HV-9: XUÂN VỀ ĐIỂM HOA MAI

Recent Pages:   1    3  4  4a  5  6  7  8  9  10 10a 10b 10c 10d 11 11a  12 13 15 16 17 18
18a 19 20 21 22 23 24 25 26  26a 27 28 29 30 31 32 33 34
35  35a 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54
55 56 57 58 59 60 61

Xuân trên Xứ Phật

Xuân trên xứ Phật không Mai nở
Đâu biết mùa xuân nửa lại về.
Sáng nay.. ngồi đếm từng hơi thở
Nghe lòng gờn gợn.. chút xuân quê. 

Thoáng đã năm năm trên đất Phật
Nào thấy mai, đào khoe sắc xuân!
Mùa đông buốt lạnh còn say giấc
Nên ngỡ ngày xuân vẫn mịt mùng. 

Khuya 30 Tết không nghe pháo
Nửa đêm đồng vọng tiếng chuông chùa.
Ngoài kia làng mạc mờ hư ảo
Ôi đời… chìm đắm mãi trong mơ !… 

Thuở còn thơ dại chờ xuân đến
Bấm đốt bàn tay tính mỗi ngày…
Nay quá nửa đời, thôi ngóng đợi.
Mà từng xuân đến vội, không hay! 

Dòng đời vẫn mệt mài trôi mãi
Xua buổi xuân thì đi rất xa .
Đưa tay níu áo thời gian lại
Quay mặt, người ơi… một tuổi già!. 

Xuân về, xuân cứ khoe hoa thắm
Cửa thiền yên lặng ngắm xuân sang.
Hương xuân nhân loại hồn say đắm
Nên nẻo hoàn nguyên bước lỡ làng … 

Đầu năm, pha một chung trà nhạt
Đốt nén trầm hương cúng Phật đà.
Dâng chút ” lòng thành ” tuy ” lễ bạc ”
Cùng Người, con tiễn một năm qua. 

Dẫu biết Xuân về trong cõi mộng
Vẫn nguyện đời an lạc, thái bình…
Vén rèm Xuân thấy đời hư vọng
Quay về Tỉnh Thức, dứt phiêu linh.

Thích Tánh Tuệ
India- 2012

Mai Vang

XUÂN VỀ ĐIỂM HOA MAI

Hương Ngọc

Hoa mai là loại hoa nở đầu tiên trong mùa Xuân. Nói đến mùa Xuân người ta liên nghỉ đến hoa mai, nói đến hoa mai người ta liên nghỉ đến mùa Xuân. Hoa mai là một trong những loài hoa được ưa chuộng nhất từ trước đến nay. Có nhiều loại hoa mai, hầu hết các loại mai đều có năm cánh, hay tám cánh, có loại có nhiều tầng nên có rất nhiều cánh. Nhưng hai loại phổ thông, được nhiều người biết đến là hoa mai vàng (huỳnh hoa) và mai trắng (bạch mai). Mai vàng là hoa mai người ta thường nói tới, nở rộ vào mùa Xuân từ miền Trung vào Miền Nam. Màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng, cao sang, màu của vua chúa. Vào khoảng Tết ta, ra khỏi ngoại ô Saigon, đi về hướng Lái Thiêu, Bình Dương, dọc đường nhà nào cũng có một cội mai già, hoa đua nở đầy cành, vàng rực, đẹp không thể diễn tả.

Loại hoa mai thứ hai là “bạch mai”, có màu trắng, cũng có năm cánh hay tám cánh như huỳnh mai, nhưng mai trắng rất hiếm quý và có hương thơm dìu dịu, thanh khiết. Có người gọi mai trắng là “Tuyết Mai”, vì tuyết có màu trắng.

Mai- (6)Tuyết Mai

Hoa mai không có hương sắc quyến rũ như hoa hồng, cũng không sực nức hương thơm như dạ lý, nhưng hoa mai mỏng mãnh, đính trên cành, trên thân cây gầy guộc, cằn cỗi tạo một nét đẹp tương phản, thật duyên dáng, độc đáo.

Tại Việt Nam có một loại hoa mai gọi là “mai tứ quý”. Hoa cũng có năm cánh vàng như huỳnh mai, khi hoa tàn thì năm cánh rụng, năm đài hoa đổi thành màu đỏ, úp lại, ôm lấy nhụy là hạt màu xanh. Hạt lớn dần đẩy năm đài hoa bung ra giống như hoa mai đỏ. Vì vậy mai tứ quý được gọi là “Nhị Độ Mai” tức là hoa mai nở hai lần, lần đầu cánh hoa có màu vàng, lần sau cánh hoa có màu đỏ. Loại hoa này nở quanh năm.

Mai Tu quy

Mai tứ quý

Ngoài hương sắc và duyên dáng, hoa mai được các nhà Nho và các bậc Thiền sư coi là một biểu tượng của hai đức tính “Nhẫn” và “Dũng”. Chịu đựng thời tiết khắc nghiệt lạnh lẽo mùa Đông, hoa vẫn kết nụ để là đóa hoa đầu tiên chào đón Chúa Xuân. Cảm cáí đức hạnh thủy chung, cái khí tiết nhẫn nhục và kiêu dũng đó, Chúa Xuân phong cho hoa mai là vua của tất cả các loài hoa khác, có tên là “Đông Quân”. Nhiều nữ sĩ có tên “Mai” lấy bút hiệu là “Đông Quân” cũng từ điễn tích này.

Từ nét duyên dáng, thuần khiết bên ngoài cho đến tính khí đức hạnh, kiêu dũng bên trong, hoa mai được người Trung Hoa tôn vinh là “quốc hoa”. Các nhà Nho và các Thiền sư Trung Hoa cũng như Việt Nam luôn coi hoa mai là một tấm gương, một biểu tượng của vẽ đẹp vẹn toàn, “bách hoa khôi”. Họ đem ghép hoa mai với “tùng” và “trúc” thành một bộ ba “Tam Hữu”. Cây tùng tượng trưng cho trượng phu, cứng cõi, ngay thẳng; cây trúc tượng trưng cho sự kiên nhẫn, rộng lượng và hoa mai được gọi là “ngự sử mai” tượng trưng cho sự hiểu biết và nét đẹp vẹn toàn. Người xưa rất quý “tam hữu”.

Ngoài ra hoa mai cũng được ghép với lan, cúc, trúc, thành bộ “tứ quý”, tức là bốn loại hoa, kiểng quý, tượng trưng của bốn mùa Xuân, Hạ Thu, Đông.

Cụ Chu Thần, Cao Bá Quát là một nho sĩ kiệt liệt, một tài năng văn chương lỗi lạc, một đại anh hùng thế thiên hành đạo, suốt quảng đời bôn ba khắp chốn cầu cổ kiếm để xây dựng sự nghiệp bá vương, cụ không gặp bậc chính nhân quân tử nào có cốt cách như “mai ngự sử”, vì vậy cụ đã làm hai câu thơ:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai”

Có nghĩa là:

Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai”.

Cụ Chu Thần , Cao bá Quát đã hết lời xưng tụng “bách hoa khôi”. Cụ cũng có bốn câu thơ “Trồng mai” được dịch ra như sau:

Đầu non nắm hạt mai gieo
Giống thanh gửi chốn núi đèo xanh tươi
Nữa mai xuân điểm bầu trời
Bức tranh tuyệt tác cho đời ngắm chung”.

Hoa mai đã gợi nhiều cảm hứng cho thi nhân, nên ảnh hưởng rất lớn trong văn hóa Trung Hoa và Việt Nam. Lý Bạch làm thơ:

“Ngồi trên lầu Hoàng Hạc, nghe tiếng sáo thổi

Giữa tháng năm, chợt vang khúc “hoa mai rơi” ở chốn Giang thành”

Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần nhà Hậu Lê yêu hoa mai vì:

Yêu mai, yêu tuyết bởi vì đâu?
Vì tuyết trắng, mai thơ và tinh khiết”

Trong chuyện Kiều, Cụ Nguyễn Du có rất nhiều câu thơ nói về hoa mai.

Thướt tha vóc liễu Xuân đầy
Cành mai xa bẻ ngất ngây ý sầu
Biết chàng lòng có thương sâu
Chúa Xuân ngán nỗi chờ lâu mỏi mòn”

Nhiều Thiền sư Trung Hoa và Việt Nam đã dùng hoa mai làm ẩn dụ cho sự hạnh phúc, niềm vui giác ngộ trong những bài kệ để truyền dạy Phật pháp cho phật tử, cho hậu thế. Bài kệ về “Mùa Xuân Hoa Mai”của Thiền Sư Thích Mãn Giác được phổ biến rộng rãi trong giới phật tử:

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai”

Bài thơ có nghĩa là, cuộc đời là một dòng sinh diệt, vô thường, biến chuyển theo thời gian và không gian. Xuân đến rồi Xuân đi, hoa cười rồi hoa rụng…là lẽ đương nhiên của vũ trụ, hể có sinh thì có diệt. Nhưng trong sự sinh diệt của vũ trụ vẫn còn có một cái không sinh diệt đó là Phật tánh, là chân tâm. Nếu chúng ta luôn tu tập, Phật tánh đó giúp ta có được cuộc sống an lành, hạnh phúc. Tâm an bình gọi là Tâm Xuân, trong tâm Xuân, cành mai (biểu tượng của hạnh phúc) sẽ còn mãi mãi, không tàn, không rụng. Cần gì phải chờ đến mùa Xuân mới có hoa mai? Hoa nở rồi hoa cũng tàn. Chỉ có cành mai trong tâm Xuân là tồn tại mãi mãi, ngoài dòng sinh diệt, vô thường, bể dâu của vũ trụ.

Một lần nữa Xuân lại về, nếu chúng ta may mắn có được một cành mai để chưng trong nhà ngày Tết thì nét diễm kiều thanh tú của hoa mai cũng đem lại cho chúng ta niềm vui Xuân rộn rã của mùa Xuân. Xuân đến rồi xuân cũng đi, mai nở rồi mai cũng tàn, thôi thì chúng ta hãy vun xới mãnh vườn tâm trong ta, biến vườn tâm thành vuờn Xuân tuyệt đẹp của thế gian. Trong Tâm Xuân luôn có những cành mai.

Mai Chieu Thuy

Mùa xuân đã đến chúc tất cả một năm mới an khang thịnh vượng

xem thêm>>> MÙA XUÂN VỚI CÀNH MAI

Chuyển đến trang:  1    3  4  4a  5  6  7  8  9  10 10a 10b 10c 10d 11 12 13 15 16 17 18
18a 19 20 21 22 23 24 25 26  26a 27 28 29 30 31 32 33 34
35  35a 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54
55 56 57 58 59 60 61