Recent Pages: 1 2 3 4 4a 5 6 7 8 9 10 10a 10b 10c 10d 11 12 13 15 16 17 18
18a 19 20 21 22 23 24 25 26 26a 27 28 29 30 31 32 33 34
35 35a 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54
55 56 57 58 59 60 61
Hình ảnh cắm hoa Buổi Lễ Trai Ðàn Chẩn Tế
do các Ni và Phật Tử tại Chùa Pháp Ðạt thực hiện
Ý NGHĨA TRAI ĐÀN BẠT ĐỘ, CHẨN TẾ ÂM LINH CÔ HỒN
Trong các lễ cúng thí Cô hồn, Trai đàn Chẩn tế được tổ chức quy mô nhất, bao hàm cả hai khía cạnh văn chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởng và văn học Phật Giáo Đại thừa Mật Tông được gói trọn vào đây.
Ý nghĩa trai đàn Bạt độ
Giải oan Bạt độ có nghĩa là cỡi bỏ oan khiên trói buộc, nhổ sạch phiền não đưa hương linh qua sông mê về bến giác. Lễ giải oan Bạt độ mang một tính cách vô cùng quan trọng là ta luôn nghĩ đến những oan hồn uổng tử, những bất đắc kỳ tử trong thân thuộc giòng họ đang chơi vơi nơi cảnh ngạ quỷ cô hồn chưa được siêu thoát mong được hoá giải cứu độ.
Trong hành lễ, Sám chủ xử dụng ấn chú và cây Tích trượng trong hình thức giải oan:( Triệu thỉnh, Phá địa ngục, Giải tội khiên, Sám hối, Quy y ).
Cây Tích trượng còn có tên là Thanh trượng, Minh trượng, Trí trượng hay Ðức trượng.
Hiển giáo dùng làm gậy khi đi khất thực và đuổi trùng thú. Theo Tích trượng kinh: -Tích trượng của Phật Ca Diếp có hai gọng và 12 vòng tượng trưng cho hai đế (chơn đế và tục đế) và thập nhị nhân duyên.
-Tích trượng của Phật Thích Ca có 4 gọng và 12 vòng tượng trưng cho tứ đế và thập nhị nhân duyên
Mật giáo thì cho đó là cây Thập Pháp Giới do 5 đại tạo thành, là hình Tam Muội Da của đức Ðịa Tạng có 6 vòng tượng trưng lục độ, trên đầu gậy có 5 bánh xe tượng trưng Bảo tháp. Hình thức dẫn độ hương linh qua cầu từ bến mê về bờ giác, bẽ gảy chiếc cầu giữa đôi đường mê giác, ân cần nhắc nhở chư hương linh đoạn tuyệt với quá khứ xấu xa, chuyên tâm tu hành thánh đạo:” Ðoạn nhất thiết ác, tu nhất thiết thiện, độ nhất thiết chúng sanh”.
Hơn nữa, trong kinh Pháp Cú, Phật cũng đã dạy:”Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ các trạng thái tâm lý và hành vi”.Nếu con người hành động hay nói năng với một tâm ác xấu thì khổ não sẽ lê bước theo sau người ấy như bánh xe lần theo dấu chân của con bò kéo xe. Ngược lại nếu con người hành động bằng tâm thiện lành thì hạnh phúc sẽ đuổi theo người ấy như bóng không rời hình”
Với tâm thiện lành từ đây chắc hẳn âm linh thoát khỏi cảnh khổ phiêu bồng, chúng ta cũng không còn dây dưa với nghiệp cảm ấy nữa.
Ngoài ra chúng ta còn có những cách bạt độ khác thuần túy như: quy y linh, vớt vong, thuyết linh.v.v…
GIẢI THÍCH ĐỀ MỤC:
- Trai đàn ( 齋 壇 ) nghĩa là Đàn chay. Trai, là chỉ tổ chức cúng lễ hoàn toàn dùng đồ thực phẩm hoa quả, đèn nến chay tịnh. Đàn, là cách thiết lập hình thức lớn và tuân thủ một nguyên tắc nhất định. Ở đây Đàn tràng tuân thủ theo nguyên tắc bố trí Mạn Đà La của Mật tông.
- Chẩn tế ( 振 濟 ) nghĩa là cấp phát và cứu giúp. Đây là một hình thức Bố thí cho cõi âm. Vì vậy, để người trong Âm giới hưởng được lợi lạc, không còn bị đói khổ hành hạ mà nhẹ nhàng siêu thoát, chúng ta phải vận dụng Nghi thức Đàn Tràng để đạt đến năng lực vô biên từ Thân- Khẩu- Ý thanh tịnh, mới mong cứu giúp các Vong hồn.
- Giải oan ( 解 冤 ), Giải là cởi bỏ, oan là oan nghiệp oán thù, Nghĩa là cởi bỏ sự níu kéo oán thù của nhau. Khi sống, ta vô tình hay hữu ý tạo ra hiểu lầm, hay vì u mê, khốn khổ, sân hận đưa đến oán ghét muốn trả thù làm hại nhau.v.v. Vì oán hận nhau mà ta cột ta với người khác bằng sợi dây oan nghiệt. Bởi vậy, chỉ có Năng lượng vô biên của Phật pháp được tạo ra bởi sức chú nguyện của chư Tăng trong Đàn Tràng mới mong cắt đứt sợi giây oan khiên nhiều đời nhiều kiếp.
- Bạt độ ( 拔 度 ). Bạt là nhổ lên, độ là đi qua. Muốn thuyền qua được bờ bên kia, ta phải nhổ cái neo cắm, đã cột chặt chiếc thuyền vào bờ bên này. Ta muốn Hương linh của chúng ta thoát mình ra khỏi những ràng buộc trong oan khiên nghiệp chướng nhiều đời để lên được bến bờ giải thoát, ta phải giúp họ nhổ sạch gốc rễ lầm lỗi. Do tham lam, do sân hận, do si mê mà ta như cái cây, càng sống càng đâm rễ bám sâu vào mảnh đất của tội lỗi nghiệp chướng. Không nhờ Đàn tràng với sức mạnh của công năng tập thể, ta không nhổ sạch được gốc rễ tội chướng.
Ý NGHĨA TRAI ĐÀN BẠT ĐỘ CHẨN TẾ:
Trong tinh thần Phật giáo Đại thừa, “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, không phân biệt màu da, chủng loại, còn sống hay đã khuất đều độ khắp qua nhiều phương tiện mà Trai đàn Bạt độ Chẩn tế là một trong những phương tiện ấy. Chúng sanh khi còn sống đã tạo nhiều nghiệp thì khi chết cũng xảy ra nhiều hình thức: chết nước, xe cộ, trong chiến tranh, bị đâm chém, uống thuốc độc, loài khác cắn, té sông biển, sụp hầm… bằng nhiều cách như thế nên chưa được siêu thoát, vất vưởng đó đây, qua nhiều hình thái khác nhau. Cảm thương cho những vong hồn ấy mà Nguyễn Du, trong Văn tế thập loại chúng sanh viết:
“Mỗi người một nghiệp khác nhau,
Hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ”.
Rất nhiều thành phần chết theo nhiều cách, gọi chung là “Thập loại Chúng sinh” hay “Thập loại Cô hồn”.
Theo bộ Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi do ngài Tam Tạng Bất Không Kim Cang dịch từ Phạn sang Hán vào đời Đường, thì Thập loại cô hồn gồm có:
1. Thủ hộ quốc giới: là loại oan hồn vì nước bỏ mình.
2. Phụ tài khiếm mạng: là loại oan hồn chết vì trái chủ oan gia, trụy thai, hay sẩy thai.
3. Khinh bạc Tam Bảo: là loại oan hồn vì tạo nghiệp bất hiếu, phụ nghịch, vô đạo, khinh chê Tam Bảo.
4. Giang hà thủy nịch: là loại oan hồn chết sông, chết biển.
5. Biên địa tà kiến: là loại oan hồn ở nơi biên ải hẻo lánh xa xăm.
6. Ly hương khách địa: là loại oan hồn phiêu bạc tha hương, chết đường, chết bụi.
7. Phó hỏa đầu nhai: là loại oan hồn chết vì tự tử, trầm mình xuống sông, núi, chết đâm, chết chém..
8. Ngục tù trí mạng: là loại oan hồn chết vì bị tra tấn, khổ nhục trong lao tù.
9. Nô tì kết sử: là loại oan hồn chết vì bị đánh đập, hành hạ, đày đọa.
10. Manh lung ám á: là loại oan hồn lúc sống bị đui, què, câm, điếc, cô quả không ai chăm sóc.
Mười loại cô hồn này sống không yên một nơi, nay nơi này mai nơi khác, tùy theo hoàn cảnh mà nương tựa, xuất hiện. Có những loại cô hồn bản tánh xan tham, thấy thức ăn là giành dựt cấu xé lẫn nhau, gây đau khổ với nhau. Hoặc có loại cô hồn nhìn thức ăn hóa ra máu không ăn được, chịu mọi thống khổ không sao kể siết, hứng nhận mọi cực hình. Đức Phật phóng quang thấy mọi cực khổ ấy, Ngài đem lòng thương vô hạn, thiết bày ra nhiều phương cách để cứu độ, không phân biệt loại hạn nào “Chúng sanh vô biên khổ nguyện độ khắp”, hay “Độ tận chúng sanh mới thành Phật” của Ngài Địa Tạng Bồ Tát. Đó là lý do có Trai đàn Bạt độ Chẩn tế. (Thích Huệ Khánh trích soạn)
B. NGUYÊN NHÂN TRAI ĐÀN BẠT ĐỘ CHẨN TẾ:
Một đêm khuya vắng nọ, ngài A-Nan đang ngồi tu tịnh, bỗng thấy một con quỉ gọi là Diệm Khẩu, miệng đỏ rực lửa, thân hình quái dị, bảo A-Nan rằng: “Trong ba ngày nữa ông sẽ chết”. A-Nan nghe vậy quá hoảng hốt. Sáng hôm sau, Ngài A Nan đem việc ấy trình Đức Phật và hỏi nguyên do. Đức Phật giải thích xong dạy ngài A Nan phương pháp cứu giúp.
C. GIÁ TRỊ PHƯƠNG PHÁP CỨU TẾ NGẠ QUỶ:
Như đoạn trước đã trình bày, tinh thần Đại thừa Phật giáo không những độ sanh mà còn độ tử. Chúng sanh bị đọa vào địa ngục nếu không có phương pháp cứu tế thì bao giờ mới thoát khỏi mọi đau khổ, sẽ chìm đắm địa ngục mãi. Nh ư kinh Địa Tạng dạy : “Người nam người nữ nào, lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà tạo nhiều tội lỗi, sau khi chết, hàng thân quyến vì người chết mà tu tạo phước lợi, làm tất cả việc Thánh Đạo, thì trong 7 phần, người chết hưởng 1 phần để siêu thoát, 6 phần còn lại, người sống hưởng ” (phẩm thứ 7).
Do vậy, độ sanh là trách nhiệm, độ tử là một hạnh nguyện của người con Phật, của tinh thần đại từ đại bi, đại nguyện của đạo Phật. Chính vì thế, ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát đã phát nguyện: “Khi nào độ hết chúng sanh khổ đau nơi địa ngục, Ngài mới thành Phật”. Muốn cứu độ chúng sanh phải dùng phương tiện, giống như muốn có cơm ăn no khỏi đói, khỏi đau bụng thì phải dùng lửa, điện… hạt gạo mới chín thành cơm để ăn. Cũng thế, chư Phật, Bồ tát muốn cứu giúp chúng sanh còn sống hay đã chết, quý Ngài dùng nhiều phương tiện để “âm dương lưỡng lợi” người sống an lòng việc mình đã làm đối với người đã khuất, người chết nhờ công đức này thoát cảnh đau khổ.
Cho nên, Trai đàn Bạt độ chư hương linh, Chẩn tế cô hồn là một việc làm cần có đối với người con Phật. Tuy nhiên, việc lập đàn Bạt độ, chẩn tế phải đúng Pháp không nên bày vẽ những hình thức phí tiền của như đốt vàng bạc, làm hình nộm thế thân, tất cả những việc ấy không đúng tinh thần Phật dạy. Đúng Pháp ở đây cần nêu lên vài điều căn bản:
1. Chư Tăng chứng minh, thực hành lễ tế độ phải thanh tịnh chí tâm.
2. Lòng thành người lập đàn phải chí thành.
3. Thiết trí phải trang nghiêm, khuôn viên lễ phải sạch sẽ, không ồn ào.
Chính nhờ những điều căn bản trên, Trai đàn sẽ có kết quả, chư hương linh, cô hồn, ngạ quỷ nương nhờ công đức này mà được siêu thoát hướng tâm tu thiện, cải tà quy chánh, quy kính Tam Bảo.
Người con Phật làm được hạnh nguyện này là pháp bố thí rất lớn, tạo được thiện nghiệp, Bồ đề tâm mở rộng, Đạo nghiệp sáng trong, trí tuệ phát triển.
Trong vòng sanh tử, tử sanh bất tận của mỗi kiếp người không ai không có bà con quyến thuộc. Kiếp sống một chúng sanh nào đó, họ chưa có duyên lành gặp Phật Pháp, chưa rõ lẽ nhân quả, nghiệp báo, nên khi chết làm sao tránh khỏi sự đọa lạc nơi chốn đau khổ, cực hình, đói khát vô cùng, vất vưởng đó đây, hang cùng hẻm nọ. Chỉ có Đức Phật, chư Bồ Tát chứng ngộ mới thấy rõ nghiệp lành, dữ của chúng sanh mà dạy lại chúng ta. Chúng ta chưa chứng làm sao thấy sự đau khổ của họ! Vì vậy, với lòng thương vô hạn những kẻ chết nhiều nghiệp khác nhau, Đức Phật dạy chúng ta lập đàn Bạt độ, chẩn tế, giúp người đã khuất mau thoát cảnh cực hình. Cho nên, những người làm con, làm cha mẹ, làm anh chị không thể làm ngơ trước cảnh người thân mình rên siết khổ đau nơi tăm tối.
Do vậy, truyền thống này được lưu mãi đến ngày hôm nay, đặc biệt mỗi tự viện, khi có những Phật sự lớn, như Cầu an, Khánh thành, Đại tiểu tường một Sư trưởng trong chùa tịch hay hàng Phật tử tại gia thiết lễ chung thất, đại tiểu tường người thân quá cố hoặc những công sở, công ty lập đàn Bạt độ cho chư hương linh trong khu vực.
Theo tinh thần dân gian, lập đàn Bạt độ chư hương linh, chư cô hồn được siêu thoát, họ sẽ đáp đền: làm ăn được hanh thông, phát đạt trong tinh thần “cứu vật vật trả ơn” hay “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”
Nguồn: Quan Âm Buddhist Temple, Greensboro NC
Ý nghĩa Trai Đàn Chẩn Tế
1. Dẫn nhập
Trong chân lý giới hạn (chân lý thế gian hay tục đế, saṁvṛti-satya), thế giới quan của Phật giáo gồm có ba cõi (trayo dhātavaḥ) là :
– Dục giới (kāma-dhātu),
– Sắc giới (rūpa-dhātu)
– Và vô sắc giới (ārūpya-dhātu);
Hay lục đạo (ṣaḍakula) là
– Địa ngục đạo (narakagati),
– Ngạ quỷ đạo (pretagati),
– Súc sanh đạo (tiryagyonigati),
– A-tu-la đạo (asura-gati),
– Nhân gian đạo (manuṣya-gati)
– Và Thiên đạo (deva-gati).
Tam giới hay lục đạo luân hồi có vô lượng vô biên thế giới. Mỗi thế giới cũng có vô lượng vô biên chúng sinh sinh sống. Tùy theo nghiệp (karman) của mình đã gây tạo bằng hành động, lời nói và ý nghĩ thông qua thân (kāya-karma), miệng (vāk-karma), và ý (manas-karma) mà chúng sinh nhận lấy một cảnh giới hay một hoàn cảnh sống tương ứng. Nếu nghiệp thiện (kuśala) thì sẽ tương ứng với cảnh giới thiện, đó là a-tu-la, người và trời; nếu nghiệp bất thiện (akuśala) thì sẽ tương ứng với cảnh giới bất thiện, đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Cảnh giới bất thiện là cảnh giới mà chúng sinh trong đó có hoàn cảnh sống hoàn toàn phải chịu khổ đau, nhưng cảnh giới thiện không có nghĩa là chúng sinh ở trong đó hoàn toàn hưởng thụ hạnh phúc. Theo Phật giáo, chúng sinh sống trong phạm vi ba cõi đều phải chịu khổ đau, mà nỗi khổ đau lớn nhất là phải trôi lăn trong đêm dài tăm tối sinh tử luân hồi. Khổ đau có rất nhiều nguyên do, nhưng gốc rễ chính là tam độc: tham lam (rāga), giận hờn (dveṣa) và si mê (moha, hay vô minh: avidyā).
Muốn thoát khỏi khổ đau cần phải nhổ tận gốc rễ tam độc. Mục đích cứu cánh của Phật giáo là ly tham, giải thoát. Để đạt được mục đích cứu cánh ấy, Phật dạy tám vạn bốn ngàn pháp môn, và pháp môn nào cũng phải đi qua Giới, Định và Tuệ. Tựu trung có ba con đường đi đến giác ngộ giải thoát là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Thiền tông chú trọng tự lực. Tịnh độ tông chú trọng tha lực. Mật tông thì phối hợp cả tự lực và tha lực. Trai đàn bạt độ là một hình thức tổng hợp sức mạnh của tự và tha ấy.
2. Ý nghĩa đàn tràng
Trai đàn (齋壇) có nghĩa là một đạo tràng thanh tịnh. Bạt là nhổ lên, độ là vượt qua, thoát khỏi. Trai đàn bạt độ là một đạo tràng thanh tịnh được tổ chức để nhổ bật gốc rễ của lòng tham để vượt qua các nẻo luân hồi.
Về hình thức, trai đàn được bố trí theo một hình thức đơn giản của một trong hai bộ mạn-đà-la (maṇḍala), đó là Kim cang giới mạn-đà-la (vajradhātu-maṇḍala) biểu tượng cho trí tuệ sở chứng của Phật, hay Thai tạng giới mạn-đà-la (garbhadhātu-maṇḍala) biểu tượng cho phương tiện độ sinh của Ngài.
A – Kim cang giới mạn-đà-la có dạng cơ bản là một hình tròn, gọi là nguyệt luân (candra-maṇḍala). Bên trong hình tròn được sắp xếp như sau:
– Chính giữa là vị trí đức Đại Tỳ-lô-giá-na, hay Đại Nhật Như-Lai (MahāVairocana-Tathāgata). Đó là Pháp thân Phật (DharmakāyaBuddha), như mặt trời bủa rộng ánh sáng bình đẳng và bao dung cùng khắp cả vũ trụ. Trong năm đại (pañcadhātu), Ngài biểu tượng cho không đại (ākāśadhātu), và bản chất của hư không là bao dung. Trong năm uẩn, Ngài là biểu tượng của thức uẩn (vijñāna-skandha). Trong năm loại trí, Ngài biểu tượng cho Pháp giới thể tánh trí (dharma-dhātu-svabhāva-jñāna).
– Phương đông là A-Súc-Bệ Phật (Akṣobhya), hay Bất-Động Như Lai với các biểu tượng: Phong đại (vāyu-dhātu), nhờ đó mà vũ trụ có vận động; hành uẩn (saṃskāra-skandha), động cơ tạo tác của các loại hữu tình; đại viên cảnh trí (ādarśa-jñāna), như tấm gương tròn bao la và ngời sáng phản chiếu mọi hiện tượng sinh thành và hủy diệt của thế giới.
– Phương Nam là Bảo Sinh Phật (Ratnasambhava) với các biểu tượng: hỏa đại (tejo-dhātu), khả năng làm chín muồi để đưa đến chỗ thành tựu các vận động của chúng sinh và thế giới; tưởng uẩn (saưjñā-skandha), khả năng truy ức quá khứ và ước vọng tương lai để thúc đẩy sự tiến hành sinh hóa; bình đẳng tánh trí (samatā-jñāna), khả năng quan sát bình đẳng các pháp không bị ràng buộc ngã và pháp.
– Phương tây là A-di-đà Phật (Amitabhā): thủy đại (ab-dhātu), khả năng kết hợp các pháp để tác thành duyên sinh hay duyên khởi; thọ uẩn (vedana-skandha), khả năng hưởng thụ thành quả của các vận động; diệu quán sát trí (pratyavekśaṇā-jñāna), nhìn thấy rõ chân tướng của vạn hữu của tác dụng sinh khởi, tồn tại và hủy diệt.
– Phương bắc là Bất Không Thành Tựu Như lai (Amoghasiddhi): địa đại (pṛthivī-dhātu), khả năng duy trì sự tồn tại của vũ trụ; sắc uẩn (rūpa-skandha), tác thành thế giới hữu tình; thành sở tác trí (kṛtyānuṣṭhāna-jñāna), thể hiện các phương tiện giáo hóa chúng sinh.
Mỗi đức Như lai đều có bốn Bồ tát thân cận. Tất cả là mười sáu Đại bồ tát. Ngoài ra, nội đàn có bốn cúng và ngoại đàn bốn cúng; tất cả tám cúng dường bồ-tát. Cùng với bốn Nhiếp bồ tát nữa. Cơ bản, Kim cang giới mạn-đà-la có tất cả ba mươi bảy tôn vị.
B- Thai tạng giới biểu hiện đại bi tâm của Phật, từ đó lưu xuất tất cả các phương tiện độ sinh. Từ Thai tạng giới, vạn pháp được thai nghén và dưỡng dục, cho đến thành tựu các phẩm chất siêu việt của đại trí và đại bi. Do đó, đàn tràng của Thai tạng giới được hình dung là một đóa sen có tám cánh. Đóa sen tám cánh này chính là hình ảnh trái tim bằng thịt của chúng sinh. Đại bi tâm không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là sự rung động của trái tim bằng thịt ấy.
Hoa sen, theo ý nghĩa nhân quả đồng thời, nghĩa là khi chúng sinh vừa phát tâm bồ-đề, ngay lúc ấy Phật quả đã được thành tựu. Bởi vì, trong thể tính tuyệt đối, ý niệm về thời gian và không gian không tồn tại. Từ ý nghĩa đó, tám cánh sen gồm bốn Đại Bồ tát, và bốn đức Như lai, biểu hiện nhân cách của nhân và quả; tất cả đều phát xuất từ thể tính của Đại Nhật Như lai vốn là đài sen, ở trung tâm của mạn-đà-la.
Bốn đức Như lai, theo thứ tự từ Đông qua Bắc như sau:
– Phương đông, Bảo Tràng Phật (Ratnaketu). Ngài là hình ảnh của bồ đề tâm (bodhicitta). Bảo tràng làm tiêu xí cho sự phát bồ đề tâm. Dưới cội bồ đề, Như lai đã dương cao tiêu xí này mà đánh bại binh chúng Ma, thành tựu Vô thượng Chánh giác.
– Phương nam, Khai Phu Hoa Vương Như lai (Kusumita-rāja), an trụ trong ly cấu tam-muội (vimala-samādhi), bằng hạt giống bồ-đề tâm mà vun trồng và phát triển thành vô số hành động của đại bi, như đóa hoa nỡ rộ.
– Phương tây, Vô Lương Thọ Như lai (Amitayus), biểu hiện Báo thân hay Thọ dụng thân của Phật (Sambhoga-kāya), kết quả của vô số công đức tu tập, với hình ảnh hoa sen hàm tiếu.
– Phương bắc, Thiên Cổ Lôi Âm Phật (Divyadundubhi), biểu hiệu phẩm tính của Niết bàn; được ví dụ như chiếc trống trời, vốn không hình tướng nhưng âm vang rền xa. Đó là pháp âm của Như lai được công bố.
Ở bốn phương góc là bốn Đại Bồ tát. Phương đông nam, Phổ Hiền Bồ-tát (Samantabhadra). Đông bắc, Quán Tự Tại Bồ-tát (Avalokiteśvara). Tây nam, Diệu Cát Tường Đồng tử (Mañjuśrì-kumàra). Tây bắc, Từ Thị Bồ-tát (Maitreya).
Chung quanh trung đài bát diệp viện gồm bốn lớp, mỗi lớp có bốn viện. Mỗi viện biểu thị một phương diện độ sinh của Phật.
Cả hai bộ mạn-đà-la cũng có thể tượng trưng như hai bàn tay. Bàn tay mặt là Kim cang giới. Từ ngón út cho tới ngón cái, theo thứ tự: Về năm uẩn, ngón út là sắc uẩn, và lần lượt là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Về năm đại, năm loại trí, và năm vị Như Lai cũng theo thứ tự tương xứng đó. Về các ba-la-mật, tính từ ngón út: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn cho đến ngón cái là thiền định ba-la-mật.
Bàn tay trái là Thai tạng giới; cũng tính từ ngón út cho đến ngón cái theo thứ tự, với năm đại, năm uẩn, v.v… như bàn tay mặt. Về các ba-la-mật: huệ, phương tiện, nguyện, lực và trí.
Như vậy, khi hai bàn tay hiệp lại, trọn vẹn cả bi và trí của Phật. Đàn tràng chẩn tế được bố trí dựa trên căn bản vũ trụ luận khái lược, với một ít thay đổi. Đơn giản mà nói, đàn tràng được bố trí như là thâu gọn thế giới vũ trụ thành một thực tế hiện hữu cụ thể trước mắt.
Mục đích của sự bố trí này là cốt khai triển năng lực gia trì hổ trợ của Phật (adhiṣṭhānādhiṣṭhita). Mật giáo nói: Phật thể hiện phương tiện độ sinh của Ngài bằng vào uy lực gia trì. Gia trì về ba phương diện, mà thuật ngữ gọi là “tam mật du-già”, tương xứng theo ba hành nghiệp của một chúng sinh: thân, miệng và ý. Sự gia trì, tức uy lực hỗ trợ của Phật, được thể hiện nơi thân của một chúng sinh qua các tư thế ngồi và các thủ ấn, nghĩa là các ngón tay của hai bàn tay giao nhau trong một tư thế nào đó đã quy định. Gia trì nơi miệng được thể hiện qua sự tụng niệm các chân ngôn. Ý mật gia trì nhờ sự quán tưởng về hình tướng Phật, hay các văn tự theo lối viết Brahmì, mà trong Phật giáo gọi là tự mẫu tất-đàm (siddhaṃ).
Tổng hợp sức mạnh của “tam mật du-già” sẽ tác động lên tâm thức của chúng sinh khiến tâm thức ấy chuyển hóa mọi tâm lý tham lam, giận hờn, si mê, biết lắng nghe, thấu hiểu, biết buông bỏ mọi oán thù oan trái… để hướng tâm đến vô ngã, vị tha, và ngay đó chúng sinh được giải thoát.
3. Đối tượng của đàn tràng
Đối tượng chính của trai đàn bạt độ là chúng sinh trong đường ngạ quỷ, mà chúng ta vẫn thường nói nôm na là ma hay cô hồn. Đó là những người chết chưa được siêu thoát. Những người đó có thể là cha, mẹ, anh, em, bà con của chúng ta. Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, Đại tạng kinh Đại chính tân tu, tập 21, tr. 483b, liệt kê tất cả mười loại cô hồn, như sau:
1. Thủ hộ quốc giới: những oan hồn vị quốc vong thân, tức những chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, nhưng nói chung là tất cả những người tử trận ở cả hai đầu chiến tuyến.
2. Phụ tài khiếm mạng: chết vì oan gia trái chủ, nợ nần, trụy thai.
3. Khinh bạc Tam bảo: bất hiếu, bội nghịch vô đạo.
4. Giang hà thủy nịch: thương khách chết sông, chết biển.
5. Biên địa tà kiến: những người sống tại biên ải hẻo lánh.
6. Ly hương khách địa: cô khổ phiêu bạt, chết đường chết xá, những người vì hoàn cảnh nào đó phải rời bỏ quê hương đi tìm con đường sống, phải vượt biên và đã bỏ mình oan uổng giữa biển khơi muôn trùng…
7. Phó hỏa đầu nhai: tự tử, nhảy sông, nhảy núi, chết đâm, chết cháy, chết do tai nạn giao thông…
8. Ngục tù trí mạng: chết trong ngục tù.
9. Nô tì kết sứ: nô lệ cùng khổ, chết vì đày đọa lao dịch.
10. Manh lung ám á: đui, què, câm, điếc, không người chiếu cố.
Các khoa nghi khác còn kể thêm một số cô hồn nữa, như: vua chúa, quan văn, quan võ của các triều đại, chết do tai nạn bị cướp ngôi hay nuôi mộng nhất thống giang hà nhưng chưa thành tựu; sinh viên học sinh ngày đêm học tập nuôi mộng công danh nhưng nửa chừng chết yểu; các tu sĩ, đạo sĩ vì một số lý do nào đó hoặc chưa ngộ đạo nên cứ quanh quẩn nơi chùa xưa, miếu cũ một thời họ sinh sống.
Những chúng sinh trong đường ngạ quỷ phải chịu cảnh sống vô cùng khổ đau. Một mặt, do vì nghiệp duyên đã gây tạo, dù đã chết nhưng họ vẫn cứ mãi ôm ấp hận thù, quyến luyến đời sống thế gian, tham tiếc tài sản… ; một mặt không người thờ cúng, nhớ tưởng nên họ sống trong cảnh lạc loài, bơ vơ, chẳng người thương nhớ, chẳng chỗ nương nhờ, chẳng người cúng tế…
Do đó, chúng sinh trong đường ngạ quỷ đói khát về vật chất lẫn tinh thần.
Đức Phật với tấm lòng từ bi mẫn, xót thương tất cả chúng sinh, nên đã phương tiện thuyết ra nhiều pháp môn nhằm cứu bạt nỗi khổ đau của mọi loài, trong đó khoa nghi trai đàn bạt độ là pháp thức đặc biệt để cứu độ chúng sinh đường ngạ quỷ.
Khi thực hiện pháp sự này, nhờ uy lực của “tam mật du-già” mà chúng sinh trong đường ngạ quỷ được an ủi vỗ về bằng những lời kinh tiếng kệ được tán thỉnh lên bằng giọng ai rất tha thiết, thấm đậm tình người, nhưng cũng đầy triết lý mầu nhiệm của Phật pháp thâm sâu, đồng thời họ cũng được dự một bữa tiệc chay no nê sau bao tháng năm đói khát khốn cùng.
“Pháp lực bất tư nghì, từ bi vô chướng ngại, thất liệp thập phương, phổ thí châu sa giới”. Sức mạnh của pháp Phật không thể nghĩ bàn, với lòng từ bi không chướng ngại, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, buổi pháp thí trong hội vô giá có thể biến bảy hạt cơm tràn đầy cả mười, làm no đủ cho hằng hà sa số chúng sinh.
4. Kết luận
Trai đàn chẩn tế kỳ siêu bạt độ là một pháp môn tu trong vô lượng pháp môn. Nó là một hình thức bố thí, gồm cả tài thí lẫn pháp thí. Dĩ nhiên, sự bố thí tài vật trong đàn tràng, mặc dù con mắt phàm tục của người sống thấy chẳng có một chút hư hao, nhưng tất cả đều đã được chúng sinh trong đường ngạ quỷ thụ dụng, và họ thụ dụng bằng phương pháp thức thực và cả tư niệm thực nữa. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là pháp thí. Bởi chỉ có pháp thí mới giúp chúng sinh nhận được tài thí, và chỉ có pháp thí mới giúp chúng sinh thoát khỏi cảnh giới khổ đau, siêu sinh về miền tịnh độ.
Đối tượng chính của trai đàn bạt độ là chúng sinh trong đường ngạ quỷ, nhưng trong những chúng sinh ấy, biết đâu chừng có cả ông, bà, cha, mẹ, anh, em, bà con, bạn bè… của chúng ta?
Dù không phải là họ hàng thân thích, thì trên mảnh đất này, biết bao người đã nằm xuống cho chúng ta sống còn? Và dù những chúng sinh ấy không liên hệ gì đến chúng ta, nhưng họ đang đói rách bơ vơ thế kia lẽ nào mình lại ngoảnh mặt làm ngơ ? Cho nên, pháp hội trai đàn bạt độ là một cách để chu tất món nợ ân tình giữa người còn sống với người đã chết. Bao nhiêu oan trái, hận thù vùi chôn dưới lòng đất, chìm sâu dưới đáy biển muôn trùng hay ẩn nấp đâu đó trong tâm hồn của người chết lẫn người sống, thì hôm nay, trong hội vô giá cam lồ này, nguyện nhờ lời kinh tiếng kệ mà hóa giải oan khiên thành tình thương yêu, sự hiểu biết và lòng cảm thông, tha thứ. Xin nguyện biến oan khiên thành ân nghĩa. Ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân của trời đất, ân của đồng loại. Ân nghĩa ấy đã thắt chặt tình người qua bao nhiêu kiếp!