Phật không nên dùng phong lan có nhiều màu rực rỡ.

oct-8-2016

Hoa địa lan thơm, không rực rỡ (chỉ có màu xanh, vàng), lại trồng ở đất (khác phong lan) nên không có tính chất khác. Dâng Phật, thánh, gia tiên đều được.

Hoa lan móng rồng (phía Nam gọi là lan cua) tuy thơm nhưng không dùng để thờ cúng bởi cánh hoa giống móng rồng và tên gọi cũng không đẹp.

Hoa đại (sứ, chămpa) thơm, màu đẹp, nhưng không dùng cúng trên bàn thờ vì theo tích Lào thì là chuyện tình yêu trai gái không nên dùng.

Ngoài ra, có những loại hoa không được đem vào cả lễ Phật, thánh và gia tiên, ví dụ, hoa nhài tuy là biểu tượng trong sạch, tinh khiết nhưng trong dân gian là loại hoa không đứng đắn, hay gặp nghịch cảnh (hoa nhài cắm bãi cứt trâu).

Hoa cúc áo (hoa cứt lợn), tuy bông hoa xinh xắn, màu đẹp, chữa bệnh rất tốt, nhưng chỉ cắm chơi được chứ không thể đặt lên bàn thờ nơi có thần linh và gia tiên bởi cái tên của nó không đẹp.

Cúc vạn thọ tên hay, màu vàng, hay dùng vì dễ trồng dễ sống, có màu vàng tươi tắn, sự may mắn và thịnh vượng.

Trong nhà, bàn thờ Phật cần nhất chữ tâm và chữ tịnh. Tùy vùng, tùy nơi mà linh hoạt dùng hoa, không cố chấp quá, cũng không nên thoải mái, phóng túng quá (như phía Nam có nơi dùng hoa cúng là hoa điệp màu vàng, trắng, đỏ), có địa phương hiếm hoa còn cắt cây chuối non, đem vào cắm lục bình thay hoa.

Bàn thờ là nơi thể hiện sự thành kính của con cháu với gia tiên, dâng hoa cúng cần có thái độ kính cẩn, thể hiện nét đẹp hiếu hạnh của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

Với hoa giả, quả giả, nhang điện so với phẩm vật tươi thì có phần kém trang nhã, tươi mát hơn khi đưa lên bàn thờ. Cúng đồ giả tuy không mất trang nghiêm, bất kính hay có lỗi, nhưng có thể trưng ngày thường, còn ngày Rằm, mùng Một thì nên mua hoa quả tươi.
.
Lễ phẩm là biểu hiện của tấm lòng, do đó sẽ không tốt khi dùng lễ giả để mong biểu thị tấm lòng chân thật. Phẩm vật dâng cúng dù nhiều hay ít, tốt hoặc xấu, ngon hay dở nên là thật.
.

(Theo thầy Thích Phước Thái, chùa Quang Minh)

Các loài hoa biểu dương cho sự thanh khiết giản dị

Các loài hoa được liệt kê là Thánh hoa vì có liên quan mật thiết với đời sống đức Phật. Đó là hoa sala trắng (Shorea robusta), hoa vô ưu (Saraca asoca), hoa đầu lân (Couropita Guianensis) và hoa sen.

Một số hoa khác được chọn lựa vì có mầu sắc kín đáo, mùi hương thoang thoảng êm dịu nhẹ nhàng. Đó là, hoa ngọc lan, hoa mộc lan, hoa huệ ta, hoa cúc hoa mẫu đơn Việt Nam. Những hoa này được coi như biểu dương cho sự thanh khiết giản dị tàng ẩn trong Phật đạo.

Hai loại hoa mà người ta không bao giờ đem lễ Phật, đó là hoa lài (nhài) và hoa dâm bụt.

Hoa Sala

Hoa Sal (1)

Sa la là loài cây đã phủ hoa xuống trắng rừng để cúng dường kim thân Đức Phật lần cuối cùng, kính tiếc giã biệt một bậc Thầy của trời và người. Những cánh hoa Sala trắng bay khắp rừng như cùng diễn nói nghĩa của các pháp vô thường, khổ, không.

Hoa Vô Ưu

hoa-vo-uu-4

Cây vô ưu gắn với sự kiện Đức Phật đản sinh và tên tuổi của vị hoàng đế Phật tử vĩ đại Asoka, đã trở thành một loài cây thiêng bậc vào nhất đối với đất nước Nepal, Ấn Độ, cũng như các quốc gia có truyền thống văn hoá Phật giáo khác hiện nay.

HOA   ĐẦU  LÂN

Cây hoa Ðầu Lân

Cây hoa Ðầu Lân

Cây đầu lân, còn gọi là ngọc kỳ lân, hàm rồng – tên khoa học là Couropita Guianensis, chi Couroupita, Họ Lecythidaceae Lộc vừng. Có lẽ là do sự cấu kết tự nhiên của chùm hoa nhìn giống như hình cái Đầu lân, mà người ta dùng hình ảnh này đặt tên cho hoa.

Hình tượng này của hoa làm ta liên hệ đến con rắn hổ mang chín đầu bảo vệ Đức Phật trong lúc ngài ngồi nhập định 49 ngày dưới cội cây bồ đề. Cũng có thể với ý nghĩa này nên Cây Ðầu Lân hay được trồng tại các khuôn viên của các chùa.

Hoa Sen

Hoa Sen

 Tên khoa học là Nelumbo nucifera. Tiếng Phạn là Padma.

    Ca dao Việt Nam tả hoa sen (trắng) như sau:

Trong hồ gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Hoa Sen là một Thánh hoa có liên hệ mật thiết với Phật giáo. Theo truyền thuyết, khi Phật mới đản sinh, Ngài đứng lên đi bẩy bước, mỗi bước có hoa sen đỡ bàn chân Ngài. Có đến cả trăm Kinh điển nhắc đến hoa sen, như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Pháp Hoa, Kinh Trữ Cái Chướng Bồ Tát Sở  Vấn, Kinh Phạm Võng….Do vậy không ngạc nhiên gì khi người ta dùng hoa sen làm biểu tượng cho Phật giáo.

Theo Mật tông, trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở .

Hoa sen TRẮNG (Tiếng Phạn: Pundanka) thường có 8 cánh ứng với Bát Chính đạo. Đây là đặc trưng của  các vị Phật.

Hoa sen ĐỎ  (Phạn: Padma) tượng trưng cho tình yêu, lòng từ bi thương người . Đây là hoa của Quan Thế Âm Bồ Tát.

Hoa sen XANH (phạn: Utpata) tượng trưng cho trí tuệ tối thắng Bát-Nhã Ba-La-Mật. Đây là sen của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.

Hoa sen HỒNG (Phạn: Padma)  tượng trưng cho trí tuệ tối thượng, dành cho các vị Phật lịch sử.

Hoa sen TÍM  là hoa của sự huyền diệu. Đây là hoa đặc trưng của phái Mật tông.

Giống như cây chuối, tất cả bộ phận của sen đều được sử dụng.

Hoa thì ngoài việc cúng lễ, còn được làm thành trà hay ướp trà. Ngó sen dùng làm nộm hay gỏi. Lá sen dùng để gói bánh hay ủ rượu nếp. Người theo trà đạo thường sai tiểu đồng sáng sớm đi hứng những hạt sương đọng trên lá sen đem về nấu nước pha trà. Hột sen thì người ta làm mứt hay nấu chè. Rễ hay củ sen thì dùng làm một số đồ ăn chay.

BẠCH  NGỌC  LAN

Hoa Ngoc lan 2013

Tên khoa học là Michelia alba, thuộc họ Magnoliacea.

Tên khoa học đặt theo tên một nhà thực vật học người Ý  là Pietri Antonio Micheli. Hoa mọc thành cụm giữa các nách lá, chứ không mọc đơn ở đầu cành.

Hoa mầu ngà ngà, có mùi thơm phảng phất nồng nàn nhưng êm dịu, nhất là về xế chiều.

Hoa này có rất đông họ hàng, nhiều cây được trồng làm cây kiểng hoặc để lấy gỗ xây cất hoặc để sản xuất tinh dầu dùng trong công nghệ  sản xuất nước hoa.

HOA   HUỆ   TA

hoa-hue-08

Tên khoa học là Polianthes tuberosa, hoa huệ ta còn được gọi là dạ lai hương hoặc vũ lai hương (thơm ban đêm hay thơm lúc mưa).

Huệ ta bông ngắn, hoa trắng thường nở trên cây, tỏa hương vào ban đêm để thu hút côn trùng thụ phấn, mùi thơm khá nồng nàn.

Huệ được trồng nhiều ở miền Bắc Việt Nam và một số tỉnh miền Trung.

Theo truyền thống, hoa huệ được dân Việt Nam dùng rất nhiều trong việc cúng lễ.

HOA   CÚC

Cúc thuộc họ Asteraceae có đến cả trăm loại khác nhau.Người ta dùng một số loại hoa cúc trong việc cúng lễ.

Jan 1 - 2016 (7)

Hoa cúc trắng (daisy hay marguerite) tên khoa học là Bellis Perennis, chính giữa là cả trăm hoa nhỏ xíu.

mh 904

Cúc Vạn thọ tên khoa học là Tagetes. Ở Việt Nam, người ta trồng giống T.patula. Hoa có mùi xạ và hăng hăng, nở kéo khá lâu nên thường dùng  thờ Phật và tổ tiên.

Hoa Vạn Thọ - 2014 (8)

Cúc Đại đóa tên khoa học là Chrysanthemum. Đây là hoa biểu tượng của hoàng gia Nhật Bản và là một trong bốn”quân tử” của Trung Hoa – mai, lan, cúc, trúc.

Tet 2014 (3)

Hoa cúc vàng được trồng từ thế kỷ thứ 15 trước Công Nguyên và có nhiều tính chất thần dược.

HOA  NAM  MẪU  ĐƠN

Tên khoa học là Ixora coccinea, thuộc họ Rubiacceae, khác với hoa mẫu đơn Trung Hoa (peony) thuộc họ Paeoniaceae.

Hoa Mẫu đơn 2014, (184)

Mẫu đơn đỏ, hay đơn đỏ, trang đỏ, còn có các tên: long thuyền hoa, nam mẫu đơn; tên khoa học là Ixora coccinea, thuộc họ Thiến thảo (Rubiaceae).

Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, mầu đỏ hay vàng hoặc trắng . Hoa có mật nên thu hút nhiều loại côn trùng, nhất là bướm. Cây có thể cao tới 2 thước. Quả màu đỏ tím, mỗi ô có một hạt. Cây được trồng để làm cảnh hay làm thuốc.

bong_trang_do

HOA   NGÂU   VIỆT

hoa-ngau

Bụi cây có thể cao tới 3.6m. Hoa mầu vàng, nhỏ li ti, có mùi thơm dịu thanh khiết.

Đình chùa thường có bóng dáng cây ngâu, hoa được dâng lễ Phật. Người ta cũng dùng hoa để ướp trà.

Nụ cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

Trong văn hóa người Việt, ngâu là 1 trong 3 loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Đôi khi hoa Ngâu cũng được dùng làm hoa cúng.

Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, thì Ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

Trong y học truyền thống phương Đông, cây Ngâu trở thành 1 vị thuốc.

 Hoa Kadupul

hoa-kadulpul

Hoa Kadulpul có tên khoa học là Epiphyllum oxypetalum. Hoa này rất dễ trồng, nhưng Kadulpul được coi là hiếm vì lý do duy nhất là vì Kadulpul nở hoa rất ít. Trong tự nhiên chúng được tìm thấy ở Sri Lanka và còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Hoa chỉ nở vào ban đêm, và sau đó bí ẩn tàn lụi trước ánh bình minh.
Theo Phật giáo, người ta tin rằng khi hoa nở, Kadulpul như một món quà dâng lên Đức Phật. Những bông hoa này có màu trắng và có mùi thơm rất riêng. Loài hoa này cũng tồn tại ở Nhật Bản nơi mà tên gọi của nó có thể được dịch là “Sắc đẹp dưới ánh trăng.”

Kadupul flower: Priceless

Technically a cactus, Kadupul Flower is found only in Sri Lanka. Unbelievably rare, this stunning white flower blossoms at night and survives mere hours, meaning catching even a glimpse of it is next to impossible.

Unlike the other flowers, this near-mythical species has never been up for sale, making it literally priceless.

HOA HƯỚNG DƯƠNG

Phat Ngon in OR, 2015, (6)

HOA HƯỚNG DƯƠNG

Ngắm nhìn một đoá Hướng Dương,
Ngẫm suy Thiên ý trăm đường nhiệm sâu;
Cho dù nhân thế cơ cầu,
Cuối cùng Thiên ý nhiệm mầu phỉ phui.

Hạt mầm hoa nhỏ tí xiu,
Người ta nhìn thấy có hai mô hình;
Hai mô khăng khít tạo thành
Sắc vàng rực rỡ, long lanh vợi vời

Hoa cười đón ánh Mặt Trời,
Chỉ đường dẫn lối cho đời đinh ninh;
Hoa tươi đón ánh bình minh,
Còn ta trông đợi hiển vinh Thiên Đường

(Shalom Do)

white-peacock

Dâng hoa Cúng Phật

cham-soc-tuoi-hoa-dang-phat-bang-dong-nuoc-hy-xa-thanh-luongBình hoa đẹp nhất để bạn dâng lên cúng dường ngôi Tam Bảo cao quý là bình hoa được cắm lên cục xốp TỪ BI TÂM, được buộc chặt bởi băng keo TRÌ GIỚI, được cắm trong sự chánh niệm của THIỀN ĐỊNH bởi những đoá hoa TRÍ TUỆ rạng ngời, và tất nhiên là cả sự chăm sóc tưới tắm thường xuyên bằng dòng nước Hỷ-Xã thanh lương.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Hung Mai

Sưu Tầm trên Wiki & Internet

sept-13-2015-le-be-mac-phat-ngoc-in-portland-1

CÔNG ĐỨC DÂNG HOA
CÚNG DƯỜNG PHẬT

Hoa có đặc tính thơm tho trang nghiêm, nhân đó mà được Phật giáo dùng để tượng trưng cho ý nghĩa cao đẹp.

Phật Thích Ca Mâu Ni đang thuyết pháp tại núi Linh Thứu, Đại Phạm Thiên Vương dâng lên cành hoa Kim Sắc Ba La Mật, Phật liền nâng cành hoa lên để thị ý đại chúng, đại chúng đều ngơ ngác, chỉ có Ngài Ma Ha Ca Diếp “Phá nhan vi tiếu – mĩm miệng cười”. Ngài nói: “Đây là pháp môn không lập văn tự, truyền ngoài giáo điển, hiện tại giao cho Ma Ha Ca Diếp”. Nhân thế mà Thiền Tông tôn Ngài Ma Ha Ca Diếp làm Sơ Tổ. Thành ngữ “Phá nhan vi tiếu – miệng mỉm cười” nầy cũng nói rỏ việc dâng hoa cúng Phật, đã có từ thời Ngài còn tại thế.

Hoa dùng để cúng dường chư Phật Bồ Tát là chỉ cho các loại hoa thực vật, tiếng Phạn dịch là “Bổ Thệ Ba”, kinh Phật thường gọi là “Hoa”. Phật giáo Ấn Độ, hoa cúng dường là một trong sáu món dùng để dâng cúng Phật Bồ Tát, các món cúng dường nầy đều có sự biểu trưng.

Theo Du Già Diệm Khẩu (Bản khắc gỗ tại chùa Dũng Tuyền, Cổ Sơn):

– Hoa tiêu biểu cho bố thí, vì bố thí thì khiến người sanh hoan hỷ.

– Hương tiêu biểu cho trì giới, vì trì giới thì hạnh nghiệp thơm lừng.

– Đèn tiêu biểu cho nhẫn nhục, vì nhẫn nhục thì chuyển lửa sân hận thành ánh sáng lớn (đại quang minh).

– Đồ (Nước) là tiêu biểu cho tinh tấn, vì tinh tấn thì sẽ đượm nhuần pháp thân.

– Quả tiêu biểu cho thiền định, vì thiền định thì hay thành tựu được quả vị Phật.

– Nhạc tiêu biểu cho trí tuệ, vì trí tuệ thì hay sanh ra các pháp.

Đem hoa dâng lên chư Phật Bồ Tát còn gọi là hiến hoa, đem hoa rãi lên Phật đài, đạo tràng, … gọi là tán hoa.

Trong kinh điển Phật giáo thường đề cập đến hoa báu từ trên trời rơi xuống như phẩm Thí Dụ kinh Pháp Hoa: “Nếu lúc muốn đi thì có hoa báu đỡ chân”. Hoa báu là chỉ cho các loại trân bảo hợp thành.

– Hoa cúng: Hoa là một trong sáu loại cúng dường trong Phật giáo. Tập tục Ấn Độ truyền thống khi xưa thường dùng vòng hoa, rải hoa để cúng dường Phật. Vòng hoa là dùng chỉ kết lại thành, rồi đem đeo lên trên cổ của Thánh tượng để trang sức cúng dường. Tỳ-kheo không được dùng hoa để trang sức trên thân, chỉ được treo trong thất, hoặc dùng để cúng dường Phật. Kinh Phật chép: Ở trước Phật khen ngợi, thường có trời người rải hoa năm màu để cúng dường Phật.

Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Tất cả chư Thiên, đều dâng trăm ngàn hoa hương ở cõi trời, muôn thứ kỹ nhạc để cúng dường Đức Phật”.

Kinh Pháp Hoa chép: “Có đến 10 thứ cúng dường. Lại đem hoa để ở đầu tiên, nhân vì hoa rất thơm, đẹp dùng để trang nghiêm”.

Cho nên đem hương thơm thanh khiết của hoa dâng lên trang nghiêm cúng dường Phật. Ngoài ra, hoa còn là một biểu pháp, nhân vì những khí vật trong nhà Phật đều có hàm ý tiêu biểu. Trước Phật cúng hoa tiêu biểu cho nhân, sau khi hoa nở thì kết trái, hoa tiêu biểu cho 6 độ muôn hạnh. Hoa tiêu biểu cho thiền định, đem công đức tu thiền định để cúng dường Phật. Tất cả công đức đều là từ trong thiền định mà khơi mở, chỉ có công đức thiền định mới hay đoạn trừ phiền não, sạch hết sanh tử, cuối cùng chứng được quả Phật. Đem hoa cúng Phật sẽ được nhiều công đức phước báu thù thắng.

Soạn Tập Bách Dụ Kinh chép: “Có một người hái hoa, gom những bông hoa lại rồi kết thành tràng hoa cúng dường tháp Phật, sau khi chết đi được phước báu sanh về cõi trời”.

Kinh Phật Vị Thủ Ca Trưởng Giả Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt Kinh chép: “Đâng hoa cúng Phật được 10 thứ công đức:

1. Ở thế gian thường tốt đẹp như hoa.

2. Trên thân không có mùi hôi dơ.

3. Phước đức và giới hạnh lan tỏa khắp nơi.

4. Sanh ở chỗ nào lỗ mũi không hư hoại hay phân biệt được mùi của các loài hương.

5. Ở thế gian mà vượt hơn thế gian được mọi người kính ngưỡng.

6. Thân thường giữ được mùi hương thơm sạch.

7. Ưa thích nghe chánh pháp, thọ trì đọc tụng.

8. Có phước báu rộng lớn.

9. Mạng chung sanh về cõi trời.

10. Mau chứng được đạo Niết Bàn.

Hoa cúng dường Phật trong kinh điển ghi rằng: Thường thấy có hoa Ưu Bát La (hoa sen xanh), Bát đầu Đặc Ma Hoa (hoa sen hồng), Câu Vật Đầu Hoa (hoa sen trắng), Phân Đà Lợi Hoa (hoa sen trắng lớn) có 4 loại như thế. Hoặc Mạn Đà La Hoa, Ma Ha Mạn Đà La Hoa, Mạn Thù Sa và Ma Ha Mạn Thù Sa hoa, có 4 loại như thế.

Theo kinh Vô Lượng Thọ chép: “Bốn loại hoa trước được trang nghiêm ở cõi Cực Lạc”.

Theo kinh Pháp Hoa chép: “Bốn loại hoa sau từ trên cõi trời rơi xuống, là thứ 3 trong sáu tướng lành. dùng hoa cúng Phật trong kinh cũng xác định rỏ ràng, không phải hoa gì cũng cúng được”.

Đà La Ni Tập Kinh, quyển 6 chép: “Hoa cây cúng dường thì có cành liễu, bá diệp, trúc, hoa tạp, quả chi,… hoa có mùi hôi, cây gai sanh hoa hoa có vị đắng cay, hoa không có tên,… đều không nên đem cúng.

Hiện tại trong chùa, ngoài việc dùng hoa tươi cúng Phật, còn có dùng giấy, lụa, vàng để chế thành hoa cúng ở trước Phật. Việc cúng hoa trong Phật giáo biểu đạt được tấm lòng kiền thành, lại cũng là việc gieo trồng công đức phước báu, trí huệ tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại và tương lai, từ đó cũng tự trang sức cho hoàn cảnh tự viện tốt đẹp.

Nguồn: ChuaHoiPhuoc

Cảm tạ Hồng Ân: Với một chữ “Duyên” con đã có được những bông hoa mà con nghĩ là mình sẽ không có thể có được và cơ duyên hoàn thành dâng lên cúng dường Chư Phật vào Mùa Ðại Lể năm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Viễn Hành Ðịa Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

Chuyển đến trang:   1    3  4  4a  5  6  7  8  9  10 10a 10b 10c 10d 11 12 13 15 16 17 18
18a 19 20 21 22 23 24 25 26  26a 27 28 29 30 31 32 33 34
35  35a 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54
55 56 57 58 59 60 61