HV-3: Hoa Sen

Recent Pages:  1    3  4  4a 5  6  7  8  9  10 10a 10b 10c 11 12 13 14 15 16 17 18
18a 19 20 21 22 23 24 25 26  26a 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40
41 42 43  44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61

Hoa Sen

Lotus_zhaoyang

Hoa sen (tiếng Phạn: padma; tiếng Nhật: renge) trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên (svayambhu). Theo kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Còn theo Phật giáo Mật tông thì trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen.

Các đoá hoa sen có màu khác nhau biểu thị những liên kết khác nhau. Hoa sen có mặt trong các công trình Phật giáo như cây hoa sen thực trong các hồ ở chùa, có mặt ở các toà sen của các vị chư Phật, chư thần. Trên các bức tranh lụa Phật giáo cũng có hình tượng hoa sen như trong tranh lụa Tây Tạng có dấu chân của Thanh-đa-la trên hoa sen.

Nelumbo nucifera là danh pháp khoa học của sen hồng (các tên gọi khác sen đỏ, sen Ấn Độ; trong các thư tịch Phật giáo và văn học tại Việt Nam, sen hồng còn được gọi bằng các tên gốc Trung văn như hà hoa (荷花), liên (hoa) (蓮(花)), hạm đạm (菡萏), phù cừ (芙蕖), thủy chi (水芝)). Về mặt thực vật học, Nelumbo nucifera (Gaertn.) đôi khi còn được gọi theo các danh pháp cũ như Nelumbium speciosum (Willd.) hay Nymphaea nelumbo. Đây là một loại cây thủy sinh sống lâu năm.

Sen hồng

Trong thời kỳ cổ đại Sen hồng đã từng là loại cây mọc phổ biến dọc theo bờ sông Nin ở Ai Cập cùng với một loài hoa súng có quan hệ họ hàng gần gũi có tên gọi dài dòng là hoa senxanh linh thiêng sông Nin (Nymphaea caerulea); và hoa, quả cũng như các đài hoa của cả hai đã được họa lại khá rộng rãi như là một kiểu kiến trúc ở những nơi cần các hình ảnh linh thiêng. Người Ai Cập cổ đại sùng kính hoa sen và sử dụng trong các nghi thức tế lễ. Từ Ai Cập sen hồng đã được đem đến Assyria và sau đó được trồng rộng rãi khắp các vùng Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc. Sen hồng cũng có thể là loài cây bản địa ở khu vực Đông Dương, nhưng ở đây có sự nghi vấn về điều này. Năm 1787, lần đầu tiên sen hồng được đưa tới Tây Âu như một loài hoa súng dưới sự bảo trợ của Joseph Banks và có thể thấy được trong các vườn thực vật hiện nay mà ở đó có sự cung cấp nhiệt. Ngày nay sen hồng hiếm hoặc đã tuyệt chủng tại châu Phi nhưng lại phát triển mạnh ở miền nam châu Á và Australia.

Thân rễ của sen hồng mọc trong các lớp bùn trong ao hay sông, hồ còn các lá thì nổi ngay trên mặt nước. Các thân già có nhiều gai nhỏ. Hoa thường mọc trên các thân to và nhô cao vài xentimet phía trên mặt nước. Thông thường sen có thể cao tới 1,5 m và có thể phát triển các thân rễ bò theo chiều ngang tới 3 m, một vài nguồn chưa kiểm chứng được cho biết sen hồng có thể cao tới trên 5 m. Lá to với đường kính tới 60 cm, trong khi các bông hoa to nhất có thể có đường kính tới 20 cm.

Có nhiều giống sen được trồng, với màu hoa dao động từ màu trắng như tuyết tới màu vàng hay hồng nhạt. Sen có thể chịu được rét tới khu vực 5 theo phân loại của USA. Loài cây này có thể trồng bằng hạt hay thân rễ.

White Lotus at Buu Hung temple 2014 (3)

Các loài trong chi Nelumbo có hoa rất giống với các loài hoa súng trong họ Nymphaeaceae (họ Súng). Lá của các loài sen có thể phân biệt được với lá của các loài trong họ Nymphaeaceae, do lá sen có hình khiên (lá tròn), trong khi đó Nymphaeaceae có vết khía hình chữ V đặc trưng từ mép lá vào tâm của lá. Quả ở trung tâm chứa các hạt của các loài cũng có đặc trưng phân biệt và được gọi là bát sen.

Nelumbo nucifera được biết đến nhiều như là một loại hoa linh thiêng của Ấn giáo và Phật giáo và là quốc hoa của Ấn Độ. Hoa sen xanh được coi là linh thiêng nhất trên vùng đất Ai Cập, là loại hoa tỏa ra hương thơm của cuộc sống thần thánh.

White Lotus at Buu Hung temple 2014 (2)

Hoa sen với màu sắc trong trắng trên bùn nhơ được hiểu với nghĩa đạo đức ở Ấn Độ. Những người theo Ấn giáo gắn hoa sen với niềm tin tín ngưỡng của họ và thường gắn với các vị thần như Vishnu, Brahma hay Lakshmi. Từ thời cổ đại thì hoa sen đã là biểu tượng thiêng liêng của người Hindu. Hoa sen thường được sử dụng như là một ví dụ về vẻ đẹp linh thiêng, chẳng hạn Sri Krishna thông thường được miêu tả như là “người có mắt sen”. Các cánh hoa đã nở được coi là sự mở rộng của tâm hồn và là biểu tượng của sự thăng hoa tinh thần. Vẻ đẹp của hoa sen tương phản với với nguồn gốc từ bùn lầy của hoa thể hiện một sức mạnh tinh thần. Người ta cũng cho rằng cả Brahma và Lakshmi, các vị thần của sức mạnh và sự giàu có, có biểu tượng hoa sen gắn liền với họ tại chỗ ngồi của họ. Trong tiếng Hindi hoa sen được gọi là कमल(Kamal).

Hoa sen cũng được trích dẫn nhiều trong các văn bản Puranas và Vệ Đà.

“Người thực hiện bổn phận của mình mà không có sự quyến luyến, dâng các kết quả cho Đấng tối cao, sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tác động tội lỗi, giống như lá sen không bị nước dính vào”. Bhagavad Gita 5.10

White Lotus at Buu Hung temple 2014 (1)

Mặc dù chỉ là một loài hoa, nhưng hoa sen có nhiều huyền thoại nói về nguồn gốc thần thoại của hoa, mà từ đó địa vị và ý nghĩa tinh thần lớn của hoa sen đã được sáng tạo ra. Đáng chú ý nhất có lẽ là huyền thoại về “Samudra-manthana” – khuấy đảo đại dương.

Người ta kể rằng ngày xưa có một thời các vị thần thánh và quỷ dữ đã đạt được thỏa thuận là họ có thể cùng nhau khuấy đảo đại dương để lấy rượu tiên ẩn giấu dưới lòng đại dương. Khi họ đang khuấy tung đại dương lên thì biển cả đã để lộ ra 14 vật báu và bông hoa sen với Lakshmi ngồi trên đó là một trong số 14 vật báu này.

Vì hoa sen trong truyền thuyết có 8 cánh giống như không gian có 8 hướng, sen còn được coi là biểu tượng của sự hài hòa vũ trụ. Hoa sen được dùng nhiều theo nghĩa này trong hình vẽ của nhiều mandala và yantra.

Vay mượn các ý nghĩa của hoa sen trong Ấn giáo, trong Phật giáo hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết của thể xác, lời nói và tinh thần, vượt ra ngoài ái. Đức Phật thông thường được vẽ trong tư thế ngồi trên đài sen tỏa sáng lung linh.

Sen là loài nổi tiếng về sự sạch sẽ, dù mọc trong môi trường bùn lầy.

lotus-bud

Trong khoa học vật liệu, hiệu ứng lá sen chỉ sự không thấm nước của bề mặt một số lá cây, điển hình là lá sen. Nước bị đẩy lùi khỏi bề mặt của lá nhờ các sợi lông nhỏ mịn trên bề mặt.

Barthlott đã nghiên cứu và chứng minh sự liên quan giữa cấu trúc micro và các hợp chất hóa học trên bề mặt lá sen với khả năng chống bị ướt và tự làm sạch khỏi chất làm ô nhiễm. Nước rơi lên bề mặt lá sẽ lăn như những giọt hình cầu, cuốn đi bùn bẩn và vi trùng.

Người ta đã mô phỏng hiệu ứng này để tạo ra các vật liệu tự làm sạch, siêu kị nước dựa trên hiệu ứng này của tự nhiên. Chúng được ứng dụng để chế tạo sơn, ngói lợp mái nhà, vải hay các bề mặt khác cần tự làm sạch.

Nelumbo lutea là loài sen thứ hai có màu trắng phổ biến ở Bắc Mỹ.

Hoa Sen 2

  • Sen trong đời sống

    • Hoa sen là một biểu tượng cho sự thanh cao theo người Việt và nhiều nơi khác ở châu Á. Hình ảnh tòa sen hiện diện trong ảnh thờ phụng, đặc biệt là Phật giáo.
    • Hạt sen được dùng làm thuốc trị các chứng mất ngủ thông thường và có tác dụng an thần. Trong ngày Tết thì hạt sen được dùng làm mứt để thưởng thức với trà nóng.
    • Ngó sen cũng được chế biến làm thực phẩm như “gỏi ngó sen”
    • Trong ca dao tục ngữ:
      .
    Trong đầm gì đẹp bằng sen
    Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
    Nhị vàng, bông trắng lá xanh
    Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
    Vẻ đẹp của sen cũng có thể được nhìn dưới khía cạnh Phật giáo:

    Lá xanh thăm thẳm lòng Bi
    Dũng cành vươn thẳng, thoát ly bùn sình
    Nâng nụ sắc Trí kết tinh
    Nở thành hoa thắm lung linh giữa đời

Hoa sen trong biểu tượng

Sen trắng

hoa Sen trắng 1

Sen trắng tượng trưng cho sự thuần hóa của nhân tính, bồ đề tâm hay còn gọi là giác tâm, thường có 8 cánh ứng với Bát chính đạo. Nó là đặc trưng của phái Mật tông và là đoá sen của các vị Phật.

Nelumbo lutea là danh pháp khoa học của sen trắng, còn gọi là sen Mỹ hay sen vàng.

Loài sen này có thân rễ lớn được người Mỹ bản xứ sử dụng làm nguồn thức ăn. Tại Illinois người ta gọi là “macoupin”.

senan

Cành sen trắng đang rung rinh trong nắng.
Bụt mĩm cười lấp lánh đóa Vô Ưu.

Sen đỏ

Hoa Sen (6)

Sen đỏ tượng trưng cho bản chất nguyên thuỷ của trái tim, là đoá hoa của tình yêu, đam mê và sự năng động. Đây là loại sen của Quan Thế Âm.

Sen xanh

Sen xanh là biểu tượng của trí tuệ, tri thức của chiến thắng của tinh thần đối với các cảm quan. Đây là loại sen của Văn Thù Sư Lợi, hiện thân của trí tuệ viên thành.

Sen hồng

Hoa Sen (3)

Sen hồng là loại sen tối thượng, thường được dành cho các vị tối cao, là đoá sen của những vị tu theo giáo phái nguyên thủy .

Sen tím thẫm

Sen tím thẫm là đóa sen huyền diệu, biểu thị những ảnh tượng của phái Mật tông. Các đoá hoa có thể đang còn e ấp hoặc đã được nở bung hết. Chúng có thể được nâng đỡ bởi một cọng hay ba cọng hoa (tượng trưng cho ba phần của Garbhabatu: Vairocana, hoa sen và vajra) hoặc năm cánh hoa tượng trưng cho Năm tri thức của Vajradhatu.

Hoa sen trong công trình Phật giáo

  • Trong một số ngôi chùa có những quả chuông như chuông chùa Liên Phái, Hà Nội thường có cụm từ “Án ma ni bát mê hồng” (Om mani padme hum), dịch ra là “chân linh trong hoa sen”.
  • Chùa Một Cột, Hà Nội có biểu tượng một bông hoa sen mọc trên hồ.
  • Tháp Cửu phẩm liên hoa có ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh là một tổ hợp kết cấu gỗ dạng tháp, có chín tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng có một đài sen rộng chừng 2 m, cao 50 cm. Cả tháp cao 7,8 m, phía ngoài tháp các cánh sen bằng gỗ sơn đỏ tạo thành tầng tầng lớp lớp so le nhau, tháp có thể quay tròn quanh một trục, có gắn tượng Phật và chạm những cảnh dân gian hay lấy đề tài trong Phật thoại.
  • Chùa Tây Phương, Hà Tây có các đầu cột được làm thành hình bông hoa sen hoặc làm thành cả hồ sen.
  • Chùa Kim Liên, Hà Nội có tổng mặt bằng được cô gọn lại thành hình tượng một bông sen.

White Lotus at Buu Hung Temple 2014 (6)

Hoa sen trong những biểu tượng khác

  • Khi lễ Phật, hai bàn tay chắp lại làm thành hình hoa sen chưa nở, kiểu lễ này gọi là “Liên hoa hợp chưởng”.
  • Bộ áo cà sa của tỳ-khưu được gọi là “Liên hoa y” hay “Liên hoa phục”.
  • Cõi cực lạc của A-di-đà còn được gọi là “Liên bang”, là một cõi có nhiều hoa sen. Do vậy, Tịnh độ tông được gọi là “Liên tông”; nhóm bạn cùng tịnh nghiệp được gọi là “Liên xã”; thời gian được dùng để niệm Phật gọi là “Liên liêu”.
  • Hoa sen trắng có 8 cánh nằm trên vòng tròn viền trắng, nền màu xanh lá mạ là huy hiệu của gia đình Phật tử. Ba cánh hoa dưới tượng trưng cho Tam bảo – Phật, Pháp, Tăng. Năm cánh hoa phía trên của tượng trưng cho 5 đức hạnh theo thứ tự từ trái qua phải, từ ngoài nhìn vào là: trí tuệ, hỉ xả, tinh tấn, thanh tịnh, từ bi.

Trong văn học Phật giáo

Trong sách “Tánh mạng khuê” có bài thơ về hoa sen như sau:

Hồng hồng bạch bạch thủy trung liên,
Xuất ố nê trung sắc chuyền liên;
Hành trực ngẫu không bổng hựu thục,
Tu hành diệu lý kháp như nhiên
(Tạm dịch)
Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi,
Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi.
Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột.
Cái lý tu hành cũng thế thôi

Nguồn Words & Photos: LSV tổng hợp từ Wiki.

Backyard Summer

Phi Nhung đọc Chú Đại Bi

Uploaded by Thích Đạt Ma Phổ Giác

Oct 8 - 2021October 8, 2021

Nhạc Thiền Tĩnh Tâm | Phi Nhung 
Lời : Thích Nữ Minh Viên

Uploaded by Phi Nhung

Lotus Lovers – Rahul Sharma & Kenny G


Uploaded by  kennyGuille

Published: JULY 28, 2013

Sunrise 07-28-2013
.
Sunrise July 28 - 2013 (1)

Ấm một bình minh

Nguyễn Duy Nhiên

Ấm Một Bình Minh from Phap Than on Vimeo.
.

Có một vị thiền sư nói rằng, trong đạo Phật sự tu tập không phải là một sự rèn luyện để ta được trở thành một cái gì đó, cho dù đó là tốt đẹp hơn, mà tu tập là một sự buông bỏ để ta không trở thành một cái gì hết.  Vì hể còn trở thành một cái gì là nó vẫn còn cần có sự nương tựa, mà‎ “Cái gì có nương tựa, cái ấy có dao động.  Cái gì không nương tựa, cái ấy không dao động.  Không có dao động thì có khinh an.  Có khinh an thì không có thiên về.  Không có thiên về thì không có đến và đi; không có đến và đi thì không có diệt và sanh; không có diệt và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa.  Ðây là sự đoạn tận khổ đau.” (Kinh Phật Tự Thuyết – Udàna).”
Con đường tu học là một con đường hạnh phúc.  Và trong đạo Phật thì hạnh phúc ấy chỉ thật sự có mặt khi ta biết buông bỏ và bớt dính mắc hơn.  Nhưng nếu như ta chưa thấy rõ và thành thật với chính mình thì làm sao ta có thể buông bỏ được phải không bạn?
         Trong một cuộc sống mà phần lớn những hạnh phúc của ta vẫn còn nương tựa và dao động, tôi thấy chút an ổn khi được đi thiền hành trên con đường nhỏ nhiều lá, hay những buổi sáng ban mai ngồi yên trên thiền đường, khi vạn vật ngoài kia còn lờ mờ tối.  Bao quanh chúng tôi là một không gian rộng lớn.
Buổi sáng này, sau giờ ngồi thiền, mở mắt ra tôi thấy nắng ấm phủ núi đồi ngoài kia.  Vạn vật lại mới tinh mơ.  Bốn mùa chuyển đổi, nhưng bầu trời sáng nay vẫn xanh và trong, vì bản chất của nó bao giờ cũng vậy.  Hôm qua và ngày mai, trong cuộc đời của chúng ta có thể sẽ có những ngày mưa, nhưng rồi cũng qua.  Và những cơn mưa đôi khi lại làm bầu trời sáng nay trong hơn.
.
Tôi đoán buổi chiều sẽ trở lạnh.  Sáng mai tôi sẽ dậy thật sớm, mặc thêm một chiếc áo khoác cho ấm, xuống thiền đường ngồi nghe tiếng chim hót và nhìn mặt trời hồng.  Buổi sáng nơi này mặt trời mùa thu thật đẹp.  Dãy núi xa, những đóa hoa dại bên đường, con suối giữa rừng, và con đường nhỏ phủ đầy lá trải dài ngoài kia cũng đang có mặt trong tôi, đang ngồi yên đây.
Bạn biết không, một trong những đặc tính của giáo pháp đức Phật là ehipasiko, cũng có nghĩa là trở về để thấy.  Tôi nghĩ, ngồi lại cho yên, bước những bước thảnh thơi cũng là một cách quay trở về, nó giúp cho cái thấy của mình được chút sáng tỏ hơn, và hạnh phúc của ta cũng bớt chút gì dao động hơn.  Ðặt nhẹ dùi vào chuông, tôi nguyện tiếng chuông này thỉnh lên sáng nay sẽ làm những bình minh trong cuộc đời thêm ấm áp.
.
Nguyễn Duy Nhiên
“Trích từ trang nhà Trung Tâm Thiền Quán Sinh Thức tại http://www.sinhthuc.org/”.
.
Sunrise July 28 - 2013 (19)

Cây Phật 2.500 tuổi vẫn còn sống và khỏe mạnh

 Các nhà khoa học cho biết cây cổ thụ 2.500 tuổi mà dưới gốc cây này Đức Phật Gautama theo truyền tụng đã đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu vẫn còn sống và khỏe mạnh.
Nhà khoa học Subhash Nautiyal cùng đồng nghiệp tại Viện nghiên cứu rừng ở thành phố Dehradun, bang Uttarakhand, Bắc Ấn Độ khẳng định: “Cây Bodhi (Bồ Đề – có nghĩa là giác ngộ) vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.”
Cây Bodhi tại thành phố Bodh Gaya thuộc bang Bihar, Đông Ấn Độ, cách thủ phủ Patna của bang này khoảng 100km.Sau khi nghiên cứu và khảo sát, các nhà khoa học đã bóc các mảng ximăng xung quanh gốc cây để giúp cây hấp thu nước và dinh dưỡng ở rễ.Đại tháp Mahabodhi 1.500 tuổi tọa lạc đằng sau cây Bodhi linh thiêng này hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt từ Nhật Bản.
.
Nguồn: vuonhoaphatgiao

Hoa trái một cảnh chùa

Phải rồi, ai cũng có một quãng đời thơ ấu gắn chặt với một khung cảnh hữu tình đầy kỷ niệm nào đó để mà nhớ, để mà thương…. Riêng tôi, tuổi thơ đã được gởi gấm trọn vẹn nơi ngôi chùa làng….

“Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh… có con sông xanh… đồng quê mơ màng…” Bản nhạc “Làng tôi” qua giọng ca vượt thời gian của nữ ca sĩ Thái Thanh như réo gọi tâm tư tôi trở về với khung cảnh êm đềm thơ mộng của làng xưa cảnh cũ…. Tuy làng tôi không có cây đa, không có con sông lượn quanh cũng không có cảnh đồng quê để mơ màng… Vì làng tôi là một làng biển, dân làng sống với nghề chính là nghề làm muối….

Nhưng làng tôi cũng không thiếu vẻ nên thơ, không thiếu những cảnh êm đềm thơ mộng để gởi gấm tuổi thơ….
Phải rồi, ai cũng có một quãng đời thơ ấu gắn chặt với một khung cảnh hữu tình đầy kỷ niệm nào đó để mà nhớ, để mà thương…. Riêng tôi, tuổi thơ đã được gởi gấm trọn vẹn nơi ngôi chùa làng….

Như đã nói, làng tôi là một làng ven biển, cuối làng là một dãy đồi cao…
Thật không có gì thơ mộng và thanh thoát hơn những giây phút đứng ở hiên chùa trên đỉnh đồi nhìn xuống biển, nghe gió thổi, nhìn mây bay trong tiếng sóng ì ầm… của những buổi trưa hè rợp nắng…

Chùa làng Ðông Hòa được xây trên đỉnh đồi với điện Quan Âm ở mặt tiền ngó ra biển Ðông…
Tượng Phật Bà đứng hướng ra biển Ðông như đang lắng nghe tiếng gọi cứu khổ của chúng sanh… từ một nơi xa xăm nào đó tận ngoài khơi… và trông thật trang nghiêm siêu thoát…

Nếu so sánh với các làng khác, làng tôi rất nhỏ, chỉ gồm có mấy chục nóc gia nằm dưới chân đồi dọc theo bờ biển.
Vì vậy dân làng muốn lên chùa phải dùng một trong hai lối, một lối dành riêng cho xe chạy lên, một lối nhỏ đi tắt dành cho người đi bộ với 200 bậc cấp, đây cũng là nơi cất giữ kỷ niệm của lũ trẻ chúng tôi thi vượt tam cấp để lên chùa trong những ngày hè….

Thầy trụ trì tuy đã cao tuổi nhưng trông thầy vẫn còn khỏe và đặc biệt là trí nhớ của Thầy đã làm đám nhỏ chúng tôi bái phục… Vườn hoa trước sân chùa chung quanh điện Quan Âm có rất nhiều thứ hoa với nhiều màu sắc rực rỡ mà Thầy nhớ không sót tên từng lọai hoa và từng tên người đem cúng các cây hoa đó….

Ðây là cây hoa Hoàng Hậu của Bà Bang Tá cúng trồng hồi năm đó… đây là cây Ngọc Lan của cô Khá cúng trồng hồi cô Khá lên chùa nhằm ngày rằm tháng giêng năm…
Bụi bông Tý-Ngọ (bông mười giờ) màu vàng này của chú Tám xin ở Ninh Hòa đem về….

Hoa tuy nhiều nhưng không có cây nào Thầy bỏ sót mà không săn sóc, cắt tỉa, tưới nước bón phân…
Mỗi buổi sáng tất cả hoa đều như phơi màu khoe sắc để chào đón Thầy khi Thầy đi thiền hành quanh điện Quan Âm… Lũ nhỏ chúng tôi thường hay lên chùa tìm Thầy để nghe Thầy kể chuyện, chuyện gì cũng được, mỗi lần Thầy cất tiếng lên bắt đầu kể là tụi tôi im thin thít, đứa nào xì xào là bị…”xịt” bảo im liền….

Mà lên lần nào cũng thấy Thầy ở ngoài vườn, không săn sóc, cắt tỉa vườn hoa trước chùa thì cũng đứng ngắm nghía hay đào xới bón phân cỏ mục cho mấy cây ăn trái ở lưng chừng đồi phía dưới chùa…

Thầy trồng đủ các loại cây ăn trái mà thứ nào cũng hấp dẫn tụi tôi, nào những dây Thanh long với những trái chín đỏ mộng, hoa Thanh long thì khỏi chê, màu trắng, giống hệt như hoa Quỳnh hương nở xòe ra bày chùm nhụy hơi vàng mà Thầy nói là giống cái thuyền bát nhã…
Nào những cây “ổi sẻ” mà tôi không biết tại sao người ta đặt tên nó là “ổi sẻ” chắc là tại trái nó nhỏ mà nhiều, mấy trái ổi chua mà chắm muối ớt thì…. đứa nào mà chẳng níu tay ông Thầy đòi hái cho được….

Ðó là chưa kể đến những quày chuối chín bói bị chim ăn…Vừa trồng hoa đẹp vừa trồng một… lô cây ăn trái… Nhưng dân làng lại thích vườn cây thuốc Nam của Thầy hơn hết…

Ở trong làng ai bị bất cứ bịnh gì cũng đều chạy lên chùa tìm Thầy xin ít lá thuốc….Ai thấy trong người hơi bần thần dã dượi thì lên chùa xin một nồi lá xông, ai bị nghẹn hơi khó thở thì lên chùa xin vài hạt tiêu tươi về uống với nước ấm, đàn ông thì bảy hạt đàn bà thì chín hạt… Bị ghẻ ngứa thì xin ít lá kiến cò giã lấy nước thoa là ghẻ rạp xuống liền… Con nít bị đẹn thì xin ít cỏ mực về rơ miệng… hay là tay ai bị phèn ăn lở thì cũng lên chùa tìm Thầy xin vài lá của cây hoa móng tay giã nhỏ thoa lên là hết…

Chẳng những vậy mà dân làng còn khắn khít với chùa và thân kính Thầy qua những vụ người ta nhờ Thầy… xử kiện bất đắt dĩ… Thường thường, nếu dân trong làng có tranh chấp hay bất hoà gì thì người ta thường kéo nhau lên chùa nhờ Thầy phân xử… Những lúc như vậy thì người ta kéo theo lên chùa rất đông để nghe Thầy xử, vì nói là Thầy xử nhưng thật ra Thầy lấy giáo lý Phật giảng cho một hồi rồi thì ai cũng vui vẻ trở lại và ra về… Sau mỗi lần như vậy thì người ta mang hoa quả lên chùa trước là cúng Phật sau là tạ ơn Thầy… mà tụi nhỏ chúng tôi là những người được Thầy chia lộc nhiều nhứt….

Còn một đều nữa, tuy dân trong làng ai cũng sống với nghề chính là làm muối, nhưng nhà nào cũng có một đám rẫy nho nhỏ để trồng các thứ như bắp, khoai, dưa, đậu hoặc rau cải hành ớt…v..v… để bán vào những ngày có nhóm chợ… Hàng ngày họ ra rẫy và trở về theo tiếng chuông chùa công phu sáng chiều… Cho nên dân trong làng cho dù có đi đâu xa nhưng trong tâm tư vẫn còn âm vang của tiếng chuông chùa…. Vào những buổi bình minh, mặt trời lên còn chưa trọn vẹn, những tia nắng yếu ớt của ban mai chưa đủ sức xóa tan làn sương mờ đang bao phủ thôn làng… Mấy tiếng chuông chùa vang lên đồng vọng làm cho người ta có cái cảm giác thanh thản nhẹ nhàng và tâm tư của mọi người như bị lôi cuốn về một nơi mông lung vô tận nào đó….

Vì mối thân thương khắn khít đó đối với ngôi chùa làng, đối với Thầy mà sau này khi tụi nhỏ chúng tôi đã lớn lên cho dù có lập nghiệp ở đâu xa tâm tư chúng tôi cũng hướng trọn về ngôi chùa cũ làng xưa… Và cũng từ đó chúng tôi trộm nghĩ rằng, cho dù hiện tại chúng ta đang sống tha hương trong một đất nước thanh bình hoàn toàn tự do nhưng chúng ta cũng nên gieo vào lòng con cháu chúng ta một hột giống Phật bằng cách hướng dẫn chúng đến chùa nếu có cơ hội thuận tiện… Bởi vì không riêng gì chúng ta mà cả thế giới hiện nay đang có phong trào ăn chay và tìm hiểu giáo lý Phật… Hơn nữa tôi đã có nghe hay đọc ở đâu đó hai câu thật ý nhị…

.
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống lâu đời của tổ tông……
.
Nguồn: vuonhoaphatgiao 
.

Sự khác biệt giữa hoa sen và hoa quỳ

Hoa sen và hoa quỳ (hay còn gọi là sen quỳ) là hai loại hoa cùng họ nên trông rất giống nhau. Bởi lẽ đó mà nhiều người thường xuyên bị nhầm lẫn giữa hai loại hoa này.

Trong khi hoa sen thường được mua để cắm trang trí hoặc để ướp trà thì hoa quỳ chủ yếu chỉ được trồng để lấy đài và hạt sen. Giá bán hoa quỳ rẻ hơn nhiều so với hoa sen.

Chú ý quan sát kỹ màu sắc bên ngoài hoa

Mặc dù trông rất giống nhưng nếu đặt hoa sen và hoa quỳ cạnh nhau và so sánh màu sắc bên ngoài của chúng thì bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt.

– Cánh hoa sen có màu hồng tươi, búp sen to tròn và mập mạp.

– Hoa quỳ có cả màu hồng và màu trắng, nếu là màu hồng thì màu sẽ đậm hơn rất nhiều so với màu hồng tươi của hoa sen. Cánh hoa quỳ phía bên ngoài hơi thâm, đầu cánh nhọn và lòng cánh hoa bé. Nhìn chung tổng thể thì chiều dài của búp hoa quỳ sẽ dài hơn so với chiều dài của một búp hoa sen.

Ngoài ra, mỗi khi mua, bạn nên cầm bó hoa dốc ngược xuống đất và rũ nhẹ, nếu cánh hoa dễ rụng thì đó là hoa quỳ, và ngược lại thì là hoa sen.

Phân biệt hoa sen và hoa quỳ dựa
trên hình dáng bên trong

Với những bông hoa đã nở thì bạn có thể phân biệt hoa sen và hoa quỳ dựa trên sự khác biệt về hình dáng bên trong.

– Cánh hoa sen bên trong có màu phớt hồng, hoặc thậm chí là màu trắng hơi hơi hồng mà thôi. Khi nở, bạn có thể thấy bông hoa sen có rất nhiều tầng cánh bao quanh đài hoa.

– Hoa quỳ thì ngược lại. Cánh hoa bên trong có màu rất nhạt, bông hoa quỳ mặc dù to nhưng chỉ có một lớp cánh duy nhất bao quanh đài.

Do đó, bạn có thể dùng tay sờ nắn vào búp hoa và cảm nhận độ mỏng dày để phân biệt dễ dàng đâu là hoa sen, đâu là hoa quỳ .

Bí quyết phân biệt dựa vào thân hoa
và hương thơm tỏa ra

Thân hoa sen thường thẳng và ít gai, đồng thời cuống hoa nhỏ, trong khi thân hoa quỳ thì xù xì nhiều gai hơn. Nếu bị gai hoa sen cào xước thì bạn sẽ không có cảm giác, đau nhức và tê buốt như gai hoa quỳ .

Hương hoa sen thường dịu mát và có khả năng lan tỏa, dù bạn đứng xa vẫn có thể cảm nhận được hương thơm đặc trưng và thoang thoảng của nó. Còn hương hoa quỳ thì nồng và hắc hơn mỗi khi đưa gần mũi, nhưng nếu đứng ở xa thì bạn khó có thể cảm nhận được.

So sánh mức giá của hoa sen và hoa quỳ

Hoa sen ‘chính hiệu’ có giá bán khá đắt, đặc biệt là giống hoa sen ở khu vực các đầm sen Tây Hồ. Nếu bạn muốn yên tâm thì có thể ra đó vào buổi sáng sớm để mua được những bó hoa sen đẹp và tươi với mức giá khoảng 60 – 70 nghìn đồng/bó.

Còn nếu mua tại các gánh hoa bán rong thì rất có thể bạn sẽ mua nhầm hoa quỳ với mức giá chỉ khoảng 20 – 30 nghìn đồng/bó.

Cách giữ hoa sen tươi lâu

Hoa sen là một loài hoa bình dị, thanh cao và thuần khiết, vốn dĩ được xem là loài hoa biểu tượng cho con người và cho đất nước Việt Nam. Chính sự nhẹ nhàng cùng dáng vẻ khoan thai, yên bình của nó là lý do khiến nhiều người rất thích và lúc nào cũng muốn có một bình hoa như thế trong nhà. Sen không chỉ dùng để trưng bày và để ngắm mà dường như nó đã ăn sâu vào cuộc sống của người Việt.

Cách chọn hoa sen chuẩn nhất

Để giữ hoa sen tươi lâu sau khi cắm vào bình thì trước hết, bạn cần phải biết cách chọn hoa sen thật chuẩn dựa trên những tiêu chí sau:

– Chọn những bông búp, chưa nở, đồng thời tránh những búp sen không được tươi, bị trầy xước, thậm chí là dập nát và có sâu.

– Chọn những bông sen có cánh hoa dày dặn, kích thước giữa bông hoa và cành hoa cân đối với nhau sẽ giúp hoa tươi lâu hơn.

Chọn mua những búp sen tươi, cành dày dặn, không bị trầy xước, dập nát hay sâu bệnh

Lưu ý trước khi cắm hoa sen

Chuẩn bị đóng vai trò rất quan trọng trong cách giữ hoa sen tươi lâu. Trước hết là bình hoa cần phải được rửa thật sạch và hong thật khô để loại bỏ vi khuẩn; tiếp đến là gốc cành hoa cần phải được cắt vát một góc 45 độ để hoa dễ dàng hút nước nuôi cơ thể hơn; đồng thời, với hoa sau khi mua về, bạn cần ngâm trong nước từ 5 – 10 phút trước khi cắm vào bình.

Ngoài ra, nếu muốn giữ hoa sen tươi lâu hơn nữa, bạn có thể buộc vào gốc cành hoa một ít bùn, sau đó cắm trong nước muối loãng trước khi cắm nhé. Cách làm này sẽ giúp hoa sen giữ được nước và tươi lâu hơn cả.

Cách giữ hoa sen tươi lâu khi cắm hoa vào bình

Xong công đoạn chuẩn bị, khi cắm hoa sen vào bình, bạn nên dùng nước sạch, cho thêm vào nước 1 – 2 viên aspirin nghiền nhỏ hoặc hỗn hợp gồm 2 thìa cà phê nước cốt chanh, 1/2 thìa cà phê thuốc tẩy, 1 thìa cà phê đường (dùng cho 0,946 lít nước cắm hoa)  sẽ giúp hoa tươi lâu hơn.

Việc cắm hoa sen không phức tạp như khi cắm các loài hoa khác, bởi lẽ bạn không cần phải cắt tỉa, uốn nắn hay tạo dáng nhiều. Chỉ cần là một bình hoa đơn thuần theo kiểu tỏa ra cũng đã đủ đẹp và mang đến cho không gian ngôi nhà của bạn sự thanh cao, bình dị và thoáng mát .

Bí quyết trưng hoa tươi lâu thật lâu

Khâu bảo quản hoa trong quá trình trưng bày cũng rất quan trọng. Cánh hoa sen vốn dĩ mỏng manh nên sẽ nhanh bị héo úa trước ánh nắng trực tiếp, do vậy, tốt nhất là bạn nên trưng hoa ở nơi mát mẻ, đồng thời thay nước cho hoa mỗi ngày vào buổi sáng hoặc chiều tối .

Mặt khác, bạn cũng đừng quên ‘tắm’ cho hoa bằng cách mang bình hoa ra ngoài trời khi đêm xuống, bởi hứng sương đêm cũng là một cách tuyệt vời để giúp hoa sen tươi lâu hơn.

Trưng bày hoa sen ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời

Source: LamSao

Viền nhún cánh hoa sen cần sự tỉ mỉ, khéo tay cũng là một phương cách giữ cho cánh hoa sen được tươi lâu hơn.

ST.

Chuyển đến trang:  1   3  4  5  6  7  8  9  10 10a 10b 10c 11 12 13 14 15 16 17 18 18a 19 20 21 22 23 24 25 26  26a 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44